Ông Võ Quan Huy (Út Huy), người đi khai hoang nổi tiếng ở vùng Nam bộ đang canh tác khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh khác nhau. Ông được xem là đại diện cho thế hệ nông dân “lái xe hơi” thăm đồng thay vì máy cày hay con trâu thuở xưa.
Mỗi năm một lần khởi nghiệp
Nghe danh Út Huy nổi tiếng miền Tây từ lâu, nhưng vào một ngày mưa cuối năm 2016, chúng tôi mới có dịp gặp tại “thủ phủ chuối FOHLA” (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Từ dạo trồng và làm thương hiệu chuối FOHLA, ông càng trở nên bận rộn, hẹn cả tháng mới gặp được. Vừa tay bắt mặt mừng, ông đã giải thích: “Không phải tôi chảnh gì đâu mà thật sự tại tôi bận quá!”.
10 giờ sáng, cuộc trao đổi của chúng tôi bắt đầu cũng là lúc ông vừa ăn vội bữa đầu tiên trong ngày. Ông kể, sau 40 năm khai hoang trồng – chặt rồi lại chặt – trồng hơn 20 loại cây con, giờ ông đã tìm được bí quyết làm giàu cho mình, cho gia đình và xã hội, đó là trồng cây ăn trái và nuôi bò. Trước vẻ ngạc nhiên của tôi về tên gọi FOHLA, ông Huy cười và bảo: “FOHLA là Fruits/Food of Huy Long An”.
Ở tuổi 61, mái tóc bạc cùng dáng người cao, to sừng sững của ông nông dân Út Huy chẳng thể lạc vào đâu được. Ông có rất nhiều biệt danh, như “người khai hoang mở cõi” khi không chịu khai hoang nhỏ lẻ vài héc-ta mà xông pha đến những nơi có vài trăm héc-ta trở lên như vùng đất ở Mỹ Bình, Đức Huệ (tỉnh Long An) từ năm 1995. 20 trước, nơi đây không một bóng người, nhưng qua bàn tay của ông đã trở thành trang trại 240 ha tràn đầy sức sống với hoa lợi tiền tỷ.
Hiện Ông Huy Long An đang sở hữu và canh tác khoảng 1.000 ha từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến cao nguyên Lâm Đồng. Cũng chính từ đây, ông được gán cho nhiều biệt danh khác: “Huy mía”, “Huy ớt”, “Huy Tôm”… và giờ đây là “Huy Bò”, “Huy chuối”. Từ lúc khai hoang đến giờ, cứ hơn một năm là một lần khởi nghiệp. “Tham vọng của tôi còn bao la lắm. Tôi đang xây dựng chương trình tiến tới hữu cơ hóa sản phẩm từ giống, phân, thuốc BVTV, công nghệ, chứng nhận và thị trường mà nếu chạy đua từ bây giờ thì 3 – 5 năm nữa mới hoàn thành được”, ông nói.
Danh tiếng Út Huy được nhiều người biết đến từ dạo ông chuyển đổi nuôi tôm sang nuôi bò Úc và trồng, xây dựng thương hiệu chuối FOHLA vào năm 2013. Trước đó, trong một lần đi Philippines, ông nhận thấy quốc gia xuất khẩu chuối lớn thứ hai trên thế giới này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam từ khí hậu đến thổ nhưỡng.
“Tôi bị ám ảnh bởi mùi thơm của vỏ chuối, lá chuối hay độ dẻo của chuối chín, thậm chí tiếng gió trong vườn chuối cũng rất hay”, ông cười và cho biết, thích chuối là vậy, nhưng ông chỉ đầu tư vào loại cây trồng này từ năm 2014, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được mọi người lưu tâm. Nghiên cứu thông tin, ông nhận ra đây cũng là cơ hội của nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng chuối nói riêng trong việc tham gia vào câu chuyện hội nhập.
“Tôi trở lại Philippines để tham quan học hỏi. Tôi mất 3 ngày gặp 3 nông dân trồng chuối và bị thuyết phục hoàn toàn. Tôi mời chuyên gia Frederick I. Silvero, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối từ Philippines về tư vấn. Để khai thác thị trường chuối thành công, theo tôi có 3 yếu tố để gây dấu ấn cho khách hàng đó là nhà ủ phân bò, đường cáp tải chuối và nhà đóng gói, kho trữ lạnh đúng tiêu chuẩn”, ông chủ thương hiệu chuối FOHLA chia sẻ.
Trồng chuối công nghiệp
Dứt lời, ông kéo chúng tôi lên chiếc xe bán tải Ford Ranger đậu hiên nhà và bắt đầu hành trình đưa chúng tôi tìm hiểu về chuối FOHLA. Ông đang trồng khoảng 110 ha tại Long An và Tây Ninh với sản lượng năm 2016 khoảng 4.000 tấn. Vừa lái xe, ông vừa say sưa kể về sự tích đưa từng giống chuối, cái cây, cái cọc… về miền đất này. Chốc chốc, điện thoại của ông lại reo lên và nội dung chỉ xoay quanh những hợp đồng xuất khẩu chuối.
Trên 70 ha chuối bạt ngàn màu xanh mướt, lâu lâu lại xuất hiện một vài công nhân thu dọn tàu lá gãy để không làm ảnh hưởng đến hệ thống dây chuyền ròng rọc. Chiếc xe chậm rãi đi vào khu vực đang thu hoạch chuối, ông chợt dừng lại, bước xuống hướng dẫn công nhân cách cắt buồng chuối, lá chuối để không làm ảnh hưởng đến thân cây.
Đứng cạnh buồng chuối sắp đến kỳ thu hoạch, ông giải thích, từng buồng chuối trên cây được bao bọc cẩn thận để chống sâu bệnh và côn trùng gây hại. Sau khi cắt, chuối được rửa sạch bụi, sắn ra từng nải, cắt tỉa những trái không đạt và bỏ vào bể nước khử trùng để làm sạch trước khi đóng gói. Chuối được đóng vào thùng có lót mút xốp để không bị trầy, dập. Quy trình nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại là kết quả của một quá trình đầu tư vận hành khá gian nan, kiểm soát chặt chẽ và tỉ mỉ đến từng quả chuối.
“Tôi thích đi học và học hỏi mọi lúc, mọi nơi, thậm chí học từ chính những nhân viên của mình. Kỹ thuật trồng và bảo quản chuối cũng là do tôi học lỏm của Philippines, chứ tôi có cao siêu gì đâu”, ông tiết lộ và cho biết, mỗi héc-ta trồng được khoảng 2.500 cây chuối, năng suất đạt 20-30 tấn và giá bán từ 2.500 đồng – 10.000 đồng/kg, tùy từng loại.
Sau 3 năm mò mẫm, thăm dò và chinh phục thị trường, tháng 4/2016, 15 tấn chuối FOHLA đã chính thức được bày bán trên các kệ của hệ thống siêu thị Don Kihote (Nhật Bản). Không chỉ vậy, các thương gia ở Dubai đã tìm về tận vườn của ông Huy kiểm tra, đánh giá và ký một số hợp đồng dài hạn để đưa FOHLA có mặt tại các nước thuộc khu vực Trung Đông.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng khi nghiên cứu kỹ về nhu cầu thị trường. Cái khó hiện giờ là vẫn chưa tìm được lời giải về kỹ thuật bảo quản, quản lý vườn, chống sâu bệnh, nhằm giữ lòng tin của khách hàng Nhật Bản. Chúng tôi phải vừa học, vừa làm liên tục từ 7-8 tháng mới tạm thời đảm bảo quy trình đóng gói và xuất khẩu chuối”, ông vừa nói vừa chỉ vào chiếc lá chuối đang bị héo do mắc bệnh.
Mục tiêu của Huy Long An trong năm 2017 sẽ đạt 7.000 tấn chuối và 70% được tiêu thụ tại Nhật Bản thay vì chỉ 40% như hiện nay. Được biết, mỗi héc-ta chuối được đầu tư khoảng 500 triệu đồng cho hệ thống tưới, nhà máy xử lý… Nhưng ông Huy quan niệm, quan trọng hơn cả vẫn là trình độ nhân lực, không thể trồng chuối công nghiệp với toàn những nhân viên nông nghiệp mà có tư duy tùy tiện, nghĩ đơn giản rằng sai chút đỉnh cũng không sao. Để có một quản lý trồng 20 ha chuối, ông phải mất ít nhất 1,5 năm để đào tạo, còn để quản lý được khâu đóng gói, xử lý, phân bổ đơn hàng, sắp xếp quy trình điều phối cho 100 ha chuối thì họ phải được đào tạo và học hỏi ít nhất trong 3 năm ròng.
Không chỉ vậy, ông và hai người con trai là Võ Quang Thuận và Võ Xuân Hòa đang muốn định giá lại mặt hàng này khi Việt Nam hiện có hơn 130.000 ha trồng chuối, sản lượng trung bình 1,4 triệu tấn/năm, nhưng chỉ là hạt cát trên thị trường chuối toàn cầu trị giá khoảng 17 tỷ USD. FOHLA sẽ không dừng lại với chuối mà là hàng loạt trái cây khác của Việt Nam như bưởi da xanh ông trồng đang cho doanh thu 15 tỷ đồng/năm là một ví dụ điển hình.
Sưu tầm
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp