Nhà sáng lập trở thành người giàu nhất thế giới; Ra mắt cửa hàng không nhân viên Amazon Go; Apple có động thái mới để cạnh tranh; Google bắt tay với Walmart nhằm chiếm ưu thế trước Amazon… Đó là những gì người ta vẫn nói gần đây khiến chúng ta không thể không đặt câu hỏi về sự đột phá và hành trình lớn mạnh của “kẻ thống trị mới của thế giới” – Amazon.
Amazon được sinh ra như thế nào?
Sự ra đời của Amazon có thể khiến nhiều nhà khởi nghiệp đồng cảm. Jeff Bezos lập ra Amazon khi đã 30 tuổi. Lúc ấy ông đang là phó chủ tịch của một công ty tài chính tại Phố Wall – một công việc “êm ấm,” và theo lời Bezos, là hoàn toàn thỏa mãn. Nhưng khi nhận thấy tiềm năng khổng lồ của Internet (Bezos đọc một báo cáo và biết rằng tần suất sử dụng Internet sẽ tăng lên với tốc độ 2.300% mỗi tháng), ông quyết định bỏ ngang công việc để khởi nghiệp. Dù khi đó cấp trên của Bezos có nằn nì thuyết phục ông ở lại.
Kế hoạch kinh doanh sơ lược của Amazon được viết trên đường khi vợ chồng Bezos chu du xuyên nước Mỹ từ New York đến Seatle. Khi đặt chân đến Seatle, ông đã thành lập công ty của mình trong garage của gia đình, với số vốn khởi đầu là 300.000 USD – số tiền tiết kiệm cả đời của bố mẹ Bezos.
“Câu hỏi đầu tiên của bố tôi là: Internet là cái gì thế?”, Bezos kể lại. Nhưng dù không biết Internet là gì, họ vẫn trao số tiền đó cho Bezos. “Bố tôi đã không đặt niềm tin vào một dự án viển vông mà vào con trai ông, ngay cả khi tôi nói với bố mẹ rằng 70% khả năng họ sẽ đánh mất số tiền đầu tư này”, Bezos chia sẻ.
Khi bắt đầu một công ty, giống như bất kỳ những người khác, Bezos có tham vọng lớn. Sau một vài cái cái tên được chọn rồi bỏ, ông tra từ điển và chọn cái tên Amazon, vì sông Amazon là một nơi “kỳ lạ và khác biệt”, giống cách Bezos nghĩ về công ty của mình. Vả lại, đó lại là con sông dài nhất thế giới. Ngay từ lúc thành lập công ty, Bezos cũng muốn công ty trở thành một hiệu sách (hoặc một cái gì đó) lớn nhất thế giới.
Ngoài tham vọng, Bezos còn rất tự tin và có tầm nhìn xa. “Không có gì trong mô hình của chúng tôi mà không bị bắt chước theo thời gian. Nhưng bạn biết đấy, McDonald’s cũng đã bị bắt chước. Nhưng nó vẫn cứ là một công ty khổng lồ. Rất nhiều thứ trở về với cái tên thương hiệu. Và một hiệu sách trực tuyến với hàng triệu đầu sách – một thứ chưa hề tồn tại trong thế giới thực – là một ý tưởng hấp dẫn,” đây là những gì Bezos nói với một phóng viên khi công ty mới thành lập.
Và thế là Amazon ra đời. Vào năm 1995, trang chủ phiên bản đầu tiên của Amazon có một mục “Spotlight” với danh sách những cuốn sách được “chúng tôi” yêu thích. “Chúng tôi” không phải là hàng ngàn người mà chỉ là Jeff Bezos, vợ ông và 8 người nữa.
Trang chủ của Amazon
Trong những ngày đầu, Bezos đích thân mang những gói hàng đến bưu điện trên chiếc xe Chevy Blazer 1987 để gửi cho khách hàng. Bezos nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 rằng: “Khi ấy tôi chỉ nghĩ có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ có đủ tiền mua một chiếc xe nâng”.
Những năm đầu tiên không lãi
Ban đầu, có một chiếc chuông được đặt trong văn phòng. Mỗi khi có ai đó mua hàng, chiếc chuông sẽ được rung lên để tất cả mọi người… xúm lại xem có biết người mua không.
Nhưng chỉ vài tuần sau đó, chuông reo quá nhiều khiến người ta phải bỏ chuyện “rung chuông” đi. Chỉ hai tháng kể từ khi chính thức thành lập ngày 16/7/1995, Amazon đã có khách hàng trên 50 bang và 45 nước. Vào cuối tháng 8, doanh số của công ty là 20.000 USD/tuần. Tuy nhiên, Amazon không có lấy một đồng lãi vì mọi nguồn thu đều đổ lại hết vào việc phát triển công ty.
Amazon tăng trưởng rất nhanh. Vào cuối năm 1995, doanh số của Amazon là 511.000 USD và có 2.200 lượng truy cập mỗi ngày. Đến tháng 6/1996, công ty nhận được khoản đầu tư đầu tiên là 8 triệu đô la. Đến tháng 3 năm 1997, mỗi ngày website công ty có 80.000 lượt viếng thăm. Và vào ngày 15/5/1997, Amazon niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với mức giá 18 USD/cổ phiếu.
Nhưng Amazon đã trải qua những năm cuối thập niên 90 và đầu thế kỷ XX đầy mệt mỏi. Các nhà đầu tư kêu than vì công ty vẫn tiếp tục không có lãi – doanh số vẫn dồn vào việc xây dựng và mở rộng công ty. Vào thời điểm bong bóng dot-com xì hơi, niềm tin cùng đống tiền nóng vội đổ vào những công ty công nghệ sụp đổ, người ta gọi công ty của Jeff Bezos là Amazon.bomb. Tuy vậy, nhờ sự lãnh đạo của Bezos, việc bám chặt vào tầm nhìn công ty và tập trung vào phục vụ khách hàng, Amazon đã không bị thổi bay bởi bong bóng dot-com.
Amazon liên tục phát triển thêm các sản phẩm mới. Công ty bắt đầu bán đĩa CD ca nhạc vào năm 1998 – sự việc đánh dấu việc mở rộng ra ngoài sách và khởi đầu cho hành trình trở thành “Everything Store” – Cửa hiệu Mọi thứ của Amazon. Từ ngày 19 tháng 6 năm 2000, logo của Amazon có thêm một đường vòng cung từ chữ A đến chữ Z, ngụ ý rằng công ty bán mọi thứ, và đường vòng cung được vẽ như một nụ cười.
Và rồi thì công ty cũng có lãi 5 triệu đô vào quý 4 của năm 2001. Con số này mặc dù rất khiêm tốn, nhưng đã giúp Bezos chứng minh một điều quan trọng: mô hình kinh doanh của Amazon có thể thành công.
Vào năm 1999, Bezos được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của Năm. Hình ảnh của nhà sáng lập Amazon xuất hiện trên trang bìa của Time cùng với dòng chữ “Thương mại điện tử đang thay đổi cách mua hàng của thế giới.”
Một Amazon khổng lồ
Ngày nay Amazon bán tất tần tật không kể thứ gì, từ đồ công nghệ cho đến thực phẩm, từ quần áo cho đến… cuộn giấy vệ sinh. Amazon đã thực sự trở thành cửa hiệu lớn nhất thế giới, đúng như những gì Bezos kỳ vọng.
Một thống kê năm 2016 cho thấy Amazon chiếm 43% các hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn thế giới. Cuối tháng 5 năm 2017, cổ phiếu Amazon vượt mốc 1.000 USD. Tổng số nhân viên của công ty là 300.000 người. Theo một tính toán năm 2013, cứ một ngày thì Amazon vận chuyển 1,6 tỷ đơn hàng. Tờ Business Insider cho biết giá trị thị trường 356 tỷ đô la (7/2017) của Amazon là lớn hơn cả 12 nhà bán lẻ truyền thống Mỹ cộng lại, trong đó có Walmart, Best Buy.
Amazon Go – cửa hàng tiện lợi tự phục vụ đầu tiên trên thế giới
Trong ngành bán lẻ cốt lõi, Amazon là kẻ tiên phong đáng nể. Hãng gia tăng các mặt hàng ngày qua ngày, thực hiện giao hàng ngay trong ngày, thử nghiệm mô hình “nhấp chuột và nhận hàng” với AmazonFresh. Và với cửa hàng không nhân viên đầu tiên Amazon Go đã được mở tại Seattle vào tháng 1/2018, Amazon được cho là đã khai sinh ra kiểu cửa hàng tiện lợi của tương lai.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy các nhà bán lẻ truyền thống đang “thất thế” trước Amazon. Từ năm 2015 hãng đã vượt qua cái tên lão làng Walmart để trở thành nhà bán lẻ có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất.
Một vài chuỗi bán lẻ khác đang phải sa thải nhân viên và đóng cửa nhiều cửa hàng vì hoạt động kinh doanh sa sút. Việc bỏ ra 13,7 tỷ đô mua lại Whole Foods – một siêu thị cao cấp với hơn 400 cửa hàng “ngoài đời thực” cho thấy sự lấn sân của Amazon sang mảng bán lẻ truyền thống.
Sau 23 năm vẫn là công ty khởi nghiệp
Đã tồn tại được 23 năm và đã được xem là một người khổng lồ, nhưng Amazon là một người khổng lồ đặc biệt. Công ty này vẫn luôn giữ tinh thần mới mẻ, không ngừng tiến về phía trước. Vẫn triết lý “không lãi” như những năm đầu tiên, Amazon không tích lũy tài sản mà bơm tiền vào những lĩnh vực mới, những ý tưởng mới.
Tháng 12 năm 2017, tờ CNBC đưa tin Amazon đã có cuộc gặp với hai tập đoàn lớn trong ngành thuốc kê đơn của Mỹ nhằm tham gia và thị trường phân phối thuốc.
Ngoài ra, Amazon cũng đang tăng tốc trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI). Trong lĩnh vực nhà thông minh, với Amazon Echo Dot và Alexa, Amazon cũng đang dẫn trước cả Apple và Google, theo tờ Reuters và Fortune.
Amazon còn được cho là một thế lực mới của ngành quảng cáo, sau Google và Facebook. Công ty này đã mở rộng quy mô kinh doanh quảng cáo khi thông báo là sẽ mở một văn phòng quảng cáo lớn tại Manhattan. eMarketer phỏng đoán doanh thu quảng cáo số của công ty là 1,8 tỷ trong năm 2017. Mặc dù con số này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với Facebook và Google nhưng điều thú vị là Amazon sở hữu một lợi thế đáng sợ mà hai ông lớn quảng cáo đi trước có mơ cũng không có được: Vì là một công ty bán hàng trực tuyến nên Amazon có hệ thống dữ liệu về hành vi mua sắm của khách hàng.
Trên thực tế, “con sông” Amazon của Jeff Bozes đã âm thầm chảy lấn qua rất nhiều những lĩnh vực khác nữa từ trước: từ điện toán đám mây đến giải trí, thực phẩm…
Và là công ty chuyên “sưu tập” thất bại
Ít ai biết rằng đằng sau một danh sách dài những thị trường mới, những công ty bị Amazon thâu tóm cũng là một danh sách dài khác những sản phẩm thất bại.
Đó là Amazon Destinantions – hệ thống thiết kế trang web đặt phòng khách sạn. Đó là trang web đấu giá Amazon Auctions. Và đặc biệt là thất bại lịch sử smartphone Fire Phone ra mắt vào tháng 6/2014. Thậm chí Amazon đã từng ra mắt một sản phẩm rất… không liên quan là tã trẻ em Amazon Elements, gây bất ngờ cho nhiều người, nhưng lại chẳng được người tiêu dùng chào đón.
Fire Phone – thất bại lịch sử của Amazon
Nhưng chính Jeff Bezos đã từng phát biểu: “Kích thước của sai lầm phải được gia tăng theo thời gian”. Và chuyện “sưu tập” thất bại là một trong những tiêu chí, tinh thần của Amazon, đúng như lời Bezos: “Chúng tôi đang hướng đến những thất bại còn lớn hơn.”
Có vẻ như đó là một hướng đi đúng, vì thất bại luôn đi liền với đổi mới. Trong một bài báo tháng 12 năm 2017, tờ Forbes trích dẫn một khảo sát của Drucker Institute, xếp Amazon.com vào công ty số 1 thế giới, trên Apple và Alphabet. Việc xếp hạng được thực hiện trên 5 tiêu chí: sự hài lòng của khách hàng, sự gắn bó và phát triển của nhân viên, sự đổi mới, trách nhiệm xã hội và tiềm lực tài chính. Trong khi suýt soát nhau về 4 tiêu chí còn lại, trong tiêu chí đổi mới, chỉ số của Amazon gấp 2 lần Apple và Alphabet.
Khi kể về quyết định nghỉ việc ở Wall Street để khởi nghiệp, Bezos đã nói: “Khi bạn ở trung tâm của những gì sôi động nhất thì những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến bạn bối rối. Tôi biết rằng khi tôi 80 tuổi, tôi sẽ không bao giờ nghĩ về việc tại sao mình lại rời bỏ Wall Street năm 1994, ngay thời điểm khó khăn nhất. Đó không phải là chuyện bạn sẽ phải nghĩ ngợi ở cái tuổi 80. Nhưng đồng thời, tôi biết rằng mình sẽ hối tiếc vô cùng nếu không bước chân vào cái gọi là Internet này – thứ mà tôi nghĩ sẽ thay đổi cả thế giới. Khi tôi suy nghĩ như thế, mọi thứ trở nên hoàn toàn dễ dàng để quyết định.”
Amazon đã táo bạo như thế từ khi được sinh ra. Tinh thần đó – xuất phát từ nhà sáng lập Jeff Bezos – vẫn giữ được cho đến ngày nay và tiếp tục được thể hiện trong từng ngóc ngách, từng bước đi mới của Amazon. Tờ Business Insider thậm chí còn lên một danh sách dự báo về những thứ Amazon sẽ sở hữu trong năm 2028, trong đó một hệ thống tiền ảo riêng, công nghệ quần áo thông minh hay hệ thống bảo vệ thành phố. Với tinh thần đột phá cốt lõi của Amazon, người ta hoàn toàn có lý do để tin tưởng vào những dự đoán đó.