Bằng trải nghiệm của bản thân, doanh nhân Tạ Minh Tuấn – Chủ tịch sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Help Corporation – đã đúc kết ra công thức khởi nghiệp thông minh với sáu nguyên tắc vàng. Một trong sáu nguyên tắc đó là phải nắm bắt được thị trường và biết cách “giáo dục” thị trường mà doanh nghiệp muốn nhắm đến.

Sáu nguyên tắc khởi nghiệp thông minh
Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, trải qua nhiều công việc, chức vụ và lĩnh vực khác nhau, anh Tạ Minh Tuấn đã đúc kết ra công thức khởi nghiệp thông minh với sáu nguyên tắc vàng:
tạ minh tuấn
Doanh nhân Tạ Minh Tuấn tại buổi giao lưu với chủ đề ” Khởi khiệp – Biến ước mơ thành hiện thực” ngày 10/7, do Dự án Học Làm Giàu tổ chức.
• Nguyên tắc 1: Market – Nhu cầu thị trường
• Nguyên tắc 2: Competitiveness – Lợi thế cạnh tranh
• Nguyên tắc 3: Passion – Vòng tròn đam mê
• Nguyên tắc 4: Social – Tác động tích cực đến xã hội
• Nguyên tắc 5: Legal – Am hiểu và tuân thủ pháp lý
• Nguyên tắc 6: Scalability – Năng lực nhân rộng quy mô của 1 doanh nghiệp
Phân tích về nhu cầu thị trường, anh Tuấn chia sẻ: Về cơ bản, có 3 loại nhu cầu thị trường:
– Thị trường đã tồn tại: Cạnh tranh khốc liệt
– Thị trường đang tồn tại: Chuẩn bị thật tốt ngay từ đầu
– Thị trường chưa tồn tại: Phải biết giáo dục thị trường
Theo anh, những sản phẩm khi mới ra đời thường bị người dùng phán xét do họ chưa tin và chưa hiểu về sản phẩm, họ không muốn bị thay đổi. Tuy nhiên thật sự chính họ lại rất cần đến những sản phẩm này. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết cách giáo dục thị trường. Giáo dục thị trường là cách mà doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, giúp cho khách hàng biết về sản phẩm và tin dùng sản phẩm của mình. Nếu làm tốt, doanh nghiệp của bạn sẽ có vô số cơ hội ở các thị trường rộng lớn.
Ba bài học về giáo dục thị trường
tạ minh tuấn
Anh Tuấn chia sẻ rằng giấc mơ của anh là để lại một di sản tích cực cho mọi người, để khi qua đời mình không bị lãng quên.
Để minh chứng, doanh nhân Tạ Minh Tuấn đã đưa ra nhiều ví dụ thực tế về giáo dục thị trường:
Bài học 1: Chuẩn bị thái độ đúng trước những khó khăn
Hãng đồ lót Triumph muốn tấn công vào thị trường châu Phi. Họ cử hai Giám đốc bán hàng đến châu Phi nghiên cứu, khảo sát thị trường. Vị giám đốc đầu tiên trở về báo cáo rằng phụ nữ châu Phi thích chủ nghĩa tự nhiên, họ thường không mặc áo lót và kết luận thị trường này không tiềm năng. Vị giám đốc thứ 2 quay về cũng báo cáo như vậy. Tuy nhiên anh phát hiện ra rằng nếu giáo dục cho phụ nữ Châu Phi về những lợi ích khi mặc áo ngực đúng cách chắc chắn đây sẽ là một thì trường rộng lớn và tiềm năng. Dựa trên nghiên cứu khoa học, Triumph đã chỉ ra rằng nếu phụ nữ thường xuyên không mặc áo nịt ngực sẽ có những tác động xấu lên dây thần kinh nối liền bầu ngực và não bộ, gây ra bệnh mất trí nhớ.
Bài học rút ra: Nếu có thái độ đúng đắn trước những khó khăn, sẽ có vô số cơ hội đến với chúng ta. Ngại khó, ngại khổ thì không thể thành công. Nhờ việc giáo dục thị trường tiềm năng, hãng Triumph đã chiếm lĩnh được thị trường Châu Phi và là doanh nghiệp đi tiên phong.
Bài học 2: Muốn giáo dục thị trường phải kết hợp cả lý tính và cảm tính
Ví dụ cho việc giáo dục thị trường thành công là hãng dao cạo dâu Gillette. Hãng này muốn tấn công vào thị trường Ấn Độ, tuy nhiên khó khăn là đàn ông Ấn Độ thường để râu dài. Sau khi nghiên cứu thị trường, hãng này đã tổ chức một cuộc khảo sát với đối tượng là phụ nữ Ấn Độ. Một câu hỏi duy nhất được đặt ra là “Bạn thích đàn ông để râu hay cạo râu?”. Kết quả nghiêng hẳn về câu trả lời “Tôi thích hôn một người đàn ông hơn nếu trước đó anh ấy cạo râu sạch sẽ”. 
Bài học rút ra: Muốn giáo dục thị trường, muốn thay đổi khách hàng cần phải kết hợp cả lý tính và cảm tính. Từ những con số nghiên cứu thị trường, Gillette đã chuyển hóa thành những câu chuyện giàu cảm xúc, có sức ảnh hưởng kết hợp với những chương trình quảng cáo sexy, tác động lên cảm xúc và thu hút khách hàng mục tiêu. Con người bị tác động bởi cảm xúc nhiều hơn bởi số liệu, tuy nhiên số liệu là nền tảng cho cảm xúc để cảm xúc không vô căn cứ. Nhờ chiến lược này, Gillette đã đi tiên phong và thống lĩnh được thị trường Ấn Độ.
Bài học 3: Am hiểu văn hóa, tâm lý của khách hàng và thị trường mục tiêu
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng X-men là một thương hiệu của nước ngoài. Nhưng thực tế X-men  là hàng “Made in Việt Nam”.
Hãng X-men sử dụng tên thương hiệu rất “Tây” để đánh vào tâm lý sính ngoại của người dân Việt Nam. Những clip quảng cáo của X-men luôn hiện lên hình ảnh “anh hùng cứu mỹ nhân” theo đúng phong cách Mỹ. Với slogan “Đàn ông đích thực”, X-men đã đánh trúng tâm lý đàn ông Việt là thường bị so sánh. Điều này gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khách hàng và giúp X-men có được thị trường tiềm năng.
Tuy nhiên, thành công của X-men còn là khả năng đưa ra những thông điệp truyền thông có tác động đến đối tượng là phụ nữ – người có tác động rất lớn đến việc mua sản phẩm. Đó là thông điệp: “Nếu như bạn yêu chồng hãy để anh ấy dùng dầu gội đầu của riêng mình”.
Bài học rút ra: Muốn giáo dục thị trường phải hiểu được tâm lý, văn hóa của khách hàng và trị trường mục tiêu. X-men đã hiểu được tâm lý sính ngoại của người dân Việt Nam và hiểu được tâm lý của đàn ông Việt, phụ nữ Việt. X-men sẽ giúp đàn ông Việt lịch lãm và quyến rũ với mùi hương đặc biệt. Còn phụ nữ Việt để thể hiện tình yêu đối với chồng sẽ “để anh ấy dùng dầu gội của riêng mình “và X-men là thương hiệu đầu tiên họ nghĩ tới.
Doanh nhân Tạ Minh Tuấn khẳng định: “Một doanh nghiệp biết nắm bắt thị trường, giáo dục thị trường, luôn đổi mới sáng tạo, chắc chắn sẽ thành công”.
Đôi nét về Doanh nhân Tạ Minh Tuấn
“Doanh nhân Tạ Minh Tuấn là người tiên phong về mô hình “bác sĩ riêng” tại Việt Nam. Năm 2009, khi đang là sinh viên năm thứ 3, Đại Học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, anh đã thành lập Help International và Quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần với số vốn vài triệu đồng. Hai năm sau anh tiếp tục dấn thân sang lĩnh vực giáo dục và thành lập Yup Insitute – Học viện tiên phong về đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam. Anh vinh dự là một trong mười lăm doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam được Trung tâm hỗ trợ phục vụ sáng kiến cộng đồng công nhận”.