Cả hai từ “năng lực” và “sự nghiệp” đều quá mơ hồ. Sự mơ hồ này dẫn đến nhiều hiểu lầm đáng tiếc, khiến hầu hết người lao động chỉ chạy theo các kỹ năng, phương pháp bề nổi mà bỏ quên các kỹ năng thật sự cần thiết.
Theo Yukio Okubo – người đứng đầu Viện nghiên cứu Recruit Works (trung tâm nghiên cứu về tổ chức và con người), có 6 ngộ nhận liên quan đến 2 khái niệm trên rất thường gặp. Trong cuốn Phát triển năng lực và thăng tiến trong doanh nghiệp Nhật Bản, Okubo phân tích chi tiết về những ngộ nhận ấy. Đồng thời, bằng những trải nghiệm của mình trong lĩnh vực quản trị nhân lực, chính sách lao động và thiết kế công việc, Okubo cũng đưa ra những giải pháp nhằm loại bỏ chúng.
Nội dung sau được trích nguyên văn từ cuốn Phát triển năng lực và thăng tiến trong doanh nghiệp Nhật Bản của Yukio Okubo.
Ngộ nhận thứ nhất: Có thể dễ dàng hướng tới các mục tiêu trong công việc mà thẳng tiến
Có thể nói, đây là thời đại không cần phải suy nghĩ quá nhiều về việc bản thân muốn làm gì, chỉ cần nỗ lực đóng góp cho công ty là được. Vì vậy, bạn không cần phải suy nghĩ quá nhiều về những chuyện như bản thân thực sự muốn làm nghề gì.
Hầu hết lao động từ 30 – 60 tuổi hiện tại đều không biết bản thân muốn làm việc gì trước khi đi xin việc. Họ chỉ đến những công ty được giới thiệu, dự buổi nói chuyện dạng phỏng vấn và trước khi định thần việc gì đang diễn ra, họ đã bắt tay ký hợp đồng tuyển dụng với công ty đó.
Các mong muốn và động lực chỉ phát sinh khi bạn bắt đầu thử hành động. Nếu không làm việc, bạn sẽ không có động lực.
Tuy nhiên, suy nghĩ nghiêm túc về những việc mình muốn làm cũng mang một giá trị nhất định. Chọn ngành nghề là lựa chọn to lớn, cần xác định công ty đó phải thế nào? Công việc phải ra sao? Trong lúc suy nghĩ, bạn có thể đi làm thêm và nghe những người có sẵn định hướng chia sẻ kinh nghiệm của họ.
Nói chuyện với các sinh viên chuẩn bị tìm việc làm, tôi thường khuyên các bạn “Khởi đầu bằng việc đi xuống một chút, tiếp đến sẽ là quá trình biến đổi để trèo lên đỉnh núi”. Dù có thời điểm bạn chưa biết bản thân muốn có công việc nào lâu dài, vẫn nên dồn lực theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn. Kinh nghiệm do chúng tạo ra sẽ giúp bạn nâng cao năng lực bản thân, sau đó, chắc chắn con đường của bạn sẽ hiện rõ. Cuối cùng, bạn sẽ thành công trên con đường đó.
Bắt đầu từ việc “trèo xuống”, sau đó mới “trèo lên” núi là cách phát triển sự nghiệp lý tưởng.
Ngộ nhận thứ hai (ngộ nhận liên quan đến trình độ học vấn): Có lợi thế tìm việc và đổi việc nếu có trong tay tấm bằng cử nhân đại học hoặc cao đẳng
Nhiều người ngộ nhận rằng chỉ cần tốt nghiệp đại học là sẽ tìm được việc tốt hơn những người chỉ có bằng tốt nghiệp trung học. Nhưng trong thực tế, từ sau năm 1998, lượng sinh viên ra trường tìm việc còn lớn hơn lượng học sinh tốt nghiệp cấp 3 tìm việc làm. Do đó, việc tốt nghiệp đại học thật ra không mang đến giá trị cao.
Với thực trạng ngày càng có nhiều thạc sĩ, kể cả khi bạn có tấm bằng này đi nữa thì nó cũng không có mấy giá trị trên thị trường lao động (trừ các nhà khoa học nổi tiếng với các kỹ năng được mài giũa khôn khéo). Cho nên, học cao học với mục đích có lợi thế hơn so với người khác không có nhiều ý nghĩa.
Do đó, nếu tham gia học cao học với mục tiêu sai lầm, bạn đã phí phạm cả thời gian 2 năm học lẫn học phí đắt đỏ phải bỏ ra.
Ngộ nhận thứ ba: Có các chứng chỉ là mọi chuyện sẽ ổn
Không sai khi nghĩ rằng bằng cấp một phần nào đó có liên quan đến khả năng làm việc. Tuy nhiên, trong thực tế, kinh nghiệm và các kỹ năng trong công việc lại là những thứ thông thường bạn không thể học được khi học để lấy những bằng cấp đó. Do đó, đứng trên góc độ nhà tuyển dụng, họ vẫn “trọng kinh nghiệm hơn bằng cấp”. Như vậy, trong công việc, kinh nghiệm vẫn là yếu tố quan trọng.
Thêm nữa, bạn sẽ phải bỏ ra nhiều thời gian học để lấy các loại bằng cấp, chứng chỉ, và hầu hết chúng đều không được cải tiến thường xuyên để phù hợp với khuynh hướng thời đại. Nên, các loại bằng cấp, chứng chỉ này không thể trở thành “át chủ bài” trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Ngộ nhận thứ tư: Chắc chắn sẽ trở thành “nhân viên chính thức”
Nhiều người có khuynh hướng nghĩ rằng việc bản thân trở thành nhân viên chính thức là điều đương nhiên.
Cụm từ “nhân viên chính thức” bắt đầu được sử dụng ở Nhật Bản vào năm 1955, ý chỉ những nhân viên làm công với một công việc ổn định, với hệ thống thuế, bảo hiểm, lương hưu… được điều chỉnh theo một hình mẫu chung.
Tuy nhiên, đến nửa sau thập kỷ 90, số lượng nhân viên không chính thức đã vượt trên 30% trong tổng số nhân viên làm công. Những người lựa chọn con đường làm việc nhưng không phải làm công – được gọi là “free agent” – ngày càng tăng cao. Chỉ trong 5 năm, số lượng nhân viên chính thức giảm 4 triệu người. Vì vậy, chúng ta cũng nên nghĩ đến các phương án làm việc khác hoặc kinh doanh riêng, thay vì chỉ chăm chăm muốn trở thành người làm công ăn lương ổn định.
Dù vậy, vẫn cần nắm vững các điểm mạnh, yếu của từng cách làm việc, từ đó đưa ra sự lựa chọn đúng đắn. Chẳng hạn, nếu hiểu rõ bản chất của việc làm bán thời gian, những người có lựa chọn nghề nghiệp về mảng nghệ thuật như làm ca sĩ, thì làm việc bán thời gian trong một thời gian để kiếm sống là một lựa chọn sáng suốt.
Còn những người làm việc bán thời gian mà cứ nghĩ rằng có thể thoải mái nhảy việc vì dễ dàng tìm việc khác, làm việc trong thời gian ngắn cũng đủ rồi… thì sẽ tự thu hẹp con đường sự nghiệp của mình lại.
Có nhiều cách lao động kiếm tiền, dù bạn không nhất thiết phải trở thành nhân viên chính thức của một công ty nào đó, nhưng việc lựa chọn cho bản thân một hướng đi phù hợp nhất rất quan trọng.
Ngộ nhận thứ năm: Không thể đổi việc sau tuổi 35
Trong công việc, độ tuổi có thể không đóng vai trò quan trọng, có lẽ chế độ thăng tiến sẽ hoàn hảo hơn nếu không bị hạn chế bởi độ tuổi hoặc chế độ lương theo thâm niên. Tuy vậy, có rất nhiều công việc cần đến kinh nghiệm và thâm niên trong nghề. Bạn cần đáp ứng một số điều kiện nhất định để đập tan “bức tường tuổi tác”:
(1) Cần nắm vững một chuyên môn có thể sử dụng trong cơ cấu công ty và xác định công ty nào sẽ trọng dụng chuyên môn đó, bởi vì năng lực của bạn có thể được công ty này tin dùng nhưng lại không được đề cao ở một công ty khác.
(2) Cần phát triển và rèn luyện khả năng lãnh đạo, vì vị trí tuyển dụng trên 35 tuổi thường là quản lý hay giám đốc – những người đã có kinh nghiệm hoặc khả năng làm quản lý.
Ngộ nhận thứ sáu: Những người không có khả năng quản lý thì nên trở thành chuyên viên
Đối với nhiều người, việc trở thành người biết mọi thứ một cách khái quát – thành quản trị viên, hoặc người biết chuyên sâu về một mặt nào đó – một chuyên viên, giống như quyết định chiến đấu để chiến thắng hoặc rơi vào thất bại. Sự thật không phải vậy.
Quản lý là kỹ năng không thể thiếu đối với một chuyên viên hàng đầu, vì bạn không thể làm mọi thứ một mình. Nếu trở thành quản lý dự án, bạn có thể tập trung nhiều nhân lực và trí lực để đạt nhiều thành tựu hơn. Điều này đúng với mọi ngành nghề. Nếu cứ phân loại theo hướng những người giỏi quản lý cơ cấu sẽ thành quản trị viên hay lãnh đạo, còn những người không giỏi sẽ thành chuyên viên thì nền kinh tế tương lai không thể phát triển vượt bậc được.
Ngược lại, nếu bạn dấn thân vào con đường quản trị và điều hành, bạn cũng cần trở thành một chuyên viên về quản lý. Để trở thành nhà quản trị hàng đầu, bạn cần có kiến thức về tài chính kế toán, marketing, quản trị nhân lực, quản trị chiến lược, quản lý rủi ro, luật thương mại, triết lý quản lý, và cuối cùng là hiểu biết về các mối quan hệ trong và ngoài ngành. Có tất cả những thứ đó, bạn chắc chắn sẽ trở thành một nhà quản trị hàng đầu.
Sưu tầm
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp