Những búp xà lách, quả cà, trái ớt, dưa leo… được kết lại khéo léo như một bó hoa đa sắc màu có thể dùng làm quà trao tặng nhau.
Chị Vân Nguyễn – sáng lập công ty Rau Ơi, phụ trách cả việc trồng và gói bó hoa rau củ khẳng định, chưa có khách hàng nào nhận món quà này mà không bất ngờ. Với giá gần 400.000 đồng, sản phẩm vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa thực tế vì ăn được, lại mang ý nghĩa trân quý những mặt hàng nông sản. Đây là thành quả độc đáo nhất của doanh nghiệp thành lập vào tháng 3/2017, đồng thời là bước tiến đầu tiên của bà chủ 8x trên con đường chinh phục đam mê kinh doanh nông sản sạch.
Bó hoa rau củ chọn lọc từ những nguyên liệu tươi ngon. |
Tại ngày hội nông sản diễn ra tại TP HCM vào mùa thu năm ngoái, gian hàng trưng bày giàn xà lách xanh tươi cùng nhiều loại rau củ mướt mắt của đôi vợ chồng Việt kiều thu hút hàng trăm lượt người ghé tham quan. Chị Vân Nguyễn hào hứng giới thiệu mô hình trồng rau thủy canh tại nhà với quan khách.
Chia sẻ lý do trồng và bán rau sạch, chị cho biết sau 10 năm cùng chồng về nước, chị rất trăn trở trước hiện trạng thực phẩm bẩn. Cả hai mong muốn làm điều gì đó để thay đổi thói quen tiêu thụ nông sản, thực phẩm của người Việt.
“Đó là lý do chúng tôi quyết tâm lập doanh nghiệp chuyên về rau củ quả sạch, ứng dụng công nghệ trồng rau tại nhà và đưa ra những ý tưởng độc đáo về nông sản”, nữ doanh nhân Việt kiều Canada nói.
Một năm qua, vợ chồng chị Vân cùng đối tác tại Lâm Đồng đã phát triển nhiều loại sản phẩm độc lạ, tạo giá trị gia tăng cho nông sản. Thay vì bán rau củ thông thường, bà chủ 8x khéo léo tạo hình rau xanh, quả cà, trái ớt… thành một bó hoa đa sắc màu có thể dùng làm quà trao tặng nhau.
Những người lần đầu nhận bó hoa rau củ khá bất ngờ về nét đẹp tinh tế lẫn sự thiết thực của món quà. Sau khi trưng bày tối đa khoảng hai ngày, các bà nội trợ có thể dùng bó hoa rau củ để chế biến thức ăn thay vì phải bỏ đi như hoa thông thường.
Sản phẩm mới mẻ này hút khách vào các dịp lễ Tết, có doanh nghiệp còn đặt số lượng lớn để tri ân khách hàng. Hoa được đóng vào hộp lớn, doanh nghiệp chỉ cần gắn thêm thiệp chúc mừng hoặc lời cảm ơn là thành món quà ý nghĩa. Dịp cao điểm, mỗi ngày công ty nhận gói 50-100 “bó hoa”.
“Ai nhận quà cũng òa lên vì bất ngờ. Nhiều người không dám ăn hay cho vào tủ lạnh vì sợ hư”, nữ doanh nhân nhớ lại phản hồi của khách hàng.
Sản phẩm tuy bán chạy nhưng do không có đội ngũ phụ trách, chị Vân hạn chế nhận đơn hàng. Chị còn dành thời gian và công sức trồng dâu New Zealand cùng nhiều loại nông sản khác như xà lách, cà, atisô, ớt chuông… Dâu là sản phẩm chủ lực tạo nên điểm khác biệt trong ước mơ nông sản sạch mà chị theo đuổi. Dâu giống ngoại trồng tại Đà Lạt không hiếm, nhưng để đạt độ ngọt và to quả như dâu chính gốc thì không phải nhà vườn nào cũng thành công.
“Tôi may mắn tìm được một người bạn cùng chung chí hướng và nhiệt thành với nông sản sạch. Chúng tôi đã thất bại nhiều lần suốt bốn năm qua trước khi tìm ra bí quyết trồng dâu to mọng và ngọt thơm như bây giờ”, sáng lập startup nông nghiệp chia sẻ.
Sau quá trình phân loại kỹ, dâu đạt chuẩn được đóng thành hộp bán lẻ hoặc bỏ mối cho nhà hàng, khách sạn. |
Công ty hiện có 5.000m2 diện tích trồng dâu, đa số là trồng ngoài trời nhằm tranh thủ nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng tự nhiên, giúp quả phát triển mạnh mẽ, cứng cáp. Đổi lại, startup phải chấp nhận rủi ro sản lượng bị ảnh hưởng do sâu bọ tấn công. Vườn dâu cũng không dùng thuốc hóa học, chỉ áp dụng phương pháp xông thảo mộc để đuổi sâu bọ. Nhờ vậy, sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP.
Dâu trải qua quá trình phân loại kỹ, đạt chuẩn to ít nhất bằng hai ngón tay cái mới bán nguyên quả. Mỗi ngày, doanh nghiệp thu hoạch 100 kg, phân phối cho TP HCM và các tỉnh miền Tây. Một phần bỏ mối cho các nhà hàng, quán bar dưới dạng nguyên liệu chế biến. Khách hàng chủ yếu là các cơ sở dịch vụ ẩm thực hạng sang, yêu cầu cao về chất lượng nông sản.
Nhu cầu tăng vọt, trong khi nguồn lực của hai vợ chồng chị và nhà vườn không đủ cung ứng. Doanh nghiệp nhỏ gặp thách thức khi mở rộng quy mô, trải qua nhiều khó khăn đến nỗi gần như phải đóng cửa.
“Một loạt nhà hàng muốn có thêm khoai tây, cà, cà rốt… Chúng tôi không kham nổi nhiều dòng nông sản cùng một lúc với nhu cầu cao như vậy”, cô kể.
Vụ thất thu mùa rau năm ngoái do mưa nhiều cũng là một trong những “trận đòn” buộc doanh nghiệp này phải tiết chế sản lượng và danh mục sản phẩm, thu hẹp về dâu làm nông sản chủ lực. Từ số vốn ban đầu là 600 triệu đồng cho 1.000m2 rau, sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng, hai vợ chồng chật vật suốt một năm mới hòa vốn nhờ dâu. Sản phẩm hiện đạt chất lượng và sản lượng ổn định. Trong tương lai, doanh nghiệp sẽ cho ra mắt nhiều dòng sản phẩm độc lạ từ dâu, đặt mục tiêu đưa dâu vào nhà hàng, khách sạn năm sao.
Vợ chồng chị Vân Nguyễn và bó hoa làm từ rau củ trồng tại vườn Đà Lạt. |
Trước mắt, vợ chồng chị Vân tập trung phát triển ổn định mảng trồng, bán dâu và các sản phẩm từ dâu để làm nền tảng mở rộng hoạt động công ty, hiện thực hóa ý tưởng khẳng định chất lượng nông sản Việt với thị trường quốc tế.
“Xa hơn nữa, chúng tôi sẽ phổ biến công nghệ trồng rau không dùng thuốc cho đông đảo hộ gia đình, mong muốn người dùng trân quý và nâng niu nông sản như một món quà của cuộc sống. Đó cũng là ý nghĩa của cái tên nghe rất trìu mến – Rau Ơi”, bà chủ doanh nghiệp vui vẻ nói.
Sưu tầm.
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh