Là một chàng trai thuộc thế hệ 8x (1988) nhưng Tạ Minh Tuấn đã trở thành lãnh đạo của 7 tổ chức xã hội và công ty lớn. Nung nấu khát vọng khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường và biến nỗi đau thành động lực để vươn lên, anh đã trở thành một doanh nhân tiên phong trong nhiều lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới ở Việt Nam.

Câu chuyện khởi nghiệp của Tạ Minh Tuấn là bài học quý giá dành cho các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm để vươn tới thành công. Hãy cùng trò chuyện với doanh nhân Tạ Minh Tuấn để hiểu rõ hơn về chàng trai trẻ này và tìm ra những bí quyết khởi nghiệp thành công của anh.
Hệ thống đào tạo và kết nối khát vọng làm giàu
26 tuổi, CEO Tạ Minh Tuấn đã có những thành công nổi bật
1. Dự án đầu tiên mà anh khởi sự là gì? Anh đã gặp phải những khó khăn và thách thức nào khi bắt đầu kinh doanh? Bài học rút ra sau khi triển khai dự án này?
Năm 19 tuổi, tôi cùng với vài người bạn thành lập nên một dự án là tiền thân của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ Digital Marketing sau này. Tuy nhiên điểm khởi phát của dự án là có tầm nhìn xây dựng nên một “mạng xã hội sự kiện đầu tiên tại Việt Nam” – nơi tập hợp những nhà tổ chức sự kiện và những người tham gia sự kiện. Tuy tên gọi thì đơn giản nhưng cấu trúc của mô hình kinh doanh khi đó tương đối phức tạp, khi chúng tôi phải xây dựng thành công cộng đồng rồi tập hợp một lượng dữ liệu đủ lớn để “tái định nghĩa lại giá trị của việc tổ chức và đi sự kiện ở Việt Nam”, từ đó sẽ là cả một cơ chế để tạo ra lợi nhuận từ mô hình này. Với cấu trúc có phần phức tạp, chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều ở phần công nghệ. Đây là một dự án được triển khai còn khá sớm ở vào thời điểm đó, đi trước thị trường khá xa nên nó… chưa bao giờ được chúng tôi hoàn thành.
Tuy thất bại ở dự án đầu tay, nhưng đầu ra của dự án đó lại mang đến cho chúng tôi những kết quả nghiên cứu và giá trị vô cùng sâu sắc. Chúng tôi đã chủ động đóng dự án cũ lại, để rồi từ đó các thành viên cốt lõi của dự án vẫn không nản chí và có sự linh hoạt điều chỉnh hướng đi, trở thành một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền thông kỹ thuật số, đây vẫn là một hướng đi mới, nhưng “gần” hơn so với thị trường. Trong suốt 3 tháng kinh doanh chính thức đầu tiên, doanh thu của chúng tôi là… zero. Toàn bộ công ty quyết tâm không nhận lương vì tình hình đang rất nguy kịch. Đến tháng thứ 4, tôi là người trực tiếp đi sale và mang về hợp đồng đầu tiên. Chỉ là một hợp đồng nhỏ nhưng nó mang lại niềm tin và chất keo gắn kết trong doanh nghiệp. Sau này công ty này do tôi đồng sáng lập đã thường xuyên làm việc với nhiều khách hàng lớn như Unilever, Sony, Samsung… với doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm.
Điều này đã mang đến cho tôi một kinh nghiệm khá sâu sắc trong khởi nghiệp, đó là ở thời điểm ban đầu chúng ta có xuất phát điểm là A và thường nghĩ là mình sẽ thành công ở 1 điểm B nào đó trong tương lai, nhưng sự thật là trên con đường đi đến điểm B ta sẽ khám phá ra những cơ hội phù hợp hơn. Khéo léo lắng nghe những “tín hiệu” để điều chỉnh hướng đi, cuối cùng ta lại thành công ở điểm B’ có thể rất gần mà cũng có thể khác xa điểm B ban đầu. Đa số những công ty khởi nghiệp thành công đều có một diểm chung: sản phẩm, chiến lược, kế hoạch sẽ thay đổi ngay lần tung sản phẩm ra thị trường và nhận phản hồi đầu tiên. Điểm mấu chốt ở đây, là liệu bạn có một đội ngũ có khả năng “liên tục học hỏi”, đủ linh hoạt và có đủ cam kết để vẫn đi cùng bạn cho dù hướng đi đã thay đổi hay không? Bởi vì hướng đi gần như chắc chắn sẽ thay đổi, không nhiều thì ít. Mình phải dấn thân và trải nghiệm thì mới biết được điều gì là phù hợp.
2. Vì sao anh lại có ý tưởng xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà? Tại thời điểm đó, mô hình này đã phổ biến ở Việt Nam chưa? Động lực nào khiến anh quyết tâm kinh doanh mô hình này?
Hệ thống đào tạo và kết nối khát vọng làm giàu
CEO Tạ Minh Tuấn và các cộng sự
Lúc biết tin cha của mình bị bệnh ung thư, tôi cảm thấy khá buồn và nghĩ rằng “Liệu mình có thể làm gì để giúp cho những người bị bệnh giống cha?”. Càng tìm hiểu sâu về những “căn bệnh” không chỉ của người bệnh, mà của chính nền y tế nước nhà, tôi lại càng được tiếp thêm dũng khí để hành động, vì tôi muốn “thay đổi một cái gì đó”.
Tôi nhận ra tỷ lệ bệnh tật ở Việt Nam quá cao, có những loại bệnh mà Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ bệnh cao nhất, hoặc tỷ lệ phát triển bệnh nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ bệnh tật cao này không phải do chuyên môn của ngành y tế kém, thực tế chúng ta có rất nhiều bác sĩ giỏi, khả năng điều trị ung thư của các bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam hiện nay có thể so sánh với Singapore. Nhưng người dân vẫn mắc rất nhiều những căn bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp… vì không có kiến thức để phòng bệnh.
Vậy vấn đề là người dân chưa biết cách phòng bệnh, và chưa có giải pháp chăm sóc sức khỏe nào ngoài bệnh viện. Nhưng có 80% nguyên nhân gây bệnh lại nằm ở lối sống của con người, nghĩa là cách chúng ta sống trong hiện tại quyết định căn bệnh của chúng ta trong tương lai, nói cách khác: chúng ta tự lựa chọn lấy bệnh tật cho mình.
Đến đây thì ý tưởng về mô hình “bác sĩ riêng” của tôi đã ra đời – mà xa hơn ở nước ngoài gọi là “bác sĩ gia đình” – mỗi người dân đều có 1 bác sĩ riêng theo dõi sức khỏe cho mình với chi phí hợp lý nhất, giúp phòng bệnh nhờ vậy còn giảm chi phí điều trị bệnh về lâu dài. Để thuận tiện cho người dân, bác sĩ riêng sẽ đến tận nhà để thăm khám và chúng tôi đã phát triển cả một hệ thống mà mình định nghĩa là “y tế tại nhà” để giải quyết nhiều vấn đề của y tế Việt Nam: tỷ lệ bệnh tật cao, bệnh viện quá tải, tốn kém chi phí điều trị bệnh trong dài hạn…
Trong khi nhà nhà người người lo mở bệnh viện và xin giấy phép mở phòng khám, đầu tư hoành tráng, thì tôi nghĩ đến việc “mang bệnh viện, phòng khám đến tận nhà cho người dân” với 1 mô hình kinh doanh phù hợp để đảm bảo cho cả dòng tiền lẫn tác động xã hội. Vậy là cả một thị trường mới, một “đại dương xanh” đã ra đời. Và mô hình này đang phổ biến dần tại Việt Nam. Bạn thấy đó, cơ hội luôn có rất nhiều. Còn nhiều cơ hội cho bạn lắm! Nhưng khi làm một công việc kinh doanh bằng cả mục tiêu từ con tim, thì bạn sẽ có thêm nhiều sức mạnh!
3. Theo anh, để thành lập công ty cần số vốn tối thiểu là bao nhiêu? Và anh đã làm gì để huy động nguồn vốn?
Sẽ không có câu trả lời nào là chính xác cho câu hỏi về “số vốn tối thiểu” vì còn tuỳ ngành, tuỳ cách nghĩ của mỗi người và “ít với người này nhưng nhiều với người khác”. Bật mí là hãy quan tâm nhiều hơn đến loại “vốn vô hình” thay vì cứ chăm chăm vào vốn hữu hình là tiền bạc. Vậy thứ vốn vô hình tối thiểu mà bạn cần có khi khởi nghiệp là một giấc mơ có thể truyền cảm hứng cho chính bạn, rồi mới tới người khác. Khi đó bạn sẽ có một đam mê thật cháy bỏng. Những thứ vốn vô hình khác dần dần bạn sẽ có như là tài năng, kinh nghiệm của bản thân và các mối quan hệ. Bạn cũng có thể dùng kinh nghiệm của người khác làm “đòn bẩy” giúp mình khởi nghiệp, với điều kiện tất cả cùng có lợi.
Lúc này, những thứ vô hình lại sinh ra những thứ hữu hình. Khi có một khát vọng lớn, nó truyền cảm hứng giúp bạn có đam mê, đam mê lôi kéo một đội ngũ tốt, đội ngũ này bổ sung kinh nghiệm cho bạn. Và những nguồn vốn chỉ “chảy” về nơi có những con người xứng đáng. Bí mật của việc đầu tư đó là nhà đầu tư không đầu tư cho ý tưởng, cái mà họ thật sự đầu tư là đầu tư vào con người.
Hãy lên lịch hẹn gặp các nhà đầu tư, từng người một, nhờ người này giới thiệu cho người tiếp theo, và đừng quên những nhà đầu tư đầu tiên rất có thể là 2F (Friends, Family) của bạn.
4. Là 1 trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam năm 2011 do CSIP, British Council, World Bank chứng nhận – 1 giải thưởng đáng trân trọng cho những đóng góp và “không thể mua được bằng tiền”. Anh nhận định thế nào về mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam? Mô hình này có gì khác biệt với các doanh nghiệp truyền thống?
Hệ thống đào tạo và kết nối khát vọng làm giàu
Anh tâm niệm rằng: “Bởi vì cuộc sống rất ngắn ngủi, đó là lý do vì sao chúng ta phải giúp đỡ người khác để sống một cuộc đời có ý nghĩa nhất. Ai có thể làm cho mỗi phút giây trong cuộc sống đều có thể mang lại giá trị cho người khác, người đó sẽ ‘kéo dài’ cuộc đời mình ra đến ‘bất tận”
Sẽ không thể có một doanh nghiệp thành công bên trong một xã hội thất bại. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng trong tương lai mọi doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững đều cần phải là doanh nghiệp xã hội.
Doanh nghiệp xã hội không phải là một tổ chức từ thiện, nó bao gồm hai vế: “doanh nghiệp” – nghĩa là phải hiệu quả để có thể tái tạo dòng tiền, và “xã hội” – nghĩa là nội tại mô hình kinh doanh của nó phải đang giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội: cơ hội việc làm cho người khuyết tật, cải thiện y tế – giáo dục, sức khỏe sinh sản, trao quyền cho phụ nữ, bình đẳng giới… Đồng thời doanh nghiệp đó cần đặt mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội là mục tiêu tối thượng, không phải là tối đa hoá lợi nhuận. Vì vậy lợi nhuận được ưu tiên để tái đầu tư vào doanh nghiệp hoặc vào chính xã hội hơn là chia cho các cổ đông. Tuy nhiên việc tái đầu tư này sẽ giúp doanh nghiệp nhân rộng tác động xã hội của mình cho nhiều đối tượng mục tiêu hơn nữa và thông qua đó lại nâng cao giá trị của doanh nghiệp. Đó là “lợi ích kép” (trade-on chứ không phải trade-off) ở trong kinh doanh.
5. Anh có thể chia sẻ bí quyết xây dựng và quản lý đội ngũ nhân sự của mình? 
Tôi thường dùng công thức TNT. Có nghĩa là Tim – Não – Tay. 
“Tim” có nghĩa là trả lời câu hỏi “Tại sao và cho người ta động lực để chiến đấu?”. Nhưng nếu chỉ có Tim, chỉ có cảm xúc thì vẫn không hiệu quả, mà đang rất gần với việc thao túng người khác, cần kết hợp với “Não” (khối óc) trong việc trả lời “Cái gì?”, “Như thế nào?” và cho người ta một cơ chế phù hợp để sát cánh cùng mình. Cuối cùng là “Tay” nghĩa là chính mình cần “xắn tay áo” lên và xông xáo nhảy vào việc, dùng chính đôi tay của mình để làm gương cho mọi người cùng làm. Khi nó thành thói quen rồi thì một văn hoá và một đẳng cấp mới của đội ngũ sẽ được hình thành. Lúc này cả đội ngũ sẽ giải phóng tiềm năng và làm cho sản phẩm “bùng nổ” (booming) trên thị trường giống như từ TNT có nghĩa là thuốc nổ vậy (cười).
6. Vừa là Giám đốc điều hành của một công ty lớn, vừa là sáng lập và lãnh đạo của không ít tổ chức khác, như BNI hay JCI, và còn là nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor), cố vấn kinh doanh, nằm trong hội đồng quản trị của một vài doanh nghiệp, anh có thấy mình có quá ôm đồm hay không? Anh đã cân bằng giữa những hoạt động này như thế nào?
Thật ra không thể nói công ty của tôi là lớn vì nếu xét theo tiêu chuẩn đánh giá doanh nghiệp của Forbes thì đa phần các công ty tại Việt Nam đều là doanh nghiệp siêu nhỏ, chứ đừng nói đến vừa và nhỏ. Tuy nhiên nó mang lại niềm hạnh phúc cho bản thân mình.
Tôi cân bằng giữa các hoạt động bằng cách nhận biết rõ các vai trò của mình là gì, nó có nằm cùng sứ mệnh chung hay không, các hoạt động đó có thể bổ trợ cho nhau được hay không và xây dựng nên một team làm việc ăn ý cùng với mình. Nhận thức rõ sứ mệnh của mình thì sẽ biết cách dung hoà các vai trò và sắp xếp thời gian sao cho hợp lý nhất.
Sứ mệnh của tôi là “trao quyền”: Trao quyền cho người bệnh, trao quyền cho người học, trao quyền cho giới trẻ. Để thông qua đó tạo ra những tác động tích cực lấp đầy các “khoảng trống” trong xã hội mà tôi gọi là những “thất bại của xã hội”, cuối cùng có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
7. Hiện tại, anh cũng là người thành lập Học viện Khởi nghiệp YUP – tổ chức tiên phong và khá có uy tín hiện nay trong việc đào tạo và hỗ trợ những người khởi nghiệp. Mục tiêu của Học viện là gì? Là một người còn rất trẻ, anh đã làm gì để truyền cảm hứng cho các học viên?
Hệ thống đào tạo và kết nối khát vọng làm giàu
Anh cũng là 1 trong 15 Doanh nhân Xã hội tiêu biểu của Việt Nam với sáng kiến phát triển hệ thống bác sĩ gia đình
Với những kinh nghiệm nhận được trong kinh doanh, tôi sáng lập nên YUP Institute cùng với những doanh nhân thành công khác. Tôi quan niệm rằng đầu tư tâm sức để giúp đỡ thế hệ đi sau mình chính là đang trả ơn những người đi trước đã giúp đỡ mình ngày nào. Vì vậy YUP được thành lập và trở thành một hệ thống đào tạo và hỗ trợ các doanh nhân khởi nghiệp. Tôi luôn thích làm những điều mới và có ích.
Sứ mệnh của YUP là trở thành một “Start-up Bridge” – Cầu nối khởi nghiệp, sẽ “kết nối” khoảng trống giữa 1 ý tưởng tiềm năng với 1 sản phẩm được thị trường chấp nhận, giữa 1 dự án trên giấy với 1 doanh nghiệp thành công, giữa 1 doanh nhân trẻ nhiệt huyết nhưng thiếu tiền và non yếu kinh nghiệm với cố vấn kinh doanh và nhà đầu tư lão luyện.
YUP ra đời để giải quyết rất nhiều vấn đề của thị trường khởi nghiệp Việt Nam, với mong muốn xây dựng nên 1 “hệ sinh thái khởi nghiệp” trong đó một doanh nghiệp khởi sự còn yếu khi vừa sinh ra sẽ nhận được nhiều trợ lực để tối đa hoá khả năng thành công. Một quốc gia xây dựng được một “tinh thần khởi nghiệp” như vậy sẽ phát triển nền kinh tế như vũ bão và bền vững dưới nền tảng của các công ty khởi nghiệp “sôi sục” – đó là bài học mà cả Singapore và Israel đều nhận ra. Vì vậy YUP có tầm nhìn là “500+ Start-ups” với mong muốn giúp đỡ được cho hơn 500 doanh nghiệp thành công bền vững trong cộng đồng.
8. Quan niệm của anh về sự thành công? Anh có thông điệp gì muốn nhắn gửi với các bạn trẻ đang khao khát khởi nghiệp?
Thành công được đo lường bằng những gì bạn mang đến cho xã hội. Bạn không thể sống mãi nhưng nếu mỗi giây phút trong cuộc sống bạn đều có thể mang lại giá trị cho người khác, bằng cách đó bạn đã “kéo dài” cuộc đời mình ra đến “bất tận”. Hãy khởi nghiệp vì một khát vọng mang đến lợi ích cho người khác. Học hỏi từ sai lầm của bản thân lẫn sai lầm của những người thầy mà bạn gặp. Hãy khởi nghiệp một cách thông minh.
Hệ thống đào tạo và kết nối khát vọng làm giàu

CEO Tạ Minh Tuấn
Theo học chuyên ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp, ĐH Bách khoa TP.HCM.
Mặc dù là chàng trai thế hệ 8x đời cuối nhưng Tạ Minh Tuấn đã có những thành công nổi bật:
– 2007: Phó giám đốc, công ty TNHH Song Long   
– 2008: Đồng sáng lập, IDEE Corporation
– 2009: Chủ tịch sáng lập – CEO, HELP International – tổ chức đi tiên phong và hàng đầu trong việc xây dựng mô hình “Bác Sĩ Riêng – Y Tế Tại Nhà” ở Việt Nam
– 2009: Sáng lập – Chủ tịch điều hành, Quỹ từ thiện “Giấc mơ đôi chân thiên thần”
– 2011: Chủ tịch, Hiệp hội kinh doanh Master Chapter thuộc tổ chức Kết nối thương mại toàn cầu tại Việt Nam (BNI– Business Network International là tổ chức kết nối kinh doanh lớn nhất thế giới hiện nay).
– 2011: được British Council, CSIP và The One Foundation chứng nhận là 1 trong 15 Doanh nhân Xã hội tiêu biểu của Việt Nam với sáng kiến phát triển hệ thống bác sĩ gia đình
– 2011: Người sáng lập, YUP Insitute – học viện đi tiên phong và hàng đầu về đào tạo & hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam
– 2012: Đại sứ BNI Vietnam
– 2013: Sáng lập và điều hành JCI Central Chapter tại Việt Nam (JCI – Junior Chamber International l liên đoàn doanh nhân và lãnh đạo trẻ lớn nhất thế giới hiện nay).
-2013: Top những nhà lãnh đạo kinh doanh U30 nổi bật nhất của Việt Nam theo bình chọn của tạp chí Forbes.

Nguồn: hoclamgiau.vn