Một phần sự thành công của mô hình kinh doanh này được cho là đến từ việc cắt giảm các chi phí ở khâu trung gian và đem tất cả doanh thu trực tiếp đến cho nông dân.
Một mảnh đất đã được “xanh hóa” ở Mario Lago
Từ chỗ không có đất đai, phải biểu tình yêu cầu chính phủ đầu tư thêm tiền nhằm thúc đẩy chương trình cải tạo đất bỏ hoang, nhiều nông dân Brazil cuối cùng cũng đã được giao cho đất để canh tác, và họ đã biến chúng thành những cánh đồng trù phú thông qua mô hình nông lâm kết hợp.
Chuyện về những nông dân Brazil bằng cách làm nông lâm kết hợp đã góp phần thay đổi thế giới được ghi lại trên trang The Guardian.
Một ngày vào năm 2005, Zaqueu Miguel lái xe buýt ngang qua vùng ngoại ô thành phố Ribeirão Preto ở miền nam Brazil, ông thấy một nhóm người đang dựng trại gần một khu đất nông nghiệp. Qua tìm hiểu, ông được biết khu đất đang dựng trại được gọi là Mario Lago, và những người dân này đang yêu cầu được quyền sử dụng khu đất đó, vốn đã bị xuống cấp và bỏ hoang, để tái canh tác.
Vốn là con nhà nông và luôn ước mơ được sở hữu một mảnh đất, Miguel lập tức trở về nhà thu gom đồ đạc thiết yếu để gia nhập cùng nhóm người này. Ban ngày ông vẫn tiếp tục làm việc và sống ở trong thành phố, nhưng ban đêm thì quay lại khu trại.
Từ cuộc đấu tranh để được sở hữu đất
Bất bình đẳng đất đai luôn là vấn đề nóng ở Brazil. Một nghiên cứu mới đây của Liên minh quốc tế Oxfam cho biết, gần 45% đất nông nghiệp của Brazil được sở hữu chỉ bởi 1% người dân, là những chủ đất có thế lực.
Trong bối cảnh đó, từ những năm 1980, một nhóm người đã thực hiện Phong trào Người lao động thiếu đất (MST: Landless Workers’ Movement) để đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng này và kêu gọi chính phủ Brazil tiến hành cải cách đất đai. Đây được xem là một trong những phong trào xã hội lớn nhất ở Mỹ Latinh.
Nằm trong khuôn khổ của phong trào MST, Mario Lago đã thúc ép chính phủ Brazil phải đưa ra hành động, vì luật pháp Brazil tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc thu hồi lại đất đai không tạo ra hiệu quả sử dụng, hoặc khi có dấu hiệu của việc hủy hoại môi trường. Trên thực tế, phần đất mà Mario Lago đấu tranh để giành quyền sở hữu đã bị suy thoái nặng nề và lúc đó còn đang bị điều tra về tội phá rừng.
Do đó, vào năm 2007 (4 năm sau khi Mario Lago khởi động), MST và chính phủ đã đạt được thỏa thuận thu hồi và phân bổ lại đất.
Gia đình của Miguel và 263 người khác được trao cho mảnh đất có diện tích 1,7ha, nhưng có bao gồm những điều kiện về việc cải tạo đất và phương thức canh tác. Theo đó, các nông dân cần phải trồng lại 20% diện tích rừng bản địa, và 15% diện tích đất phải được canh tác theo hệ thống nông lâm kết hợp (nông lâm nghiệp), nghĩa là trồng cây hằng năm, cây bụi, cây thân thảo xung quanh hoặc xen giữa các cây trồng lâu năm, có thể kết hợp cả đồng cỏ hoặc chăn nuôi, nhằm biến Mario Lago trở thành vùng điển hình về nông lâm nghiệp.
Đến mô hình nông lâm hiệu quả
“Trong một khu rừng, khi một cây ngã xuống, nó mở ra một không gian thoáng đãng và tạo điều kiện cho nhiều dạng sự sống khác sinh sôi. Nhưng trong tự nhiên, quá trình này thỉnh thoảng mới xảy ra. Với nông lâm kết hợp, chúng tôi giúp quá trình này diễn ra thường xuyên hơn”, Miguel nói.
Ông nhớ lại về những ngày đầu, lúc đó không dễ dàng thuyết phục các nông dân thực hiện theo mô hình nông lâm kết hợp này. “Chẳng hạn, bạn có thể nói với họ rằng trồng cỏ là bước đầu tiên để tái tạo đất đã bị suy thoái nặng nề từ việc độc canh cây mía. Và sau khi một nông dân vừa thu hoạch xong vụ mía, bạn bảo với anh ta rằng anh ta phải trồng cỏ. Lúc đó, anh ta sẽ muốn giết bạn”, ông kể.
Mặc dù không có một công thức chung nào cho mô hình canh tác này, các phương pháp phổ biến là cắt tỉa cây định kỳ và sử dụng các cành, nhánh cây này để bao phủ mặt đất, cũng như kết hợp các loại cây trồng để tăng cường sự tương hỗ giữa các loài với nhau.
Các khu vườn, cánh đồng ở khu đất Mario Lago được trồng đồng thời nhiều loại cây khác nhau |
Nelson Correa – một trong những người tiên phong về nông lâm kết hợp tại Mario Lago – định nghĩa hình thức này giống như một cách để kết hợp quá trình sản xuất lương thực với những tiến trình phát triển trong tự nhiên. “Với nông lâm kết hợp, chúng tôi trồng trọt để tái tạo môi trường. Năng suất chính là kết quả của việc tái tạo đó”, ông giải thích.
“Lúc trước, tôi cần nguyên cả một mảnh đất để trồng rau xà lách, một mảnh đất khác để trồng bắp cải… Nhưng bây giờ, trong cùng một mảnh đất, tôi có thể trồng nhiều loại hơn gấp 5 lần so với lúc trước. Và tôi trồng cả bắp – loại cây mà tôi chưa từng nghĩ rằng có thể sống được trong một cánh đồng rau củ”, Miguel chia sẻ.
Một nông dân khác cũng chuyển đổi phương thức canh tác sang nông lâm kết hợp là José Ferreira. “Tôi từng nghĩ MST là “những kẻ nổi loạn”, nhưng phong trào này mang đến cho chúng tôi sự hiểu biết nhiều hơn về thế giới. Đối với tôi, đây chính là điều quan trọng nhất mà MST đã làm được. Bên cạnh sự nỗ lực vì đất đai, cây trồng và quan tâm đến thiên nhiên, họ còn có một ý thức xã hội mạnh mẽ”, Ferreira nói.
Nhờ hình thức nông lâm kết hợp, José Ferreira nói rằng chỉ trong một tuần, ông có thể thu hoạch cả hành, ngò, cà chua, rau diếp xoắn, xà lách, bắp cải, bông cải xanh, tỏi tây và rau arugula. Ông nói, những người hiểu rõ về hình thức canh tác này sẽ không muốn quay trở lại với cách canh tác thông thường nữa.
Khách hàng cũng là nhà đồng sản xuất
Để bán các sản phẩm nông nghiệp của mình, 26 nông hộ tại Mario Lago đã tạo ra một hợp tác xã được gọi là Comuna da Terra – nơi cung cấp rau củ quả hằng tuần cho người tiêu dùng trong thị trấn. Đây là cách làm dựa theo một mô hình được gọi là nông nghiệp hỗ trợ cộng đồng (CSA: Community supported agriculture). Hợp tác xã Comuna da Terra cũng đưa các sản phẩm của họ ra bán trên đường phố hoặc tham gia các hội chợ.
Theo đó, vào mỗi thứ Hai hằng tuần, số lượng, chủng loại loại rau củ quả sẽ được quyết định bởi tất cả các nông dân, phụ thuộc vào tình hình canh tác, sản lượng họ tạo ra. Người tiêu dùng sẽ cam kết sử dụng trong một năm và trả một mức tiền cố định hằng tháng. Nhờ đó, họ sẽ cùng chia sẻ rủi ro với nông dân và góp phần ổn định kinh tế.
“Những người tiêu dùng đến đây giúp chúng tôi trồng rau và thu hoạch. Họ cũng tham gia vào các cuộc họp mặt của chúng tôi. Thực ra, chúng tôi thậm chí còn không gọi họ là khách hàng, mà gọi họ là những người đồng sản xuất”, Miguel mô tả mối quan hệ mật thiết giữa nông dân và những người tiêu dùng trong hợp tác xã Comuna da Terra.
Ngày càng nhiều khách hàng ở địa phương yêu thích nông sản của nông dân ở Mario Lago |
Miguel cho biết, hầu hết những cánh đồng được canh tác theo hình thức nông lâm kết hợp đều mang lại lợi ích kinh tế đủ để nông dân nuôi sống gia đình.
Nông sản của những nông dân ở Mario Lago |
Mario Lago nhanh chóng trở thành một trong những điển hình quan trọng về nông lâm kết hợp ở Brazil – nơi mọi người đang xem nó như một chiến lược tiềm năng để giải quyết các vấn đề môi trường. Trên thực tế, từ năm 2013, Brazil đã phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ phá rừng Amazon. Và sau một năm trải qua hạn hán, nắng nóng nghiêm trọng, các số liệu tổng hợp trong năm 2017 được dự báo sẽ cho thấy tình hình ngày càng xấu đi.
Một số chuyên gia cho rằng thúc đẩy các hệ thống nông lâm kết hợp trên các đồng cỏ chăn thả gia súc ở Amazon sẽ góp phần tăng tính bền vững trong việc sử dụng đất đai, kiềm chế nạn phá rừng và thúc đẩy sự đa dạng của các sinh vật nhiệt đới.
Mô hình này cũng có thể là một phương pháp nông nghiệp hữu ích cho những người sống ở vùng bán khô hạn đông bắc Brazil và những vùng khác có nguy cơ bị hoang mạc hóa, vì nó giúp cải tạo các loại đất bị thoái hóa hoặc đất nghèo chất dinh dưỡng.
Không những trồng nông sản, nông dân Mario Lago còn kết hợp với chăn nuôi |
“Ở Brazil, các cánh đồng của chúng tôi dường như mất hẳn chất tự nhiên. Chúng bị kiểm soát bởi sự kinh doanh nông nghiệp với triết lý “thống trị tự nhiên”. Vì thế, bây giờ chúng tôi cần phải mang tự nhiên quay lại với các cánh đồng của mình”, Nelson Correa nói.
Miguel đã hoàn thành được giấc mơ của mình. Đã 12 năm trôi qua sau khi ông tham gia vào việc yêu cầu quyền sở hữu đất ở Mario Lago và 10 năm sau khi được phân bổ đất, ông đã xây được một ngôi nhà cho cả gia đình. Ông nói MST và mô hình nông lâm kết hợp đã thay đổi cuộc đời mình. “Tôi từng là người theo chủ nghĩa tiêu dùng. Bây giờ, vấn đề tiền bạc trở nên ít quan trọng với tôi hơn. Tôi thích giao tiếp với mọi người, nói chuyện với họ, chia sẻ kiến thức… để góp phần thay đổi thế giới”, ông chia sẻ.
Sưu tầm.
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Khóa học Kích hoạt Năng lượng Thành công
>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp