Nghiên cứu thực hiện tại các giai đoạn phát triển cho thấy, giá trị tiềm năng của chuỗi cung ứng là cốt lõi kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Nhưng hiện nay, khái niệm quản trị chuỗi cung ứng còn khá mới mẻ với không ít DN Việt Nam.

Tạo lợi thế cạnh tranh

Mười năm trước đây, cụm từ “chuỗi cung ứng” rất hiếm khi được các nhà quản trị nói đến, họ thường quan tâm đến các khái niệm về “hậu cần” (logistics), vận tải để nói về dòng chảy hàng hóa. Sự xuất hiện của khái niệm chuỗi cung ứng ban đầu chỉ là liên kết sự vận chuyển và logistics với sự thu mua hàng hóa và được gọi chung là quá trình thu mua hàng hóa.

 

Cho đến nay, nhiều người vẫn nhầm tưởng quản lý chuỗi cung ứng và quản lý logistics là một. Trong khi đó, quản lý logistic hay quản lý hậu cần chỉ liên quan đến công việc quản lý về mặt kho bãi, vận chuyển, giao nhận và phân phối hàng hóa.

Còn quản lý chuỗi cung ứng là việc quản lý cả một hệ thống bao gồm phát triển sản phẩm, sản xuất, mua bán, tồn kho, phân phối và các hoạt động hậu cần. Nói cách khác, hậu cần chỉ là một thành tố của chuỗi cung ứng.

Thực tế, khi gia nhập vào thị trường, bên cạnh việc tập trung hoạt động của mình, bất kỳ DN nào cũng phải tham gia vào công việc kinh doanh của nhà cung cấp cũng như khách hàng của mình, như chú ý đến dòng dịch chuyển của nguyên vật liệu, cách thức thiết kế, đóng gói sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp; cách thức vận chuyển, bảo quản sản phẩm hoàn thành và những mong đợi thực sự của người tiêu dùng…

Tóm lại, quản trị chuỗi cung ứng có thể được hiểu là sự phối hợp của sản xuất, tồn kho, địa điểm và vận chuyển giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhịp nhàng và hiệu quả các nhu cầu của thị trường.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ở thị trường toàn cầu như hiện nay, chỉ riêng một mắt xích trong chuỗi cung ứng như quản lý việc giao hàng đúng hẹn, hoặc nhanh hơn đối thủ một vài phút cũng khiến DN tăng uy tín của mình trong mắt đối tác.

Đồng thời, theo tính toán trong lĩnh vực quản lý kho bãi, quản lý tốt giúp DN nâng cao năng suất lao động từ 15-40%, nâng thời gian giao hàng đúng giờ từ 2-5%, giảm 5-20% lượng hàng tồn kho.

Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả còn giúp tìm kiếm các file lưu trữ dễ dàng hơn, xúc tiến nhanh hơn các đơn hàng, thanh toán quản lý nhân viên làm việc lưu động hiệu quả, đưa sản phẩm đến nhà phân phối và khách hàng nhanh hơn.

Có thể thấy, quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả không những giúp “trơn tru hóa” tất cả các mắt xích trong quy trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng, mà còn có thể tạo nên lợi thế cạnh tranh cho DN. Những thông tin thu nhận được gần đây ở các tập đoàn lớn cho thấy những DN làm tốt việc quản trị chuỗi cung ứng có thể đạt được lợi nhuận cao hơn từ 4-6% so với đối thủ.

Làm sao quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả?

Trong 10 dự báo của The Ferrari Consulting and Research Group về Chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2012, có những điều mà DN nên xem xét để vận hành chuỗi cung ứng. Theo tổ chức này, sự bất ổn của nền kinh tế thị trường sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các công ty.

Điều này có nghĩa năm 2012 tiếp tục là năm thách thức đối với việc quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự gia tăng rủi ro đổ vỡ chuỗi khiến các nhà quản trị phải xem xét lại chiến lược thuê ngoài (Công ty Logistics). Đồng thời khi đưa ra các quyết định, DN cần cân nhắc rủi ro có thể gặp phải cũng như những chi phí có thể phát sinh.

Bên cạnh đó, dự báo và lập kế hoạch chuỗi cung ứng kịp thời và chính xác là nền tảng để DN tiến đến việc quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả. Theo đó, DN cần đầu tư nâng cấp và cải tiến hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) bằng những phần mềm quản trị chuỗi cung ứng hiện đại.

 

Kinh nghiệm từ BoeingMô hình quản trị chuỗi cung ứng của Boeing được xem là một kinh nghiệm bổ ích cho các DN. Bên cạnh việc thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung ứng tốt, từ năm 1998, hãng này còn xây dựng riêng hệ thống xếp bậc hiệu quả hoạt động của các nhà cung ứng trên qui mô toàn cầu dựa trên những mong đợi về chất lượng, thời gian giao hàng và quản lý kinh doanh. Hệ thống này đã giúp hãng kiểm soát chặt chẽ hơn hiệu quả hoạt động của các nhà cung ứng qua bốn nhóm quản lý khác nhau, đồng thời cung cấp những thông tin phản hồi quý báu đến các nhà cung ứng. Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp Hàng không vũ trụ Mỹ (AIA) đã công nhận hệ thống mà Boeing xây dựng là hệ thống xếp bậc nhà cung ứng tốt nhất của ngành. Năm vừa qua, Boeing đã bỏ ra 36 tỷ USD cho trên 17.500 nhà cung cấp ở 52 quốc gia.

 

Ứng dụng CNTT trong quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp DN trao đổi thông tin hiệu quả với cả đối tác và khách hàng.

Thực tế cho thấy, thu thập và xử lý hiệu quả thông tin khi ứng dụng các phần mềm giúp giảm 50% thời gian làm việc của nhân viên trong việc tìm kiếm chứng từ; đồng thời giúp cải tiến tổ chức hoạt động công ty, thắt chặt mối quan hệ với đối tác, phản ứng nhanh trước những thay đổi của thị trường.

Sẽ không có một công thức chung cho DN. Tuy nhiên, theo ông Lý Trường Chiến – Cố vấn cao cấp của Tạp chí Quản trị Chuỗi cung ứng, khi DN quan tâm đến vấn đề này – gia tăng sự hợp tác một cách tích cực để có thể quản trị tốt nhất về chất lượng, thời gian và giá trị của sản phẩm hay dịch vụ và biết lặp lại chu kỳ này, sẽ đem lại lợi suất tốt hơn cho các thành tố liên quan.

Để quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả, khi bước chân vào thị trường, DN cần làm việc với tâm thức của một người làm marketing. Sau khi đã định vị được sản phẩm phù hợp, cần tập trung làm tốt khâu phân phối và bán hàng.

Bước thứ ba cần tập trung vào công tác quản lý chuỗi cung ứng để đảm bảo sự liên thông, đều đặn giữa các mắt xích ở mức đầu tư hợp lý nhất. Bước tiếp theo là cần phân tích về tài chính.

Đồng thời, xuyên suốt quá trình này, DN cần đặc biệt chú trọng đến công tác quản trị tổng quát. Nếu làm tốt tất cả các khâu này, DN sẽ phát triển ổn định và bền vững.

Nhật Phi
(Trích: Báo Doanh Nhân Sài Gòn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *