Hãy cùng chúng tôi điểm lại 10 sự kiện kinh doanh nổi bật nhất trong năm 2017 vừa qua.
1. 2017 – Đánh dấu mốc son cho một Chính phủ kiến tạo
Năm 2017 là năm Chính phủ thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì nhiều hội nghị để trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp và doanh nhân, nhằm tháo gỡ khó khăn và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.
Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp,.. và nhấn mạnh trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng trưởng ngành phải thực hiện những nhiệm vụ này.
Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp.
Thủ tướng công bố Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra DN 1 năm quá 1 lần.
Không những vậy, kinh tế tư nhân còn có vị trí quan trọng trong Nghị quyết Trung ương Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo, rằng kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Bên cạnh đó, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
2. Vingroup thắp lại giấc mơ ô tô Việt với dự án VinFast
Tháng 6/2017, Tập đoàn Vingroup đã thành lập công ty VinFast với quyết tâm sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt. Chỉ sau 3 tháng, đến ngày 2/9, Vingroup đã cho khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), đánh dấu lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thứ 7 của Tập đoàn này.
Mục tiêu của VinFast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.
Giai đoạn 1, nhà máy sẽ xuất xưởng 1 mẫu sedan 5 chỗ; 1 mẫu SUV 7 chỗ và xe máy điện theo tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu Châu Âu, công suất dự kiến đạt 100.000 – 200.000 xe/năm. Sản phẩm VinFast đầu tiên sẽ ra mắt trong vòng 12 tháng là xe máy điện và sau 24 tháng là ô tô.
Mẫu xe Sedan được yêu thích nhất
Mẫu xe SUV được yêu thích nhất
Ngay sau khi khởi công dự án, VinFast đã mời hàng loạt tên tuổi trong ngành sản xuất ô tô như ông Võ Quang Huệ, cựu CEO Bosch Việt Nam, về làm Phó Tổng giám đốc ngành Ô tô, giám sát dự án VinFast. Sau đó, VinFast tiếp tục chiêu mộ cựu Phó Chủ tịch General Motors, ông James B.DeLuca làm Tổng giám đốc nhà máy sản xuất VinFast.
Không những vậy, Vingroup còn là doanh nghiệp đầu tiên tổ chức trưng cầu ý kiến người tiêu dùng, để chọn ra 2 mẫu xe được yêu thích nhất, trong tổng số 20 mẫu do 4 nhà thiết kế hàng đầu thế giới xây dựng.
3. Khaisilk – Từ chiếc khăn lụa 2 tem mác tới cú lừa đảo gần 30 năm
Tập đoàn Khaisilk của doanh nhân Hoàng Khải vốn nổi tiếng nhờ kinh doanh lụa tơ tằm chất lượng cao, được nhiều du khách cũng như người Việt Nam lựa chọn làm quà tặng cho bạn bè, đối tác.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 10/2017, bê bối của Tập đoàn Khaisilk bắt đầu nổ ra, khi một doanh nghiệp đối tác đặt mua 60 chiếc khăn lụa Khaisilk nhưng phát hiện ra có 1 chiếc khăn vẫn còn nguyên 2 chiếc mác, một là “Made in China” và một là Khaisilk Made in Vietnam. 59 chiếc còn lại chỉ có mác Khaisilk Made in Vietnam, nhưng trên viền khăn lại có một miếng nhỏ màu trắng, nhìn giống như một vết cắt mác.
Giải thích về việc này, phía Khaisilk cho rằng, các mẫu khăn lụa đều thuộc thương hiệu Khaisilk và được làm từ 100% lụa tơ tằm. Riêng chiếc khăn có 2 nhãn mác là do “nhân viên bộ phận kho khi soạn lô hàng, do thiếu 1 chiếc đã lấy ngay trên máy may hiện đang sản xuất cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ.
Tuy nhiên, câu trả lời này của Khaisilk không làm phía Công ty V. hài lòng, những ngày sau đó, thêm nhiều người dùng Facebook đăng tải hình ảnh chiếc khăn có mác Made in Vietnam của thương hiệu Khaisilk, nhưng cũng có một vết cắt mác nhỏ màu trắng còn sót lại trên viền khăn.
Đến ngày 25/10, doanh nhân Hoàng Khải chính thức lên tiếng thừa nhận bán khăn “made in China” trộn lẫn với khăn Made in Vietnam từ những năm 90, cúi đầu xin lỗi khách hàng. Tuy nhiên, thời điểm này, ông Hoàng Khải vẫn khẳng định khăn nhập từ Trung Quốc nhưng chất liệu vẫn là lụa tơ tằm 100%.
Thế nhưng, theo kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương, bức tranh kinh doanh của Khaisilk hoàn toàn khác. Doanh nghiệp này đã không hề nhập khẩu các mặt hàng thời trang suốt từ năm 2009 đến nay, và từ năm 2012 cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.
Thay vào đó, công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.
Đáng chú ý hơn cả, một số mẫu sản phẩm của công ty KHÔNG có thành phần silk (lụa), khác so với thông tin công bố trên nhãn hàng hóa, là “100% silk”.
Với kết quả kiểm tra này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
4. Hàng loạt doanh nghiệp lớn lên sàn chứng khoán
Năm 2017 là năm mà hàng loạt doanh nghiệp, tổng công ty lớn đồng loạt đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Ngay trong 2 tháng đầu năm, 2 ông lớn hàng không là Vietnam Airlines và Vietjet Air đã lên sàn, với tổng số gần 1,7 tỷ cổ phiếu. Hiện nay, giá trị vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines là hơn 50 nghìn tỷ đồng, còn Vietjet Air là gần 65 nghìn tỷ đồng.
Đến tháng 4, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex đưa gần 1,3 tỷ cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Petrolimex hiện đang nắm 1 nửa thị phần trên thị trường bán lẻ xăng dầu, với 2.400 cửa hàng trực thuộc và 3.000 đại lý trên cả nước. Hiện nay, Petrolimex đang là doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn thứ 6 trên thị trường chứng khoán, khoảng 95 nghìn tỷ đồng.
Lĩnh vực ngân hàng năm qua cũng đón một cổ phiếu lớn lên sàn, là VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). VPBank đang sở hữu “gà đẻ trứng vàng” FE Credit, công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, chiếm 50% thị phần trên thị trường. Giá trị vốn hóa của VPBank hiện ở mức gần 60.000 tỷ đồng.
Đến cuối năm, thị trường chứng khoán tiếp tục có cú hích mới từ Vincom Retail, công ty con của Tập đoàn Vingroup đang quản lý, vận hành và cho thuê 44 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh và thành phố lớn của cả nước với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ gần 1,2 triệu m2. Riêng tại Hà Nội và TPHCM, Vincom Retail chiếm 60% tổng diện tích trung tâm thương mại. Giá trị niêm yết của Vincom Retail khoảng hơn 90 nghìn tỷ đồng, lớn thứ 7 trên sàn chứng khoán, ngay sau Petrolimex.
Việc các doanh nghiệp lớn liên tục đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán năm nay đã giúp thị trường có thêm các sản phẩm chất lượng cao, tạo động lực cho VN-Index liên tục tăng mạnh trong năm nay. Từ mức điểm 665 cuối năm ngoái, VN-Index hiện đã lên 965 điểm, tăng 300 điểm sau 1 năm, mức tăng trên 45%.
5. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam; tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào top 500 người giàu
Tháng 3/2013, Việt Nam lần đầu tiên có tỷ phú đô la được thế giới công nhận, là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Và phải 4 năm sau, đến tháng 3/2017, Việt Nam mới có tỷ phú đô la thứ 2, là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Bà Thảo cũng trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.
Vietjet Air của bà Nguyễn Thị Phương Thảo có chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011 và ngay lập tức cạnh tranh mạnh mẽ với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Giai đoạn 2012-2015, Vietjet Air tăng trưởng bình quân tới 151%/năm. Nhờ đó, thị phần từ 8% năm 2012 đã tăng vọt lên hơn 37% vào năm 2015 và đạt 41% vào năm 2016, ngang ngửa với Vietnam Airlines.
Ngoài sở hữu trực tiếp 8,76% vốn tại Vietjet Air, bà Thảo còn nắm trong tay các dự án bất động sản lớn thông qua Sovico Holdings và có cổ phần tại ngân hàng HD Bank.
Hồi tháng 3 đầu năm, Forbes xác định tài sản của bà Thảo ở mức 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay tài sản của bà Thảo đã tăng gấp đôi, lên tới 2,4 tỷ USD và đang giữ vị trí người giàu thứ 1.009 thế giới.
6. Các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ tìm hướng đi mới khi thị trường di động bão hòa, nhất loạt đi bán dược phẩm
Không hẹn mà gặp, một loạt doanh nghiệp vốn đang tập trung bán lẻ đồ công nghệ bỗng lũ lượt lấn sân sang bán buôn, bán lẻ dược phẩm. Những cái tên có thể kể ra bao gồm Thế Giới Di Động, Digiworld, Nguyễn Kim và FPT Shop.
Trong đó, Thế Giới Di Động đã chính thức mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang trong TPHCM và đổi tên thành An Khang. Digiworld lựa chọn phân phối thực phẩm chức năng cho Kingsmen, sản phẩm dành cho nam giới trên 40 tuổi. Nguyễn Kim lại lựa chọn thâu toms Dược Lâm Đồng. Còn FPT Shop đã chính thức công bố mua nhà thuốc Long Châu.
Nhận định về thị trường dược phẩm, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng, thị trường phân phối dược phẩm hiện vẫn chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm lĩnh đến 20% thị phần – điều này đồng nghĩa với “ngôi vương” của thị trường này vẫn còn bỏ trống. Nếu phải dành ra nhiều năm để tìm hiểu và xây dựng từ đầu, cơ hội này có thể sẽ rơi vào tay người khác, đặc biệt khi những ứng viên đang nhăm nhe tiến công vào thị trường này, vốn dĩ đã là đối thủ từ trước. Chính vì vậy, việc M&A một chuỗi dược phẩm có sẵn trên thị trường sẽ giúp Thế Giới Di Động nhanh chóng đạt được mục đích của mình.
Thị trường dược phẩm là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận khi phân phối không lớn nhưng đây lại là mặt hàng mà người tiêu dùng luôn cần, nhu cầu từ thị trường là rất lớn. Theo một số chuyên gia, việc các đại gia phân phối điện máy khi tham gia vào lĩnh vực phân phối dược phẩm có thể sẽ giúp định hình lại thị trường tiềm năng này – vốn vẫn còn rất ít sự cạnh tranh. Với những kinh nghiệm đã có trên thị trường bán lẻ điện máy, việc phát triển các chuỗi cửa hàng phân phối dược phẩm có quy mô lớn cũng không phải điều khó hình dung với những tên tuổi như MWG, FPT Shop hay Digiworld.
7. Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và các ứng dụng công nghệ Uber/Grab
Xung đột giữa các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun và các hãng taxi công nghệ như Uber, Grab nổ ra gay gắt trong năm 2017.
Ngay từ đầu năm, ông Hồ Huy, Chủ tịch Mai Linh đã công kích trực diện cả Uber và Grab. Theo ông Hồ Huy, Uber và Grab hoạt động tràn lan ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã gây thiệt hại lớn về doanh thu cho Mai Linh cũng như các hãng taxi truyền thống. Không những vậy, ông Hồ Huy còn cho rằng, chính lượng xe Uber và Grab như hiện nay đã làm trật tự giao thông đô thị bị phá vỡ, kẹt xe nghiêm trọng, nhà nước thất thu thuế.
Đối với Vinasun, Chủ tịch Đặng Phước Thành thậm chí còn quyết liệt hơn khi tuyên bố tại Đại hội cổ đông: “Tôi và hơn 10.000 nhân viên Vinasun sẽ kiện Uber, Grab”. Sau đó, đến giữa tháng 5, Vinasun đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và đánh giá lại hoạt động của Uber và Grab tại việt Nam. Vinasun cũng kiến nghị cơ quan chức năng một số biện pháp để Uber và Grab không đứng ngoài luật hiện hành và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.
Áp lực từ Uber, Grab cũng khiến Mai Linh và Vinasun phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Sau nhiều năm gây dựng đội ngũ lên đến cả chục nghìn người, đến năm 2017 cả 2 đều cùng nhau cắt giảm lượng lớn nhân sự. Tại Mai Linh, gần 6.000 nhân viên đã mất việc trong 9 tháng đầu năm, còn tại Vinasun, con số này lên tới gần 10.000 người.
Không những vậy, Vinasun và Mai Linh còn phải tìm cách mở rộng kinh doanh, chẳng hạn như Vinasun có chính sách giao bưởi cho tài xế bán kèm khi chở khách, còn Mai Linh mở thêm dịch vụ xe ôm, cạnh tranh với Grab Bike và UberMoto.
Đỉnh điểm của sự cạnh tranh giữa các hãng taxi năm qua là việc taxi truyền thống trên băng rôn, khẩu hiệu bêu xấu Uber và Grab. Tuy nhiên, động thái này bị cho là phản cảm và đã gặp “phản ứng ngược” từ phía khách hàng, khiến các xe taxi truyền thống phải nhanh chóng gỡ bỏ băng rôn.
8. Thị trường chuỗi cà phê thanh lọc mạnh, chuỗi trà sữa lên ngôi
Năm 2017 là năm thị trường chuỗi cà phê có sự sàng lọc mạnh mẽ. Các chuỗi lớn như Highland ngày càng mở rộng trong khi các mô hình nhỏ lẻ dần chết đi. Đáng chú ý nhất trong số các chuỗi cà phê nhỏ chính là cái chết của startup triệu đô The KAfe.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay, hàng loạt các cửa hàng The KAfe cả ở Hà Nội lẫn TPHCM đều đồng loạt đóng cửa. Dấu chấm hết dành cho The KAfe xảy ra chỉ nửa năm sau khi nhà sáng lập Đào Chi Anh rời ghế CEO do mâu thuẫn với các nhà đầu tư.
Startup triệu đô The KAfe đã lặng lẽ đóng cửa trong năm 2017
Thế chân cho các chuỗi cà phê năm qua chính là các chuỗi trà sữa. Hàng loạt tên tuổi mới mọc lên trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu “uống nhanh, uống ngon” của giới trẻ. Và với thế hệ 8X- 9X-10X thì “Hey, trà sữa đi!” có vẻ đang thay thế lời mời kinh điển “Cà phê không?”.
Trong số hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ trên thị trường hiện nay, Dingtea đang là chuỗi lớn nhất tại Hà Nội với 80 cửa hàng, và trên cả nước con số đang tiệm cận 200. Xếp sau Dingtea có Tocotoco với các con số tương ứng vào khoảng 66 và 124. (Thông tin update theo website Dingtea và Tocotoco). Còn ở thị trường TPHCM, vị trí dẫn đầu đang thuộc về Hot & Cold, Hoa Hướng Dương và Phúc Long.
Sang năm 2018, thị trường trà sữa được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nộ, cạnh tranh gay gắt và thanh lọc mạnh mẽ.
9. Startup trở thành hạt nhân mới của nền kinh tế, được xã hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm
Năm 2017 tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp và kèm theo đó là sự ra đời của các startup. Trong năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho ra dự thảo Nghị định về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khơi thông dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, lập hành lang pháp lý về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như các chính sách khuyến khích hoạt động này.
Tại Việt Nam, số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo đang có xu hướng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Các quỹ ngoại như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… hiện mở văn phòng đại diện hoặc có đối tác tại Việt Nam. Trong số các quỹ nội địa thì hiện tại mới có quỹ FPT Venture là đang tích cực thực hiện đầu tư cho khởi nghiệp. Nhiều nhà đầu tư trong nước khác như các công ty lớn, các nhà đầu tư cá nhân cũng đã thể hiện sự quan tâm và nhu cầu muốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Đáng chú ý nhất với cộng đồng khởi nghiệp trong năm nay chính là sự ra đời của chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về khởi nghiệp: Shark Tank. Đây là chương trình được mua bản quyền từ hãng Sony Picture với mục đích kết nối giới đầu tư mạo hiểm (Shark) với những công ty khởi nghiệp (Startup).
Chương trình “tường thuật” lại quá trình thương thuyết giữa doanh nhân khởi nghiệp và các nhà đầu tư cá mập, trong đó những doanh nhân khởi nghiệp sẽ trình bày những sản phẩm độc đáo của họ để thuyết phục “Shark” đầu tư vào dự án kinh doanh của mình. Họ được đầu tư ít, nhiều, hay ra về tay trắng tùy thuộc vào khả năng sinh lợi của sản phẩm.
10. Bộ Công Thương công bố cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh
Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành quyết định về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Con số này được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn hai tuần các đơn vị tiến hành rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.
675 là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện Bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Sưu tầm.
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh