Thích nghi với mọi biến động thị trường, tiếp nhận kiến thức, mô hình kinh doanh mới… góp phần mang lại thành công cho startup.
Lan Bercu là nhà sáng lập và chủ tịch của Lead Across Culture International – công ty có trụ sở ở Atlanta, Georgia, với chuyên môn trong lĩnh vực lãnh đạo toàn cầu và năng lực xuyên quốc gia. Bà có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc với các tập đoàn quốc tế ở châu Á và Bắc Mỹ.
Bộ nguyên tắc 8A của Lan Bercu lấy cảm hứng từ 36 kế kinh điển của người Trung Quốc và Nghệ thuật chiến tranh. Những chiến thuật này đã giúp bà tồn tại, phát triển trong môi trường học thuật, doanh nghiệp và cả thương trường.
Adopt – Tiếp nhận
Trong cuộc chơi với những nguyên tắc, tiêu chuẩn, nhu cầu người dùng thay đổi khó lường, các startup cần “Adapt” – thích nghi nhanh với môi trường mới. Sau đó đến giai đoạn “Adopt” – tiếp nhận kỹ năng, kiến thức, mô hình kinh doanh mới để đưa ra những kế hoạch, chính sách và chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp.
Sự linh hoạt, khả năng học hỏi sẽ quyết định sự thành bại, chèo chống của doanh nghiệp trong môi trường thay đổi không ngừng.
Alter – Thay đổi
Kinh doanh trong môi trường đa dạng và nhiều cạnh tranh vừa là khó khăn nhưng đồng thời cũng là thuận lợi cho startup. Bởi trên thị trường đã có sẵn nhiều sản phẩm, dịch, vụ, công nghệ, ý tưởng… được đưa ra và thử nghiệm.
Các startup sinh sau đẻ muộn tận dụng các nền tảng hiện hữu, đã kiểm nghiệm trên thực tế. Người kinh doanh cũng có thể sử dụng các “đòn bẩy” từ việc học tập các mô hình kinh doanh, tận dụng công nghệ sẵn có, để ứng dụng cho sản phẩm của mình, rút ngắn quá trình nghiên cứu.
Thao tác này được gọi là “Alter” – thay đổi sản phẩm, dịch vụ, quy trình bằng cách điều chỉnh, thổi phồng, kết hợp, đảo ngược, xáo trộn các thành phần, bộ phận và từ đó cho ra sản phẩm mới mà không cần sáng tạo lại từ đầu.
Liên tục gia tăng các tính năng, cải tiến sản phẩm để thu hút người dùng mới, giữ chân khách hàng cũ là điều mà các startup Việt, doanh nghiệp cần lưu ý.
Việc kịp thay đổi sản phẩm từ thiết kế đến chức năng sử dụng phù hợp với thị hiếu của khách hàng, đi đúng thậm chí đón đầu các xu hướng có thể giúp tăng doanh số bán hàng.
Allure – Thu hút
Sức hút khách hàng trong mua, sử dụng và trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ được tạo nên từ sức mạnh tổng thể của mỗi startup đến từ hình ảnh chỉn chu, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, đam mê được thể hiện qua sản phẩm. Đó cũng có thể là thông điệp, câu chuyện các startup, CEO lan truyền.
Tận dụng mô hình kinh doanh đúng đắn, vị thế doanh nghiệp, sức lan tỏa của mạng xã hội hay các nền tảng khác sẽ tạo sự thu hút riêng cho mỗi nhãn hiệu, giúp tăng doanh số bán hàng và trải nghiệm dịch vụ.
Associate – Kết hợp
Bên cạnh tập trung xây dựng sản phẩm, startup Việt cũng cần quan tâm xây dựng danh tiếng, phát triển thương hiệu, trách nhiệm cộng đồng… Những công việc này ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, mức độ tín nhiệm cũng như hình ảnh và vị thế của startup trên thị trường, trong mắt khách hàng cũng như công chúng và đối thủ cùng lĩnh vực.
Khởi đầu, nhiều startup mới chỉ chú trọng đến sản phẩm, thị trường và gọi vốn mà quên mất sự quan trọng trong việc tạo dựng mạng lưới để tạo ra sức mạnh tổng hợp từ danh tiếng và thương hiệu.
Ally – Liên minh
Cạnh tranh lẫn nhau nhưng không có nghĩa các startup Việt bỏ qua việc bắt tay hợp tác với startup có cùng sản phẩm và thị trường.
Hành động tạo thành liên minh trong kinh doanh, thương trường để gia tăng sức mạnh cho bản thân cũng như nhóm ngành, sản phẩm, lĩnh vực mình đại diện là cần thiết.
Acquire – Đầu tư
Đầu tư rồi lại tái đầu tư cho sản phẩm, mô hình kinh doanh, quy trình, nhân sự, công nghệ… để cải tiến sản phẩm, tăng trải nghiệm mua sắm, kiện toàn bộ máy và mô hình kinh doanh là chiến lược quan trọng với mỗi startup. Đặc biệt là các khoản đầu tư cho công nghệ, chuyên gia để gia tăng kiến thức, chất lượng cho sản phẩm.
Avoid – Tránh
Để thành công, startup Việt cần tránh chi tiêu quá tay, tránh cạnh tranh chỉ về giá, tránh dấn thân vào kinh doanh ngành nghề không phải là thế mạnh cốt lõi của mình.
Việc kinh doanh trái ngành hay theo đuổi những ý tưởng viễn vông, ôm đồm quá nhiều thứ vào sản phẩm có thể sẽ khiến các startup đánh mất mình, quên mất giá trị cốt lõi, đi lệch so với định hướng, tầm nhìn ban đầu.
Sưu tầm