Những chiếc bếp ga mini made in Vietnam được xuất khẩu tới Nhật Bản và 20 quốc gia khác trên thế giới. Sản phẩm này chiếm 70% thị phần ở Việt Nam và 35% thị phần bếp ga mini tại xứ sở hoa anh đào.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng Giám đốc Namilux.
Tại một diễn đàn trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao do Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Doanh Và Hỗ Trợ Doanh Nghiệp (BSA) tổ chức cuối tuần trước, ông Nguyễn Mạnh Dũng, TGĐ Công ty CP Thiết bị nhà bếp VINA đã chia sẻ về hành trình những “đứa con” tinh thần của ông vượt ngàn dặm xa xôi để đến với thị trường Nhật Bản, vốn được coi là vô cùng khó tính.
Bếp ga mini NaMilux – sản phẩm chính của công ty này đã chinh phục thị trường Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Đài loan, và các nước trong khu vực châu Á suốt gần 20 năm qua. Năm ngoái, công ty này xuất khẩu được 700 ngàn chiếc bếp ga. Hiện bếp ga của Namilux chiếm 35% thị phần tại Nhật Bản. Hiện Namilux xuất khẩu 50% sản lượng sản xuất, phần còn lại là tiêu thụ ở Việt Nam với thị phần lên tới 70%.
Ông chủ Namilux xác nhận: “Thực ra chúng tôi đã có mặt ở nội địa từ những ngày đầu thành lập, đến nay sản phẩm bếp gas du lịch của NaMilux đã chiếm khoảng 70% thị phần trong nước. Dù hiện nay xuất khẩu là thế mạnh của doanh nghiệp nhưng chúng tôi không bao giờ xem nhẹ thị trường nội địa.
Thị trường nội địa chính là hơi thở của doanh nghiệp, thở cùng nhịp với doanh nghiệp. Thị trường nước ngoài rộng lớn nhưng không thở cùng nhịp với mình. Chẳng hạn như việc tỷ giá biến động, hay việc một số nước, như Indonesia, đưa ra những hàng rào nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, đã khiến sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tuy nhiên khi quyết định quay lại phát triển mạnh hơn thị trường nội địa, chúng tôi nhận ra thực tế nhu cầu bếp gas du lịch đang giảm. Vì thế chúng tôi đang tập trung đầu tư, nghiên cứu để đưa ra những dòng sản phẩm bếp đôi mới. Chúng tôi xác định rõ để phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa phải có lộ trình nhất định. Mặc dù có kinh nghiệm, lợi thế nhưng không phải muốn tăng là tăng. Bởi nếu không thận trọng sẽ lợi bất cập hại”.
Con đường thương hiệu
Vốn là người kinh doanh bếp ga từ rất lâu, ông Dũng tự nhận: “Thời đó, chưa ai sản xuất bếp ga và tôi là một trong những người đầu tiên sản xuất bếp ga tại Việt Nam”.
Có dịp đi đó đây, tham quan nhiều nhà máy, ông đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất bếp ga vào năm 1999. Khi đó, ông chưa có gì nhiều ngoài kinh nghiệm kinh doanh cùng tinh thần cầu toàn, ông Dũng cùng cộng sự đã mày mò và nghiên cứu rất nhiều.
Một cơ duyên là năm 2002, Asahi Seisakusho, một thương hiệu lớn của Nhật Bản, đi tới các thị trường để tìm kiếm đối tác. Khi đến Việt Nam, họ thấy sản phẩm Namilux trong siêu thị. Lúc đó, họ chỉ xem sản phẩm để tìm hiểu vì lúc đó theo ông: “Chắc chắn sản phẩm của chúng tôi không đủ tiêu chuẩn”.
Sau nhiều lần tìm hiểu, năm 2004, công ty Nhật đã đồng ý hợp tác với Namilux.
“Ban đầu chúng tôi chỉ gia công. Dần dần, họ bàn giao cho mình, vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho mình. Chúng tôi làm việc với công ty này từ năm 2004 đến nay”, ông Dũng nói.
Người sáng lập ra Namilux nhận xét rằng, đối với người Nhật, khi làm việc với họ, họ rất cẩn thận, tỉ mỉ. Họ yêu cầu rõ về chất lượng. Họ có tinh thần chia sẻ rất tốt để có sản phẩm tốt nhất. “Nhiều bạn tôi nản khi làm với người Nhật vì họ đòi hỏi nhiều quá. Nhưng tôi nghĩ đó là đòi hỏi chính đáng và cần thiết. Nếu như làm lâu với họ, bạn sẽ thấy họ chia sẻ về kiến thức rất nhiệt tình”, ông Dũng nhận định.
Để xuất khẩu, sản phẩm không những phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe mà còn phải có tính thẩm mỹ cao.
“Việc cạnh tranh không còn ở trong nước nữa mà là toàn cầu. Vậy nên, sản phẩm phải cạnh tranh với các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan…, họ có lịch sử phát triển công nghiệp trước mình. Vì vậy, bắt buộc chúng tôi phải có lợi thế cạnh tranh. Như chúng ta đã biết thì giá nhân công của chúng ta được coi là rẻ nhưng nhân công rẻ chỉ là một vấn đề thôi. Khi muốn xuất khẩu đi các nước thì chúng ta phải có chứng nhận an toàn. Như vậy để xuất khẩu được, chúng ta phải có giá tốt, đạt chuẩn an toàn, mẫu mã đẹp…”, Tổng giám đốc Namilux nói về cạnh tranh ở thời điểm hiện tại.
Ở người lãnh đạo, mệt mỏi chỉ là nhất thời
– Có khi nào ông muốn bỏ cuộc? – một câu hỏi được đặt ra cho ông chủ Namilux.
“Tôi năm 61 tuổi, cũng có lúc mệt mỏi nhưng sự mệt mỏi đó chỉ nhất thời, ngắn hạn. Sau đó tôi phải tìm cách giải quyết. Khi bước lên vị trí đứng đầu thì không thể nói chuyện mệt hay không mệt, mệt vẫn phải làm”, ông Dũng đáp lại.
Ông Dũng không có ý định “truyền ngôi” cho con cái mà mong muốn chiêu mộ được những nhân tài. “Không ông chủ nào mà không muốn kiếm người giỏi để cùng chia sẻ với mình”, ông nói.
“Biết bao người đi theo tôi trong suốt gần 2 thập kỷ qua. Công ty tôi có khoảng 800 người, có những người gắn bó 20 năm nay. Vậy nên, trước khi nghỉ thì tôi phải làm tròn trách nhiệm của mình.
Thứ hai nữa là khách hàng. Chúng tôi có sản phẩm ở hơn 1.000 cửa hàng. Nếu công ty ngừng hoạt động, các đại lý sẽ hỏi: nếu anh nghỉ thì tôi sẽ làm gì. Nhân viên cũng hỏi: Nếu anh nghỉ thì tôi làm gì?
Vấn đề không phải là tiền, mà là công việc, là đam mê của mọi người”, doanh nhân ngoài lục tuần tâm tư.
“Có mệt mỏi nhưng vượt qua được. Dù có mệt thì tôi cũng nghĩ không phải việc của cá nhân mình nữa”, ông kết luận.