Nữ kỹ sư ĐH Bách Khoa khởi nghiệp ở tuổi 34 để bảo vệ mắt trẻ em
Câu chuyện khởi nghiệp của Nguyễn Thị Lệ – một học viên của YUP – với dự án chăm sóc mắt trẻ em mang tên “Mắt sáng Việt Nam” để giúp ích cho cộng đồng. Bài viết được đăng trên VietnamBiz.
NỮ KỸ SƯ BÁCH KHOA KHỞI NGHIỆP Ở TUỔI 34 ĐỂ BẢO VỆ MẮT TRẺ EM
Sau quá trình làm thuê 12 năm, Nguyễn Thị Lệ khởi nghiệp ở tuổi 34 với dự án chăm sóc mắt trẻ em mang tên “Mắt sáng Việt Nam” để giúp ích cho cộng đồng.
Sinh năm 1982, Nguyễn Thị Lệ lớn lên ở Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chị học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội với 2 bằng: Điện tử Y Sinh – thuộc khoa Điện Tử viễn Thông; và Quản Trị Kinh Doanh. Ra trường, chị theo ngành thiết bị Y tế – từ năm 2005 đến tận năm 2016. Đó là một chặng đường dài với công việc ổn định, thu nhập tốt.
Sau 12 năm làm thuê, chị quyết định khởi nghiệp kinh doanh để tự do về thời gian và có di sản để lại cho đời sau. Tháng 4/2016, chị khởi động dự án chăm sóc mắt trẻ em mang tên “Mắt sáng Việt Nam”. Dự án hướng tới 3 đối tượng chính: trẻ mầm non; tiểu học và trung học cơ sở.
Phổ cập kiến thức về tật khúc xạ mắt, cách chăm sóc bảo vệ mắt tới phụ huynh và học sinh là mục tiêu đầu tiên của dự án.
Các chuyên gia thuộc dự án đo sàng lọc tật khúc xạ mắt bằng máy Vision Screener ngay tại trường cho học sinh – với kinh phí 50.000 đồng mỗi trẻ – nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng cận thị, viễn thị, loạn thị và nhiều vấn đề khác cho trẻ, giúp phụ huynh nắm bắt tình hình của con em, có phương án chăm sóc, bảo vệ, khám và điều trị kịp thời, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho phụ huynh.
“Mắt sáng Việt Nam” kết nối các cơ sở y tế có uy tín trong lĩnh vực khám và điều trị tật khúc xa mắt trẻ em có uy tín như Bệnh viện Mắt Việt Nhật, cơ sở 2 của Bệnh viên Mắt Hà Nội, công ty Kính Mắt Việt Tín để xin các hỗ trợ; đặc biệt là các hộ nghèo và gia đình chính sách.
Dự án sẽ xây dựng hệ thống website và phần mềm chuyên dụng để quản lý tật khúc xạ học đường, kết nối giữa phụ huynh và các bác để sĩ cùng đồng hành và chăm sóc mắt cho trẻ em.
Máy Vision Screener – thiết bị mà nhân viên y tế sử dụng khi đo sàng lọc tật khúc xạ mắt cho học sinh trong dự án “Mắt sáng Việt Nam”.
Sau 2 năm, “Mắt sáng Việt Nam” đã kiểm tra mắt cho học sinh tại hơn 400 trường ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang. Sắp tới, chị Lệ sẽ đưa chương trình về tỉnh Hà Nam.
Các nhân viên y tế của dự án đã phục vụ trên 50.000 học sinh, phát hiện hơn 8.000 trẻ mắc tật khúc xạ.
Nhờ dự án của chị Lệ, phụ huynh không mất thời gian cho việc đưa đón, chờ đợi con. Đây là yếu tố quan trọng với những người bận rộn. Họ cũng sẽ tiết kiệm được hàng loạt chi phí khác như tiền xăng, phí gửi xe. Phí khám mắt ở những cơ sở y tế dao động từ 70.000 tới 200.000 đồng – cao hơn so với mức phí 50.000 đồng của “Mắt sáng Việt Nam”.
Không chỉ khám mắt cho trẻ em, dự án “Mắt sáng Việt Nam” còn đo sàng lọc mắt cho những người trưởng thành có nhu cầu.
Với dự án “Mắt sáng Việt Nam”, chị Lệ không những mang lại lợi ích cho các cháu học sinh, phụ huynh, nhà trường, mà còn góp phần nâng cao ý thức về bảo vệ mắt trẻ em, tăng uy tín của những cơ sở y tế liên kết với dự án. “Mang lại lợi ích trị giá 10 đồng cho khách hàng, tôi chỉ xin 1 đồng tiền công”, chị thổ lộ.