Chắc ai cũng biết 3 yếu tố quan trọng nhất đối với sự thành bại của một startup là sản phẩm, đội ngũ quản trị và thị trường. Nhưng khi hỏi tiếp vậy trong 3 yếu tố này thì cái nào là quan trọng hơn hết, thì câu trả lời có vẻ khác nhau. Theo Lý Quý Trung thì thị trường phải là yếu tố cơ bản nhất.

ly quy trung pho 24

Lý Quý Trung, Founder Phở 24

Vì không có thị trường thì cho dù sản phẩm và đội ngũ điều hành có xuất sắc đến đâu đi nữa cũng bằng thừa. Còn ngược lại, nếu có thị trường, có nhu cầu của người tiêu dùng, có sẵn người đang khao khát cần được phục vụ thì sản phẩm dù không xuất sắc lắm vẫn có thể thành công. Miễn sao đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Miễn sao là người đi tiên phong. Nếu thật sự “gãi đúng chỗ ngứa” của khách hàng, thì khách hàng tự tìm đến mình mà gõ cửa mua hàng. Khi đó họ chắc cũng chả quan tâm đến đội ngủ quản trị điều hành của mình là ai, chất lượng như thế nào, miễn sao tạo ra được sản phẩm mà họ đang cần. Một khi startup đã trình làng thành công rồi, thì chuyện nâng cấp đội ngũ quản trị này cũng không phải là điều khó khăn.

Mà không phải chỉ đối với startup, bất cứ ý tưởng kinh doanh mới nào đều cần có nhu cầu của thị trường rõ ràng thì mới trình làng thành công được. Ông J.Willard Marriott (sáng lập tập đoàn khách sạn Marriott) khi còn đang điều hành tiệm ăn Hot Shoppes của mình cạnh phi trường Hoover ở phía nam của thủ đô Washington tình cờ nhận ra một nhu cầu thị trường mà chưa có ai đáp ứng: Ông thấy nhiều khách hàng của mình mua thức ăn và cà phê để mang lên máy bay, và tự hỏi “Tại sao trên máy bay không có phục vụ ăn nhẹ và giải khát luôn cho tiện?”. Thế là ông tìm cách liên hệ với hãng hàng không và đề nghị hợp tác. Thế là cả một ngành in-flight catering (phục vụ ăn uống trên máy bay) ra đời! Dĩ nhiên là ông Marriott không độc quyền kinh doanh ngành này nhưng đã đủ thành công để sau này khai sinh ra tập đoàn KS Marriott hùng mạnh.

Biết bao nhiêu sản phẩm hay thương hiệu nổi tiếng thế giới ra đời từ những sự phát hiện ra nhu cầu của thị trường một cách tình cờ như vậy. Phải nói ý tưởng kinh doanh đáp ứng với nhu cầu thị trường đến với một doanh nhân hay một startup đa số là tình cờ, tuy là sách vở cũng có chỉ ra nhiều cách thức để làm điều này, nhưng thực tế khó hơn nhiều. Và một cái khó nữa là, đã biết thị trường có nhu cầu rồi đó, nhưng liệu nó có đủ lớn để trở thành khả thi hay không? Nói rõ hơn, liệu loại khách hàng mà mình nhắm đến có đủ đông để nuôi sống sản phẩm của mình hay không. Doanh thu có lớn hơn chi phí hay không. Đó mới là một bài toán khó.

Ông Marriott chắc chắn đã không làm một cuộc khảo sát nghiên cứu hay thăm dò bài bản nào trước khi quyết định gặp các hãng hàng không để đề nghị hợp tác. Ông Ingvar Kamprad chủ của chuỗi đại siêu thị hàng nội thất tự lắp ráp lớn nhất thế giới IKEA cũng vậy. Ông này đâu đã làm nghiên cứu qui mô gì khi giới thiệu cách thức bán hàng nội thất không giống ai của mình. Chẳng qua là tình cờ có khách hàng yêu cầu ông tháo rời chân bàn, chân ghế ra để dễ chất lên xe hơi mà đem về nhà. Thế là ông nghĩ ngay tại sao mình không bán bàn ghế với các bộ phận rời ra và cho vô thùng gọn gọn cho khách hàng dễ dàng bỏ lên xe hơi và đem về nhà tự ráp lấy. Chi phí vừa rẻ hơn để sản xuất mà có khi khách hàng cũng thích tự tay lắp ráp nữa. Hơn nữa sẽ không tốn tiền vận chuyển giao hàng cho khách, quá tiện. Điều quan trọng nhất là do tiết kiệm được chi phí nhiều như vậy ông có thể hạ giá bán và khách hàng được cái mà trước đây họ chưa từng có được: mua hàng nội thất tương đối cao cấp nhưng với giá rẻ. Thế là mô hình IKEA ra đời.

Do đó cũng không sai khi nói rằng một ý tưởng kinh doanh thành công trên thực tế phải có yếu tố “gut feeling” – một cảm giác nhạy bén của người kinh doanh, cộng thêm một chút may mắn nữa. Như vậy nghe có vẻ quá khó khăn, nhiêu khê cho các bạn trẻ startup? Thực tế là nó khó khăn và nhiêu khê như vậy. Bởi vậy xác suất startup thành công trên thương trường mới khiêm tốn như vậy.

Có một điều chắc chắn là, một khi hiểu rõ hơn những gì mình sắp dấn thân vào thì xác suất thành công sẽ cao hơn hoặc ít ra tỷ lệ sát thương sẽ giới hạn lại. Phải biết rõ khách hàng của mình là ai, thị trường mình nhắm đến là ai, có đủ lớn hay không tính ra cũng không phải là một đòi hỏi quá to tát. Ngược lại, nó rất cụ thể, rất thực tế, câu trả lời có thể tìm được từ những người xung quanh, bạn bè, hàng xóm, báo đài, internet.

Một gợi ý vui: nếu ai hỏi thị trường mục tiêu hay khách hàng của bạn là ai mà bạn có thể trả lời nhanh gọn, rõ ràng, mach lạc liền tức khắc thì có vẻ có tương lai. Có vẻ thôi nhé. Còn nếu phải suy nghĩ hơi lâu và trả lời lòng vòng gần 15 phút, thì thôi…

Lý Quý Trung, Co-founder Phở 24

>> Bài viết hay về Khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *