Trong khi các doanh nghiệp điện tử trong nước vẫn đang loay hoay tìm lối thoát, thì một doanh nhân 8x lại tự tin khởi nghiệp ở lĩnh vực “lành ít dữ nhiều” và nhanh chóng trở thành hiện tượng.
Năm 2014, số TV Asanzo được tiêu thụ là hơn 100.000 chiếc chỉ sau một năm thành lập nhà máy, và cũng chỉ một năm sau đó, lượng TV bán ra của thương hiệu non trẻ này đã lên tới 300.000. Với đà tăng trưởng như hiện nay, Tổng giám đốc Asanzo – Phạm Văn Tam dự kiến, năm 2016, con số TV được bán ra thị trường của hãng sẽ khoảng 500.000 chiếc.
Con số TV được tiêu thụ trên nếu so với một hãng điện tử quốc tế tầm trung vẫn rất nhỏ bé, nhưng với một doanh nghiệp điện tử Việt, lại quá mới thì đó thật sự được xem là “hiện tượng” trong bối cảnh hàng loạt thương hiệu điện tử trong nước vẫn đang lao đao bởi sức ép của các thương hiệu nước ngoài.
Riêng với ông chủ sinh năm 1980 – Phạm Văn Tam, ước mơ lấy lại thị trường nội địa, định danh Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu các thiết bị điện tử đang dần định hình.
Anh Phạm Văn Tam
Cuộc chơi sòng phẳng với thương hiệu ngoại
Tại sự kiện đánh dấu mốc “phủ sóng” 63 tỉnh thành của một hệ thống trung tâm, cửa hàng điện máy được xem là dẫn đầu Việt Nam mới đây, trên bục khách mời danh dự gồm toàn những tên tuổi sản xuất hàng điện tử hàng đầu quốc tế, có mặt Phạm Văn Tam. Đây được xem là “hiện tượng”, bởi lâu nay các trung tâm điện máy lớn thường chỉ ưu ái chỗ “đẹp” cho các thương hiệu quốc tế lớn, trong khi một thương hiệu nội địa mới xuất hiện gần 2 năm lại đường hoàng sánh ngang.
“Cách đây 2 năm thôi, Asanzo có năn nỉ gõ cửa các trung tâm điện máy thì họ cũng không nhận hàng của mình. Nhưng nay thì khác, các trung tâm đã nhìn nhận trong cùng một mặt hàng cần phải có nhiều phân khúc, không phải là chỉ có phân khúc cao cấp. Do đó, họ quyết định chọn chúng tôi ở phân khúc tầm trung, vốn chưa được các hãng đáp ứng. Bởi thành phố cũng có người giàu, người nghèo, huống gì là nông thôn”, Phạm Văn Tam nói, và cho rằng sự thay đổi cách nhìn của các nhà phân phối đã tạo thêm chỗ đứng quan trọng cho công ty, vốn lâu nay lấy thị trường nông thôn làm chính.
Điều khác biệt là ngay từ đầu doanh nhân 8x này đã xác định tập trung vào phân khúc trung bình. Thị trường nông thôn thiếu TV là chuyện đương nhiên nhưng ngay cả ở thành thị, cứ vào những khu công nghiệp, đến những phòng trọ của công nhân thì sẽ thấy, không có chỗ cho những chiếc TV đắt tiền. Đấy chính là động lực của anh, khi những “ông lớn” không thèm để mắt đến vì rõ ràng bán một chiếc smartTV thu về lợi nhuận nhiều hơn hẳn.
“Tôi quan niệm, không phải cứ chi phí sản xuất thấp thì linh kiện kém chất lượng. Asanzo có thể làm ra các sản phẩm giá rẻ hơn các thương hiệu khác vì chúng tôi biết đích xác nhu cầu của người dùng. Một chiếc TV LED một màn hình thì cần gì đến 2 cổng HDMI và 4 cổng USB. Rõ ràng nhiều phụ kiện như thế không cần thiết, làm giá thành sản phẩm đội lên. Như vậy, cứ mỗi cổng tiết giảm sẽ giảm được 5 USD, tính ra mỗi chiếc TV giảm hơn cả triệu đồng”, Tam lý giải vì sao giá một chiếc TV của mình bán ra thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại mang thương hiệu nổi tiếng. Anh khẳng định, dù đã tiết giảm một số tính năng “không quá cần thiết”, nhưng chất lượng không thua kém.
“Tôi đã đem sản phẩm của mình đến kiểm tra, so sánh chất lượng với những thương hiệu khác. Như TV, tôi cũng dùng màn hình của Samsung, các linh kiện khác của Toshiba, LG… Các hãng khác, từ thương hiệu quốc tế đến thương hiệu trong nước cũng làm theo công thức như thế. Những gì không cần thiết, tôi bỏ hết để tiết giảm chi phí. Ngay cả vỏ nhựa cũng vậy, TV mỏng hiện nay hầu hết đều được treo tường, vậy thì cần gì một khung nhựa cứng như thép. Điều chỉnh những điều chưa hợp lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm là công thức để cạnh tranh”.
Khi các đại lý thông báo đã tiêu thụ hết 4.000 chiếc TV ngay trong đợt sản xuất đầu tiên và con số cứ thế tăng dần, chính Tam cũng cảm thấy nghi ngờ. Anh đã phải đích thân kiểm chứng đường đi của sản phẩm rồi mới dám tự tin về số lượng tiêu thụ. Tính đến nay, sản phẩm của Tam hiện đã có mặt ở hầu hết các siêu thị, trung tâm điện máy trong nước.
Sải bước vươn xa
Mô hình kinh doanh của Phạm Văn Tam cũng rất linh hoạt, bởi không chỉ có TV, Asanzo còn sản xuất các mặt hàng khác như điện gia dụng và điện lạnh. Hiện công ty có hơn 200 công nhân đa nghề, họ có thể lắp ráp được cả TV, điện gia dụng và điện lạnh.
“Trước lúc bắt tay làm TV tôi đã ấp ủ làm các mặt hàng điện gia dụng. Nay thương hiệu đã được biết đến nhiều, ngành TV đã có thị trường, hệ thống phân phối ổn định, nên tôi quyết định triển khai”, Tam cho biết.
Cách vận hành công ty để đánh chiếm thị trường của Phạm Văn Tam được giới trong nghề nhận định là liều lĩnh và gây bất ngờ. Điển hình là việc khi mọi người cho rằng Tam đang chú tâm khai thác “mỏ” phân khúc bình dân thì bất ngờ anh tung ra sản phẩm TV màn hình cong 4K.
“Việc quyết định ra TV 4K lúc này là câu chuyện hoàn toàn khác so với khi tôi làm ra sản phẩm TV đầu tay. Những chiếc TV màn hình cong được làm hoàn toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, và tất nhiên không được tiết giảm bất cứ tính năng nào. Bởi tôi xác định sản phẩm này là để phục vụ cho nhóm 20% khách hàng giàu có”, Phạm Văn Tam bộc bạch. Nhưng anh cho biết, giá bán vẫn thấp hơn nhiều so với TV thương hiệu khác, bởi TV 4K trên thị trường hầu hết được nhập khẩu, trong khi sản phẩm này công ty lắp ráp hoàn toàn tại Việt Nam.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, Phạm Văn Tam đã làm được việc mà ngay cả một hãng điện tử lớn có tiềm lực tài chính mạnh cũng lưỡng lự là sản xuất TV từ bình dân đến cao cấp, đồng thời cho ra đời gần như đầy đủ sản phẩm điện gia dụng cần thiết. Mới đây, một đơn vị Hàn Quốc đã đánh tiếng muốn chuyển đơn hàng lắp ráp hơn 250.000 sản phẩm từ Trung Quốc sang cho công ty. Đây là mặt hàng chỉ chuyên phục vụ cho thị trường nội địa của Hàn Quốc, đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao.
Đề xuất này càng trở thành động lực để ông chủ hãng điện tử Việt đẩy mạnh kế hoạch đưa thương hiệu ra nước ngoài. Hiện Asanzo đã bước đầu có những đơn hàng xuất sang Cuba, Lào, đặc biệt là Campuchia. Sức tiêu thụ tại thị trường này vẫn đang tăng mạnh và sẽ trở thành nguồn tiêu thụ lớn khi Tam cho xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai vào năm sau.
“Một điều khác, nhỏ hơn nhưng cũng khá quan trọng, là tôi muốn gây dựng thương hiệu để góp phần chứng minh sức mạnh, bản lĩnh khác biệt của Việt Nam và muốn xây nên một ‘ngọn núi’ để con mình có cái nhìn vào mà phấn đấu”, Phạm Văn Tam bộc bạch về khát vọng vươn xa của mình.
Sưu tầm
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp