Tuổi 20, khi con người chưa lớn hẳn nhưng cũng chẳng còn nhỏ bé, có quá nhiều thứ đón chờ chúng ta trước mắt, làm gì và bỏ gì để không nuối tiếc sau này?

Quay ngược trở lại thời gian khi bạn 22 tuổi, bạn vừa tốt nghiệp đại học và chuẩn bị vào đời với nhiều hoài bão, ước mơ. Bạn có muốn viết lại quá khứ không? Bạn có hài lòng với những quyết định trong cuộc đời mình không?

Tất nhiên, tuổi trẻ không thể tránh được những sai lầm và hối tiếc. Nhưng điều quan trọng là bạn học hỏi được gì từ những sai lầm đó để trưởng thành hơn. Ngay cả những người thành công trên thế giới cũng vậy, họ đều có những điều nuối tiếc ở ngưỡng cửa cuộc đời của tuổi 22.

Richard Branson: Đã không biết tận dụng Internet sớm hơn

“Có rất nhiều thứ tôi ước mình đã biết sớm hơn ở tuổi 22. Tôi rất ngưỡng mộ vì Tim Berners-Lee đã phát minh ra Internet và làm thay đổi cả nhân loại” – nhà sáng lập tập đoàn Virgin, tỷ phú Richard Branson cho biết.

richard-branson

“Nếu có thể được quay trở lại tuổi 22, biết đâu tôi sẽ trở thành cha đẻ của LinkedIn, Google, Twitter, hoặc Facebook… Steve Jobs đã tung ra thị trường chiếc ipod huyền thoại và internet đã làm thay đổi thị trường âm nhạc. Rất tiếc ở tuổi 22, tôi đã không nhận ra điều đó và không đầu tư vào Internet sớm hơn”.

Arianna Huffington: Đã không “lười và ham chơi” khi còn trẻ

Bà trùm của tạp chí số 1 thế giới – tờ Huffington Post, nữ tỷ phú Arianna Huffington chia sẻ rằng điều nuối tiếc lớn nhất ở tuổi 22 của bà đó là đã đâm đầu vào làm việc quá chăm chỉ, đến mức bỏ lỡ nhiều thứ quý giá khác.

“Tuổi trẻ luôn nghĩ rằng, làm việc chăm chỉ là thước đo duy nhất đem lại thành công. Ngày ấy, tôi luôn cố gắng hết sức mình, chỉ sống và làm việc đến mức tôi thường xuyên bị stress. Tôi bỏ qua nhiều điều ý nghĩa của tuổi trẻ như tụ tập, vui chơi, giải trí, làm mới bản thân… Tôi rất tiếc vì điều đó. Nếu có thể quay trở lại tuổi 22, tôi ước mình đã “lười và ham chơi” hơn, chứ không chăm chỉ đến vậy” – Arianna Huffington cho biết.

Suze Orman: Tiền bạc không tạo nên giá trị con người mà chính con người tạo ra tiền bạc

Chuyên gia tài chính nổi tiếng thế giới – Suze Orman chia sẻ rằng, điều bà nuối tiếc nhất ở tuổi 22 đó là đã không nhận ra được chân lý: “Tiền bạc không tạo nên giá trị con người, mà chính con người mới tạo ra tiền bạc”.

“Ở tuổi 20, chúng ta đều cho rằng tiền là thứ quan trọng nhất và luôn cố gắng nỗ lực để kiếm được thật nhiều tiền.Bởi chúng ta nghĩ rằng, tiền sẽ đem lại sức mạnh, địa vị và quyền lực. Chính vì suy nghĩ này, tôi lao đầu vào làm việc, từ nhân viên phục vụ, viết sách, làm chương trình truyền hình đến cố vấn tài chính… Càng kiếm được nhiều tiền, tôi càng lún sâu vào các mớ hỗn độn tài chính khác. Kết quả là, bản thân tôi luôn cảm thấy áp lực, mệt mỏi về các vấn đề tài chính”.

Clara Shih: Đừng chọn công việc chỉ vì tiền

Mặc dù thành công ở tuổi rất trẻ (29 tuổi) nhưng Clara Shih – CEO của Hearsay Social vẫn luôn mong muốn rằng, cô có thể nhận được sự hướng dẫn đầy đủ hơn ở tuổi 22.

“Nếu được trở lại tuổi 22, tôi hi vọng có ai đó nói cho tôi 2 điều. Một là, đừng chọn công việc chỉ vì nó phổ biến và nhiều người ngưỡng mộ. Hai là, đừng chọn công việc vì nó mang lại mức lương cao. Bởi vì khi quay đầu nhìn lại, bạn sẽ thấy bạn chỉ có trong tay một khoản tiền ít ỏi, trong khi đã bỏ lỡ nhiều thứ quý giá: kiến thức, kỹ năng, cơ hội học tập, phát triển”.

Rachel Zoe: Biết mình là ai

Rachel Zoe – stylist quyền lực nhất thế giới chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp tuổi 22 của mình “Tự kinh doanh là một trải nghiệm đầy mạo hiểm, nhưng cũng rất thú vị. Bởi bạn phải làm mọi thứ thông qua kỹ năng và những lời khuyên. Mọi thứ đều phải tự tìm hiểu, tự khám phá và tự rút kinh nghiệm”.

“Do vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải biết mình là ai? Không nên chạy theo đám đông, đừng cố làm theo cái mà những người khác đã làm. Bạn hãy là chính mình, hãy khám phá khả năng của bản thân, từ đó biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình để áp dụng vào thực tế. Theo tôi, đó là nguyên tắc sống còn trong khởi nghiệp”.

Jim Kim: Ra ngoài tìm hiểu thực tế, thay vì chỉ ngồi đọc sách

Chủ tịch Ngân hàng thế giới World Bank, Jim Kim luôn cho rằng ông đã có một bước khởi nghiệp khá “trắc trở” ở tuổi 22. Sau 2 tháng học tập tại trường Đại học y khoa Harvard, với nhiều đêm thao thức cố nhồi nhét những kiến thức về giải phẫu vào đầu, Kim nhận ra rằng “mọi thứ thật khuôn mẫu và tẻ nhạt”.

“Tại sao chúng ta chỉ cố nhồi nhét kiến thức trong sách vở vào đầu, mà không tìm hiểu xem thực tế diễn ra như thế nào? Tôi ước khi đó có người nói cho tôi biết rằng: Hãy ra ngoài thực tế để tìm hiểu cuộc sống, để biết mọi thứ diễn ra tự nhiên thế nào?”.

Craig Newmark: Khởi nghiệp càng sớm càng tốt

Craig Newmark – nhà sáng lập trang rao vặt lớn nhất thế giới Craigslist cho biết: “Nếu có thể trở lại tuổi 22, tôi sẽ dũng cảm đầu tư và khởi nghiệp ở tuổi 22. Đó là độ tuổi tràn đầy nhiệt huyết, ước mơ và hoài bão”.

“Nó có thể thành công, cũng có thể thất bại.Nhưng trên tất cả, đó là sự trải nghiệm. Khởi nghiệp khi còn trẻ sẽ dạy cho bạn nhiều thứ quý giá cho sự nghiệp của bạn sau này”.

Christopher Elliot: Cố gắng học hỏi càng nhiều càng tốt

Chia sẻ về kinh nghiệm ở tuổi 22, Christopher Elliot nói rằng: “Với tôi, tuổi trẻ là sức mạnh và nhiệt huyết. Do đó, tôi khuyên các bạn nên học hỏi càng nhiều càng tốt”.

Hãy tìm hiểu mọi lĩnh vực của đời sống, chứ đừng chỉ quan tâm đến những gì mình đã học, bởi đó là những thứ đã quá quen thuộc với bạn. Cuộc sống là một bức tranh muôn màu, muốn thành công bạn phải khám phá hết các màu sắc của cuộc sống.

Sưu tầm

>> Bài viết hay về Khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *