Mối quan hệ giữa các nhà đầu tư và startup về bản chất là một mối quan hệ win-win (có lợi cho cả hai bên). Các startup cần nguồn vốn và các kinh nghiệm thị trường của nhà đầu tư để phát triển sản phẩm và kiếm về lợi nhuận, trong khi đó sản phẩm của các startup cung cấp cơ hội cho các nhà đầu tư thu về từ 3 đến 4 lần lợi nhuận từ số tiền đầu tư vào sản phẩm. Tuy nhiên từ những gì đang diễn ra thì dường như mối quan hệ giữa startup và các nhà đầu tư là đối lập nhau, họ có những suy nghĩ khác biệt cứ như họ tới từ hai hành tinh khác biệt nhau.
Những đối lập thường thấy
Thực tế, rất khó để startup và nhà đầu tư có thể tìm thấy điểm chung. Các nhà đầu tư thường có xu hướng từ chối những startup mà họ dự đoán sẽ tăng trưởng chậm, dù startup đó có hoàn hảo đến đâu đi chăng nữa. Trong khi đó, đối với startup trong những lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh thì luôn xảy ra những cuộc tranh giành quyền đầu tư. Điều này rất dễ hiểu vì hầu hết các nhà đầu tư đều muốn thúc đẩy các startup nâng cao khoản đầu tư của mình, thường là từ 3 đến 4 lần trong khảng 3 năm. Trong khi đó, các founder (người sáng lập) lại lo ngại sự mất kiểm soát đối với startup khi chấp nhận những khoản đầu tư bên ngoài đồng thời chấp nhận đề nghị để nhà đầu tư can thiệp vào tầm nhìn của founder và được phép lưu startup đó vào hồ sơ những công ty thành công được nhà đầu tư giúp đỡ. Sự đối lập sẽ lên tới đỉnh điểm khi nhà đầu tư muốn sa thải founder, người mà họ cho rằng đang ngăn cản sự phát triển của startup. Trong khi nhà đầu tư thì muốn khoản lời nhiều hơn nữa, còn founder lại muốn duy trì quyền kiểm soát đối với startup. Tình huống này sẽ khiến nhiều founder phải cân nhắc việc có quyết định từ bỏ bớt quyền kiểm soát để đẩy nhanh cơ hội kiếm lời nhiều hơn từ startup.
Những kiểu đầu tư cho startup.
Thái độ của các nhà đầu tư đối với startup thường rất khác nhau. Các tổ chức tín dụng thường không bao giờ đầu tư vào startup, trừ khi startup chấp nhận thế chấp tài sản để vay tiền. Trong trường hợp này các tổ chức tín dụng thường nhận phần lãi suất rất cao để bù đắp cho rủi ro startup có thể không có khả năng trả nợ. Khách hàng của startup cũng có thể giúp đỡ về tài chính bằng cách thanh toán nhanh chóng, thậm chí là mua lại cổ phần của startup. Trong khi đó các nhà cung cấp cũng có thể giúp đỡ startup bằng cách cho phép thanh toán chậm trong vòng 1 đến 2 tháng. Một khoản đầu tư khác mà startup nên nghĩ đến đầu tiên, đó là từ gia đình và bạn bè. Đây là những người sẽ sẵn sàng chi tiền cho startup để giúp đỡ người thân của mình nhanh chóng thành công. Thường thì mục đích chính của gia đình và bạn bè là giúp đỡ founder nhưng họ cũng hi vọng có cơ hội để nhận được lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ. Các Mạnh Thường Quân (Angle investor) cũng là những người sẵn sàng đầu tư một khoản tiền không quá lớn (thường là dưới 500.000 usd) cho cổ phần của startup trước khi startup có thể được mua lại hoặc được lên sàn chứng khoán. Và họ tin rằng với kinh nghiệm của mình, họ có thể nhanh chóng tăng lợi nhuận từ khoản đầu tư. Nhưng khoản đầu tư lớn nhất mà các startup có thể nhận được là từ các nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capital-VC). Nhưng trong hàng ngàn startup, các VC thường chỉ chọn ra 2 đến 3 startup để đầu tư mỗi năm. Để có thể nhận được khoản đầu tư của VC phải là những startup đang nhắm vào những thị trường nhỏ nhưng đầy tiềm năng, hứa hẹn sẽ phát triển rất lớn trong tương lai gần. Hoặc phải là những founder mà họ tin rằng đó là những CEO tài ba, người có thể tìm được ra cách để giành phần lớn thị phần từ thị trường đó.
Làm sao để duy trì mối quan hệ win-win?
Cách tốt nhất để nhà đầu tư và startup có thể tìm thấy điểm chung cũng như cách để giúp cho việc kinh doanh mỗi bên tiến triển tốt, đó là nhà đầu tư và startup hãy đầu tư nhiều thời gian hơn để hiểu sâu hơn mục tiêu của họ. Khi một nhà đầu tư quyết định đầu tư vào startup thì họ phải tin rằng, nhờ có sự phát triển của thị trường mà startup đang nhắm vào và tài năng của đội ngũ quản lý, startup đang làm giàu thêm cho nhà đầu tư. Trong khi đó founder chấp nhận khoản đầu tư cũng cần cân nhắc kỹ đối tác chính, người sẽ tham gia vào hội đồng quản trị của startup. Đó sẽ phải là người mang lại những kiến thức, giá trị, kỹ năng để giúp startup phát triển cũng như tầm ảnh hưởng để có thể giúp founder trong thời gian đầu khủng hoảng.
(Biên tập bởi Quyen Quyen)