Không chỉ có đàn cút lớn nhất Việt Nam, anh Phạm Văn Thịnh ở phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) còn đang thực hiện khát vọng xây dựng nhà máy đóng hộp trứng cút sạch – một dự án táo bạo xưa nay chưa ai làm.

Chúng tôi ghé nhà Phạm Văn Thịnh khi nàng xuân len lén ngoài ngõ. Thịnh ngồi “ngập” giữa hàng triệu trứng cút cùng nhiều công nhân. Cứ mỗi ngày giáp tết thế này, Thịnh xuất ra thị trường 6 triệu trứng cút, cao gấp 4 lần ngày thường.

pham-van-thinh

Phạm Văn Thịnh

Phá sản mới làm… chuồng lạnh

Tôi biết làng cút Hố Nai từ những buổi mới hình thành vào khoảng 30 năm trước. Lúc bấy giờ, chỉ có vài hộ nuôi cút. Mỗi nhà chỉ vài ba trăm con. Họ nuôi cút ngay trong nhà nên cùng ăn, cùng ngủ với cút. Mùi phân cút lúc nào cũng tràn ngập. Để có con giống, họ cho trứng vào bao bố rồi sưởi ấm bằng đèn dầu chứ làm gì có máy ấp trứng công nghiệp như hiện nay. 

Gia đình Thịnh là một trong những hộ nuôi cút đầu tiên của làng cút Hố Nai với 700 con chim cút lận lưng. Hàng ngày, anh em Thịnh thay phiên nhau rửa máng nước, trộn thức ăn, cho cút ăn, nhặt trứng… Cứ thế, ngày qua ngày, mọi người sống hoàn toàn nhờ vào nguồn thu nhập từ con cút.

Khoảng 10 năm trước, một cơn dịch quét qua làng cút khiến nhiều nông dân trắng tay. “Trại cút của tôi với hàng ngàn cút mái và trứng bị cuốn phăng, mất sạch cả tỷ đồng. Đâu chỉ có vậy, lúc ấy tôi đang làm đại lý thức ăn gia cầm. Nhiều nông dân nuôi cút bị dịch bệnh càn quét nên không có tiền trả nợ phần mua cám của gia đình tôi. Tôi gần như phá sản với số nợ lên đến cả chục tỷ đồng. Cú sốc đó khiến tôi và gia đình gần như suy sụp, cứ ngỡ chẳng ngẩng đầu dậy được…” – anh Thịnh thổ lộ. 

Thịnh kể, từ cơn đại dịch ấy, anh mới nghiệm ra rằng, nguyên nhân chính khiến cút hay bị bệnh, dễ dính dịch là do chuồng trại chăn nuôi không kín đáo, thiếu kiểm soát người ra vào trại, nguồn nước không đảm bảo và nhiều yếu tố vệ sinh môi trường khác… Xốc lại vốn liếng, anh Thịnh quyết định đầu tư quy hoạch, xây dựng trại cút theo hướng chăn nuôi công nghiệp khép kín. Hiện anh có 4 trại chim cút với hơn 200.000 con được nuôi hoàn toàn trong trại lạnh với hệ thống thông gió khử mùi tuyệt đối. Trang trại còn xây dựng hệ thống lọc nước riêng cho chim cút uống, xây dựng các ao cá để xử lý chất thải từ chăn nuôi. Muốn vào thăm trại, khách buộc phải đi qua hệ thống khử trùng.

Nhờ áp dụng hệ thống chăn nuôi chuyên nghiệp, chim cút mái ổn định về sức khỏe, không mắc bệnh, tỷ lệ cho trứng cao. Bởi thế, trứng cút luôn đảm bảo về độ đồng đều, màu sắc, chất lượng, không có kháng sinh, được khử trùng qua hệ thống sát trùng bằng ozone trước khi xuất kho. “Tôi làm giấy kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm lấy mẫu đàn cút đều đặn mỗi tháng để bảo đảm sản phẩm trứng cút sạch, mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng” – anh Thịnh chia sẻ.

Cho trứng cút sạch bay cao

Nếu trước đây, anh em Thịnh mỗi ngày phải rửa từng cái khay đựng nước cho cút uống, nhặt từng cái trứng, hốt phân cút… thì nay những việc này đã được tự động hóa. Điều đáng chú ý là hệ thống tự động này được chính Thịnh sáng chế. Cứ đến giờ, băng chuyền này lại khởi động cuốn trứng hay phân cút ra ngoài, nhân công chỉ việc chất vào khay mang về trạm tập kết. Theo anh Thịnh, hiện mỗi năm anh bán ra thị trường trong nước hơn 200 triệu trứng cút sạch; xuất sang thị trường Nhật Bản hơn 3 triệu trứng cút sạch. “Các doanh nghiệp Nhật Bản nhập trứng cút kiểm tra, đánh giá về chất lượng, dư lượng kháng sinh rất gắt gao nên muốn bán trứng cho họ không còn cách nào khác là phải chuẩn về quy trình nuôi, đảm bảo sạch kháng sinh” – Thịnh cho biết.

Sau khi xem công nhân lựa trứng, đóng khay, Thịnh đưa chúng tôi đi xem “dự án để đời” của anh. Trong dáng thấp đậm của anh nông dân trẻ này toát lên cái chất dám nghĩ, dám làm. Có lẽ, nông dân theo nghề nuôi cút ở làng Hố Nai không ai dám đột phá để đưa chim cút “bay cao, bay xa”, để giúp làng nghề phát triển ổn định và bền vững như Thịnh. Thịnh dừng bước trước mảnh đất rộng khoảng 300m2 đã mọc lên một nhà máy được xây dựng khá quy cũ. Thịnh bảo, đây là nhà máy đóng hộp trứng cút sạch khép kín công nghệ hiện đại của Nhật Bản trị giá 5 tỷ đồng sẽ khởi động vào năm 2017. Theo đó, trứng cút sau khi được đưa vào nhà máy sẽ được rửa sạch, hấp, lột vỏ và đóng hộp hoàn toàn tự động. 

Để tạo nguồn trứng cút sạch đủ cung cấp cho nhà máy đóng hộp hoạt động, Thịnh cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp 4 trại lạnh nuôi cút. Theo đó, 4 trại này sẽ tự động hóa gần như 100%, cũng như nâng số lượng cút đẻ lên 500.000 con vào năm 2017. Lúc ấy, mỗi năm Thịnh sẽ xuất ra thị trường 400 triệu trứng cút sạch.

Trước khi thực hiện dự án này, Thịnh đã đi khảo sát thị trường và khẩu phần ăn tại các khu công nghiệp, hệ thống trường mẫu giáo trên địa bàn. Anh nhận thấy, mỗi ngày trong khẩu phần ăn của các cháu mẫu giáo, của công nhân, trứng cút chiếm một lượng khá lớn.

Tôi bảo Thịnh, hiện tổng đàn chim cút của Đồng Nai giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái (còn chưa đến 4 triệu con). Tình trạng nông dân bỏ nghề nuôi chim cút đã diễn ra cả năm qua và hiện không ít người phải bán đổ bán tháo chuồng trại chuyển sang nghề khác vì liên tục thua lỗ. Đó là do trứng cút rớt giá trong suốt một thời gian dài và hiện vẫn đang đứng ở mức khá thấp, trong khi từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng. Việc đầu tư phát triển cơ sở chăn nuôi cút vào thời điểm này chẳng khác nào đầu tư mạo hiểm.  Nghe xong Thịnh cười: “Nguyên nhân chính của việc người nuôi bỏ đàn là do tình trạng nuôi tự phát ồ ạt vào giai đoạn chim cút cho lợi nhuận cao. Riêng tôi không làm phong trào, xưa nay tôi đầu tư khá căn cơ, bền vững, mối lái rõ ràng. Mỗi ngày, tôi có thể biết mình lời, lỗ ra sao. Tôi không sợ thất bại…”.

Sưu tầm

>> Bài viết hay về Khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *