“Trong tôi luôn có khát khao, thôi thúc làm một điều gì đó để giải mã và thỏa mãn mơ ước của chính mình, từ đó mà dự án ‘Giấc mơ Việt Nam’ ra đời. Tuy nhiên, đây không phải ‘giấc mơ’ của cá nhân tôi mà còn có sự góp sức của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Mục đích của dự án là giúp cho người Việt giải mã được ẩn số chính mình, từ đó chúng ta sẽ giải mã được những vấn đề cho cả quốc gia, dân tộc” – Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Cựu Giám đốc Chiến lược tập đoàn FPT, hiện đang đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược kiêm Giám đốc chiến lược (CSO) của Tập đoàn VNPT chia sẻ rất tâm huyết.
Ông có thể chia sẻ vài yếu tố cụ thể mà người Việt Nam cần “giải mã” ?
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, người Việt Nam rất nhiều ưu điểm nhưng lại không biết tận dụng những ưu điểm đó để biến thành thứ “vũ khí” phát triển. Ngoài ra, chúng ta cũng thường có những nhận định hay đánh giá chung chung về ưu điểm của người Việt. Ví dụ, nếu nói ưu điểm của người Việt Nam là lòng yêu nước thì phải thấy rằng ở quốc gia nào người dân cũng yêu nước chứ chẳng riêng gì người Việt Nam. Vậy điểm khác biệt của người Việt là gì? Theo chúng tôi, chính sự tinh tế, sâu sắc, góc nhìn đa chiềuº của người Việt sẽ là những lợi thế trong một “thế giới phẳng” như hiện nay.
Ngoài ra, “sức ì” lớn nhất của Việt Nam là một bộ phận lớn giới trẻ bị mất niềm tin: họ không tin vào chính bản thân mình, không tin vào mọi người xung quanh và không tin vào tương lai Việt Nam. Khi chúng ta không tin vào chính mình và không tin nhau thì chẳng thể làm nên điều gì cả. Như vậy để giải những bài toán này phải cần đến một phương pháp luận rõ ràng, một lộ thực hiện trình khoa học với sự góp sức tận tâm của nhiều người.
Giáo sư Micheal Porter khi đến Việt nam từng nhận định rằng: “Việt Nam là một quốc gia tràn trề sinh lực cần cù và chịu khó”, nhưng tại sao hầu hết người Việt lại không có khát vọng hay “giấc mơ Việt”?
Tôi cho rằng, câu chuyện Việt Nam không thể nhờ đến ngoại bang hay yếu tố bên ngoài giải quyết. Bản thân tôi là người Việt từng có cơ hội sống, làm việc ở nhiều quốc gia; tiếp xúc với rất nhiều chuyên gia giỏi của thế giới. Tuy nhiên, khi về Việt Nam sống trong vòng ba năm rưỡi, tôi thấy mình hiểu văn hóa và con người Việt Nam bằng 20 năm sống ở nước ngoài. Như vậy, đối với giáo sư Micheal Porter hay nhiều chuyên gia ngoại quốc, họ không sống ở Việt Nam thì không thể hiểu Việt Nam bằng chính người Việt được. Họ có thể cho chúng ta một vài gợi ý, lời khuyên nhưng cách chúng ta tiếp nhận và tử lý thông tin từ họ như thế nào mới quan trọng. Cá nhân mỗi người cũng vậy, chúng ta sẽ không thể vay mượn kiến thức của người khác để hi vọng giải quyết vấn đề của bản thân. Cảm giác “vọng ngoại” nó thể hiện sự mặc cảm, tự ti về tư duy của người Việt.
Bản thân ông đã sử dụng những kỹ năng, phương pháp nào để có thể “giải mã” được chính mình?
Tập đoàn Google mới cho ra mắt cuốn sách có tựa “Search inside your self” (Hãy tìm kiếm bên trong bản thân bạn). Cuốn sách đó nói rằng, trong mỗi con người có đến 70 tỷ tế bào nơ-rôn thần kinh, đây là con số còn lớn hơn cả lượng data mà Google đang sở hữu. Như vậy, nếu mỗi người biết cách tìm kiếm và phát huy nội lực bên trong mình thì sức mạnh sẽ thật khủng khiếp.
Quay lại với quốc gia Việt Nam, tôi nhận thấy người Việt thường tự đóng khung vào não trạng của mình một giới hạn nhất định; bị sức ì rất lớn về mục tiêu, ì về chức năng và ì về khả năng. Để giải quyết được các vấn đề này thì cần đến những công cụ nhất định. Một trong những công cụ mà tôi đã sử dụng thành công đó là công cụ SWOT. Đây là công cụ phân tích điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và nguy cơ của bản thân giúp giải mã và phát huy tiềm năng của bản thân.
Với một bộ phận lớn giới trẻ bị mất niềm tin, ông sẽ dành những lời khuyên về việc các bạn nên tin vào những giá trị nào hay không?
Dù bất kể hoàn cảnh nào, các bạn hãy luôn tin rằng, những điều tốt đẹp sẽ luôn tồn tại và đừng bao giờ để những yếu tố tiêu cực bên ngoài tác động. Hãy sống, lao động đàng hoàng và chân chính để mỗi đêm về chúng ta có thể ngủ ngon mà không cảm thấy áy náy với lương tâm.
Trước kia ông là một kiến trúc sư, sau đó đảm nhiệm vai trò TGĐ chất lượng, rồi lại được mời làm GĐ chiến lược, ông có thể giải thích về sự logic giữa những vị trí có vẻ không liên quan đến nhau về chuyên môn?
Thực ra, con đường sự nghiệp của tôi là một lộ trình, một câu chuyện dài, rất logic và thú vị. Trước kia với vai trò là một kiến trúc sư, tôi tham gia thiết kế nhà máy cho một tập đoàn ở Bình Dương, khi hoàn thành xong nhà máy đó thì tập đoàn ngỏ ý mời tôi về làm PGĐ về sản xuất và kỹ thuật với những quyền lợi rất hấp dẫn. Khi vị giám đốc nhà máy gọi tôi lên phỏng vấn, ông đặt ra một câu hỏi rằng: “Nếu có một cái máy phát điện bị hỏng, giải pháp xử lý của anh thế nào?”. Vì không biết gì về chuyên môn, kỹ thuật ngành điện nên tôi trả lời rằng: tôi sẽ quan sát mối liên quan tổng thể của chiếc máy đó với các bộ phận khác và tìm ra nguyên nhân gây nên hỏng hóc, sau khi đã xác định được vị trí hỏng hóc thì tôi sẽ nhờ đến các chuyên gia sửa chữa. Nhờ phương pháp tư duy đó mà tôi đã vượt qua gần 20 tiến sĩ về ngành điện của Đại học Bách Khoa tại Việt Nam để nắm giữ vai trò PGĐ nhà máy. Bởi vì, các vị tiến sĩ am hiểu rất tường tận về chuyên môn nên cách xử lý của họ là ngay lập tức tháo tung chiếc máy ra và tìm lỗi để sửa chữa. Tuy nhiên, vị giám đốc nhà máy cho rằng, cách làm đó không phù hợp với tư duy của một người điều hành, quản lý; thay vì nhảy ngay vào vấn đề chuyên môn, anh phải biết lùi lại một bước để quan sát mối tương quan tổng thể của vấn đề và tìm ra nguyên nhân rồi tháo gỡ chúng.
Sau khi xây dựng thành công chuẩn ISO 9001 cho nhà máy đầu tiên của Việt Nam tại Bình Dương, ban giám đốc đã cất nhắc tôi lên vị trí Giám đốc trung tâm kỹ thuật của trụ sở trung ương tại Pháp. Nguyên nhân của sự chuyển tiếp này là do đặc thù của ngành công nghệ cao nên hệ thống kỹ thuật quá phức tạp, và tôi có lợi thế của một kiến trúc sư nên có thể đơn giản hóa các hệ thống đó bằng các biểu đồ, đồ thị.
Sau một thời gian đảm nhiệm công việc chuyển giao công nghệ, ban giám đốc tập đoàn cho rằng, đã đến lúc tôi nên làm vị trí mà thời gian qua tôi đi chuyển giao cho người khác. Vì vậy, tôi đã được mời về Hồng Kong để giữ vai trò TGĐ chất lượng trong vòng 7 năm của hệ thống gần 40 nhà máy thuộc châu Á Thái Bình Dương.
Một cơ duyên sau đó là tôi được mời về Việt Nam tham gia chương trình “Người Đương Thời” của VTV để giải quyết vấn đề nước tương đen, rồi tôi có cơ hội gặp Bộ trưởng Công nghệ và tiếp tục được mời về nước tham gia dự án của chính phủ để đào tạo cho các tập đoàn trong nước. Từ đó, tôi gặp anh Trương Gia Bình – Chủ tịch của tập đoàn FPT và được mời về làm Giám đốc chiến lược của FPT.
Hiện nay, trong đa phần tư duy của các bạn trẻ thường coi bằng cấp là “lá bùa” của con đường sự nghiệp, dường như điều này không đúng với ông?
Có người hỏi tôi rằng: Tại sao là một kiến trúc sư mà tôi lại chọn công việc về ngành điện?. Tôi đặt câu hỏi ngược lại rằng: “Tại sao không?”. Tôi nghĩ, chúng ta phải có lối tư duy mở bởi giá trị lớn nhất của đời người là nắm bắt cơ hội và cuộc sống thì luôn có sẵn cơ hội cho bất kể ai. Vì vậy, các bạn trẻ không nên để thời gian một vài năm trong trường đại học quyết định toàn bộ công việc của cả 70 – 80 năm sống trên đời này. Những kiến thức trong trường đại học chỉ đơn thuần cho chúng ta một số phương pháp tư duy, suy luận căn bản nhưng đừng lấy điều đó đóng khung hay quyết định số phận cả cuộc đời bạn.
Xét đến việc hoạch định chiến lược cho quốc gia Việt Nam trong thời điểm này, theo ông có những yếu tố quan trọng nào cần được giải mã?
Việt Nam có rất nhiều vấn đề cần phải giải mã, theo tôi có ba yếu tố chúng ta cần phải bàn đến đó chính là văn hóa, thể chế và tín ngưỡng. Đây là ba trụ cột chính bổ sung cho nhau sự phát triển của quốc gia. Người ta thường chăm chăm đổ lỗi cho thể chế và văn hóa nhưng tôi lại nhận thấy những nguy cơ ở trụ cột thứ 3 là tín ngưỡng.
Tôi xin kể một câu chuyện thế này, một lần, tập đoàn FPT qua Myanmar thực hiện chiến dịch marketing, chúng tôi có tặng miễn phí điện thoại giá rẻ cho người dân nghèo nhưng khi tặng thì không người dân nào nhận. Sau đó, chúng tôi được đối tác Myanmar giải thích là người dân nơi đây sợ nghiệp hơn sợ nghèo đói, họ không dám nhận thứ gì nếu không do bản thân họ làm ra hoặc không biết nó từ đâu đưa tới. Sau đó, FPT phải dán các pano giải thích cho họ rằng: nếu họ nhận điện thoại thì tập đoàn FPT sẽ được lợi về mặt thương hiệu và lời giải thích này đã có tác dụng.
Vậy chúng ta phải đặt ra câu hỏi là: Tại sao một đất nước có truyền thống Phật giáo như Việt Nam lại xảy ra những vụ cướp, giết, hiếp, tham nhũng nhiều đến vậy? Tại sao phần lớn người dân tin vào bùa ngải, nhà ngoại cảm, tin vào việc “đút lót” thánh thần để hi vọng họ có thể giải quyết vấn đề có lợi cho bản thân, tại sao họ thờ “ma” chứ không thờ Phật.? Đó là những vấn đề rất cần được giải mã, bởi vì tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn đến văn hóa và thể chế. Vì vậy, Việt Nam cần phải “làm mới” tín ngưỡng để trả cho người dân những đức tin, nhận thức đúng đắn. Muốn làm được điều này thì cần có sự quan tâm và can thiệp của bộ phận quản lý cấp cao.
Theo ông, có sự đồng nhất nào giữa việc hoạch định chiến lược cho cá nhân, tổ chức và quốc gia hay không?
Chắc chắn là có! Tôi cho rằng, nếu một cá nhân không làm tốt chiến lược bản thân thì chắc chắn không thể làm tốt chiến lược cho tổ chức hay quốc gia. Ở phương Tây, các tập đoàn khi phỏng vấn tuyển dụng một vị trí quan trọng, họ luôn tìm hiểu về cuộc sống gia đình của ứng viên, nếu ứng viên không biết cách chăm sóc hay bỏ bê gia đình thì chắc chắn sẽ không được tuyển dụng. Nói về mặt này thì truyền thống Á Đông chúng ta có câu “tu thân, tề gia” rồi sau đó mới “trị quốc, bình thiên hạ”.
Điều gì còn khiến ông trăn trở nhất?
Điều tôi trăn trở là thế hệ sau sẽ dễ mất gốc và mất niềm tin, vì vậy mà dự án “Giấc mơ Việt Nam” mà chúng tôi đang thực hiện cũng là để dành cho thế hệ sau. Tôi rất thích hình ảnh cây thốt nốt ở một số quốc gia như Campuchia hay Myanmar. Đây là loại cây có giá trị kinh tế rất cao bởi nó có thể khai thác được trong vòng 150 năm. Tuy nhiên, người trồng cây thì thường không bao giờ được hưởng lợi vì phải đến 30 năm sau khi trồng thì cây mới có giá trị khai thác. Cây thốt nốt gợi cho tôi hình ảnh về việc “gieo nhân” để thế hệ sau được “gặt quả”. Nhưng hiện nay ở Việt Nam, người dân thường chỉ nghĩ đến việc “gặt quả”, lợi ích trước mắt mà không chịu “gieo nhân”, nếu không chiến đấu với tư duy manh mún này để xây dựng lại các giá trị thì quốc gia sẽ đi đến diệt vong.
Sưu tầm
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp