Shark Tank mùa 1 kết thúc với 16 tập. Trong số 48 startup lọt vào vòng thương thuyết với Shark, có 22 thương vụ nhận được cam kết đầu tư tại chương trình. Trong đó, hơn 5 triệu USD được cam kết rót vốn và Shark Phú là vị Shark xuống tiền nhiều nhất.
Được phát sóng từ ngày 11/11/2017 đến 24/12/2018, Shark Tank mùa 1 Việt Nam đón nhận 500 Startup nộp đơn đăng ký. Trong đó, 48 Startup lọt vào vòng thương thuyết với Shark với tổng 22 thương vụ nhận được cam kết đầu tư tại chương trình.
Tổng cộng có đến 116 tỷ 651 triệu đồng, tương đương hơn 5 triệu USD đã được 4 cá mập chủ chốt và các cá mập khách mời rót vốn.
Top 3 cá mập đầu tư nhiều nhất là: Shark Nguyễn Xuân Phú với 28 tỷ 805 triệu đồng, tiếp đến là Shark Thái Vân Linh với 26 tỷ 800 triệu đồng và cuối cùng là Shark Trần Anh Vương với 26 tỷ 180 triệu đồng.
Dù mất khá lâu mới tìm được “người tinh khôn”, nhưng Shark Phạm Thanh Hưng cũng kịp đầu tư 7 tỷ 300 triệu đồng.
Riêng ba cá mập khách mời Nguyễn Ngọc Thủy, Lê Đăng Khoa và Trương Lý Hoàng Phi, dù chỉ xuất hiện trong vài tập nhưng cũng đầu tư ấn tượng với số tiền lần lượt là: 19 tỷ 180 triệu đồng, 4 tỷ 600 triệu đồng và 4 tỷ đồng.
Thương vụ được đầu tư nhiều nhất thuộc về Shark Thái Vân Linh cho Startup công nghệ Gcalls, với khoản tiền đầu tư 1 triệu USD.
Đứng nhì là thương vụ đầu tư của Shark Nguyễn Ngọc Thủy cho startup Soya Garden với 15 tỷ đồng.
Đứng thứ 3 là thương vụ đầu tư 11 tỷ đồng dành cho chuỗi rửa xe 5S từ Shark Nguyễn Xuân Phú, cùng với đó là 11 tỷ đồng cho Startup của MC Kỳ Duyên từ Shark Trần Anh Vương.
Bạn học được gì từ Shark Tank?
Phải thừa nhận rằng, Startup tham gia Shark Tank dù không nhận được đầu tư cũng không phải ra về “tay trắng”. Ngoài việc được free marketing, họ còn nhận được những lời khuyên và bài học kinh doanh từ các Sharks, giúp họ bơi xa ra ngoài đại dương.
Dưới đây là những bài học mà các Startup có thể học được từ Shark Tank.
Biết người, biết ta khi định giá
Sai lầm lớn nhất mà các Startup Việt thường mắc phải tại Shark Tank là định giá. Hơn 2/3 startup đến Shark Tank kêu gọi vốn đều định giá công ty ở mức “trên trời”.
Yêu cầu một số tiền và việc nói về lý do có thể giúp bạn đạt được con số này là hoàn toàn khác nhau. Do đó, các Startup cần phải biết rõ con số của mình như lòng bàn tay. Tại sao lại yêu cầu một con số nhất định và dự định làm những gì với nó, họ phải nắm rất chắc điều này. Vì vậy, tính toán là điều rất quan trọng.
Vị cá mập hay “săm soi” số liệu tài chính Nguyễn Xuân Phú nhận định: Các Startup lên gọi vốn rất “hay vẽ”.
“Qua các cuộc nói chuyện, gần như số liệu họ đưa ra không đúng. Khi tôi check, dữ liệu thường không logic với nhau. Có trường hợp Startup nói doanh thu của họ 30 tỷ đồng, lãi 30%, năm trước đó doanh thu được 20 tỷ đồng, lãi 6 tỷ đồng. Tức là sau 2 năm, họ lãi được 16 tỷ rồi. Nhưng khi hỏi tổng tài sản bao nhiêu, họ bảo có 4 – 5 tỷ đồng thôi, vậy đi đâu mất hơn 10 tỷ đồng?”.
“Định giá một doanh nghiệp chủ yếu dựa vào số liệu tài chính và ý tưởng, sự phát triển trong tương lai. Những số liệu ấy không đúng thì giá trị công ty sai ngay. Khi giá trị công ty sai, đương nhiên mức đầu tư sẽ khác, cơ hội đầu tư sẽ khác”, Shark Phú nhắn nhủ.
Tiền không phải là tất cả, và cũng chớ chăm chăm dùng mỗi chiêu đánh đổi cổ phần
Rất nhiều Startup không nắm được các “vũ khí” khi thương thuyết.
“Các bạn không có nhiều vũ khí khi gặp các Sharks. Các bạn khá đơn giản, câu chuyện chỉ là bao nhiêu tiền và bao nhiêu % cổ phần. Trong khi vũ khí đàm phán còn rất nhiều“.
“Một số Shark khác đã đưa ra các cách exit khác như phí trung thành (Royalty Fee), Shark Thủy đưa ra công cụ trái phiếu chuyển đổi, Shark Phú đưa câu chuyện về rút vốn ra nhưng cho vay bằng vốn khác… Tức có rất nhiều cách thức chúng ta có thể trao đổi vưới nhau, nhưng rất tiếc các bạn chỉ có một câu chuyện là bao nhiêu % cổ phần, đổi lấy bao nhiêu tiền”, Shark Hưng gửi lời nhắn nhủ tới các Startup khi trả lời phóng viên.
Shark Thái Vân Linh cũng nhắn nhủ: “Các startup đến với Shark Tank thường chỉ nghĩ đến việc đầu tiên là tiền, tuy nhiên họ cũng cần phải nhớ rằng tiền chính là con dao hai lưỡi. Khi có quá nhiều, bạn có thể phát triển nhanh, nóng và dẫn đến mất sự kiểm soát.
Đó là lý do mà rất nhiều startup đã thất bại khi đã liên tục bán nhà bán cửa, thậm chí trở thành con nợ chỉ vì đồ tiền vào một nơi thua lỗ”.
Một vài bài học khác mà các Startup cần lưu ý khi gọi vốn:
– Trình bày vấn đề: Bài thuyết trình sản phẩm ấn tượng đóng góp một phần quan trọng trong các câu chuyện thành công. Bài trình bày giúp thu hút sự chú ý của các shark và giúp họ có thêm đầu mối để đặt câu hỏi cho công ty, điều này sẽ khuyến khích các startup nói nhiều hơn về sản phẩm của mình.
– Cấu trúc công ty và nhu cầu thị trường: Hầu hết các sản phẩm hoặc dịch vụ đều đang tìm kiếm giải pháp cho cùng một vấn đề. Các Sharks sẽ sẵn sàng rót tiền vào một giải pháp hay một sản phẩm khi nó có khả năng giải quyết một vấn đề hoặc tự tạo ra một thị trường mới.
– Quy tắc 10 giây: khi giao dịch với các Shark, 10 giây đầu tiên sẽ quyết định xem trường hợp của bạn thành hay bại. Một doanh nhân phải có khả năng trình bày rõ ràng về doanh nghiệp của họ với số liệu chính xác trong khoảng 10 giây. Các shark không có nhiều thời gian để lắng nghe những câu chuyện, nó có thể dành ở phần cao trào, nhưng 10 giây đầu tiên quyết định rất nhiều điều.
“Trong 10 giây đầu tiên, Founder phải có “tướng” thủ lĩnh, nếu không thì 90% khả năng tôi sẽ loại bỏ”, Shark Phú nói.
Sưu tầm.
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Khóa học Kích hoạt Năng lượng Thành công
>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp