Cuộc chiến với đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh là những công ty, doanh nghiệp ở trong cùng ngành nghề, lĩnh vực, thị trường, thậm chí hướng đến cùng đối tượng khách hàng và cung cấp cùng loại sản phẩm, dịch vụ như công ty bạn. Nếu biết khôn khéo thì khi khởi nghiệp với nguồn vốn nhỏ, bạn hãy chọn một thị trường ngách hay “đại dương xanh”, tức không có hay có rất ít, rất mờ nhạt các đối thủ cạnh tranh để bạn có thể thỏa thích vùng vẫy trong thị trường riêng của mình. Nhưng một điều chắc chắn không thể tránh khỏi là nếu thị trường ngách bạn đang hướng tới mà thật quá màu mỡ, có tiềm năng phát triển to lớn trong tương lai thì không ít cá nhân, tổ chức sẽ lao vào thị trường ấy để giành miếng bánh thị phần. Thậm chí có những đối thủ cạnh tranh mà trước đây từng là cộng sự của bạn. Điều này tạo nên những trở ngại vô cùng lớn. Vì nếu sản phẩm của bạn mà không có bản quyền, không có nét đặc sắc, ưu điểm, thế mạnh mà không thể hay khó thể sao chép thì chắc chắn đối thủ sẽ không ngần ngại sao chép hầu như toàn bộ từ sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, chuỗi cung ứng, thậm chí qua mời gọi, chiêu mộ cả những nhân sự nòng cốt bên bạn bằng các ưu đãi như lương thưởng, đãi ngộ, những lời hứa hẹn cho tương lai, những thứ mà công ty bạn hiện tại khó lòng đáp ứng được. Rất nhiều vấn đề. Như vậy, bạn có thể thấy bạn phải chiến thắng được bản thân bạn, thắng được sự ủng hộ của người thân, gia đình, thắng được lòng tin, sự yêu mến, kính trọng, ủng hộ của cộng sự và có được sự trung thành của khách hàng thì mới có thể vượt qua những giai đoạn khó khăn khi phải cạnh tranh với đối thủ mà chắc chắn là không thể tránh khỏi. Nhưng dù vậy, hãy luôn tôn trọng đối thủ cạnh tranh của bạn. Hãy chơi đẹp, cạnh tranh công bằng. Thậm chí có thể ngỏ ý hợp tác thay vì chỉ chăm chăm sát phạt, tranh giành lẫn nhau, làm phân tán giá trị thương hiệu, nguồn lực, khách hàng. Đối thủ cạnh tranh có thể làm công ty bạn suy yếu đi nhưng chính đối thủ cạnh tranh cũng có thể là động lực, nguồn lực, cơ hội để công ty bạn ngày càng đi lên, lớn mạnh. hoàn thiện hơn. Chuyện xảy ra như thế nào là quyết định rất lớn ở bạn, người sáng lập.
Cuộc chiến với nền kinh tế khu vực
Rất nhiều vấn đề, đặc điểm của nền kinh tế khu vực sẽ là khó khăn, thách thức cho công ty với nguồn vốn nhỏ. Mỗi nơi có những nền kinh tế khác nhau. Có những nơi trọng tâm phát triển nông nghiệp, có nơi trọng tâm phát triển công nghiệp, nơi thì dịch vụ phát triển, nơi thì công nghệ phát triển. Trong nền kinh tế khu vực nơi bạn đang kinh doanh có rất nhiều vấn đề cần lưu tâm như thu nhập bình quân, đặc điểm dân cư, ngành nghề phổ biến, thủ tục hành chính, phong tục tập quán. Nếu không nắm bắt, tìm hiểu thị trường rõ ràng thì doanh nghiệp của bạn sẽ thất bại ngay từ giai đoạn thành lập. Hoặc khi đã dựng nên được công ty thì phải chịu sự cạnh tranh dữ dội từ rất nhiều đối thủ cạnh tranh trong thị trường. Và nếu thất bại thì không phải là trở về tay trắng mà có thể là ôm một khối nợ nần không hề nhỏ. Chính vì vậy, để tránh những chuyện đáng tiếc như vậy xảy ra, hãy khôn ngoan lựa chọn thị trường. Dùng bảng câu hỏi 5W1H (who – ai, what – cái gì, when – khi nào, where – ở đâu why – tại sao, how – bằng cách nào) để làm minh bạch các khía cạnh, vấn đề để xây dựng có một nền tảng vững chắc, con đường khôn ngoan, thông thái cho doanh nghiệp với vốn nhỏ của bạn có thể phát triển. Như nếu không thể cạnh tranh ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh thì có thể bắt đầu khởi nghiệp tại các thành phố, tỉnh lẻ nhỏ hơn. Nếu sản phẩm, dịch vụ không phù hợp với đối tượng khách hàng này thì mau chóng tìm kiếm nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu khác.
Kết luận
Không phải chỉ trong thế giới hoang dã mà ngay cả trong thế giới văn minh, để có thể tồn tại và phát triển, cần sự đấu tranh, nỗ lực không ngừng. Như có một câu truyện sau đây :”Mỗi sáng ở Châu Phi, một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu không muốn bị giết. Mỗi sáng, một con sư tử thức dậy, nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói. Điều quan trọng không phải ở chỗ bạn là sư tử hay linh dương. Khi Mặt Trời mọc, bạn hãy bắt đầu chạy.” Cuộc sống sẽ có lúc khắc nghiệt, nhưng đó là quy luật đào thải, chọn lọc không thể tránh khỏi. Vì vậy, hãy chấp nhận nó và bước vào những cuộc chiến, đấu tranh sinh tồn không dứt trong cuộc hành trình khởi nghiệp. Sẽ có thành công, sẽ có thất bại, sẽ có đau đớn, sẽ có dịu êm, sẽ có sự thánh thiện, sẽ có sự tàn ác, sẽ có sự trung thành, sẽ có sự phản bội, và tất cả những trải nghiệm, dù ít hay nhiều, có thể giúp con người ta ngày càng trưởng thành, mạnh mẽ, khôn ngoan, và biết yêu thương, cảm thông hơn. Đấu tranh mâu thuẫn là không thể tránh khỏi nhưng đó chính là động lực phát triển cần phải có trong các giai đoạn phát triển khác nhau.