Một câu chuyện ngụ ngôn kinh điển kể về một ông lão ngồi câu cua bên bờ biển. Ông lão để bên cạnh mình hai chiếc giỏ, một chiếc đậy nắp, một chiếc không. Người ta quan sát thấy ông bắt được khá nhiều cua, nhưng có con ông bỏ trong chiếc giỏ có nắp, có con lại bỏ vào giỏ không nắp.
Người ta hỏi ông lão, không lẽ không sợ những con cua trong giỏ không nắp sẽ bò hết ra ngoài? Ông trả lời : những con cua tôi bỏ trong giỏ có nắp là cua “ngoại”, còn những con bỏ trong giỏ không nắp là cua “nội”.
Người ta lại càng thắc mắc hơn. Ông mới giải thích rất ý nhị : Những con cua “ngoại” biết cách nâng đỡ nhau, khi tôi càng bỏ vào nhiều cua, thì chúng sẽ dễ dàng xếp chồng lên nhau, ngày một cao lên và dễ dàng bỏ ra ngoài. Thế nên tôi phải đậy nắp. Còn những con cua “nội” thì chỉ cần một con cố gắng ngoi lên, những con khác sẽ lập tức dùng càng kéo ngược con đó xuống, để giành quyền bò lên trước, vì thế chẳng bao giờ chúng bò ra khỏi miệng giỏ nổi.
Vâng, đó là câu chuyện ngụ ngôn mà các nhà huấn luyện làm việc theo nhóm thường hay sử dụng để nói lên điểm yếu kém nhất của người Việt. Vậy, câu chuyện mà mấy ngày nay dư luận xôn xao về việc trò chơi chú chim có tên Flappy Bird được nằm ở vị trí đầu bảng của App Store và Google Play, nhưng đã bị hạ cánh bởi tính đố kỵ của một bộ phận người Việt có giống gì với câu chuyện ngụ ngôn trên?
Dư luận nước ngoài thì tập trung vào trò chơi với các khía cạnh kĩ thuật, pháp lí, thủ thuật marketing… , còn người Việt Nam chúng ta chủ yếu bàn đến tác giả của trò chơi này là một người Việt Nam. Điều rất đáng buồn là khi chú chim Flappy Bird vừa bay lên đến đỉnh thì ngay lập tức nó đã bị kéo ngược xuống bởi chính những người đồng hương của tác giả.
Ở nước ngoài, họ lên tiếng ca ngợi hiện tượng Flappy Bird mà Nguyễn Hà Đông tạo ra. Cây viết công nghệ Rory Cellan Jones của BBC đã ví “chú chim Việt” như chàng David, lần lượt hạ gục những gã khổng lồ của làng game để leo lên vị trí cao nhất của bảng xếp hạng và gây sốt toàn cầu. Ngay cả hãng game khổng lồ Nintendo, họ không muốn “chú chim” bị gỡ khỏi các kho ứng dụng như App Store hay Google Play! Thậm chí chú chim Flappy Bird “bay” cả vào Quốc hội Mỹ.
Trang web uy tín bậc nhất đối với giới phát triển game là kotaku.com cũng đăng bài viết như một lời xin lỗi với Nguyễn Hà Đông. Điều đó cho chúng ta thấy “cua ngoại” thể hiện tinh thần trân trọng nâng đỡ nhân tài như thế nào!
Ngược lại, trên nhiều diễn đàn mạng tại Việt Nam, tác giả của Flappy Bird lại nhận không ít “gạch đá”. Khá nhiều người công kích tác giả của “chú chim” rất kịch liệt. Thay vì “dìm hàng” các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, những công dân của chúng ta từ chỗ công kích sản phẩm lại quay sang tập trung vào việc dìm hàng chính tác giả của game. “Tác giả chỉ giỏi đạo ý tưởng, ăn cắp của người khác; vi phạm bản quyền; đây là một tựa game nhàm chán, không có gì thú vị; rồi bình luận rằng tác giả đã may mắn khi được nhiều kênh Youtube và truyền thông quảng bá; nghi ngờ Nguyễn Hà Đông đã dùng thủ thuật để qua mặt Google và Apple nhằm đưa “chú chim mặt ngu” lên đỉnh cao nhất của bảng xếp hạng.”
Họ thi nhau moi móc nhược điểm của sản phẩm Flappy Bird với ngôn ngữ đầy đố kỵ, chụp xuống đầu tác giả cái mũ trốn thuế. Từ chỗ được mô tả như một người hùng của làng game Việt, cha đẻ của Flappy Bird bỗng dưng bị bôi đen ở nhiều nơi trên mạng và giống như kẻ tội đồ. Tất cả tạo nên áp lực, để rồi anh phải lựa chọn cách khai tử sản phẩm để dẹp bỏ những thị phi phiền toái, thoát ra khỏi mớ hỗn độn, làm cho đất nước chúng ta mất đi một cơ hội để quảng bá với thế giới. Lúc này, trong giỏ không đậy nắp của ông lão “con cua khỏe mạnh nhất” vừa leo đến miệng giỏ thì đã bị bầy “cua nội” kéo xuống đáy.
Trong một dòng tweet đăng tải ngày 8/2/2014, tác giả viết: “Flappy Bird là một thành công, nhưng nó đang phá tan cuộc sống vốn đơn giản của tôi. Và giờ, tôi ghét nó”.
Khó khăn lắm chúng ta mới có một sản phẩm công nghệ được tạo ra khiến cả thế giới hâm mộ, thích thú sử dụng, hai tiếng “Việt Nam” được nhắc đến liên tục trên truyền thông quốc tế. Nhưng nó bị chết yểu bởi tính đố kỵ, bới lông tìm vết từ chính những đồng bào của người đã làm ra sản phẩm nổi tiếng này. Phải chăng chúng ta đang ra sức chứng minh cho thế giới thấy câu chuyện ngụ ngôn ‘ông lão câu cua” ở trên là đúng?”
Như cây bút Hiệu Minh viết “Nếu Hà Đông ở Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào ở phương Tây, anh sẽ thành triệu phú đô la trong một tháng, giấc mơ kỳ diệu của bất kỳ ai sống trên hành tinh này.”
Tạp chí nổi tiếng Forbes viết, đó là câu chuyện buồn cho riêng tác giả và sản phẩm của anh, nhưng với nhiều người Việt Nam, có lẽ mang một nỗi buồn khác. Đó là, xã hội mà chúng ta đang sống còn quá nhiều đố kỵ, ít lòng hào hiệp và tinh thần quảng đại. Cộng đồng này đang thiếu sự đỡ nâng cho nhau mà thừa sự cản trở chỉ vì thói ích kỷ.
Với người nước ngoài khi thành công nổi trội, nhiều người Việt thường lên tiếng ca ngợi, ngưỡng mộ, thậm chí là thần tượng. Nhưng khi thành công đến với một bạn trẻ trong nước, thái độ có khi ngược lại!
Còn nhớ Gangnam Style của người Hàn Quốc. Từ một bài hát và điệu nhảy thôn quê mang tính chế giễu những kẻ ở khu Gangnam của Seoul giầu có, sang trọng, quí phái nhưng rất lãng phí, trưởng giả, học làm sang. Sản phẩn âm nhạc này chưa phải là hoàn hảo, nhưng Gangnam Style đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Video Gangnam Style đã có hàng tỷ hít, dẫn đầu trong mọi clip của YouTube. Chính người Hàn Quốc đã chắp cánh đưa điệu nhảy này đến khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới! Có biết bao thanh niên Việt Nam nhảy theo điệu nhảy này?
Ấy thế mà cậu bé Đỗ Nhật Nam, chỉ vì có tư chất thông minh nhưng lại bộc lộ sớm trong một cộng đồng không chấp nhận sự khác biệt – nên cậu bé 11 tuổi bị một trận “mưa đá” tơi bời, đến nỗi cả năm nay vẫn chưa dám “thò đầu” ra với dư luận. Chuyện các học sinh Việt Nam đoạt huy chương Olympic thế giới cũng bị nhiều người cho là chúng ta chỉ giỏi ăn gian. Dự án chế tạo tàu ngầm của ông Nguyễn Quốc Hòa bị cộng đồng chễ giễu, chẳng thấy cơ quan nào đổ thêm tiền, đầu tư thêm công nghệ để tàu ngầm Trường Sa được ra khơi. Rồi các máy bay của các bác nông dân nữa… cũng chung số phận.
Chúng ta thường tự hào về tinh thần dân tộc của chúng ta, nhưng lại hành xử thua đứt nhiều dân tộc khác. Những bất lợi về dư luận, những hạn chế về lòng tự hào dân tộc của chúng ta đã kìm hãm rất nhiều sự phát triển của nhân tài Việt Nam.
Thế hệ trẻ Việt Nam ta rất có khả năng về toán, tư duy logic, giỏi công nghệ thông tin không kém gì nước nào trên thế giới. Nếu biết chúng ta biết động viên, khích lệ kịp thời thì những Flappy Bird sẽ còn bay cao và bay xa hơn nữa.
Đã đến lúc, chúng ta phải nghĩ rằng tàu ngầm của kẻ thù có thể bị tiêu diệt và tàu ngầm của Việt Nam vẫn có thể tung hoành nếu một trận hải chiến xảy ra trên biển Đông!. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nâng nhau lên, hoặc chí ít thì cũng đừng cố gắng kéo nhau xuống vũng bùn của đói nghèo và lạc hậu. Và đã đến lúc câu chuyện ngụ ngôn kia không còn phù hợp với dân tộc của ta nữa! Hoặc ông lão kia chỉ sử dụng một giỏ cua đậy nắp mà thôi!
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp với Nguyễn Hà Đông. Ông đã rất quan tâm động viên, niềm khích lệ tài năng trẻ này. Sau khi ổn định tinh thần, Hà Đông có thể cho ra đời những con chim thuần Việt, để rồi tiếp tục vỗ cánh bay đi tạo ra những “cơn bão” trên thị trường game toàn cầu!
Sưu tầm
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Khóa học Kích hoạt Năng lượng Thành công
>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp