Suy nghĩ hời hợt thường kéo theo cách sống hời hợt. Mà cách nghĩ cũng là yếu tố quan trọng quyết định tương lai. Thành công của mỗi người phụ thuộc không nhỏ vào thứ gọi là “triết lý riêng” của người đó.
******************
Tạ Minh Tuấn được biết đến là người tiên phong về mô hình “Bác sĩ riêng” tại Việt Nam. Anh thành lập HELP International và Quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần năm 2009 chỉ với số vốn vài triệu đồng, khi đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Hai năm sau, anh thành lập YUP Insitute – học viện tiên phong về đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam, cũng với số vốn ban đầu gần như bằng không. Đến nay, anh là một trong số ít những người thành công với kiểu khởi nghiệp “tay không bắt giặc”, trở thành một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam do CSIP (Trung tâm Hỗ trợ Phục vụ Sáng kiến Cộng đồng), British Council (Hội đồng Anh) và World Bank (Ngân hàng Thế giới) chứng nhận.
Gặp Tạ Minh Tuấn trong buổi họp mặt thường niên của cựu học sinh Trường Lê Hồng Phong (TP. Hồ Chí Minh) mới đây, trông anh trẻ trung giống như một chàng sinh viên. Nhưng sau khi nghe anh chia sẻ tầm nhìn của mình về giáo dục, y tế và chuyện khởi nghiệp, nhiều thầy cô từng dạy Minh Tuấn nhận xét: “Tuấn chững chạc trước tuổi”. Anh cười cho biết:
Chắc do thói quen nói chuyện một cách bài bản và có chiều sâu, mẹ tôi hay gọi là “lý sự”. Tôi không thích những người có suy nghĩ hời hợt vì suy nghĩ hời hợt thường kéo theo cách sống hời hợt. Mà cách nghĩ cũng là yếu tố quan trọng quyết định tương lai. Thành công của mỗi người phụ thuộc không nhỏ vào thứ gọi là “triết lý riêng” của người đó.
Người hay lý sự lại chọn học ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp của Trường Đại học Bách khoa. Học xong Bách khoa anh lại theo đuổi lĩnh vực y tế. Nghe có vẻ không phù hợp lắm?
Thực ra, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp là ngành bao quát của mọi ngành vì bất cứ một ngành nào đều cần có một hệ thống quản lý. Có rất nhiều loại hệ thống như hệ thống sản xuất, hệ thống kinh doanh, hệ thống y tế, hệ thống giáo dục… Chẳng hạn một quán cà phê cần có quản lý, nhân viên, bàn ghế, điện nước… thì kỹ sư Kỹ thuật hệ thống là người xây dựng các yếu tố đó thành một thể thống nhất để tất cả cùng hoạt động hiệu quả. Mô hình “Bác sĩ riêng” cũng không ngoại lệ. Nhờ những kiến thức từ ngành mình từng theo học, tôi mới xây dựng hệ thống cho các doanh nghiệp hoạt động tốt như hiện nay.
Có thể thấy việc anh chọn ngành Kỹ thuật hệ thống là một quyết định đúng đắn. Ai là người định hướng cho anh lúc đó?
Tôi tự tìm hiểu và lựa chọn. Từ năm lớp 11, tôi đã nghiên cứu các ngành học của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Không hiểu sao tôi có ấn tượng rất tốt với ngành Kỹ thuật hệ thống, một ngành không mấy ai quan tâm nên điểm vào trường cũng không quá cao. Đến năm lớp 12, trong khi đám bạn cùng lớp học ngày học đêm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học vì họ chọn thi vào ngành khó thì tôi chỉ vừa học vừa chơi, vì đã xác định rõ con đường mình sẽ chọn. Tôi còn nhớ mình đã không bỏ lỡ một trận World Cup nào. Năm đó, ngành tôi thi chỉ lấy 18 điểm.
Nghe nói trước khi thành lập mô hình “Bác sĩ riêng”, anh đang rất thành công với một công ty về truyền thông kỹ thuật số. Vì sao anh lại quyết định rẽ ngang vào một con đường chưa ai khai phá?
Công ty về truyền thông kỹ thuật số là một bước khởi nghiệp “hồn nhiên” thời sinh viên. Tôi cùng một nhóm bạn thực hiện đểứng dụng những bài học ở giảng đường vào thực tế. Còn công ty về y tế gia đình mới thật sự là tâm huyết của tôi, nhằm theo đuổi một doanh nghiệp phục vụ cho cộng đồng hơn là làm giàu.
Tôi quyết tâm thành lập HELP International khi chứng kiến cha tôi bị hành hạ bởi căn bệnh ung thư. Nếu y tế dự phòng tốt, người bị ung thư như cha tôi đã có thể phòng bệnh hoặc nếu phải điều trị thì cũng hiệu quả hơn.
Và anh quyết tâm phát triển hệ thống y tế dự phòng để người bị bệnh ung thư có cơ hội phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh…
Đúng vậy, không chỉ bệnh nhân ung thư mà nhiều căn bệnh thời đại khác như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp… nữa. Các nước phát triển trên thế giới đều tập trung vào y tế dự phòng, vừa tiết kiệm chi phí điều trị bệnh, vừa tránh tình trạng quá tải ở bệnh viện. Việt Nam vẫn là nước nghèo, chi phí dành cho y tế là hữu hạn, nhưng chúng ta lại tập trung vào y tế điều trị hơn là y tế dự phòng. Thật là một nghịch lý khó thay đổi.
Tôi thấy hệ thống y tế Việt Nam có rất nhiều vấn đề, trong đó vấn đề lớn nhất là thiếu tính hệ thống. Đơn cử một chuyện đơn giản nhất, bệnh nhân đã làm đủ loại xét nghiệm ở bệnh viện này khi chuyển sang điều trịở một bệnh viện khác thì phải… làm các xét nghiệm lại từ đầu. Đó là một sự lãng phí không cần thiết. Một hệ thống đồng bộ hóa dữ liệu của các bệnh viện, nhất quán hồ sơ bệnh lý hẳn là cách giúp cho bệnh nhân đỡ sợ bệnh viện. Giá như công tác phòng bệnh làm tốt hơn, giải quyết vấn đề từ gốc rễ, thì tình trạng quá tải ở bệnh viện sẽ giảm đáng kể. Thôi tôi không muốn lạm bàn về những chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”…
Nhiều người thắc mắc anh đã làm thế nào để có thể làm ăn từ tay trắng, vì quan niệm phổ biến hiện nay, muốn kinh doanh thì “tiền đâu là đầu tiên”?
Rất đơn giản, tôi lên ý tưởng, xây dựng dự án và tập hợp đội ngũ nhân lực trước rồi kêu gọi góp vốn từ các nhà đầu tư. Kinh nghiệm cho thấy, nhà đầu tư thường quan tâm đến một dự án có khả năng sinh lời hơn là một ý tưởng quá mới. Một dự án có tiềm năng phát triển và có một đội ngũ nhân sự “ngon lành” thì sẽ có nhiều khả năng kêu gọi được vốn đầu tư. Với nhân viên, tôi thường truyền lửa để họ thấy công việc của họ có những giá trị khác ngoài tiền bạc. Khi chưa có tiền, tôi trả lương bằng cổ phần cho nhân viên dựa trên kết quả công việc.
Nói nghe chừng đơn giản nhưng thực tế, tôi cũng phải kiên trì với việc kêu gọi góp vốn vì những ngành tôi theo đuổi còn quá mới. Thật may, tôi gặp được nhiều người nhiệt tình, họ không bị tôi “dụ” thì cũng thương cảm với một “thằng bé” có chí tiến thủ nên giới thiệu hai, ba người khác có tiềm năng hơn để tôi tiếp cận.
Kinh doanh theo kiểu kêu gọi vốn như thế này hẳn anh sẽ đỡ “đau đầu” về chuyện kiếm tiền trả nợ?
Không đau đầu về chuyện kiếm tiền trả nợ nhưng tôi cũng phải đau đầu về vấn đề nhân sự và hoàn thành các thủ tục pháp lý. Mô hình kinh doanh của tôi ra đời khi luật về y tế gia đình hầu như vẫn chưa được đưa vào nên việc xin giấy phép và các loại giấy tờ khác cũng khiến tôi mệt mỏi không ít.
Ngoài ra, khi cổ phần không nằm trong tay mình thì chuyện mất chức dễ “như chơi”. Trước đây, một người trong hội đồng quản trị của HELP từng muốn cách chức tôi vì không đồng ý với sự phát triển thiên về doanh nghiệp xã hội. Nhiều nhà đầu tư chỉ chăm chăm vào lợi nhuận trong khi tôi muốn HELP phục vụ xã hội nhiều hơn. Thật may, hầu hết nhân viên trong công ty đều đồng lòng ủng hộ tôi nên tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Cho đến nay, mô hình bác sĩ riêng đã thành công như anh mong đợi chưa?
Tôi mong đợi nhiều hơn nhưng HELP cũng đã có những thành công nhất định. Hiện nay, công ty đã hoàn vốn cho các cổ đông sau này, tỷ suất lợi nhuận ròng hằng năm là hơn 40%, tăng trưởng 300% mỗi năm. Chúng tôi không quên trích ra một phần lợi nhuận để khám và chữa bệnh cho người nghèo và người tàn tật.
Điều tôi tự hào không phải là con số mà là sự đóng góp của HELP trong việc giáo dục thị trường. Rất ít người biết đến mô hình bác sĩ gia đình trước đây. Đến nay thì ngày càng nhiều người quan tâm hơn đến y tế gia đình và y tế dự phòng. Sứ mệnh ban đầu của chúng tôi đã hoàn tất và chúng tôi có thể bắt tay vào những sứ mệnh tiếp nối để phát triển hệ thống y tế nước nhà.
Trước đây khi được mời đến một hội nghị về chăm sóc sức khỏe cộng đồng do Quốc hội tổ chức, anh đã có lần kiến nghị về việc đưa bảo hiểm y tế vào hệ thống bác sĩ gia đình. Kiến nghị này đã thực thi chưa?
Kiến nghị này đã được đưa vào luật và có lộ trình triển khai, bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh tại các phòng khám gia đình sẽ được hưởng bảo hiểm y tế.
Tôi còn kiến nghị chuyển hóa hệ thống y tế địa phương thành “Phòng khám gia đình”, một phần của hệ thống y tế dự phòng. Kiến nghị này đang trong quá trình thực hiện.
Thực tế, việc chuyển đổi các cơ sở y tế huyện, phường thành phòng khám gia đình không đơn giản. Vì phòng khám gia đình không chỉ là tên gọi hay hình thức mà quan trọng hơn là cách suy nghĩ của bác sĩ. Người khám bệnh phải có suy nghĩ phòng bệnh hơn chữa bệnh, lắng nghe để tư vấn hơn là chờ có bệnh mới điều trị thì mới có phòng khám gia đình đúng nghĩa.
Doanh nghiệp bác sĩ gia đình của anh đang trên đà phát triển, anh lại chuyển sang lĩnh vực giáo dục, thành lập học viện khởi nghiệp YUP. Ôm đồm quá nhiều thứ liệu có quá sức với một người trẻ?
Đúng là tôi có tham, nhưng không phải tham tiền, mà là tham chia sẻ. Tôi có thể chia sẻ hàng giờ liền về những kinh nghiệm khởi nghiệp với những người quan tâm. Với tôi, thành công của mình không phải là thất bại của người khác, sự hiệp lực và sẻ chia là cách để mọi người cùng thắng.
Tôi cảm thấy doanh nhân Việt Nam ít có thói quen chia sẻ, nhất là về chuyện làm ăn. Có lẽ họ ngại vì có nhiều lý do chăng? Doanh nhân nước ngoài hình như không như vậy. Tôi có cơ hội tiếp xúc với các hiệp hội doanh nhân ở Mỹ và châu Âu, thấy họ chia sẻ rất thoải mái, người khởi nghiệp trước còn giúp đỡ người khởi nghiệp sau một cách tích cực. Đó là cả một “văn hóa kinh doanh” của họ.
Người ngoài thường nói đường tôi đi sao dễ dàng và nhiều may mắn, nhưng thực tế tôi đã từng gặp nhiều khó khăn đến “trầy vi tróc vảy”, thất bại nhiều lần trước khi thành công. Những kinh nghiệm này tôi có thể chia sẻ một cách thoải mái với mọi người. Tôi từng dành cả ngày chỉ để trò chuyện với các bạn trẻ. Khi nhìn lại, tôi thấy thời gian cho công việc kinh doanh chính của mình bịảnh hưởng ít nhiều. Từ năm 2011, thay vì chia sẻ một bài học đến 30 lần, tôi tập hợp 30 người có cùng nhu cầu tại Học viện YUP để chia sẻ một lần. Những bài học của các giảng viên khác tại YUP cũng góp phần hỗ trợ cho học viên khởi nghiệp tốt hơn.
Hầu hết những nước phát triển như Mỹ, Nhật, Úc… đều có một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt, bao gồm đội ngũ cố vấn, các quỹ đầu tư, dịch vụ văn phòng ưu đãi… Tôi cũng muốn xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp như vậy ở Việt Nam. Tổ chức giáo dục và hỗ trợ khởi nghiệp YUP ra đời cũng từ mong muốn đó.
Tiếp xúc với nhiều người trẻ tuổi muốn khởi nghiệp hiện nay, anh thấy họ thiếu điều gì?
Nhiều người thiếu sự chân thành, tư duy và kỹ năng. Đôi khi, họ không bị thị trường đánh bại, mà lại bị đánh bại ngay từ trong tư duy “không thể” của bản thân. Đời thay đổi khi chúng ta “thôi đẩy”. Đừng “đẩy” đi những khó khăn, thử thách, vì đó là dưỡng chất, nguồn vitamin giúp chúng ta trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Thay vì từ chối khó khăn, thất bại, người trẻ nên đón nhận và học kinh nghiệm từ nó thì cuộc đời của ta và những người xung quanh chắc chắn sẽ thay đổi.
Ngoài ra, người làm kinh doanh phải có cái tâm, một cái tâm thật sự chứ không phải như cuốn sách Đắc nhân tâm,dù tên gọi như vậy nhưng cả cuốn sách tôi đọc hầu như không thấy được cái tâm ở đâu cả mà chỉ chú trọng vào các kỹ thuật, cái đó có cũng tốt, nhưng chưa phải là cốt lõi.
Việc bắt đầu một lĩnh vực mới, hoàn toàn khác với lĩnh vực y tế trước đó, có gây khó khăn cho anh?
Không quá khó khăn vì cha mẹ tôi đều là giáo viên, nên tôi đã được hưởng thụ môi trường sư phạm từ nhỏ. Hơn nữa, giáo dục có trong mọi mặt của cuộc sống, cả trong lĩnh vực y tế. Y tế Việt Nam sẽ tốt hơn nếu mọi người đều được giáo dục và tự giáo dục ý thức, kiến thức, kỹ năng và được cung cấp công cụ tự phòng bệnh. Còn nếu không biết phòng bệnh thì xây thêm bao nhiêu bệnh viện cho đủ?
Tôi rất tâm huyết với giáo dục và luôn ủng hộ những người đang thực tâm cống hiến cho giáo dục. Một học viên đã tốt nghiệp giai đoạn 1 trong chương trình đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp của YUP đã khiến tôi rất ngưỡng mộ khi theo đuổi mô hình Sân chơi kỹ năng cho trẻ và gia đình. Đây là một mô hình giáo dục nhằm đưa những giá trị sống và kỹ năng sống đến với trẻ em rất sớm, để cho chúng biết mơước sớm hơn, biết tôn trọng sự khác biệt, biết làm việc nhóm, biết chịu trách nhiệm, biết ra quyết định cho cuộc đời chúng sớm hơn.
Theo mô hình giáo dục tiên tiến của người Nhật, chúng ta nên giáo dục con từ ba năm đầu đời, như lời khuyên trong cuốn sách nổi tiếng “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” của một tác giả người Nhật. Nếu biết cách viết hay vẽ những thói quen đúng và có lợi ấy vào một tờ giấy khi nó còn trắng, bản thân đứa trẻ và xã hội sẽ được nhiều lợi ích hơn, giảm lãng phí hơn.
Sau y tế và giáo dục, liệu anh có tham gia vào một ngành nào khác trong thời gian tới?
Tôi đang sáng lập doanh nghiệp về công nghệ để gia tăng hiệu quả của hai ngành tôi đang theo đuổi. Tôi và các cộng sự nhận thấy chiếc điện thoại di động không đơn thuần là một phương tiện liên lạc mà đang dần trở nên quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vì ngày càng được tích hợp nhiều ứng dụng liên quan đến y tế. Vì vậy, chúng tôi đang phát triển mô hình “Y tế di động”, bao gồm việc sử dụng các thiết bị di động (gồm cả những thiết bị theo dõi chỉ số sức khỏe như máy đo huyết áp, đường huyết có khả năng gửi tín hiệu đến bác sĩ ở xa mà chúng tôi gọi là các thiết bị y tế viễn thông… kết hợp với điện thoại di động) trong việc thu thập dữ liệu tổng hợp và kiểm soát sức khỏe bệnh nhân, cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe cho các bác sĩ và người thân từ xa. Qua đó, người bệnh luôn cảm thấy như có bác sĩ ở bên cạnh. Hello Health (tên của dự án) dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay. Chúng tôi có công nghệ độc quyền và đang chuẩn bị hoàn tất vòng gọi vốn đầu tiên.
Ngoài ra, tôi sẽ tập trung nhiều hơn cho QuỹGiấc mơ đôi chân thiên thần để nhiều người tàn tật có được một tương lai tươi sáng như cô bé Trà My, người khuyết tật đầu tiên được quỹ hỗ trợ.
Trà My đã thật sự đạt được giấc mơ trở thành một nhà văn. Còn anh đã đạt được giấc mơ của mình chưa?
Giấc mơ của tôi nghe chừng viển vông và khó thực hiện, nhưng đâu có ai “đánh thuế” giấc mơ, đúng không? Giấc mơ của tôi là để lại một di sản tích cực cho mọi người, để khi qua đời mình không bị lãng quên. Vì với tôi, bị lãng quên còn tệ hơn cái chết.
Nhà hóa học người Thụy Điển Alfred Nobel từng được biết đến là người phát minh ra thuốc nổ. Tương truyền rằng một đêm nằm ngủ, ông thấy mình chết đi và được chôn cất với tấm bia có ghi dòng chữ: “Đây là nơi an nghỉ của Alfred Nobel, người phát minh ra thuốc nổ, gián tiếp giết hại hàng triệu người”. Sau đó, ông quyết định cống hiến toàn bộ tài sản cho Quỹ Nobel, để thưởng cho những phát minh khoa học thay đổi thế giới một cách tích cực, từ đó giải thưởng Nobel hằng năm ra đời. Đó là cách ông ấy “chuộc lỗi” và để lại di sản cho nhân loại. Tôi thật nhỏ bé so với các vĩ nhân, nhưng tôi cũng hy vọng rằng bằng cách làm việc cật lực, tôi có thể để lại những giá trị bền vững cho sau này. Chúng ta thường sinh ra trong tự do, lớn lên trong sợ hãi, và chết đi trong tuyệt vọng. Tôi cảm thấy mừng vì mình vẫn có một giấc mơ để theo đuổi, dấn thân.
Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị, chúc anh sớm đạt được giấc mơ của mình.
Tranh Hoàng Tường
Xuân Lộc thực hiện