Năm 2012, tổng giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đạt 5 tỷ USD, tính chung giai đoạn 2009-2012 ước đạt 14,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 65%/năm. Dự báo sẽ có sự bùng nổ mạnh mẽ thời gian tới với nhiều thương vụ khủng. Tuy nhiên, do khung pháp lý chưa rõ ràng, kinh nghiệm và thực lực nhiều DN còn hạn chế, M&A vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trao đổi với ĐTTC, chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến cho biết:
Thời gian qua đã có nhiều DN đạt được những thành công bước đầu trong điều kiện kinh tế chuyển đổi nhanh. Tuy nhiên cũng không ít DN không chú ý nâng cao năng lực quản trị, tổ chức kinh doanh và các nghiệp vụ liên quan; hoặc chủ quan, ngộ nhận về năng lực, dẫn đến việc mất kiểm soát công việc, dòng tiền, mất cân đối tài sản và công nợ tăng cao. Vì thế thời điểm này đang mở ra cơ hội lớn cho hoạt động M&A.
Sáp nhập CTCP Kido và CTCP Kinh Đô miền Bắc được đánh giá là thương vụ M&A tiêu biểu nhất năm 2011. |
Trong nền kinh tế thị trường, M&A là giải pháp cần thiết, cách đi nhân bản cho các DN, là xu thế tất yếu nhằm lành mạnh hóa những DN yếu kém, sa cơ. DN sau M&A sẽ tiếp nhận và quản lý cơ sở, nguồn nhân lực mới, với những con người mới tham gia đầu tư nhằm duy trì công ăn việc làm, tiếp tục phát triển trong điều kiện mới.
Cùng với đó là quá trình thay đổi, chọn lọc của các DN M&A để tìm tiếng nói chung phù hợp. Theo tôi đây vẫn là lối thoát khả dĩ tốt nhất cho DN rơi vào hoàn cảnh suy yếu. Trong đó cả các công ty đủ quy mô, nhóm ngân hàng, quỹ nước ngoài tham gia cơ hội M&A.
Ông bà ta đã dạy: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống, nếu chưa biết cần tìm thầy”. Vì thế cần tìm đúng người phù hợp, không chỉ nghe đồn rồi thử. Bởi lúc khó khăn không cho phép thử và sai nhiều, dễ sa vào vòng luẩn quẩn “Sai đâu sửa đó, sai đó sửa đâu và sửa đâu sai đó”. Bản chất cuộc sống là luôn có vấn đề và vấn đề nào cũng có giải pháp.Chuyên gia Lý Trường Chiến |
–PHÓNG VIÊN: – Thưa ông, thực tế nhiều DN nhận “trái đắng” khi tìm kiếm cơ hội M&A với đối tác ngoại. Phải chăng do chiến lược, mục tiêu, văn hóa kinh doanh hoặc nhiều vấn đề tế nhị khác của 2 bên lệch pha?
Ông Lý Trường Chiến: – Đến nay nhiều chủ DN Việt Nam vẫn có tâm lý chuộng ngoại. Cần hiểu rằng các nước đi vào kinh tế thị trường trước chúng ta nhiều năm, do vậy sự khôn khéo, bản lĩnh hay thậm chí cả mánh khóe, lọc lõi hơn chúng ta rất nhiều.
Trong khi đó, hạn chế của DN Việt thường chỉ nhìn vào ngắn hạn, đặt niềm tin quá mức vào khả năng tài chính, quản trị của DN ngoại, dù sự hiểu biết về họ chưa nhiều. Hậu quả là thường bị thua thiệt, thậm chí bị thôn tính.
Khi đã nhận ra thì mọi sự đã xong, không cứu vãn được nữa. Tất nhiên sự bắt đầu trong nhiều trường hợp đều có cái “vụng dại, sơ suất” do không hiểu biết của 1 hoặc cả 2 phía và đây là học phí phải trả cho sự trưởng thành, kinh nghiệm.
Để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của việc này, DN cần tìm đến các chuyên gia kinh tế, luật sư để tham vấn trong quá trình đàm phán. Điều này giúp DN chủ động hơn, đạt được lợi ích ở điều kiện tốt nhất trên con đường chinh phục mục tiêu.
– Để nâng cao hiệu quả M&A, theo ông cần giải pháp gì?
– M&A thường không nên và không thể kết thúc nhanh nếu làm đúng, đủ chỉ để nhằm thỏa mãn một vài cá nhân. Bởi thực tế, những người trong cuộc (dù là mua hay bán) ít khi chia sẻ thông tin thật cho nhiều người biết khi tiến hành M&A.
Có thể hiểu căn bản trong các thương vụ M&A là phải biết cách xác định giá trị tài sản (hữu hình và vô hình), giá trị thời gian, các khoản công nợ, nợ khó đòi, nợ xấu và thu nhập trước thuế, trả lãi, khấu hao, cũng như một số nguyên tắc nghiệp vụ để thương thảo, định giá.
Các công ty lớn hay công ty nước ngoài chuyên làm M&A đều có đội ngũ chuyên gia và luật sư riêng. Đây là điều kiện để có thương vụ mua bán thực sự hiệu quả khi biết rõ ý nghĩa các con số và có khả năng làm cho các con số biết nói.
Trên thế giới đã có những chủ DN từng thất bại phải bán công ty hay thương hiệu – đứa con tinh thần của mình, rồi sau đó tiếp tục “chiến đấu” trong hoàn cảnh mới để mua lại cái mình đã bán. Do vậy, kể cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, DN cũng cần bình tĩnh, sáng suốt chọn giải pháp tốt nhất cho mình.
Về phía cơ quan chức năng cần xem xét lại Luật Phá sản cũng như cập nhật thêm các quy định về quản lý để quá trình M&A thực sự diễn ra tốt hơn. Bởi thực tế thất bại thường đến với những người không biết mà cho rằng mình biết. Hoặc không biết rồi cứ liều nhắm mắt đưa chân, phó mặc cho số phận.
– Xin cảm ơn ông.