Các sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã chế tạo thành công máy bán phở, bánh và trà sữa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đây là mô hình dạy học theo dự án của trường.

Tháng 8/2016, một doanh nghiệp ở Hà Nội đặt vấn đề với khoa Cơ khí Chế tạo máy, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, về việc chế tạo máy bán hàng tự động. Nhóm sinh viên năm cuối ngành Chế tạo máy đã mạnh dạn nhận đề tài này.  Hơn nửa năm nghiên cứu cơ cấu, thiết kế, gia công máy móc, hoàn thiện phần lập trình và điều khiển, nhóm sinh viên đã cho ra đời 3 chiếc máy bán bánh mỳ, phở, trà sữa tự động.

Ba máy bán hàng tự động của sinh viên

Theo đó, máy bán bánh mỳ cao 2,2 m, chiều ngang 1,58 m, do 3 bạn Nguyễn Minh Khoa, Nguyễn Anh Luật và Võ Minh Trí chế tạo. Máy tiêu hao điện năng khoảng 3 kwh. Máy bán bánh tự động có 3 bộ phận cơ bản, một ngăn tủ lạnh dùng chứa và bảo quản 120 ổ bánh. Ngăn lạnh có 4 tầng được lắp ray trượt, nhân viên có thể kéo ra đẩy vào để cho nguyên vật liệu vào máy.

may-banh-mi

Phía trước mặt của 4 tầng chứa được cơ cấu trượt, có khả năng di chuyển thẳng đứng và di chuyển ngang. Khi khách hàng chọn loại bánh, trả tiền, thanh trượt sẽ đến đúng vị trí lấy “hàng”, đẩy ra bên ngoài tủ qua khe nhỏ.

Bánh ra khỏi ngăn lạnh sẽ được máng đưa vào lò nướng vi sóng, làm nóng phần ruột bên trong. Lò vi sóng sẽ đảo bánh mỳ 2 lần trong 26 giây. Sau đó, bánh được nướng trong 20 giây nữa.

Máy chế biến xong, thanh đẩy đưa bánh vào bao bì được đặt sẵn phía dưới, rồi trả vào khay đựng cho khách hàng. Tất cả quá trình trên chỉ mất khoảng 2 phút.

Ngoài ra, máy còn có bộ phận thông báo lỗi nhờ thiết bị module sim. Khi gặp sự cố hoặc những lúc hết bánh, máy tự động gửi tin nhắn về trung tâm.

Tương tự máy bán bánh mỳ, máy bán phở tự động của ba sinh viên Phạm Ngọc Diện, Vòng Lỷ Phu, Nguyễn Hào Quang đã “ra lò” sau gần nửa năm các bạn trẻ mày mò nghiên cứu.

Máy có ngăn giữ lạnh 5 độ C, chứa tối đa 50 tô phở. Khi người mua bấm nút chọn và đưa tiền vào máy, phở sẽ được đưa đến ngăn giữ nóng. Ngăn này gồm có hai bình (nhiệt độ từ 70-90 độ C), một để chứa nước dùng, một chứa nước sôi tráng phở.

Tại đây, phở được tráng nước 2 lần, sau đó máy chế nước dùng. Cùng lúc đó, một bộ phận khác cấp thìa, đũa, tương ớt và chanh cho người dùng.

Để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, các bộ phận trong máy đều được làm từ inox, riêng bình chứa và ống dẫn nước dùng có thể tháo ra vệ sinh dễ dàng.

Ngoài máy bán phở và bánh mỳ, TS Nguyễn Trường Thịnh – Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy – cũng hướng dẫn ba sinh viên Huỳnh Mạch Anh Ninh, Trần Duy Thành, Lưu Đức Trọng Nhân chế tạo máy bán trà sữa tự động. 

Khách hàng nhấn nút chọn loại trà sữa và thạch, đưa tiền vào máy, chờ khoảng 2 phút là được phục vụ. Máy sẽ tự động lấy ly, cho đá, thạch và trà sữa đã được lập trình trước. “Hàng” được đóng gói và chuyển đến tay khách hàng với ống hút kèm theo.

may-banh-mi 2

Từ bản vẽ đến thực tế: Nhiều khó khăn

Từ ý tưởng đến thực tế là một chặng đường dài, nhiều khó khăn, trục trặc khiến các bạn sinh viên đôi khi nản chí.

Luật cho biết nhóm đã gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào hiện thực hóa chiếc máy bán bánh mỳ. Các bạn bị áp lực về thời gian, vì vừa phải nghiên cứu chế tạo máy, báo cáo tiến độ hàng ngày với doanh nghiệp, vừa lo việc học trên lớp.

Bên cạnh đó, những trục trặc kỹ thuật trong quá trình thực hiện cũng khiến các bạn trẻ đau đầu. Từ lập trình điều khiển liên tục bị lỗi đến tính toán chính xác những thông số kỹ thuật để máy vận hành trơn tru khiến các bạn mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, nhóm sáng chế máy bán phở lại gặp khó trong việc thiết kế ngăn lạnh với nhiệt độ thấp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Bạn Vòng Lỷ Phú cho hay vì nhóm không chuyên về điện lạnh nên phải đi nhiều cửa hàng để tìm hiểu nguyên lý, cách tạo ra ngăn lạnh như mong muốn.

Dạy học theo mô hình dự án

Ba chiếc máy bán hàng tự động này là dự án nằm trong cụm đề tài thiết bị bán hàng tự động do phía doanh nghiệp đặt hàng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

TS Nguyễn Trường Thịnh cho biết đây là hướng đi mới cho mô hình dạy và học của khoa, cũng là chủ trương mới của nhà trường: Dạy học theo mô hình dự án.

Từng nhóm sinh viên sẽ được giao dự án phù hợp khả năng của mình, là những đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đó cũng sẽ là đề tài tốt nghiệp của các bạn.

“Cách làm này đang rất phổ biến đối với một số khoa trong trường. Sinh viên nghiên cứu, sáng chế những thiết bị, giải pháp theo đơn đặt hàng từ các đơn vị, giúp đôi bên cùng có lợi. Sinh viên có kinh nghiệm thực tế, doanh nghiệp có máy móc đáp ứng nhu cầu sản xuất”, TS Thịnh thông tin.

Ông cũng cho biết thêm năm học vừa rồi, khoa Cơ khí Chế tạo máy nhận hơn 40 đơn đặt hàng của nhiều đơn vị. 

Sưu tầm

>> Bài viết hay về Khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Khóa học Kích hoạt Năng lượng Thành công

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *