Dropbox, một trong những dịch vụ công nghệ điện toán đám mây hàng đầu thế giới và Drew Houston, một trong những tỷ phú trẻ nhất trong làng công nghệ điện tử là những cái tên luôn đứng trong top đầu những bảng xếp hạng công nghệ trên toàn thế giới.
Dropbox là dịch vụ sao lưu, lưu trữ dữ liệu trực tuyến, sử dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud storage) với khả năng đồng bộ theo thời gian thực và tự động thực hiện sao lưu, hỗ trợ miễn phí có thể lên đến 20GB dung lượng lưu trữ trực tuyến trên máy chủ.
Dropbox ra đời vào năm 2007 và có trụ sở chính tại San Francisco, California và người sáng lập ra Dropbox chính là Drew Houston, người đã từng làm cho các startup về công nghệ như Bit9, Accolade và Hubspot, trước khi tự mình đứng ra thành lập một startup và trở nên thành công như bây giờ.
Thông qua việc lữu trữ trên đám mây, đồng bộ hoá các thư mục, tập tin, Dropbox giúp người sử dụng lưu trữ giữ liệu trên đám mây và sử dụng giữ liệu đó ở bất cứ nơi nào khác mà không cần tới các thiết bị hỗ trợ lưu trữ.
Chẳng hạn như bạn sử dụng 2 máy tính, 1 ở nhà và 1 ở công ty. Bạn cài dropbox ở cả 2 máy và đăng nhập vào cùng một tài khoản thì bạn sẽ có 2 thư mục dropbox trên 2 máy tính và 2 thư mục này luôn được đồng bộ hóa với nhau! Bạn lưu dữ liệu A vào thư mục dropbox ở máy công ty thì thư mục dropbox trong máy ở nhà cũng sẽ có file A và ngược lại. Khi ở công ty, bạn làm việc với file được lưu trên Dropbox thì máy ở nhà cũng tự động cập nhập, bạn không cần copy vào USB hay gửi vào mail để về nhà làm tiếp. Ngoài ra bạn cũng có bản lưu file do trên trang chủ dropbox và bạn có thể đến bất kỳ đâu để lấy xuống làm việc.
Ý tưởng về Dropbox của Drew Houston xuất phát từ việc anh luôn bỏ quên USB ở nhà những lúc cần thiết. Thêm vào đó, virus, các phần mềm độc hại có thể lây vào máy tính cá nhân của anh khi anh sử dụng USB để lưu giữ dữ liệu. Chính vì thế, Drew Houston đã tạo nên một chương trình cho mình sử dụng. Đúng lúc đó, anh cũng nhận thấy nhu cầu của mọi người xung quanh và Dropbox ra đời. Vào tháng 6 năm 2007, tại hội nghị chuyên về công nghệ “2008′s TechCrunch50”, Dropbox đã chính thức ra mắt sau khi nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ công ty Y Combinator.
Vào ngày 13/11/2013, Dropbox thông báo số lượng người sử dụng đã lên tới con số 200 triệu người.
Mô hình kinh doanh của Dropbox là mô hình freemium, người sử dụng được cung cấp tài khoản miễn phí và một dung lượng lưu trữ nhất định, nếu vượt quá dung lượng đó, và có nhu cầu sử dụng nhiều dung lượng hơn, người dùng sẽ trả một khoản phí nhất định cho Dropbox. Chính vì thế, doanh thu của Dropbox đến chủ yếu từ việc thu phí người sử dụng. Tính tới hết năm 2013, Dropbox ước tính doanh thu khoảng 200 triệu đô-la Mỹ (theo WSJ).
Với Drew Houston, Dropbox là một thành công vượt bậc khi nhờ nó mà tài sản của anh đã lên tới 1.2 tỷ đô-la.
Nhờ đâu mà Dropbox thành công như vậy?
Chỉ tính riêng năm 2013, số tiền đầu tư vào Dropbox đã lên tới 250 triệu đô-la một vòng đầu tư. Điều này chứng tỏ Dropbox ngày càng thu hút nhiều người hơn, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược và tiềm năng phát triển của công ty càng ngày càng lớn. Và cũng trong năm 2013, Dropbox còn thuê thêm 300 nhân viên, nâng tổng số nhân viên lên thành 500 người, trong đó có nhiều nhân viên từng làm cho những tập đoàn công nghệ lớn và tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng. Thành công trong cả vấn đề vốn lẫn con người đến từ văn hoá mà Drew Houston và co-founder Arash tạo ra.
Nhân viên của Dropbox tin tưởng vào mục tiêu mà các nhà lãnh đạo của họ đặt ra, đồng thời môi trường làm việc của họ cho phép họ tự do sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ và đi theo một chuẩn mực mà 2 co-founder đã đặt ra. Ví dụ như Arash chú trọng vào chi tiết, mọi công việc đều phải hoàn thành tốt, giúp tự nhân viên nâng cao khả năng của mình.
Văn hoá công ty là một thứ vô cùng mạnh mẽ. Một văn hoá phù hợp và hợp nhất sẽ giúp nhân viên của bạn cảm nhận được tự do và trở nên linh hoạt hơn trong công việc. “Một khi công ty của tôi trở nên lớn hơn lúc ban đầu, thì nhu cầu giao tiếp giữa con người với nhau trở nên lớn hơn, vậy làm thế nào để hàng trăm con người đó có chung một ý kiến, một quyết định trong công việc? Đó chính là nhờ nền tảng văn hoá ngay từ những ngày đầu.” Drew Houston đã chia sẻ như thế.
Khởi đầu thành công: Tìm ra một vấn đề đáng giải quyết
Thế giới hiện nay có hàng tỷ tỷ vấn đề liên quan tới cuộc sống con người, nhưng trong đó, có nhiều vấn đề không quá nghiêm trọng, nhưng có những vấn đề nhất thiết phải có phương án giải quyết. Chìa khoá thành công đầu tiên của các founder và CEO nổi tiếng chính là tìm ra được những vấn đề đó trong vô vàn những thứ lặt vặt xung quanh. Vậy vấn đề đáng giải quyết là như thế nào?
Hiểu một cách đơn giản, vấn đề đáng để startup chính là vấn đề mà nhiều người gặp phải. Với bạn, thì đó là vấn đề mà lúc nào cũng tồn tại và ám ảnh bạn, ép buộc bạn phải làm một cái gì đó.
Đó là vấn đề có thể giải quyết được một cách thực tế. Khi Drew Houston nghĩ tới Dropbox, anh chọn nó là vì Dropbox có thể sử dụng dễ dàng với bất cứ ai truy cập vào internet. Và nó là một giải pháp thực tế và đơn giản vì bất cứ ai cũng cần một thứ như Dropbox, họ chỉ chưa nhận ra họ cần mà thôi.
Để giải quyết một vấn đề như vậy, bạn phải là một người tiên phong. Đừng sợ hãi khi là kẻ đầu tiên làm điều mà chưa ai làm. Bạn sẽ thất bại, và bạn sẽ học từ sự thất bại đó, nhanh hơn tất cả những người khác đang muốn đi theo con đường mà bạn chọn. Hơn nữa, là một tân binh, một người đầu tiên, bạn sẽ có quan điểm mới về vấn đề bạn muốn giải quyết, chứ không đi theo lối mà người khác đã từng đi.
Các startup thành công trên thế giới đều có founder là những người tiên phong, như Larry Page – Google, Mark Zuckerberg – Facebook … Họ là những người mang những điều tưởng như không thể trở thành có thể, nghĩ tới những thứ mà vài năm sau đó người khác mới nghĩ tới.
Nếu bạn nghĩ những gã khổng lồ công nghệ này giải quyết được hết tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống, thì bạn sai rồi đấy!
Trích nguồn từ: Twenty.vn