Câu chuyện khởi nghiệp của bạn Nguyễn Quốc Phong – một học viên của YUP – về việc mang những ứng dụng của internet vào nông nghiệp để hỗ trợ nông dân. Bài được đăng trên CafeBiz.vn.
NGUYỄN QUỐC PHONG, NGƯỜI MANG INTERNET VẠN VẬT CHO NÔNG DÂN
Từ bỏ Viettel đối với Nguyễn Quốc Phong, chàng trai đất Quảng chịu thương chịu khó quả không dễ dàng, nhưng anh đã “nhận” được nhiều hơn những gì mình hình dung khi quyết định khởi nghiệp H2O Farm với số vốn 30 triệu đồng.
Hành trình tự học không mệt mỏi để hình thành 50 mô hình “rau nhà phố” và 3 dự án trồng rau thủy canh thương mại với diện tích hơn 2.000 met vuông bằng công nghệ NFT (công nghệ thủy canh màng mỏng dinh dưỡng) là những phút giây thỏa sức sáng tạo, khi đưa công nghệ và IoT (Internet Vạn vật) vào nông nghiệp.
Anh đang nỗ lực hoàn thiện chuỗi cửa hàng rau và thịt sạch nhỏ, như xe bánh mì ở khắp các hang cùng ngõ hẻm của Đà Nẵng, với mong muốn giản dị là góp phần giải quyết nạn thực phẩm bẩn tràn lan đang hủy hoại cuộc sống con người.
Với một chàng trai miền Trung, từ bỏ mức lương 25 triệu để về quê trồng rau hẳn là một quyết định không đơn giản?
Ở Quảng Nam, mức lương đó sống cũng khỏe. Nghỉ Viettel với tôi là quyết định… kinh khủng!
Tốt nghiệp Đại học Duy Tân chuyên ngành công nghệ thông tin, sau khi ra trường tôi làm cho Tập đoàn Viettel, trải qua các công việc như kỹ sư công nghệ thông tin, viễn thông, quản lý xây dựng hạ tầng…
Sau 7 năm làm việc, tôi thấy mình không thực sự yêu thích công việc này. Tôi muốn làm cái gì đó khác biệt, tự mình làm cho mình và có đóng góp cho xã hội.
Khi quyết định khởi nghiệp với dự án H2O Farm, mong muốn đầu tiên là giúp người nông dân ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và năng suất.
Đầu tiên tôi nghĩ đơn giản, có ít vốn, tự trồng rau để bán. Hàng xóm lúc ấy nhìn tôi “dị” lắm, ai cũng nói “thằng này gàn dở, đang làm kỹ sư lương cao thế không ưng lại về quê cuốc đất trồng rau ai coi?”
Tôi tự tay tạo ra phân bằng cách đi xin bã cà phê trộn mùn cưa, chất thải trộn với trấu ủ thành phân, mùi thối bay sang cả nhà hàng xóm khiến ai cũng khó chịu, bảo tôi thôi dẹp đi.
Quá trình trồng rau dưới đất cực kỳ khó khăn, cho dù có nguồn phân hữu cơ thì việc xử lý đất đai rất cực khổ, vì đất đai của mình canh tác phun thuốc hóa học quá nhiều nên chai sần hết rồi, nhiều rủi ro. Để trồng rau trên đất phải đầu tư quá nhiều công sức và thời gian.
Không có kiến thức về trồng rau, về công nghệ, anh đã tốn bao nhiêu thời gian và tiền bạc để làm ra mô hình đầu tiên cho giải pháp màng mỏng dinh dưỡng NFT?
Hướng đến xu hướng có nhiều hộ gia đình muốn ăn rau sạch, tự trồng gặp khó khăn, một mùa cũng bỏ vì tốn công chăm sóc, tôi đã tìm hiểu phương pháp thủy canh màng mỏng dinh dưỡng NFT nước hồi lưu, chỉ chạy một lớp mỏng lên mặt rễ giúp cho rễ cây có dinh dưỡng và oxy cùng một lúc nhưng không làm ngập rễ. Đó là yếu tố giúp cây phát triển.
Đọc rất nhiều tài liệu trên thế giới về phương pháp này qua Internet, tôi phát hiện ra nhiều nông trại lớn ở Việt Nam và Đà Lạt đã áp dụng phương pháp này. Thế là tôi khăn gói lên Đà Lạt tìm hiểu quá trình canh tác, tìm hiểu đối tác nhập thiết bị. Cuối năm 2016 tôi mới tìm ra nơi có uy tín nhất để nhập thiết bị, gồm ống trồng thủy canh NFT, phân bón từ Haifa (Israel), và Yara (Anh Quốc), hai farm lớn nhất thế giới chuyên về thủy canh.
Còn về hạt giống cũng rất vất vả, chẳng có farm nào chỉ cho mình hết, phải tự tìm hiểu thôi. Sau nửa năm lần mò, cuối cùng tôi cũng tìm được công ty hạt giống của Hà Lan đặt văn phòng ở Đà Lạt. Hạt giống qua quá trình xử lý, không nhiễm bệnh, tiền nảy mầm, được bọc lớp tiền dinh dưỡng, tỷ lệ hạt nẩy mầm đạt 99%, được nghiên cứu phù hợp điều kiện trồng thủy canh, chất lượng năng suất đồng đều. Người chuyên trồng công nghệ cao đều lấy hạt giống từ đây. Nếu là đối tác, họ cung cấp kỹ thuật miễn phí luôn. Đến thời điểm này tôi mới hoàn thiện giải pháp, tìm ra công thức tối ưu.
Ngay từ đầu tôi đã chọn công nghệ tốt nhất, tự mình thiết kế mô hình mẫu đầu tiên, sau ba lần thay đổi mới ra mô hình chính thức để giới thiệu khách hàng. May mắn hai người bạn thân nhất chịu bỏ tiền cho mình lắp ráp. Lúc đó họ chỉ nghĩ giúp mình thôi, không nghĩ hệ thống sẽ có rau. Nhưng sau khi nhận 11 triệu đồng từ hai người bạn, mùa vụ đầu tiên bạn rất ngạc nhiên, rau phát triển đẹp và đều, ăn không hết luôn. Chúng tôi đã làm một bữa đại tiệc rau chấm xì dầu.
Để mô hình từ 2m2 trở lên đi vào cuộc sống của 50 gia đình, anh đã từng phải đối diện với nhiều thử thách?
Thực sự là khi bước vào nông nghiệp, tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của mọi người. Ban đầu chưa ai tin, cứ tiếc nuối cho mình sao không ở Vietel mà chịu cực như vậy. Tuy nhiên tôi có may mắn là bạn bè ủng hộ mình. Mượn của bạn 10 triệu, cùng với số vốn 30 triệu, tôi cùng với đứa em kêu về từ Vietel lên Sài Gòn mua vật tư, tự lắp ráp.
Khi gặp một ông chủ người Hoa chuyên bán ống nhựa nguyên sinh bọc lớp chống tia OV, có khả năng chịu đựng mọi thời tiết, độ bền từ 10 năm trở lên, tôi nói với ông hãy bán cho tôi giá thấp nhất, vì tôi không có nhiều tiền, ban đầu tôi có thể lấy ít, nhưng nếu sản phẩm phát triển sẽ lấy hàng nhiều. Ông đã tin tôi, và đồng ý liền. Đến giờ ông vẫn là đối tác của mình.
Lứa rau xà lách đầu tiên trồng đúng mùa lạnh, gặp gió bão, nhà lại gần biển, hệ thống lắp trên sân thượng nên cây đổ hết. Mình phải tính giải pháp khác, lấy lưới chống côn trùng bao toàn bộ khu vực trồng rau. Sau khoảng 20 ngày rau phát triển tốt, từ đó có rau ăn.
Câu chuyện rời Viettel và những gian truân trong khởi nghiệp đều được mình đưa lên Facebook, như một cách kể chuyện tâm tình. Không ngờ khi đưa sản phẩm lên mạng, lập tức có khách hàng ở Đà Nẵng gọi tới muốn lắp đặt cho gia đình ông ấy. Ông cũng có công ty chuyên về cơ khí lắp đặt. Tôi bán hệ thống với giá 7 triệu đồng/m2, ông nói tiền bạc không quan trọng, miễn là có rau sạch ăn. Sản phẩm đã không làm ông thất vọng.
Thấy mình có sự quyết tâm cho nông nghiệp, vị khách đầu tiên này đã giúp tôi tìm thêm khách hàng, còn giúp về mặt bằng, cho gắn bảng hiệu trên công ty ông, rồi lắp ráp cho các công ty của ông luôn. Khách hàng khá bất ngờ, thấy được niềm tin, sản phẩm đi đúng hướng.
Nhưng để cung cấp giải pháp thủy canh thương mại cho những quy mô nông trại lớn, anh lại đối diện với áp lực khác nữa?
Với các nông trại lớn phải bảo đảm năng suất đầu ra, vì họ phải tính toán kỹ chi phí đầu tư và giá thành hợp lý để tạo doanh thu. Đặc biệt nhiệt độ miền Trung rất khắc nghiệt. Tôi trăn trở làm sao để các loại rau xứ lạnh có thể sống được và cho năng suất cao.
Tôi đã mạnh dạn làm việc với đối tác Hà Lan để có giải pháp toàn diện tối ưu năng suất, cung cấp rau xứ lạnh giá cao cho các resort, nhà hàng, với thời gian thu hồi vốn nhanh nhất. Một số loại xà lách Hà Lan như roman, lolo tím, lolo xanh, xà lách mỡ, xà lách leaf xanh… đã phát triển tốt khi được chuyển giao công nghệ.
Trước khi trồng, mẫu nước tại vườn (farm) của khách hàng được đưa đi thử để họ tư vấn cho mình nguồn nước có sử dụng được không, có kim loại nặng không, sau đó họ sẽ tính toán cho mình biết rõ chỉ tiêu khoáng chất có trong nguồn nước, rồi lấy kết quả gửi sang Hà Lan để tính toán được lượng dinh dưỡng đầu vào và công thức phân.
Muốn trồng có năng suất cao, bí quyết nữa là phải có hệ thống làm mát nước, đưa nhiệt độ về 24 độ C mới thích hợp cho cây trồng. Song song là giải pháp phun sương làm mát lá, không khí trong mùa nắng với thiết bị điều khiển tưới Netafim của Israel. Bằng công nghệ, bây giờ tôi có thể tự tin rằng rau xứ lạnh có thể trồng ngay ở miền Trung.
Đi kèm giải pháp cho nông trại, tôi còn có vườn ươm cây con cho khách hàng tại Quảng Nam. Quá trình từ hạt đến cây cũng ứng dụng hai hệ thống ươm trước khi đưa lên dòng chính, giảm được diện tích tối ưu, thông qua đó nâng cao năng suất. Từ dàn 1 đến dàn 2 tiết kiệm được 15 ngày so với cách làm thông thường, vì thời gian là tiền bạc, nhanh thu hồi vốn hơn.
Tôi đưa luôn công nghệ IoT vào quản lý trang trại, giúp kiểm soát lượng dinh dưỡng, tích hợp quản lý các chỉ số điều kiện thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm của giá thể, trồng cây qua smatphone có thể điều khiển tưới nước phun sương làm mát cho cây.
Anh còn đang muốn giúp các bà nội trợ hoàn thiện bữa cơm gia đình với những cửa hàng rau và thịt sạch tiện lợi nhất?
Đó cũng là một cách xây dựng thương hiệu. Ngoài việc cung cấp giải pháp, quy trình cho người nông dân, tôi muốn liên kết với các siêu thị, cửa hàng mini-mart để hỗ trợ đầu ra cho nông dân, cho nhà cung cấp, tạo ra hệ sinh thái cho nông nghiệp, để khách hàng yên tâm khi đặt mua sản phẩm, đầu tư lớn hơn.
Khi rau ổn định, tôi muốn liên kết đối tác để tìm kiếm nguồn thịt sạch, hoặc tự nuôi để cung cấp rau thịt sạch cho chuỗi thương hiệu H2O. Chuỗi cửa hàng nhỏ như xe bánh mì vậy thôi, chi phí mặt bằng, nhân viên rất ít.
Đặt tên công ty là H2O, với anh bây giờ tiền đã vào như nước chưa?
H2O gắn với thủy canh, còn tiền thì mới chỉ bù chi thôi. Năm vừa rồi doanh thu từ sản phẩm thương mại khoảng 1 tỷ, còn doanh thu từ khách hàng nhà phố khoảng 400 triệu.
Tuy nhiên, cái được lớn nhất với tôi là chủ động làm điều mình thích, mở rộng mình hơn mỗi ngày. Tìm kiếm những khóa học cả về công nghệ và quản lý, buộc mình phải năng động hơn để tìm kiếm khách hàng, từ đó thấy con đường của mình rộng mở hơn so với chuyên môn ngày xưa. Thấy được bao nhiêu điều hay, con đường ngày càng rõ ràng hơn!
Ngoài đam mê của bản thân, cho dù công nghệ cao thì con người vẫn là cốt lõi, phải cố gắng từng ngày, đó là trăn trở và động lực để mình phải nghiên cứu sâu hơn.
Với người khởi nghiệp, điều lo nhất là tìm ra mô hình và giải pháp đúng hướng, làm khách hàng hài lòng. Mình thích kỹ thuật, thích sáng tạo, là người cầu toàn, cả về hình thức bên ngoài và giải pháp bên trong đều muốn nó phải hoàn thiện không ngừng, đạt đến giải pháp thực sự khiến khách hàng hài lòng. Càng ngày càng tìm tòi, học hỏi, để khắc phục yếu tố điều kiện, môi trường, cạnh tranh với sản phẩm khác ngoài thị trường.
Song song thương mại tìm kiếm doanh thu, bây giờ, tôi lên Đà Lạt với một tâm thế khác, muốn giúp đỡ nông dân, đưa công nghệ vào. IoT từng bước được học hỏi, nhân rộng ra nhiều mô hình khác để những người không am hiểu nông nghiệp vẫn có thể có năng suất cao. Xây dựng cơ sở dữ liệu và về năng suất và canh tác, nhìn thấy trước sản lượng từng mùa vụ so với các năm khác, để có lựa chọn thích hợp phải trồng loại cây gì để đáp ứng cung cầu, thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá.
Thông qua dữ liệu thu thập được, các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tổng quan hơn để định hướng, hỗ trợ nông dân canh tác nông nghiệp, đó là giá trị thiết thực nhất mà IoT mang lại cho nông dân và người làm chính sách.
Link bài gốc: http://cafebiz.vn/nguyen-quoc-phong-nguoi-mang-internet-van-vat-cho-nong-dan-20171223102314063.chn