Lean Startup là một phương pháp tiếp cận khoa học để gầy dựng, quản lý các Startup và đưa sản phẩm đến với khách hàng nhanh hơn.

Có quá nhiều startup bắt đầu chỉ với một ý tưởng cho một sản phẩm mà họ nghĩ rằng người ta muốn nó. Sau đó họ dành ra hàng tháng, có khi hàng năm trời để hoàn thiện sản phẩm đó mà chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện cho các khách hàng mục tiêu dùng thử dù cho sản phẩm đang ở giai đoạn nào đi nữa.

Khi họ thất bại trong việc thuyết phục khách hàng chấp nhận sản phẩm của mình, lý do thường là bởi họ chẳng bao giờ nói chuyện với các khách hàng tiềm năng của mình và quyết định xem sản phẩm của mình có sức hút hay không. Cho đến khi khách hàng cuối cùng cũng “giao tiếp” thể hiện qua sự thờ ơ của họ, startup đã thất bại.

Sơ đồ quy trình Lean Startup

Loại trừ sự bất ổn

Việc thiếu quy trình quản lý phù hợp khiến cho nhiều startup, mà theo Ries định nghĩa là “một tổ chức của con người được thiết kế cho việc xây dựng một sản phẩm hoặc dịch vụ mới dưới những điều kiện rất bất ổn”, từ bỏ tất cả các quy trình, họ sử dụng phương pháp “làm liều” để tránh tất cả mọi hình thức quản lý. Nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất. Sự dụng cách tiếp cận The Lean Startup, công ty có thể xây dựng trong trật tự chứ không phải sự hỗn loạn bằng cách cung cấp các công cụ kiểm tra tầm nhìn liên tục. Lean không chỉ đơn giản là tiêu ít tiền hơn hay thất bại nhanh hơn và ít tốn kém hơn. Lean ám chỉ việc xây dựng một quy trình, một phương pháp thực hiện xung quanh quá trình phát triển sản phẩm.

Làm việc thông minh hơn chứ không phải cần cù hơn

Tiền đề của The Lean Startup là xem mỗi startup là một thử nghiệm lớn nhằm trả lời một câu hỏi. Câu hỏi đó không phải là “Sản phẩm này có khả thi không?” mà phải là “Sản phẩm này có nên được hiện thực hóa không?” và “Chúng ta có thể xây dựng một công ty bền vững với sản phẩm/ dịch vụ này không?” Thử nghiệm này đòi hỏi nhiều thứ hơn là lý thuyết suông. Nếu sản phẩm thành công, nó cho phép người quản lý bắt đầu các chiến dịch tiếp theo của mình như là thử nghiệm với những người dùng mục tiêu, bổ sung nhân lực cho các thử nghiệm tiên tiến hơn và cứ như thế một sản phẩm hoàn thiện dần hình thành. Khi mà sản phẩm đã sẵn sàng được phân phối trên diện rộng thì cùng lúc đó nó đã có một nhóm khách hàng trung thành. Với quy trình này, người phát triển sản phẩm có thể giải quyết được các vấn đề thật và cung cấp các thông số kỹ thuật chi tiết cho hình mẫu toàn diện của sản phẩm.

Phát triển MVP (sản phẩm thử nghiệm tối thiểu)

Yếu tố chính của phương pháp Lean Startup chính là vòng lặp “xây dựng-đo lường-tiếp nhận phản hồi”. Bước đầu tiên là phải tìm ra vấn đề cần giải quyết để phát triển MVP và bắt đầu quá trình tiếp nhận phản hồi càng sớm càng tốt. Một khi MVP đã được hoàn thiện, một startup có thể bắt đầu điều chỉnh sản phẩm. Quá trình này bao gồm việc đo lường, tiếp nhận thông tin và cần có những thước đo hữu dụng để chứng minh cho các câu hỏi nhân quả.

Startup cũng có thể tận dụng phương pháp “Five Whys” (5 câu hỏi lý do đơn giản) để nghiên cứu và giải quyết vấn đề trong quá trình thực hiện. Khi quá trình đo lường và tiếp nhận phản hồi được thực hiện đúng, ta sẽ biết được công ty có đang đi đúng hướng hay không. Nếu không thì đây là thời điểm để thay đổi hoặc thử nghiệm một giả thuyết mới hay chiến lược phát triển mới cho sản phẩm.

Tiếp nhận phản hồi hiệu quả

Sự phát triển của quá trình sản xuất được đo đếm bằng chất lượng sản phẩm. Đơn vị đo lường sự phát triển cho Lean Startup là việc tiếp nhận phản hồi hiệu quả hay không – đây là một phương pháp nghiêm ngặt giúp chứng minh sự tiến bộ của sản phẩm khi được phát triển trong một môi trường cực kỳ bất ổn. Một khi các doanh nhân tiếp nhận các phản hồi hiệu quả, thì quá trình phát triển sản phẩm sẽ được rút ngắn đáng kể. Khi bạn tập trung vào nghiên cứu và phát triển cái khách hàng muốn và sẽ chi tiền cho nó thì bạn sẽ không phải tốn hàng tháng trời chỉ để đợi ngày sản phẩm beta ra mắt rồi mới thay đổi hướng đi. Thay vào đó, các doanh nhân có thể thích ứng với những sự thay đổi trong kế hoạch mỗi ngày một chút.

Action/TheLeanStartup