1. Bỏ bê người thân
“Ba ngày cuối tuần là khoảng thời gian quan trọng và chất lượng cho phép bạn tạm ngừng công việc để lên kế hoạch thư giãn, đoàn tụ với gia đình”, Lynn Taylor, chuyên gia về nhân sự và tác giả của cuốn sách: “Tame Your Terrible Office Tyrant: How to Manage Childish Boss Behavior and Thrive in Your Job” (Tạm dịch: Thuần hóa “bạo chúa” văn phòng: Làm sao để xoay sở với những vị sếp trẻ con và phát triển sự nghiệp).
Bà cũng đồng tình với quan điểm nên tận hưởng những ngày cuối tuần. Đó là thời điểm để tán gẫu, giải trí và chia sẻ với gia đình, người thân, hâm nóng các mối quan hệ thay vì cắm đầu vào công việc, tăng ca liên tục. Hoàn thành tốt công việc và giữ sự chuyên nghiệp của mình trong các ngày làm việc là đủ.
Lẽ tất nhiên, nếu muốn nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp thì có thể dành thời gian lên kế hoạch công việc tuần tới, hoặc làm thêm. Tuy nhiên, không phải là toàn bộ thời gian cuối tuần để rồi đổ gục trên bàn làm việc vì kiệt sức. Hãy cho phép bản thân được nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng chuẩn bị cho tuần làm việc mới. Chắc chắn, điều này sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả, chất lượng và đảm bảo sức khỏe hơn.
2. Cẳng thẳng
Theo một khía cạnh nào đó, con người cũng giống như cỗ máy không thể hoạt động lâu dài mà không được nghỉ dưỡng và sạc pin. Nhiều nghiên cứu chứng minh, khi não bộ hoạt động căng thẳng trong cả tuần thì tâm lý, sức khỏe và công việc cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Nên nhớ rằng ngay cả những nhà lãnh đạo nổi tiếng, tỷ phú đứng đầu thế giới cũng cần thời gian nghỉ ngơi, giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi. Ví dụ, Mark Zuckerberg thích dành thời gian chơi cùng con gái bé nhỏ sau mỗi giờ tan làm. Tắm rửa, tập thể dục và đọc sách cho con gái là cách anh vừa có thể thư giãn lại vừa chăm sóc cho tổ ấm hạnh phúc của mình.
3. “Đốt tiền” vào những thứ không cần thiết
Câu nói “kiếm củi ba năm đốt một giờ” miêu tả chính xác những người làm việc quần quật cả tuần nhưng lại không biết tiết kiệm. Tất nhiên, chẳng có ai muốn kết thúc ngày nghỉ cũng là khi túi tiền cạn kiệt.
Một người thông minh sẽ biết cách kiểm soát và phân bố tài chính của họ hợp lý. Họ có thể thoải mái hơn khi mua sắm nhưng không bao giờ tiêu tốn hết số tiền kiếm được. Bằng cách nào? Cách duy nhất chính là chăm chỉ làm việc, mở rộng đầu tư, tách biệt khoản chi tiêu và tiết kiệm rõ ràng. Cũng như huyền thoại trong giới đầu tư – tỷ phú Warren Buffett khuyên nếu không muốn lâm vào cảnh khủng hoảng tài chính thì hãy chi tiêu những khoản sau khi đã tiết kiệm. Không nên làm điều ngược lại, hoặc tệ hơn là không tiết kiệm.
4. Đưa ra những sự lựa chọn không lành mạnh
Những người không thành công thường có xu hướng bỏ bê việc chăm sóc sức khỏe. Họ đắm chìm vào một số thứ không lành mạnh như bỏ tập thể dục, thiếu ngủ hoặc ngủ nướng, nhậu nhẹt, bỏ bữa… Những ngày cuối tuần sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn hình thành lại thói quen tốt cho sức khỏe. Đơn giản chỉ là vẫn thức giấc sớm đúng theo đồng hồ sinh học, dành thời gian tập thể dục, nấu nướng và sắp xếp công việc cho tuần mới.
5. Không ngừng làm việc
Lãng phí thời gian vào việc trả lời email hoặc cắm đầu vào công việc không hẳn là cách làm việc hiệu quả. Đó là dấu hiệu của những người nghiện công việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm thần. Nếu biết cách sắp xếp thời gian biểu cụ thể, rõ ràng thì sẽ không phải làm việc trong những ngày cuối tuần. Khi bạn thật sự cần phải giải quyết công việc, hãy lên kế hoạch thời gian và thời hạn hoàn thành để thúc đẩy hiệu suất làm việc.
6. Liên tục suy nghĩ về công việc
Tuy không nghiêm trọng bằng làm việc suốt ngày cuối tuần nhưng suy nghĩ về công việc liên tục cũng không phải là dấu hiệu tốt. Bạn cho rằng bản thân yêu thích công việc đến mức không ngừng suy nghĩ và tìm cách giải quyết công việc mọi lúc mọi nơi? Đó chỉ là một phần nhỏ lý do nhưng quan trọng là thói quen này khiến não bộ bị quá tải, mệt mỏi vì không được nghỉ ngơi, thư giãn.
Nếu mắc chứng nghiện công việc, nên chủ động tìm phương pháp giải trí phù hợp gây hứng thú cho bản thân. Tập thói quen sau khi rời khỏi văn phòng sẽ không nghĩ đến bất cứ điều gì liên quan đến công việc. Dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, sở thích cá nhân, thư giãn và chăm sóc sức khỏe. Thực tế, dường như không có doanh nhân thành đạt nào coi thường sức khỏe mà làm việc điên cuồng như vậy. Đối với họ, làm việc ít thời gian nhưng hiệu quả mới là điều quan trọng. Bởi vì một khi đầu óc trong tình trạng quá tải sẽ khó có thể đưa ra những quyết định, sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt nhất.
7. Lười biếng
Những ngày cuối tuần là thời gian dành cho nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn và không nên đi quá xa giới hạn này. Tránh làm những điều vô nghĩa mà thay vào đó nên tận dụng khoảng thời gian này để lên danh sách giải quyết các dự án cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm vận dụng cần thiết, gọi điện cho gia đình…Bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và được truyền cảm hứng hơn khi biết cách tận dụng tối ưu quỹ thời gian của mình.
8. Tự nhốt mình trong nhà
Ngày cuối tuần là cơ hội hoàn hảo giúp bạn rời xa màn hình vi tính để giao lưu với thế giới bên ngoài. Đừng làm việc như một cỗ máy và sống như con rô bốt được lập trình sẵn mọi hoạt động. Thử một lần đi ra ngoài, làm những điều bản thân chưa từng làm như ăn ở môt nhà hàng hoàn toàn xa lạ, đi biển một mình… Chắc chắn, bạn sẽ nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục ở trong bốn bức tường kia thì bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều giá trị mà mạng xã hội, ti vi hay internet đều không thể mang lại.
9. Không dám mạo hiểm
Sẽ tốt nếu bạn chỉ muốn nghỉ ngơi vào những ngày nghỉ hiếm hoi trong tuần. Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm cơ hội để làm điều gì đó khác biệt thì đừng ngần ngại mạo hiểm. Bạn sẽ hối hận nếu cứ ngồi trên bàn giấy mà không thử một lần thách thức bản thân. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất như tạo thói quen giải trí với những thú vui yêu thích có thể là mua sắm, chơi golf, giao lưu, đọc sách, vẽ tranh hay cái gì đó khác biệt mà bản thân đã nung nấu ý định từ lâu nhưng chưa dám làm.
10. Không có kế hoạch
Lên kế hoạch sẵn cho những mục tiêu cần phải đạt được trong tuần mới không phải ý kiến tồi nếu muốn đẩy nhanh hiệu suất làm việc. Không cần phải quá chi tiết nhưng đủ để bạn xác định được phương hướng tiếp theo cho bản thân. Nhiều người không thành công là bởi họ “tự bắn vào chân mình” bằng cách không lên kế hoạch, không biết mục tiêu là gì và phải làm như thế nào để hoàn thành công việc. Việc lên kế hoạch còn giúp bạn thể hiện được sự chuyên nghiệp, có tổ chức và giả định sẵn những tình huống có thể xảy ra để tìm cách đối phó thích hợp. Từ đó, công việc sẽ diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn.
11. Lãng phí thời gian
Thời gian với người giàu có và thành công là vô cùng quý giá. Đó là lý do vì sao lịch trình làm việc của họ luôn chi tiết và không hề lãng phí một phút giây nào vào những thứ vô ý nghĩa, không mang lại lợi ích cho họ. Họ biết cách quản lý và cân bằng thời gian hiệu quả giữa công việc – cuộc sống. Điều này cho phép họ có thể làm được những gì họ muốn làm cho dù công việc rất bận rộn.
Ví dụ điển hình như tỷ phú Elon Musk – ông chủ của Tesla và SpaceX có thể “phân thân” quản lý một lúc hai tập đoàn lớn như vậy? Hiện thực chứng minh Elon Musk không chỉ quản lý Tesla và SpaceX suất sắc mà ông còn làm được nhiều điều hơn thế. Musk cho biết ông dành ít nhất 90% thời gian làm việc trong tuần chia đôi cho hai công ty lớn là Tesla, SpaceX. Còn lại ông sẽ kiểm tra công việc của 3 công ty góp vốn đầu tư và đồng sáng lập khác như Neuralink, OpenAI và The Boring Co. Phải bay qua nhiều địa điểm để làm việc nhưng Musk luôn có quy tắc ngủ đủ 6 tiếng mỗi ngày, 4 ngày/tuần gặp gỡ các con. Đặc biệt, cuối tuần ông sẽ đưa 5 cậu con trai của mình đến nhà máy học hỏi, dã ngoại ở những nơi chúng muốn.