Những khoản đầu tư của Berkshire Hathaway Inc. vào các công ty bán lẻ – từ See’s Candies cho tới Ben Bridge Jeweler và Nebraska Furniture Mart—đều nhận được rất ít sự chú ý của các nhà đầu tư và giới phân tích.
Mặc dù những công ty này vẫn đang làm ăn có lãi, lĩnh vực bán lẻ đang tiếp tục khiến tỷ phú Buffett và người cộng sự Charlie Munger bối rối. Từ nhiều năm nay, họ đã than phiền về những điều kém may mắn khi đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ. Những thất bại trong lĩnh vực này được hai người chia sẻ tại các kỳ đại hội cổ đông thường niên và cả trong các cuộc phỏng vấn với báo chí. Gần đây hơn, hai người – vốn nổi tiếng là không mặn mà với công nghệ – đã nói về xu hướng Internet đang nhanh chóng định hình lại sở thích mua sắm của khách hàng và ảnh hưởng đến Berkshire theo cách mà họ không ngờ tới.
 
5 công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ đang đóng góp khoảng 2% trong tổng số 182 tỷ USD doanh thu hàng năm của Berkshire. 
Những khó khăn mà Buffett gặp phải trong lĩnh vực bán lẻ đã có từ thời kỳ đầu của Berkshire. Trong một lá thư gửi nhà đầu tư năm 1989, Buffett gọi thương vụ mua cửa hàng Hochschild Kohn năm 1966 là “một trong những sai lầm lớn nhất của tập đoàn”.
Gần đây, Buffett cũng thú nhận rằng bán lẻ thực sự là một lĩnh vực đầy thách thức. Nguyên nhân là do thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng như các kênh bán hàng đang thay đổi chóng mặt, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và duy trì các lợi thế cạnh tranh (điều mà Buffett gọi là “ánh hào quang kinh tế’).
Qua nhiều năm, Buffett đã có trong tay một “bộ sưu tập” các công ty bán lẻ quy mô nhỏ, nhưng có vẻ như “ánh hào quang” của chúng đang dần dần mất đi vì Internet.
Giống như rất nhiều nhà đầu tư khác, Buffett không thể dự đoán rằng những thay đổi vượt trội về công nghệ sẽ tác động lớn đến ngành công nghiệp bán lẻ. Đây là nhận định của David Kass – giáo sư tài chính tại ĐH Maryland và cũng là một cổ đông của Berkshire.
'Gót chân Achilles' của Buffett (1)
Buffett đặc biệt đánh giá cao một nhân vật mà ông tin rằng đã phát hiện ra xu hướng này cách đây nhiều năm: CEO Jeff Bezos của Amazon.com.
Năm ngoái, khi Bezos đàm phán để mua lại Washington Post từ Graham Holdings Co., Buffett với vai trò là cố vấn lâu năm của tờ báo này đã nói với CEO Don Graham rằng Bezos là “CEO tốt nhất của nước Mỹ”.
Với phong cách của Buffett, khó có thể tin rằng ông đang buộc cấp dưới phải làm theo kiểu của Amazon. Tuy nhiên, một số người cho rằng họ đang từng bước chống lại các đối thủ kinh doanh trực tuyến, đồng thời thâu tóm các công ty bên ngoài các kênh truyền thống.
Brad Kinstler, người đang dẫn dắt See’s Candies, cho biết công ty sẽ sớm cho ra mắt website mới vào đầu năm 2015 và tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội. “Chúng tôi đang giải quyết vấn đề theo cách mà người tiêu dùng muốn, cho dù đó là đặt hàng trực tuyến và đến mua hay nhận hàng tại nhà”, ông nói. Thương mại điện tử hiện chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng doanh thu 400 triệu USD của See’s nhưng đang tăng lên nhanh chóng.
Ed Bridge, CEO của Ben Bridge Jeweler, thì cho biết công ty ông đang nỗ lực đẩy mạnh marketing trực tuyến.
Năm 2007, 8 công ty bán lẻ trực thuộc Berkshire đóng góp 3,4 tỷ USD vào doanh thu và 274 triệu USD vào lợi nhuận trước thuế của tập đoàn. Đến năm 2012, doanh thu tăng 8%, lên 3,7 tỷ USD và lợi nhuận tăng 11%, lên 306 triệu USD. Năm ngoái, tỷ trọng tăng đáng kể nhờ việc mua lại Oriental Trading, công ty bán lẻ có trụ sở ở Omaha.
Buffett không nói chi tiết về những ảnh hưởng của Internet đối với các công ty bán lẻ trực thuộc Berkshire, nhưng trong bức thư thường niên năm 2013, ông cho biết một vài công ty trong nhóm sản xuất, dịch vụ và bán lẻ “có lợi nhuận rất tệ do những sai lầm nghiêm trọng khi phân bổ nguồn vốn”. “Tôi không lầm đường lạc lối mà chỉ đơn giản là sai lầm trong việc đánh giá về ngành đó”.
Thành tích về đầu tư vào cổ phiếu bán lẻ của Berkshire cũng không đồng nhất. Trong khi Wal-Mart và Costco đã đem lại kết quả tốt, Berkshire đã bán bớt cổ phần ở chuỗi siêu thị Tesco của Anh vì công ty này đánh mất thị phần. 
4 thương hiệu cung cấp đồ nội thất là điểm sáng của nhóm bán lẻ. Với 2 cửa hàng hiện tại và 1 cửa hàng được dự định sẽ khai trường trong năm tới, Nebraska Furniture Mart có doanh thu khoảng 900 triệu USD trong năm ngoái, tăng 12,5% so với năm 2012.
Theo Thu Hương
CafeF/Trí thức trẻ