Tập trung chăm sóc khách hàng, nhà cung cấp, ứng dụng công nghệ tiên tiến hay giảm bớt khâu trung gian, bạn hoàn toàn có thể cạnh tranh với các công ty lớn.
Bạn khát khao khởi nghiệp nhưng lại sợ doanh nghiệp còn non trẻ của mình sẽ bị các “ông lớn” đè bẹp? Trên thực tế, đó là những lo lắng vô căn cứ. Nếu có ý tưởng mới mẻ, thực hiện tốt và giữ được vị thế, bạn có thể cạnh tranh ở mọi cấp độ, kể cả là tay đôi với các công ty lớn. Trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, Brandon Uttley – cựu sáng lập viên và CEO hãng marketing Command Partners đã gợi ý các biện pháp bạn có thể áp dụng để luôn đứng vững trên thị trường.
1. Tôn trọng khách hàng
Thật khó tin là một số công ty lớn hiện nay lại gây thất vọng trong cách cư xử với khách hàng. Bởi vậy, tuyệt đối tôn trọng khách hàng sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể cho doanh nghiệp của bạn.
2. Chăm sóc khách hàng mới tận tình
Nhiều doanh nghiệp mới đang làm rất tốt công đoạn khiến khách hàng cảm thấy mình được quan tâm đặc biệt. Stacey Randall – sáng lập viên của hãng nghiên cứu Randall Research vô cùng coi trọng điều này. “Chúng tôi luôn nỗ lực gây được thiện cảm với khách hàng ngay từ đầu và cố gắng giữ ấn tượng đó trong suốt quá trình làm việc. Nếu làm cho khách hàng thực sự hài lòng, họ sẽ giới thiệu bạn cho những khách hàng tiềm năng khác. Bạn luôn phải nhớ nhiệm vụ của mình là quan tâm và giúp khách hàng thành công”.
3. Đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng
Khi vẫn còn là một công ty nhỏ, bạn sẽ có cơ hội giải đáp những phản hồi của khách hàng một cách nhanh chóng. Khi tôi đồng sáng lập một công ty thiết kế web năm 1999, chúng tôi đã sử dụng một hệ thống chăm sóc khách hàng qua điện thoại hiệu quả hơn gấp 10 lần so với các công ty tỷ USD mình từng làm việc. Cuộc gọi đến sẽ được tự động chuyển tiếp vào di động của chúng tôi bất cứ lúc nào và khách hàng luôn ngạc nhiên vì được phục vụ ngay tức thì bởi một nhân viên thực sự, chứ không phải máy móc trả lời tự động.
4. Linh hoạt hơn
Nếu dẹp bỏ bớt những thủ tục rườm rà thường thấy ở các công ty lớn, bạn sẽ khiến khách hàng cảm thấy hài lòng hơn.
5. Làm việc một cách khôn ngoan
Cần cù chăm chỉ chưa chắc đã mang lại thành công. Thế nên tốt hơn hết là không ngừng nghiên cứu để tìm ra cách làm việc thông minh nhất.
6. Đừng lặp đi lặp lại quá nhiều việc
Làm cùng một việc 2, 3 hay 4 lần sẽ chỉ lãng phí thời gian và giảm năng suất của bạn. Hãy hỏi bản thân mình liệu việc lướt web hay kiểm tra hòm thư 10 phút một lần có đóng góp gì vào kết quả kinh doanh hay không.
7. Giảm các khâu trung gian
Rõ ràng, quy mô doanh nghiệp càng lớn thì điều này càng trở nên khó khăn, tuy nhiên không phải là không thể nếu bạn thực sự quan tâm tới khách hàng. Đừng ngần ngại loại bỏ những rào cản ngăn cách bạn và khách hàng của mình.
8. Ứng dụng công nghệ
Từ hệ thống quản lý dự án, chăm sóc khách hàng cho tới ứng dụng thiết lập cuộc hẹn và phần mềm xử lý chi phí, có vô vàn lựa chọn công nghệ cho những doanh nghiệp nhỏ để tăng hiệu suất làm việc. Chúng thậm chí còn tốt hơn một số hệ thống tỷ USD được các doanh nghiệp lớn áp dụng. Các phần mềm này sẽ giúp cắt giảm chi phí phải trả cho nhân viên IT.
9. Quan tâm đến hình ảnh công ty
Có rất nhiều công ty đã tồn tại hàng thập kỷ nhưng lại có trang web tệ hại, các nhân viên ăn mặc lôi thôi phục vụ khách hàng trong một không gian vô cùng tồi tàn. Vì vậy, đừng bao giờ coi nhẹ ấn tượng bên ngoài của mình trong mắt khách hàng.
10. Chủ động
Hãy tiếp cận khách thường xuyên, chứ không chỉ vào lúc bạn bán hàng. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ hoàn toàn cho phép bạn làm điều đó với chi phí khá dễ chịu. Hãy để mình là người đầu tiên khách hàng nghĩ tới mỗi khi họ có nhu cầu.
11. Mang lại nhiều giá trị hơn
Hãy luôn tìm ra cách làm thế nào để khách hàng cảm thấy vui vẻ hơn sau khi mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn? Như Amazon trước đây thường hay tặng kèm dấu sách trong các gói hàng. Tuy nhiên, điều này đã không còn được duy trì tới bây giờ.
12. Sáng tạo
Hãy quên đi những cách làm rập khuôn máy móc. Cố gắng sáng tạo hết mức có thể để đạt được hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí. Chẳng hạn, sử dụng quảng cáo trên Facebook vừa hiệu quả lại ít tốn kém hơn in những bảng hiệu hay tờ rơi truyền thống.
13. Đừng bỏ qua truyền thông xã hội
Hãy tìm kiếm khách hàng mục tiêu và nắm vững các kênh giao tiếp với họ. Đừng chỉ ùng những công cụ truyền thống, hãy tìm đến mạng xã hội, blog hoặc diễn đàn. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp của bạn.
14. Tận dụng PR
Quan hệ công chúng (PR) vẫn luôn là cách làm hiệu quả mà ít tốn kém giúp bạn truyền tải thông điệp của mình. Có mặt trong mục tin tức trên báo sẽ khiến uy tín của bạn tăng lên đáng kể so với việc bỏ tiền ra thực hiện các chiêu thức quảng cáo đắt đỏ khác.
15. Thanh toán nhanh cho nhà cung cấp
Đây có thể sẽ trở thành lợi thế lớn cho các công ty nhỏ. Rất nhiều doanh nghiệp lớn không thanh toán đúng hẹn cho nhà cung cấp. Nếu bạn làm tốt điều này (trong vòng 30 ngày), bạn sẽ phải ngạc nhiên về những ưu đãi mà họ dành cho bạn. Hãy nhớ bày tỏ sự hợp tác và trân trọng của mình đối với các nhà cung cấp, họ sẽ nói tốt về bạn trước mặt người khác.
Hà Tường/VnExpress