Không chọn con đường đã trải sẵn hoa hồng, Anthony Tan – một thiếu gia trong gia đình giàu có ở Malaysia đã kiên trì chọn hướng đi riêng dù bị ngăn cản và cho rằng đó là ý tưởng điên rồ.

Từng là sinh viên Đại học Harvard – Anthony Tan được bố mẹ mong đợi sẽ nối nghiệp gia đình trở thành một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực dầu khí ở Malaysia. Khi còn nhỏ, anh từng có vệ sĩ và tài xế riêng cho đến tận năm 13 tuổi.

Tuy nhiên, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, thấy bản thân cũng như bạn bè gặp khó khăn trong việc đón taxi ở quê nhà, chàng trai này đã nghĩ ra ý tưởng tạo ra ứng dụng chỉ cần một nút bấm trên điện thoại là có thể gọi được xe. Tuy nhiên, để có sự đồng thuận của gia đình và có vốn để bắt tay vào khởi nghiệp với Tan là không hề đơn giản.

“Khi nảy ra ý tưởng này, tôi đã chia sẻ và giải thích với bố về ứng dụng, nhưng ông ấy coi đây chỉ là một trò tào lao và cho rằng Harvard đã làm hại não của tôi. Thuyết phục bố không được, tôi chuyển sang trình bày với mẹ. Dù không hiểu gì cả nhưng mẹ vẫn ủng hộ, tin tưởng và cho tôi tiền để khởi nghiệp. Tuy nhiên, bà cũng ra điều kiện rằng, tôi hãy thử nghiệm với nó trong vòng 6 tháng, nếu không thành công thì phải quay về với công việc của gia đình”, Anthony Tan kể lại.

anthony tan grab

Anthony Tan 

Thuyết phục thành công được mẹ, Tan dựa vào đó để kêu gọi sự đồng tình của mọi người trong gia đình và chàng trai tiếp tục thuyết phục người cha một lần nữa rằng: “Con rất tôn trọng cha, tôn trọng công việc cha đang làm. Con không nói rằng những việc con sắp làm sẽ tốt hơn cha. Con chỉ muốn nói rằng cha hãy để cho con bước ra đời, để cho mọi người đánh con tơi bời nhưng con không chết mà sẽ trưởng thành. Với lời thuyết phục ấy, tôi đã có được sự đồng thuận của cha. Vì vậy tôi khuyên các bạn, hãy tâm sự chia sẻ ý tưởng của mình với mẹ – người yêu thương bạn vô điều kiện. Người đó sẽ giúp chúng ta rất nhiều và tạo động lực giúp ta vượt qua khó khăn”, Tan thổ lộ.

Sau khi được sự đồng thuận của cha mẹ, năm 2011, Anthony Tan bỏ công việc kinh doanh của gia đình để cùng một bạn học nữ là Tan Hooi Ling ở Trường Kinh doanh Harvard sáng lập ra Grabtaxi. Ở giai đoạn đầu này anh gặp muôn vàn thách thức khi thuyết phục các hãng taxi, rồi đi tới từng nơi hướng dẫn tài xế cài ứng dụng. Khi giới thiệu ứng dụng, hầu hết các tài xế đều cho rằng Tan là một người trẻ điên rồ, còn các hãng taxi thì nói cậu ta chẳng hiểu gì về kinh doanh. Bởi lẽ, nhiều tập đoàn lớn họ bỏ ra hàng triệu USD mà còn chưa đi đến đâu, trong khi ứng dụng này chỉ là thứ vặt vãnh.

“Khi bị từ chối và chê bai, lúc ấy tôi thấy mình thất bại nhưng trong đầu lóe lên một câu nói: ‘Mỗi câu từ chối mà bạn nhận được có nghĩa là bạn đã dần đi đến thành công rồi đó’. Câu nói này là động lực giúp tôi kiên trì thuyết phục các tài xế, đồng thời, giải thích cho họ thấy được những lợi ích có được khi sử dụng ứng dụng này. Dần dần nhiều người đã chấp nhận và biết cách sử dụng chúng thành thạo chỉ trong vòng 2 tuần”, CEO Grabtaxi tâm sự.

Nhờ lòng kiên trì nên lần ra mắt ứng dụng đầu tiên, Grabtaxi đã có 11.000 lượt đặt xe. Đây là một con số ngoài mong đợi trong kế hoạch của vị CEO trẻ tuổi này. Tới nay, ứng dụng đã có trên 12 triệu lượt tải và vài trăm nghìn tài xế hoạt động trên 6 quốc gia. Grabtaxi đã và đang trở thành đối trọng của “ông lớn” Uber. Tính tới tháng 10/2015, Grab đã gọi đầu tư được tổng cộng 700 triệu USD. Tại Việt Nam, hãng đã được Chính phủ chấp thuận cho thử nghiệm.

“Trải qua một quá trình dài khởi nghiệp tròn 4 năm 2 tháng, tôi nhận ra rằng hãy khởi nghiệp từ suy nghĩ tạo ra giá trị cho xã hội, tạo niềm vui cho cộng đồng thì sẽ được cộng đồng ủng hộ. Khi đó người nhỏ bé sẽ chiến thắng được gã khổng lồ. Chúng tôi không còn tư tưởng sợ bị các gã khổng lồ đàn áp. Do vậy, nếu bỏ được tư tưởng đó thì các bạn trẻ khởi nghiệp có thể làm được những điều tốt đẹp”, Tan nói.

Tuy Tan không theo nghiệp gia đình, song ở một khía cạnh nào đó, anh đang quay trở về. Cụ anh cũng là người lái xe taxi. Ông nội và ông bác của Tan chính là những người thành lập Tan Chong Motor – khởi đầu với tư cách nhà phân phối ôtô trong những năm 1950 trước khi tiến hành lắp ráp ôtô cho hãng Nissan tại Malaysia.

Chia sẻ thêm về bí quyết thành công với giới trẻ Việt trong chương trình “Under 30 summit”do Forbes tổ chức tại TP HCM, Anthony Tan cho biết, khi thấy bất cứ điều gì mới lạ anh sẽ không đợi người khác tiếp cận mình mà chính anh sẽ trực tiếp đến gặp người đó. Bên cạnh đó, để giải quyết được mọi công việc một cách tốt nhất thì phải luôn kiếm cho mình một người bạn đồng hành. Do vậy, anh thường kiếm cho mình những người cố vấn tuyệt vời.

Để có được những chuyên gia giỏi bên cạnh mình, theo CEO này có 3 tiêu chí được đặt ra: một người đáng tin cậy, cả hai có nhiều giá trị chung, tìm những chuyên gia biết và hiểu rõ về vấn đề mà mình muốn tìm hiểu.

Nhớ lại thời thơ ấu, Anthony Tan cho biết, 6 tuổi anh mới biết nói. Trước đó, bố mẹ thường đưa anh đến chữa tại trung tâm của một bác sĩ giỏi và họ nói rằng anh bị đần. Nhưng khi nói được thì Tan nói nhiều và liên tục.

Đến lúc được đi học, khi cô giáo hỏi tất cả học sinh trong lớp về ước mơ khi lớn lên thì hầu hết đều muốn trở thành bác sĩ, kĩ sư, giáo viên… Riêng Anthony Tan lại thốt lên rằng muốn trở thành doanh nhân.

“Sở dĩ tôi muốn trở thành doanh nhân là vì tôi nghĩ doanh nhân là người tạo ra hạnh phúc cho mọi người. Bố mẹ tôi cũng là một doanh nhân, họ là những người khác biệt, họ làm cho tôi phải nể họ. Họ là những người tạo ra giá trị cho xã hội mà tôi đáng phải học hỏi. Và tới giờ, tôi tin, làm doanh nghiệp là để tạo ra hạnh phúc cho mọi người”, Tan nói.

Sưu tầm

>> Bài viết hay về Khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *