Airbnb: Con đường từ một startup kiệt quệ đến doanh nghiệp tỷ USD

“Người thiết kế phải trải qua chính “nỗi đau” của người dùng mới có thể cho ra đời một sản phẩm tốt” Pandora.vn – Làm thế nào Airbnb từ một startup không tăng trưởng, lỗ dài ngày chỉ với doanh thu lẹt đẹt 200 USD/1 tuần có thể xoay chuyển thành một doanh nghiệp có doanh thu hàng tỷ USD? Hãy xem những bài học rút ra từ Joe Gebbia, đồng sáng lập Airbnb để có câu trả lời.

Năm 2009, Airbnb đã gần như phá sản. Như nhiều startup khác, họ thành lập công ty nhưng chẳng mấy ai để ý. Doanh thu của công ty cứ đì đẹt ở mức 200 đô la một tuần, chia cho 3 thành viên sáng lập tại San Francisco, tức là lỗ dài và không hề tăng trưởng. Theo lời Joe Gebbia – đồng sáng lập của Airbnb thừa nhận thì đồ thị tăng trưởng của công ty là một đường thẳng nằm ngang, trong khi ai cũng biết là các nhà đầu tư mạo hiểm luôn thích tìm những công ty có tăng trưởng đi lên ấn tượng. Và họ đã buộc phải dốc hết túi tiền.

Không phải lúc nào giải quyết bằng máy móc cũng tốt

Khi đó, Airbnb đang còn trong vườn ươm Y Combinator. Một buổi chiều, cả nhóm sáng lập cùng với Paul Graham xem xét các kết quả tìm kiếm cho thành phố New York trên Airbnb để cố gắng tìm ra điều gì chưa được và tại sao công ty không phát triển. Sau đó Gebbia nhận ra,

“Chúng tôi đã nhìn ra vấn đề. Có một điểm chung trong cả 40 kết quả tìm kiếm, đó là hình ảnh quá tệ. Toàn là ảnh xấu. Mọi người chỉ dùng camera điện thoại để chụp ảnh hoặc lấy ảnh ở trên mạng. Không ngạc nhiên khi chẳng có ai muốn đặt phòng vì người ta thậm chí còn không nhìn ra nổi họ đang trả tiền cho cái gì.”

Graham đã đưa ra một giải pháp rất thủ công và không “công nghệ” tí nào: đi tới New York, mượn máy ảnh và cùng với các đối tác chụp những tấm hình thật đẹp với độ phân giải cao để thay cho những tấm hình nghiệp dư xấu xí. Nhóm 3 người họ đã bắt chuyến bay sớm nhất để đến New York thực hiện nhiệm vụ. Vào thời điểm đó không có các số liệu cụ thể nào ủng hộ quyết định này. Họ chỉ đơn giản là cứ làm thôi. Kết quả thu được sau một tuần là: những bức hình đẹp đã làm tăng gấp đôi doanh thu lên 400 đô la một tuần. Đó là cải thiện về mặt tài chính đầu tiên của công ty sau 8 tháng. Và họ biết rằng họ đã đi đúng hướng.

Đó là một bước ngoặt đối với công ty. Gebbia cho biết rằng, lúc đầu, mọi người trong nhóm đều tin rằng cần phải làm mọi thứ theo kiểu rất “công nghiệp hiện đại”. Chỉ đến khi họ tự cho phép mình thử nghiệm những phương pháp “thủ công” thì công ty mới thoát khỏi chặng đường khó khăn.

“Ở thung lũng Silicon, chúng ta có một thiên kiến rằng mọi vấn đề phải được giải quyết theo kiểu công nghệ hiện đại bởi vì đó là nét đẹp của lập trình. Bằng một đoạn mã lệnh, ta có thể giải một hay 10 ngàn thậm chí 10 triệu bài toán tương tự nhau. Trong năm đầu kinh doanh, chúng tôi dán mắt vào màn hình máy tính giải quyết vấn đề bằng các dòng lệnh. Đó là một dạng giáo điều vô căn cứ. Chỉ đến khi gặp Paul Graham tại Y Combinator, về căn bản, đó là lần đầu tiên chúng tôi thấy mình được phép làm việc một cách thủ công, và tôi không bao giờ quên thời điểm đó, thời điểm đã đưa công ty sang một trang mới.”

Người thiết kế phải trải qua chính “nỗi đau” của người dùng mới có thể cho ra đời một sản phẩm tốt

Kinh nghiệm của Gebbia về nâng cấp hình ảnh đã chứng tỏ rằng các dòng mã lệnh không thể giải quyết tất cả các vấn đề khách hàng gặp phải. Dù máy tính và các phần mềm rất mạnh mẽ chúng cũng có những giới hạn nhất định. Các nhà khởi nghiệp ở thung lũng Silicon có xu hướng cảm thấy thoải mái với vai trò làm “anh hùng bán phím” của mình. Tuy nhiên, ra ngoài gặp gỡ khách hàng hầu như luôn là cách tốt nhất để đưa ra những giải pháp thông minh cho những vấn đề của họ.

Gebbia cho rằng những bài học đầu tiên ở trường thiết kế đã định hình tư duy của anh về phát triển khách hàng,

“Nếu đang làm một thiết bị y tế, chúng tôi cũng sẽ đi ra ngoài thế giới. Chúng tôi sẽ nói chuyện với các nhà đầu tư, với tất cả những người dùng sản phẩm y tế, bác sĩ, y tá và bệnh nhân và chúng tôi sẽ có những giây phút giác ngộ khi nằm xuống giường bệnh, được khám bởi chính thiết bị y tế đó và biết được cảm giác khó chịu của bệnh nhân là như thế nào. Từ đó sẽ tìm ra cách cải thiện thiết bị tốt hơn.”

Điều này đã thôi thúc Gebbia đưa “trải nghiệm của bệnh nhân” thành giá trị cốt lõi của nhóm thiết kế. Tất cả các thành viên mới sẽ cảm nhận ngay lập tức khát khao “được trở thành bệnh nhân” khi bước vào nhóm.

“Mọi người có một hoặc hai tuần đầu tiên tham quan công ty và sau đó ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe. Chúng tôi đưa cho họ một bộ câu hỏi để trả lời và sau đó chia sẻ lại cho toàn công ty. Một điều tối quan trọng đó là tất cả mọi người trong công ty cần biết chúng tôi rất tin tưởng vào giá trị cốt lõi này, và chúng tôi sẵn sàng trả lương cho mọi người để dành một tuần đầu tham quan.”

Tại sao phải vào hải quân nếu bạn có thể trở thành cướp biển?

Dù Airbnb được vận hành chủ yếu dựa trên các số liệu nhưng họ không để các con số này thao túng mình. Thay vì phát triển theo cách phản ứng với các thang đo, các dữ liệu, họ thường bắt đầu với một giả thiết sáng tạo, đưa vào một thay đổi, xem xét ảnh hưởng tới công ty như thế nào rồi lặp lại quá trình này.

Gebbia cho hay,

“Tôi chẳng biết dữ liệu có ích gì nếu chúng ta không có một phương pháp tốt để kiểm tra lại. Dữ liệu hoàn toàn có thể sai lệch. Cách chúng tôi làm việc đó là khi chúng tôi có một ý tưởng chúng tôi sẽ thực hiện ngay cả khi chúng chưa khả thi trong việc mở rộng. Cách thức này đã được đưa vào văn hóa làm việc của công ty. Bạn sẽ làm một tên cướp biển, dấn thân đi thám hiểm và tìm kiếm của cải rồi quay về kể lại những câu chuyện của mình.”

Từng thành viên trong nhóm tại Airbnb đánh cược với những tính năng mới, sau đó tính toán xem có những thành quả ý nghĩa nào từ đó không. Nếu có, họ sẽ điều thêm cướp biển về hướng đó. Cấu trúc này khuyến khích nhân viên mạo hiểm có tính toán và năng suất trên danh nghĩa công ty để từ đó tiến tới sự phát triển những tính năng to lớn hơn. Điều này cho phép Airbnb có thể tiến rất nhanh và liên tục tìm ra những cơ hội mới.

Gebbia giải thích kĩ hơn ý tưởng này như sau:

“Chúng tôi cố gắng xây dựng một môi trường làm việc mà trong đó, mọi người ngay khi nhìn thấy dấu hiệu le lói của một thứ gì đó hy vọng, họ sẽ quăng thuốc nổ vào để làm vỡ bung ra thành một thứ gì khác to lớn hơn mà chưa ai từng có thể nghĩ tới.”

Tất cả mọi người học cách đóng góp trực tiếp vào sản phẩm ngay ngày đầu tiên

Là một phần của quá trình đào tạo nhân viên mới của Airbnb, công ty khuyến khích mọi người đóng góp tính năng mới ngay từ ngày đầu tiên. Điều này giúp học trở nên vững vàng và chứng tỏ rằng các ý tưởng lớn có thể nảy ra từ bất cứ ai. Phương pháp tiếp cận này có thể đem lại những kết quả bất ngờ. Ví dụ, có lần một nhà thiết kế của Airbnb được giao nhiệm vụ nho nhỏ là đánh giá lại chức năng đánh dấu bằng sao. Ở sản phẩm nguyên bản của Airbnb, người dùng có thể “đánh dấu sao” để thêm một danh mục nào đó vào danh sách mong muốn (wish list) của mình – một chức năng cơ bản. Gebbia nhớ lại:

“Nhà thiết kế mới của chúng tôi quay lại và nói “Tôi biết rồi!”. Tôi hỏi lại “biết rồi” là sao, anh mới dành có một ngày xem xét thôi mà? Anh ta tiếp tục: “Tôi nghĩ hình ngôi sao là thứ gì đó đem lại cảm giác khô khan như một công cụ thông thường thôi. Mà dịch vụ của chúng cần đem lại cảm giác đầy khát khao. Sao chúng ta không xem xét lại cái này? Tôi sẽ đổi hình ngôi sao thành hình trái tim.“ Tôi “ồ” lên một tiếng và bảo “được”. Rất thú vị, và chúng tôi làm. Khi thay đổi, chúng tôi đưa vào cả đoạn mã để theo dõi những thay đổi của người dùng.”

Đúng như mong đợi, một thay đổi đơn giản từ hình ngôi sao sang trái tim đã làm tăng hơn 30% doanh số. Tóm lại, cứ để mọi người làm cướp biển, đi tìm và mang về những thứ mới mẻ.

Lời kết

Chúng ta thường phải đi rất nhanh khi xây dựng sản phẩm ở giai đoạn startup. Rất vất vả vì ta cần phải đưa được ra sản phẩm. Gebbia cố gắng cân bằng thực tế này với sự cần thiết phải đổi mới tư duy bằng cách liên tục thúc ép nhóm của mình nghĩ rộng hơn.

“Mỗi khi có ai đưa đến cho tôi một thứ gì đó, bản năng đầu tiên của tôi khi xem xét nó là phải nghĩ rộng hơn. Đó cũng là một lời khuyên theo bản năng của tôi. Nghĩ rộng hơn. Bất kể nó là cái gì, cứ tách ra từng mảnh và xem chuyện gì xảy ra. Sau đó quay lại gặp tôi khi bạn đã nghĩ về nó hàng trăm lần, cho tôi biết nó trông như thế nào.”

Nguồn: sưu tầm 

Gia Khánh – Firstround/Pandora.vn