Từ giấc mơ đến đỉnh cao của sự nghiệp
Nếu cổ tích là có thật, thì Michelle Phan chính là minh chứng rõ nhất cho câu chuyện đổi đời đó. Cô xinh đẹp, giỏi giang, tự tin và đầy năng lượng. Cô là nguồn cảm hứng của phái đẹp trên khắp thế giới chứ không chỉ riêng nước Mỹ hay Việt Nam. Không có được cuộc sống nhung lụa, giàu sang, thậm chí thiếu thốn cả tình thương của người cha, bị chế giễu bởi bạn bè trong trường, nhưng nhìn những gì Michelle đạt được, người ta phải cúi đầu nể phục.
Nổi lên bởi những clip dạy makeup đầy sáng tạo, mỗi năm Michelle kiếm số tiền lên đến hàng triệu USD từ kênh Youtube của mình. Đỉnh cao của sự nghiệp là khi cô cùng L’Oreal kết hợp tạo ra một nhãn hiệu hoàn toàn mới mang tên “Em” và sau đó là công ty riêng “Ipsy” được định giá tới 500 triệu USD. Gương mặt cô xuất hiện trên các tạp chí danh tiếng như: Fobes, Seventeen, Vogue… Ở tuổi 27, cuộc sống viên mãn của Michelle là “giấc mơ Mỹ tiến”, “Lọ Lem cổ tích” của rất nhiều cô gái trẻ.
Với Đào Chi Anh, cô chủ nhỏ đã từ bỏ từ bỏ công việc nghìn đô tại Singapore để dốc hết vốn liếng vào đam mê ẩm thực và ý tưởng độc đáo về menu kết hợp phong cách Á – Âu. Sau chỉ 3 năm, chuỗi cửa hàng – cà phê The KAfe ngày càng được mở rộng khắp cả nước. Chi Anh cũng đồng thời ra mắt 2 cuốn sách dạy nấu ăn không chỉ bằng tiếng Việt mà còn được dịch ra tiếng Anh xuất bản trên toàn cầu. Tháng 10/2015, cô huy động thành công 5,5 triệu USD vốn đầu tư từ Cassia Investments cho The Kafe Group.
Cái tên Đào Chi Anh được người ta nhắc đến với tình cảm ngưỡng mộ và khâm phục bởi sự dám nghĩ, dám làm để hiện thực hoá giấc mơ.
Thành công đâu có nghĩa là không được phép thất bại
Michelle Phan thừa nhận rằng “Em” đã thất bại khi không được đón nhận như kỳ vọng và doanh số bán ra quá thấp. Cùng với sự sụp đổ đó là những lời chỉ trích đã khiến cô gần như rơi vào trầm cảm, suy sụp hoàn toàn. Suốt 10 năm, Michelle đã sống và cống hiến toàn bộ tuổi trẻ cho những giấc mơ vươn cao, vươn xa hơn nữa, xây dựng nên cả một đế chế làm đẹp của riêng mình. Rồi cô thất bại, rơi tự do từ trên đỉnh của thành công. Thất bại cùng những đàm tiếu, nhạo báng từ rất nhiều phía.
Mới chỉ một năm về trước, giới trẻ 3 miền nô nức “check in” những món ăn sang chảnh, bắt mắt với đa dạng phong cách tại The KAfe, thì một vài tháng trở lại đây, người ta ngậm ngùi nhìn quán cà phê quen thuộc lần lượt đóng cửa hàng loạt do bị tố chiếm dụng vốn kinh doanh, chây ì không trả các khoản nợ lớn. Trước đó là sự ra đi ngậm ngùi của Chi Anh khỏi vị trí CEO của The Kafe Group. Tham vọng “lên sàn” ở Hong Kong và London, về cửa hàng nơi trời Âu giờ đây đành phải phải gác lại giữa chừng chỉ sau nửa năm cô nhận được vốn đầu tư nước ngoài.\
Quả tải giấc mơ và câu chuyện về “điểm dừng”
Ánh hào quang của những thành công ngay khi ghi tên mình vào danh sách các beauty blogger nổi lên nhờ Youtube chưa khi nào đủ thoả mãn những ước mơ lớn lao hơn nữa của cô gái gốc Việt – “phù thuỷ makeup” Michelle Phan. Nguồn vốn khủng từ nhà đầu tư nước ngoài và chuỗi nhà hàng cà phê The Kafe nổi lên suốt một năm qua là nỗ lực không ngừng khẳng định ý tưởng độc đáo ban đầu mà Đào Chi Anh nung nấu. Nhưng trên con đường rực rỡ đáng ao ước đó, những người trẻ thành công dường như đã đánh mất chính mình cùng nguồn cảm hứng – khởi nguồn cho những bước đi đầu tiên.
Michelle Phan từng thú nhận “Toàn bộ cuộc sống tôi dành cho công việc. Tôi không đi ra ngoài, không có cuộc sống riêng của mình. Suốt 10 năm quay video, sản xuất video và trả lời các comment, như một cửa hàng Internet không nghỉ, hoạt động suốt 24 giờ, giống như một-bệnh-viện. Tôi lo lắng bồn chồn bất cứ khi nào nghe tiếng “đing” báo tin nhắn trên điện thoại”. Cô rơi vào trầm cảm, tuyệt vọng bởi áp lực từ doanh số, về những lời đàm tiếu thậm chí chỉ trích từ nhiều phía và cũng từ chính ám ảnh về sự thành công của bản thân.
Còn với số phận của chuỗi cửa hàng The KAfe được mở ra liên tục trong thời gian quá ngắn, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường giờ đây càng khiến nhiều người tiếc nuối. Đằng sau con số hàng triệu USD là gánh nặng về lợi nhuận, về những điều khoản khắc nghiệt nhiều khi đi ngược lại với tiêu chí ban đầu cô hướng tới. Giấc mơ về căn bếp nhỏ ngập tràn hương thơm bánh ngọt và cà phê, về những món ăn đa dạng phong cách đã dần bị “công nghiệp hoá” một cách nhanh chóng từ khi xuất hiện thêm nhiều hơn những kỳ vọng đặt lên nó.
Giá như Michelle Phan biết dừng lại sớm hơn, trước khi cô nhận ra tâm hồn mình đang dần bị chai sạn, thì có lẽ không phải dành ra 1 năm “detox” lại chính cuộc sống bận rộn của mình. Giá như Chi Anh dừng lại để nhìn nhận rõ hơn khả năng đi xa, đi nhanh của chuỗi cửa hàng thì có lẽ chúng ta không phải ngậm ngùi cho sự biến mất hoàn toàn The Kafe.
Không ai muốn rời bỏ đứa con tinh thần của mình, nhưng đó là cái giá phải trả của những sai lầm trên con đường sống cùng với đam mê. Giấc mơ không sai! Những nỗ lực khẳng định và vươn xa là hoàn toàn đáng được trân trọng. Nhưng “đường dài mới biết ngựa hay”, cái đích của những giấc mơ cuối cùng cũng đều là hạnh phúc. Đôi khi tạm dừng lại không phải là từ bỏ, mà đơn giản là cho bản thân thời gian và cơ hội để cảm nhận thành quả, đồng thời, nhìn rõ hơn con đường trong tương lai.