Xã hội có quá nhiều kiểu làm ăn chụp giật, luồn lách, dối trá… là sự bất hạnh của quốc gia, bất an với cộng đồng, và cũng chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho những ai thực hiện những hành vi đó.
Chẳng hạn như khi dùng thủ thuật lừa dối khách hàng để bán được sản phẩm kém chất lượng, sớm muộn gì khách hàng cũng nhận ra mình bị lừa nên sẽ không quay lại và còn lôi kéo người khác cùng tẩy chay sản phẩm.
Doanh nhân kinh doanh dựa trên các lợi thế về quan hệ với quan chức có quyền lực để được hưởng đặc quyền, đặc lợi kinh doanh đứng trên pháp luật thì khi quan chức đó không còn tại vị hay bị “hạ bệ”, sự nghiệp của doanh nhân cũng tan biến theo. Doanh nhân giỏi luồn lách để thông quan sản phẩm bị cấm, tung ra thị trường những sản phẩm không đạt chuẩn theo quy định, chẳng chóng thì chầy cũng bị phát hiện…
Có nhiều nguyên nhân hình thành nên lớp doanh nhân làm ăn kiểu chụp giật, luồn lách, dối trá. Có thể bắt nguồn từ môi trường xã hội trọng tiền, xem nhẹ giá trị và trách nhiệm xã hội, công dân thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật, quan chức tham nhũng, hối lộ. Nhưng có lẽ nguồn gốc sâu xa nhất là môi trường giáo dục thời thơ ấu của đội ngũ doanh nhân này.
Khi những hành vi mưu mẹo, dối trá của trẻ không được ngăn ngừa, uốn nắn đến nơi đến chốn thì tương lai rất dễ trở thành những người làm ăn chụp giật. Khi chiến thắng trong các trò chơi nhờ dùng mưu mẹo, trẻ sẽ thấy vô cùng phấn khích, rồi hành vi đó lặp lại ngày càng nhiều cho đến khi chúng lớn lên, ra đời làm ăn.
Cha mẹ không ai thừa nhận đã dung túng những hành vi dối trá của con cái. Nhưng đôi khi trong cuộc sống, họ buộc phải sử dụng nhiều “thủ thuật” để mưu sinh nên con cái vô tình bắt chước một cách không chủ đích.
Mặt khác, nếu bậc làm cha mẹ luôn nhìn thế giới xung quanh với con mắt nghi kỵ, không chút lạc quan, đó cũng là nguồn gốc dẫn đến hành vi mưu mẹo, dối trá của con trẻ để chiến thắng đối phương hoặc có được sự an toàn. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cha mẹ mà trách nhiệm còn thuộc về trường học, cộng đồng và sự nghiêm minh của pháp luật.
Muốn có đội ngũ doanh nhân chân chính, làm giàu theo phương châm tạo ra giá trị tích cực cho xã hội, điều căn bản nhất là chú trọng giáo dục đạo đức cho trẻ với những đức tính cởi mở, thật thà, kiên nhẫn, tránh xa sự đố kỵ, mưu mẹo và dối trá để được mọi người chấp nhận và cộng tác.
Đây là những tố chất cốt lõi cần có trong suốt quá trình trưởng thành của một con người, trong mọi hoạt động từ học tập, giao tiếp, quan sát và nhìn nhận thế giới xung quanh. Khi những tố chất này được bồi đắp, nếu trẻ lớn lên và trở thành doanh nhân thì chắc chắn sẽ là một doanh nhân bản lĩnh, được nhiều đối tác tin cậy và có nhiều cơ hội làm ăn.
Việc học rất quan trọng, khi doanh nhân có niềm đam mê học tập sẽ nhanh chóng nắm bắt cái mới và vận dụng để cải tiến, sáng tạo trong kinh doanh. Doanh chủ trọng việc học sẽ biết quan tâm đến phát triển đội ngũ, thuận lợi hơn trong việc thu hút nhân tài và đào tạo thế hệ kế cận. Việc học được biểu hiện qua sự chia sẻ, trải nghiệm và tự học, học từ xã hội và nhân viên của mình. Thói quen tự học cần được rèn luyện từ thời thơ ấu với phương pháp phù hợp với mỗi người.
Muốn có đội ngũ doanh nhân chính trực, ngoài phải tạo ra môi trường thúc đẩy mọi người thượng tôn pháp luật, việc nuôi dạy con cái cũng cần được các bậc cha mẹ chú trọng. Giáo dục đạo đức và tinh thần tôn trọng việc học là căn cơ phát triển đội ngũ doanh nhân chân chính tương lai.
Sưu tầm.
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Khóa học Kích hoạt Năng lượng Thành công
>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp