Yêu thích oải hương, Đỗ Đức Mẫn, chàng trai miền Trung quyết định đầu tư mở cửa hàng bán loại hoa này, với số vốn ban đầu chỉ 10 triệu đồng từ học phí, vay bạn bè.
Bỏ hẳn ra 1 năm làm marketing thăm dò thị trường, dùngtiền học phí để nhập lô oải hương đầu tiên về Việt Nam bán nhưng thất bại thảm hại. Không nản chí, sau hơn 3 năm vừa học vừa kinh doanh, Đỗ Đức Mẫn (sinh năm 1989, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã là chủ một shop hoa oải hương online với hàng trăm bó được nhập từ Pháp và Anh về mỗi tháng. Chưa kể nụ, hạt giống, tinh dầu và một số sản phẩm được làm từ loài hoa ngoại nhập này.
Cơ duyên khởi nghiệp của Mẫn chỉ đơn giản từ sở thích hoa oải hương. “Mình bị cuốn hút bởi sự giản dị mộc mạc nhưng đầy tinh tế ý nhị của hoa oải hương. Ngoài ra, đặc tính của oải hương lại rất phù hợp với tính chất kinh doanh nửa mùa mình đang tính đến. Hoa dễ bảo quản, giá trị sử dụng lâu dài”, Mẫn chia sẻ.
Vốn tính cẩn thận, lại đang theo học chuyên ngành Kinh tế tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nên trước khi quyết định kinh doanh, Mẫn đã dành ra hẳn 1 năm chỉ để marketing cho sản phẩm. “Nói marketing cho oai chứ chủ yếu mình lập page, tìm mọi thông tin về oải hương và chia sẻ cho mọi người biết. Từ đó, nắm bắt nhu cầu của mọi người về loài hoa này”, Mẫn cho hay.
Mẫn tâm sự, khi đó thực tế em chưa có sản phẩm để bán, nhưng có khá nhiều người quan tâm, gọi điện nhắn tin đặt hàng. Do không có sẵn tiền nên em vay mượn bạn bè với ít tiền học phí chưa kịp đóng được hơn 10 triệu đồng em thử liều nhập lẻ về 1 lô bán thử.
Để tìm nguồn hàng, Mẫn nhờ một số bạn bè đang du học bên Pháp và Anh hỏi mối, nhưng không thành công. Tìm kiếm một số địa chỉ đã kinh doanh oải hương trước đó tại Việt Nam, đến khi Mẫn liên lạc được thì gần như mọi người đã bỏ vì thị trường quá hẹp, chi phí nhập khá cao. Lần mò mãi trên mạng, Mẫn cũng tìm được một công ty xuất khẩu tại Anh.
“Mọi sự khởi đầu nan”, cho dù khá bài bản trong marketing cuối cùng Mẫn đã gặp xui xẻo ngay lô hàng đầu tiên. Mẫn kể: “Háo hức đếm từng ngày hàng về, khi mở thùng ra thì hoa đã rụng tơi tả còn trơ mỗi cọng”. Qua tìm hiểu, cậu sinh viên kinh tế biết rằng, hoa rụng vì khâu vận chuyển trong nước chưa cẩn thận. May mắn là cậu chưa nhận tiền đặt cọc nên dễ dàng cáo lỗi với những khách đầu tiên đặt hàng.
Sau sự thất bại đầu tiên, vốn liếng vớt vát không được bao nhiêu, Mẫn lại tiếp tục xoay sở vay mượn bạn bè mỗi người một ít. Số còn lại, cậu cầm cố chiếc xe máy để tìm cách chuyển được lô hàng mới về bù, tránh thất tín với khách hàng đã đặt mua lần trước. Rút kinh nghiệm từ trước đó, đơn hàng lần này Mẫn chuyển gián tiếp qua một địa chỉ tại Anh rồi mới chuyển về Việt Nam. Tuy chi phí bị đội lên, nhưng đảm bảo hoa không bị rụng.
Đến nay, ngoài bán lẻ, shop oải hương của Mẫn còn là địa chỉ đổ buôn cho các cửa hàng trong nội thành, với giá từ 200.000 đến 350.000 đồng tùy số lượng cành. Doanh thu mỗi tháng lên tới vài chục triệu đồng. Đó chưa kể các dịp 14/2, 8/3, 20/10… số đơn đặt hàng nhiều hơn ngày thường rất nhiều. Mẫn cho hay, hiện tại giá cả tại shop đã được khống chế ở mức gần với giá bán lẻ tại châu Âu. Lợi nhuận tuy không lớn nhưng cũng giúp cho trang trải được việc học, nhưng điều thích thú nhất là trong nhà lúc nào cũng phảng phất mùi hương lavender .
Để đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng, ngoài hoa, Mẫn còn nhập thêm tinh dầu, hoa khô, nụ hoa, cây giống, hạt giống để bán kèm. Do loài hoa khó trồng trong điều kiện thời tiết tại Việt Nam, nên có thời gian Mẫn thường lên các trang mạng nước ngoài để tìm hiều phương pháp trồng chăm sóc để cập nhật cho khách hàng của mình. “Ngoài thu nhập thì điều lý thú nhất kể từ khi bán hoa đến nay chính là có cơ hội gặp rất nhiều khách hàng xinh xắn, dễ thương. Hầu hết những ai thích oải hương đều có chung tính cách nhẹ nhàng, lãng mạn và rất lịch sự”, Mẫn thành thật cho biết.
Mẫn chia sẻ, nam giới bán hoa không phải là chuyện hiếm hiện nay. Dù đã công khai trên shop online nhưng những ai lần đầu tiên đến nhà trọ mua sản phẩm đều ngỡ ngàng vì trước đó lầm tưởng chủ cửa hàng là nữ giới. Theo Mẫn, nam giới kinh doanh lĩnh vực này bất lợi ở chỗ không khéo léo điệu đà để thiết kế đươc nhiều kiểu bó hoa thật long lanh, bắt mắt. Nhưng oải hương vốn là loài hoa mộc mạc không cần cầu kỳ. “Tuy vậy cũng có một nhóm khách hàng là nam giới lại rất thích đặt hàng ở shop vì lý do là nhờ vả luôn chủ shop đem hoa đi tặng giúp cho bạn gái. Thành ra nhiều khi mình làm ‘chân gỗ’ cho cả khách hàng”, Mẫn tâm sự.
“Làm kinh doanh khó khăn nhất là việc chủ động về nguồn hàng. Vì tất cả giao dịch đều trực tuyến, nên việc kiểm tra chất lượng, số lượng nguồn hàng từ nhà cung cấp không được trực tiếp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chưa kể, người bán phải mất nhiều thời gian mới tìm được nhà cung cấp vừa ý. Ngoài ra còn vấn đề vận chuyển, thường thì hàng về 2 tuần 1 lần, nhưng thỉnh thoảng cũng bị hoãn tới cả tháng, nên có khi bị lỡ mất đơn hàng. Khách buồn mà mình còn buồn hơn”, Mẫn nói.
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh trong tương lai, Mẫn cho hay, trước tiên vẫn duy trì hình thức bán hàng online. Cuối năm nay sau khi tốt nghiệp ra trường Mẫn sẽ chuyển vào trong khu vực nội thành để thuê nhà, tiện đường cho khách hàng đến mua sản phẩm.
Theo Trịnh Nguyên