Gọi vốn là một con dao hai lưỡi. Bạn xoay đúng mặt thì vết cắt sẽ ngọt ngào. Ngược lại nếu bạn cắt sai hướng, nó sẽ đâm sâu và gây tổn hại không thể phục hồi. Chính vì thế, biết được mặt nào nên làm, mặt nào nên tránh sẽ là chỉ dẫn quý báu cho các nhà sáng lập đang và có ý định gọi vốn từ các nhà đầu tư.
Bài viết này, Twenty xin đề cập tới những sai lầm nên tránh trong gọi vốn trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Quá tối ưu hoá quy trình
Nhiều founder (nhà sáng lập) để làm hài lòng nhiều nhà đầu tư thường sử dụng nhiều chiêu trò để hoàn hảo hoá startup và làm tăng giá trị với mong muốn sẽ nhận được nhiều tiền đầu tư hơn. Nhưng có một điều rất dễ nhận ra rằng nếu một startup đã tốt sẵn từ bên trong thì dễ dàng có được vốn mà không phải nói quá. Chính vì thế, founder không nên chỉ chú trọng làm tốt phần gọi vốn, mà nên làm tốt ngay từ đầu, tức là biến công ty mình trở nên thu hút hơn.
• Xác định những nhà đầu tư nào bạn muốn nói chuyện và sau đó là liên lạc với họ. Nếu bạn muốn không chỉ một nhà đầu tư, mà còn muốn thử với nhiều nhà đầu tư khác thì cũng nên liên lạc song song với nhà đầu tư thứ nhất, chứ đừng chờ tới khi người thứ nhất từ chối thì bạn mới liên lạc với người thứ hai.
• Giải thích với họ tại sao startup của mình đáng tiền. Bạn sẽ thuyết phục họ bằng tầm nhìn của công ty, sản phẩm, các số liệu kinh doanh hiện tại, mục tiêu tương lai, thị trường, đối thủ cạnh tranh. Bằng những điểm như thế, nhà đầu tư sẽ dễ dàng hình dung được lý do tại sao bạn sẽ thắng trên thương trường và lợi thế cạnh tranh lâu dài của bạn là như thế nào. Thêm vào đó, bạn cũng nên giới thiệu về đội ngủ nhân viên công ty và cách mà bạn sử dụng họ cũng như mô hình kinh doanh để tạo ra lợi nhuận.
• Xây dựng một môi trường cạnh tranh giữa các nhà đầu tư và bạn sẽ dễ dàng chọn được nhà đầu tư phù hợp nhất cho startup. Một trong những chìa khoá thành công khi gọi vốn chính là “Tôi sẽ nói rõ hơn trong lần gặp sau”.
Bạn cũng có thể sử dụng những mánh kinh doanh như là nói với nhà đầu tư A rằng bạn đang được để ý bởi nhà đầu tư B, C, D…, hay thời gian bạn có không quá nhiều nên một giờ gặp mặt này vô cùng giá trị…. Nhưng founder phải sử dụng những mánh lới này một cách cẩn thận, nếu sử dụng không khéo léo thì chẳng khác gì bạn đang tự nhận mình đang dùng chiêu trò để thu hút nhà đầu tư. Vì vậy, nếu như công ty của bạn thực sự có tiềm năng, bạn không cần phải dùng tới những thứ này.
Thêm vào đó, hãy chú ý những tín hiệu để biết rằng liệu nhà đầu tư đó có tiếp tục được với mình không và mình nên thay đổi những mảng nào trong công ty mình. Nhà đầu tư thường không bao giờ nói thẳng, vì thế founder nên chú ý để tránh phật lòng họ.
Đặt giá trị startup quá cao
Mục tiêu của các startup chính là có được nhà đầu tư tốt, các điều khoản hợp lý và không bỏ quá nhiều thời gian vào việc gọi vốn. Chính vì thế, vấn đề lớn nhất tới từ việc chạy theo giá trị lớn. Nhưng trong thực tế, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mạo hiểm luôn khuyến khích các startup xác định giá trị một cách có logic. Đừng để quá cao vì nhà đầu tư sẽ bỏ lơ bạn luôn ngay từ đầu.
Hơn thế nữa, bạn sẽ gặp phải một vấn đề lớn hơn thế, nếu bạn để nó quá cao thì không bao giờ bạn để được nó xuống thấp nữa. Và cứ qua mỗi vòng, giá trị của công ty bạn bắt buộc phải tăng lên so với vòng trước và có trường hợp nó sẽ càng ngày càng cao hơn nhiều so với giá trị thực. Và cuối cùng, Bùm, startup của bạn không còn nữa.
Không tạo ra được một môi trường cạnh tranh
Như đã nói ở phần trên, một môi trường cạnh tranh giúp đỡ rất nhiều cho việc gọi vốn. Trong đó, thử thách khó nhất founder sẽ gặp phải chính là làm sao nhận được lời mời đầu tiên từ một nhà đầu tư. Một khi bạn có một lời mời, thì những nhà đầu tư khác cũng sẽ nhanh chóng tiếp bước để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư tốt. Đây là hiệu ứng đòn bẩy. Nhưng tìm được người đầu tiên mới thực sự làm founder đau đầu.
Cách tốt nhất để tìm người có tiềm năng đầu tư cho startup nhất chính là chú trọng vào những người yêu việc bạn và startup bạn đang làm và họ hành động trước tất cả các nhà đầu tư còn lại. Hãy đưa họ lên đầu tiên trong danh sách chọn lựa.
Tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn và thiếu tôn trọng
Lần đầu gặp mặt sẽ tạo ra nền tảng cho mối quan hệ sau này và founder có xu hướng xa cách với nhà đầu tư và dần biến thành thái độ thiếu tôn trọng. Chính vì thế, phải luôn giữ được sự tôn trọng (như là không nên yêu cầu các nhà đầu tư đưa ra quyết định ngay sau cuộc họp đầu tiên).
Hãy nhớ rằng các nhà đầu tư cũng là người. Và họ muốn được cảm thấy sự tôn trọng và dễ chịu. Nếu như bạn nói với các nhà đầu tư rằng bạn thực sự thích làm việc với họ, thì họ sẽ có xu hướng nghiêng về phía bạn hơn.
Không nghe được lời từ chối
Nhà đầu tư thường không thích giết chết một startup và vì thế, khi không đầu tư, họ sẽ từ chối một cách khéo léo. Trong khi đó, founder thường có xu hướng không thích nghe lời từ chối và thương chèo kéo nhà đầu tư, điều này gây mất thời gian cho cả hai bên và dường như chẳng thay đổi được gì. Chính vì thế, chuyển qua nhà đầu tư khác sẽ là môt lựa chọn khôn ngoan hơn rất nhiều.
Không có kế hoạch
Rất nhiều founder gặp rắc rối trong việc cố gắng để làm theo một khuôn mẫu hoàn hảo, và họ trở nên giống với đối thủ cạnh tranh của mình.
Cách để lập kế hoạch tốt nhất là tập trung vào những phần mà bạn thực sự thích. Điều đó sẽ làm các nhà đầu tư phấn khởi. Truyền đạt niềm đam mê của bạn cho các nhà đầu tư là vô cùng quan trọng vì nó chứng minh những gì bạn nói với họ, và không ai có thể giả mạo có được.
Đam mê của founder được thể hiện qua những câu chuyện bạn kể, như làm thế nào bạn quyết định làm việc trên ý tưởng này, tại sao nó quan trọng với bạn và với xã hội, làm thế nào bạn gặp người đồng sáng lập.
Ngoài ra, founder phải xác định trong đầu rằng mục tiêu của các nhà đầu tư thông minh là tìm kiếm những con số kinh doanh ấn tượng. Vì vậy, đừng chú trọng vào những điều ngớ ngẩn như nói về tiềm năng sát nhập của công ty mình, vì nó phủ định tiềm năng phát triển trong tương lai của startup.
Thiếu mục tiêu rõ ràng
Nếu bạn không có niềm tin mạnh mẽ vào việc mình đang làm và đồng ý với hầu hết các đề nghị mà nhà đầu tư đưa ra, bạn sẽ có nguy cơ thiếu một tầm nhìn rõ ràng. Bạn nên lắng nghe những gì người thông minh nói, nhưng bạn phải chắc chắn về những điều bạn thực sự tin tưởng. Người sáng lập với một tầm nhìn rõ ràng sẽ dễ dàng giải thích những gì họ đang làm và tại sao nó quan trọng một cách ngắn gọn và ấn tượng với nhà đầu tư. Đồng thời, tầm nhìn đó cũng thể hiện ý tưởng lớn, đáng để các nhà đầu tư tìm hiểu thêm. Hãy thể hiện điều mà họ chưa từng nghe trước đây và đừng nói quá nhiều về nó để các nhà đầu tư thấy tò mò và sẽ sắp xếp những cuộc gặp mặt tiếp theo.
Không rõ ràng về số liệu
Các nhà sáng lập thành công trên thế giới hiện nay thường tự hỏi mình 2 câu hỏi trong giai đoạn đầu tiên:
1. Nhân viên của tôi có biết mình phải làm cái gì hay không?
2. Họ có thể làm được điều đó hay không?
Câu trả lời cho câu hỏi thứ 2 chính là việc nhân viên của bạn có quan tâm đến hoạt động kinh doanh hay không. Những công ty tốt nhất luôn có một đội ngũ nhân viên hiểu được ý nghĩa các số liệu kinh doanh trong báo cáo. Và các nhà đầu tư cũng thường hay hỏi nhân viên của bạn về thông tin này để họ chắc chắn rằng số liệu bạn đưa cho họ đúng với thực tế.
Chúc các founder tìm thấy con đường gọi vốn thành công.
Trích nguồn từ: Twenty.vn