Giá trị thị trường nước dừa khoảng 1 tỷ USD/năm và tăng trưởng khoảng 30%/năm, nhưng chủ yếu từ các sản phẩm đóng chai, lon, hộp giấy… Đem công nghệ vào để làm tăng giá trị, những trái dừa của Hamona không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn chinh phục khách hàng ở những quốc gia khó tính như Mỹ, Nhật Bản…

Tiềm năng nông nghiệp Việt

Chủ nhân của Hamona là Nguyễn Hoàng Long, chuyên ngành Phát triển kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, người may mắn biết được mình đam mê gì và chọn đúng đường đi là phát triển công nghệ thực phẩm từ rất sớm.

nguyen hoang long

Nguyễn Hoàng Long và đồng nghiệp

“Giá trị từ thị trường dừa, nếu thống kê đầy đủ, có thể cao gấp 3 lần con số 1 tỷ USD”, Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Hamona, tiết lộ. Khi nói về tiềm năng của ngành, sự say mê nơi anh như bắt lửa, bừng sáng cả khuôn mặt. Theo Hoàng Long, chất lượng trái dừa ở Việt Nam được thế giới đánh giá cao nhưng công nghệ sau thu hoạch lại cản trở, chuỗi cung ứng cũng bị đứt gãy nên thị trường vẫn chưa vươn đến giá trị thực sự.

Để trái dừa có giá hơn, bí quyết của Long là phải làm sao để nó trông lạ, bắt mắt và công nghệ sinh học chính là lời giải cho bài toán này. “Công nghệ giúp trái dừa của Hamona giữ được hương vị tự nhiên mà không cần xử lý bằng chất bảo quản hay chế biến. Về mặt kỹ thuật, quả dừa tươi Hamona vẫn là trái cây tự nhiên, đang “thở” và “sống” như mọi quả dừa trên cây”, Long khoe.

Nhìn vào trái dừa của Hamona, ấn tượng đầu tiên là sự tiện dụng, bởi có thể nằm gọn trong lòng bàn tay, phần vỏ và xơ dừa đã được bóc tách sạch, bề mặt trơn láng, bóng đẹp. Để thưởng thức nước dừa, người dùng chỉ cần châm ống hút vào “mắt” của trái dừa. Vì phần vỏ ngoài đã được xử lý sạch nên khi cần lấy phần cơm dừa, người dùng cũng chỉ cần làm vài động tác đơn giản.

Chủ nhân của Hamona cho biết, toàn bộ dừa của Hamona được gọt bằng tay, do chính những nghệ nhân xứ dừa được đào tạo bài bản thực hiện. “Đích đến cuối cùng của tôi trong việc đầu tư vào nông nghiệp không chỉ là làm giàu cho bản thân mà còn nâng giá trị nông sản Việt, tạo điều kiện cho nông dân phát triển bền vững”, anh chia sẻ.

Vì điều này mà đại bản doanh của Hamona được đặt ở Tiền Giang, trung tâm để Hamona có thể quy tụ nguồn nguyên liệu của hơn 300 hộ nông dân ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Hợp tác với Hamona, nông dân được chuyển giao kỹ thuật canh tác để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch. Quy trình trồng và thu hoạch được kiểm soát chặt chẽ bởi chỉ cần truy cập vào mã QR trên tem sản phẩm là người dùng có thể biết được người trồng, cây dừa, vườn…

“Xu hướng kiểm soát thực phẩm đã dần phổ biến, nhất là ở các quốc gia phát triển. Người dùng hiện nay đòi hỏi tính minh bạch của sản phẩm, nếu những người khởi nghiệp có định hướng xuất khẩu ra thị trường thế giới, cần phải chú ý điều này. Nếu chỉ cạnh tranh về giá, doanh nghiệp Việt khó lòng tạo lợi thế”, Long phân tích.

Với cách làm trên, không chỉ Hamona có lợi, dễ dàng chinh phục khách hàng quốc tế, mà những hộ nông dân hợp tác với Hamona cũng tăng 30 – 50% thu nhập do bán được dừa với giá cao, ổn định để có thể an tâm đầu tư sản xuất.

dua hamona

Rộng đường cho người trẻ

Hamona là tên viết tắt từ “Harmony with Mother Nature” (Hài hòa với mẹ thiên nhiên). Theo đuổi, tính toán, thử nghiệm… khá lâu nhưng mãi đến năm 2013, Nguyễn Hoàng Long mới chính thức vận hành Hamona. Long cho biết, anh mất thời gian khá lâu vì phải vừa làm, vừa tìm tòi, sai rồi sửa từng bước. Càng tìm hiểu, anh càng thấy nông sản Việt Nam phong phú nhưng phần lớn vẫn đang khai thác giá trị thô, chủ yếu làm nguyên liệu, cần phải có công nghệ để gia tăng giá trị.

Vinamit, Trung Nguyên… là những thương hiệu làm tốt điều này. “Mọi người vẫn nghĩ phải có công nghệ sản xuất trước nhưng tôi lại đi ngược lại, nghiên cứu thị trường trước rồi đặt hàng những đơn vị nghiên cứu công nghệ để có công cụ thỏa mãn nhu cầu của thị trường”, Long nói.

Có được sản phẩm như ý, khó khăn lớn nhất Nguyễn Hoàng Long gặp phải là xây dựng chuỗi cung ứng, bởi để sản phẩm chinh phục được người dùng, đòi hỏi rất nhiều yếu tố: thu hoạch đúng tuổi, gieo trồng đúng giống, đúng phương pháp vận chuyển và phải có hệ thống phân phối…

Những ngày đầu, đích thân mang từng trái dừa đi bán dạo ở quận 7, TP.HCM, hay trước cổng các siêu thị…, Long bảo đó là quãng thời gian hữu ích nhất.

Bởi, chỉ có trực tiếp gặp gỡ khách hàng, lắng nghe nhu cầu của họ, Long mới có thể cải tiến sản phẩm và hoàn thiện Hamona như bây giờ. Hiện dừa tươi Hamona đã có mặt tại chuỗi siêu thị An Nam Gourmet, Citimart, Linh Fruit… với lượng tiêu thụ hơn 1.000 trái/ngày và xuất khẩu sang Mỹ, Nhật…

Tuy nhiên, khả năng sản xuất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đó là điều khiến Long và những cộng sự chưa thôi trăn trở, tìm hướng giải quyết. Trong năm 2016, mục tiêu của Hamona là tăng tốc, và trước tiên phải có sự tham gia của 1.000 hộ dân mới đáp ứng được nguồn nguyên liệu.

Theo đánh giá của Long, thị trường thực phẩm thế giới biến đổi không ngừng, cơ hội dành cho giới khởi nghiệp Việt Nam mà nông dân chiếm đa số là không nhỏ. Không dừng lại ở đó, việc thu hút quỹ đầu tư cho ngành nông nghiệp cũng khá dễ dàng.

Hamona có cơ hội phát triển hơn cũng nhờ Long tích cực tham gia các sân chơi khởi nghiệp, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của các tổ chức quốc tế… Sắp tới, Hamona sẽ gọi vốn đợt 2 để có thêm nguồn lực cho kế hoạch phát triển. Anh không giấu chiến lược của mình: “Sau dừa, Hamona sẽ thử sức ở các nông sản khác”.

Sưu tầm

>> Bài viết hay về Khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *