Tạ Minh Tuấn, nhà sáng lập và CEO của HELP International – công ty tiên phong về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại nhà
Tạ Minh Tuấn sinh năm 1988, theo học chuyên ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp, ĐH Bách khoa TP.HCM.
Anh được biết đến là người tiên phong về mô hình “Bác sĩ riêng” tại Việt Nam. Chỉ với số vốn vài triệu đồng cùng ý tưởng mới lạ, Tạ Minh Tuấn đã huy động được nhiều tỷ đồng và xây dựng thành công HELP International.
Năm 2011, anh thành lập YUP Insitute – học viện tiên phong về đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam.
Cùng năm đó, Tạ Minh Tuấn trở thành một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam do CSIP (Trung tâm Hỗ trợ Phục vụ Sáng kiến Cộng đồng), British Council (Hội đồng Anh) và World Bank (Ngân hàng Thế giới) chứng nhận.
Năm 2015, anh vinh dự được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong Top 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất.
NDH đã có cuộc trao đổi ngắn với doanh nhân 8X này để nghe anh chia sẻ những kinh nghiệm về khởi nghiệp của mình.
“Giáo dục thị trường” – Thách thức cho người tiên phong
Là người đầu tiên xây dựng mô hình “Bác sĩ gia đình” tại Việt Nam, theo anh khi là người tiên phong các Start-up sẽ gặp thuận lợi và khó khăn gì?
Trong khó khăn có thuận lợi và trong thuận lợi lại có khó khăn. Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, khi là người tiên phong, Start-up sẽ phải đối diện với khó khăn là mô hình kinh doanh của mình còn tương đối “khó hiểu” với số đông trên thị trường mục tiêu, cho nên để thay đổi từ “khó hiểu” sang “dễ hiểu” đòi hỏi Start-up phải thực hiện động tác là “giáo dục thị trường”.
Mà việc giáo dục thị trường này thì thông thường là công đoạn rất khó, đòi hỏi rất nhiều vốn, vì thay đổi một người đã khó, ở đây lại cần thay đổi cả thị trường, và cả thời gian, cũng như sự kiên trì của bản thân, cộng thêm cách làm rất chuẩn và thông minh.
Đôi khi mình đã “gần” giáo dục được thị trường rồi, thì mình lại hết vốn rồi chết. Và như thế người theo sau mình hưởng lợi hoàn toàn từ quá trình trước đó, bước qua “xác” mình và vào thị trường rồi chỉ mất chút ít vốn và thời gian nữa là thành công.
Ngược lại, cơ hội nằm ở chỗ nếu Start-up tiên phong và giáo dục thị trường thành công, thì thị trường sẽ xem thương hiệu của Start-up đó như “Top of mind” – thương hiệu đầu tiên được nhớ đến mỗi khi nhắc về nhu cầu cần được đáp ứng đó. Đây là bài học thành công của một số thương hiệu đã có trên thị trường kể cả thương hiệu Việt Nam, ví dụ X-men chẳng hạn.
Mấu chốt là hiểu rõ cuộc chơi mình đang chuẩn bị tham gia vào, có những chuẩn bị cần thiết theo đúng loại hình của cuộc chơi đó, và chọn thời điểm chính xác để hành động.
Doanh nhân 8X còn là người sáng lập và Chủ tịch học viện khởi nghiệp YUP Insitute
Chọn nhà đầu tư như kết hôn!
Với một ý tưởng khá mới, anh đã huy động được vốn đầu tư lên đến nhiều tỷ đồng. Xin anh đưa ra một số lời khuyên cho các Start-up khi thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn vào dự án của mình?
Tôi nghĩ lời khuyên thì có rất nhiều, nhưng tôi sẽ không đưa ra những lời khuyên theo kiểu “Làm sao để làm cho nhà đầu tư đồng ý bỏ tiền cho mình?”. Nói vui một chút là làm sao để “dụ dỗ” được nhà đầu tư? Mà lời chia sẻ của tôi về việc này là: Hãy chọn đúng nhà đầu tư cho mình!
Bởi vì việc có một nhà đầu tư cũng giống như kết hôn vậy, nếu chọn sai, mọi thứ sẽ là thảm họa. Nó sẽ phá hỏng kiến trúc thành công của một công ty khởi nghiệp. Mối quan hệ giữa Start-up và nhà đầu tư là quan hệ Đối tác, không phải quan hệ Xin-Cho hay quan hệ Ơn-Nghĩa. Vì vậy không chỉ nhà đầu tư chọn Start-up, mà cả Start-up cũng phải chọn nhà đầu tư. Để chọn đúng nhà đầu tư, cần kiểm tra lại những yếu tố sau:
Nhà đầu tư này có phù hợp với mục tiêu, văn hóa, giá trị cốt lõi, phong cách điều hành và chiến lược kinh doanh của Start-up?
Start-up sẵn sàng thay đổi một hay nhiều trong số những tiêu chí trên để được nhận đầu tư hay sẽ bảo vệ những giá trị cốt lõi của mình đến cùng?
Start-up cần nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư?
Thời điểm nhận đầu tư đã phù hợp hay chưa?
Tại sao Start-up cần đầu tư? Cần đầu tư bao nhiêu? Số tiền đó sử dụng cho mục đích gì?
Đôi khi khả năng xây dựng và phát triển mối quan hệ trong tương lai với nhau là một điều kiện quan trọng. Nhiều “cặp” không cảm nhận thấy điều này ở nhau, thì cho dù mọi thứ có vẻ rất tốt, họ vẫn không kết hợp với nhau.
Đến một thời điểm, mọi công ty buộc phải trở thành ‘công ty tốt’
Theo anh, doanh nghiệp xã hội có phải hướng mới để các bạn trẻ khởi nghiệp?
Tôi đã gặp nhiều người nói với tôi rằng “Em có ước mơ trở thành một doanh nhân”. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ được nghe nhiều người nói “Em có ước mơ, là trở thành một doanh nhân xã hội”.
Mọi công ty khi đã đến một giai đoạn phát triển nào đó, họ bắt buộc phải trở thành một công ty “tốt” – a good company – chữ tốt ở đây được hiểu là sự phát triển của họ không tạo ra mâu thuẫn cho sự phát triển bền vững của xã hội. Bên cạnh tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, họ đã bị “soi” nhiều hơn vì vậy phải tích cực đóng góp tạo ra các hoạt động xã hội mang lại giá trị tốt cho cộng đồng. Mô hình kinh doanh của họ phải giải quyết được một vấn đề cụ thể nào đó trong xã hội thì mới có thể phát triển được. Đó không chỉ là một cách PR, mà dường như là một yêu cầu để có thể phát triển tiếp, phải đưa ra những hoạt động có đóng góp cho cộng đồng, như những chương trình CSR (Trách nhiệm doanh nghiệp xã hội – PV) chẳng hạn.
Và điều quan trọng nhất, là phải giúp xã hội cùng đi lên, chứ không phải mình thì ăn, còn xã hội thụt lùi. Như thế họ sẽ đi ngược lại tự nhiên và bị hủy diệt.
Lấy ví dụ như Alibaba, có rất nhiều chủ shop đồ hiệu giả trên Alibaba, và những chủ shop này đóng góp không nhỏ cho sự thành công của công ty này. Nhưng khi đã thành công rồi, dù muốn hay không, Alibaba phải bắt đầu “thanh lọc” dần các chủ shop đồ hiệu giả, cho dù việc đó có thể tạm thời gây ra tổn thương cho chính mình.
Thử thách ở đây là, không phải đợi đến khi mình đã thành công hay giàu có rồi, mà liệu các doanh nghiệp có thể trở thành 1 “good company” ngay từ khi bắt đầu hay không? Và niềm hy vọng đó được trao cho các doanh nghiệp xã hội.
Cảm ơn anh Tuấn !