Bên trong cơ thể mỗi người đều có một đồng hồ sinh học tổng trong não và rất nhiều đồng hồ ngoại vi, sinh hoạt theo giờ giấc không phải của mình khiến sức khoẻ con người ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khoảng 1/5 dân số ở các nước phương Tây có thể đặt sức khỏe của bản thân vào vòng nguy hiểm chỉ bởi một hành động đơn giản: đi làm. Nguyên nhân là do làm việc ngoài khung giờ thông thường của những người khác được cho là có khả năng dẫn đến béo phì, tiểu đường, bệnh tim, ung thư và thậm chí cả suy giảm chức năng não.
Các nhà khoa học nghĩ rằng cơ thể chúng ta đã được lập trình để hoạt động theo các chu kỳ, được gọi là nhịp sinh học, và những thay đổi trong thói quen sinh hoạt do làm việc theo ca hay di chuyển đến những nơi xa xôi khiến cho nhịp điệu đó bị nhiễu loạn.
Theo các nghiên cứu, mỗi người không chỉ có một đồng hồ sinh học duy nhất mà gồm một mạng lưới các đồng hồ nhỏ xuyên suốt cơ thể. Ở người và các động vật có vú khác, có một đồng hồ tổng trong não được gọi là suprachiasmatic nuclei (SCN) và nhiều đồng hồ ngoại vi khác.
Những người phải trải qua các chuyến bay dài thường cố gắng giảm thiểu sự chênh lệch giờ giấc và tình trạng mệt mỏi sau chuyến bay bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt cho khớp với múi giờ mới. Trong một nghiên cứu về vấn đề này, các nhà khoa học muốn xem một yếu tố – đó là thay đổi thời gian các bữa ăn – có ảnh hưởng đến nhịp sinh học hay không.
Họ nhận thấy trì hoãn một bữa ăn với một khoảng thời gian nhất định cũng gây ra sự thay đổi tương tự ở một số đồng hồ ngoại vi, nhưng không ảnh hưởng đến đồng hồ tổng. Điều này rất quan trọng vì nghiên cứu ở động vật cho thấy đồng hồ ngoại vi mất nhiều thời gian hơn để thích nghi với một nhịp điệu mới.
Nhịp điệu ăn uống
Chúng ta biết rằng ăn vào những lúc khác nhau sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa theo những cách khác nhau. Cơ thể có một nhịp sinh học tự nhiên cho lượng đường trong máu, nghĩa là nếu bạn thường xuyên ăn vặt thay vì các bữa chính, lượng đường trong máu của bạn sẽ vẫn thay đổi theo các thời điểm trong ngày. Tương tự, ăn vào buổi tối làm lượng đường và mỡ trong máu tăng cao hơn so với ăn vào buổi sáng.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy các đồng hồ ngoại vi không nằm trong khu vực não bộ có thể đồng bộ với nhau bằng cách giới hạn quá trình nạp thức ăn cho cơ thể vào một vài giờ mỗi ngày. Nhưng bản chất phức tạp của các đồng hồ ngoại vi khiến chúng rất khó nghiên cứu, vì thế các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ được giờ ăn giúp đồng bộ nhịp sinh học của con người như thế nào.
Để khắc phục trở ngại này, họ đã xem việc thay đổi thời gian các bữa ăn ảnh hưởng ra sao đến nhịp sinh học của 10 tình nguyện viên (TNV) nam giới khỏe mạnh. Trong thử nghiệm này, các TNV được ăn 3 bữa hàng vào các khung giờ cố định trong 5 ngày, sau đó giờ mỗi bữa ăn bị chậm lại 5 tiếng trong 6 ngày tiếp theo. Các bữa ăn được thiết kế phù hợp với nhu cầu về chuyển hóa của mỗi TNV, và hàm lượng calory cũng như dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn là như nhau.
Vào cuối mỗi giai đoạn, các nhà khoa học đều đo lường nhịp sinh học của các TNV dưới các điều kiện đã nêu để đồng hồ sinh học của họ được phép chạy mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh, như ánh sáng ban ngày và ban đêm.
Thiết lập lại đồng hồ ngoại vi
Kết quả bất ngờ nhất từ nghiên cứu là việc làm chậm giờ ăn 5 tiếng khiến nhịp điệu của lượng đường trong máu cũng thay đổi gần 5 tiếng. Các dấu hiệu của đồng hồ tổng SCN vẫn không đổi, cái thay đổi là cách một chiếc đồng hồ ngoại vi nào đó thông báo chỉ lệnh cho cơ thể ở mô mỡ bị hoãn lại sau các bữa ăn muộn. Do đó các nhà nghiên cứu cho rằng việc thay đổi thời gian bữa ăn đã thiết lập lại các đồng hồ ngoại vi mà không ảnh hưởng đến đồng hồ tổng.
Nghiên cứu này còn cho thấy thay đổi giờ ăn và giờ tiếp xúc với ánh sáng có thể giúp đồng hồ tổng và đồng hồ ngoại vi thay đổi với tốc độ như nhau. Điều này có thể làm giảm bớt sự chênh lệch giữa các đồng hồ của cơ thể và nhờ thế giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe.
Sưu tầm