Nếu có cơ hội gặp ông Võ Văn Triển, ít ai tin được người đàn ông chỉ nặng chừng 40kg, có tiền sử bị bệnh tim này lại dám liều lĩnh bỏ hơn 200 tỷ đồng để đầu tư nhà máy sấy trái cây có một không hai ở tỉnh Đồng Tháp.
Sinh ra ở Cao Lãnh, trải qua những năm tháng học tiểu học, trung học ở An Giang, rồi lên Sài Gòn học trường sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, thời cuộc đẩy đưa khiến chàng thanh niên Võ Văn Triển phải lưu lạc sang Đức.
Tại đây, vượt qua nhiều rào cản về ngôn ngữ, ông Triển đã tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí của trường Cơ khí Konstanz, trở thành chuyên gia châu Á duy nhất làm việc tại công ty Maurer, vốn nổi tiếng về công nghệ chế biến thực phẩm chất lượng cao ở Đức.
Qua nhiều năm phụ trách kỹ thuật cùng với quá trình lao động mẫn cán, sáng tạo, công ty Maurer xếp ông vào hạng chuyên viên cao cấp. Nhưng một ngày, bác sĩ nói rằng căn bệnh đau tim sẽ khiến ông phải nghỉ hưu trước tuổi. Và ông quyết định về nước sau 35 năm bôn ba xứ người.
Đó là thời điểm Đồng Tháp bước vào mùa xoài. Từng đoàn xe tấp nập nối đuôi nhau vận chuyển hàng sang Trung Quốc, trong khi Nhật và Châu Âu luôn có giá tốt hơn, nhưng ít người dám nghĩ tới vì tiêu chuẩn chất lượng đặt ra khá cao. Ước tính mỗi năm, chỉ tính riêng xoài Cát Chu, Đồng Tháp đã bán khoảng 20.000-30.000 tấn sang Trung Quốc.
Vì dựa chủ yếu vào thị trường này nên xoài Đồng Tháp dễ rơi vào tình trạng bị ép giá, lúc lên lúc xuống thất thường. Có những thời điểm được mùa, xoài hạ giá bán rẻ như cho vẫn không ai mua, người dân phải đem bỏ.
“Ở Đức và các nước EU, rau quả nhiệt đới luôn có giá đắt, cao hơn gấp chục lần. Hàng rau, củ quả vùng nhiệt đới Thái Lan, Malaysia tương đồng như Việt Nam ta, vì sao họ xuất được?”
“Tôi nói với bạn bè kỹ sư cùng làm ở Maurer về ý tưởng sấy trái cây từ Việt Nam đưa sang EU và chúng tôi bắt tay “setup” chế độ vận hành mới cho máy móc tương thích yêu cầu chế biến các loại rau quả nhiệt đới”, ông Triển nhớ lại.
Với số vốn tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng, ông dồn vào đầu tư thiết bị, xây dựng nhà máy sấy trái cây tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Nhiều người khuyên ông chỉ cần gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi, dù lãi suất thấp cũng ăn không hết, nhưng tâm huyết của một người con xa xứ lớn hơn số vốn kia rất nhiều.
Đã có lần, gia đình phải đưa ông trở lại Đức, đặt 4 Stent vào động mạch vành tim khi ông gồng gánh hết sức để đưa hàng trăm tấn thiết bị về Việt Nam. Tuy nhiên ngay khi khỏe lại, ông tiếp tục về nước, triển khai những công việc còn dang dở, từ mở lớp dạy kỹ thuật cắt xoài cho công nhân đến quản lý quy trình sấy, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn,…
Sau gần một năm xây dựng nhà máy, lắp đặt trang thiết bị công nghệ, đến cuối năm 2015, hai sản phẩm đầu tiên là xoài và thanh long sấy dẻo của công ty THHH công nghệ thực phẩm Việt Đức do ông Triển làm chủ chính thức được giới thiệu với khách hàng. Ở thời điểm hiện tại, những sản phẩm sấy dẻo đã được mở rộng ra nhiều loại khác như dứa, kiwi, chuối, chanh và cà chua.
Ông Triển cho biết các sản phẩm này được sản xuất theo quy trình công nghệ Đức và tiêu chuẩn Châu Âu nên vẫn giữ được hương vị tự nhiên, không cần thêm đường, muối hay bất cứ loại chất bảo quản nào. Công ty cũng chủ động được vùng nguyên liệu sạch lên tới gần 70.000 ha tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang, Bình Thuận và Long An.
Những ngày đầu tháng 10, công ty Việt Đức đang tất bật chuẩn bị cho một lô hàng xuất khẩu sang Nhật. Trong khi đó, một công ty khác của Hàn Quốc cũng đã tới thăm quan nhà máy, bày tỏ thái độ yên tâm với công nghệ nơi đây và rất thích sản phẩm xoài, thanh long sấy dẻo.
Dù nắm công nghệ sản xuất tiên tiến nhưng ông Triển không chỉ giữ riêng cho mình mà sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị khác để cùng giúp nông sản Việt phát triển. Đã có một công ty ở Bình Thuận, nhờ công nghệ của ông mà tự sản xuất được sản phẩm thanh long sấy dẻo, bán ra cả thị trường nội địa và xuất khẩu, thay vì chỉ bán tươi cho Trung Quốc như trước đây.
Nhớ lại câu chuyện này, người đàn ông Việt Kiều chỉ cười hiền hậu: “Mình về đây để chia sẻ, mỗi người lo một chút thì mọi chuyện sẽ tốt hơn thôi”.
Sưu tầm