Nếu bạn thật sự đam mê một điều gì đó, hãy bắt đầu ngay hôm nay khi bạn vẫn còn khỏe mạnh, không nhiều ràng buộc. Bạn có thể bắt đầu bằng những bước đi thật chậm cũng được, miễn là bạn chịu khó bước về phía trước. Cứ đi rồi bạn sẽ đến!
-Nguyễn Thanh Minh-
“Tay trắng” khởi nghiệp
Thật ra Minh đã khởi nghiệp từ khi bước vào năm 3 ngành tài chính Trường đại học Quốc tế TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM) khi cùng với một nhóm bạn lập ra mạng xã hội DeltaViet. Dù đang là sinh viên, Minh nhận thấy nhiều bạn trẻ như “đang bị lạc lõng” trong việc hoạch định, thực hiện ước mơ tương lai. Minh bảo nhiều bạn ấp ủ ước mơ, đề ra mục tiêu nhưng lại rất mơ hồ, không cụ thể hóa được và không ít trường hợp còn thiếu sự động viên, chia sẻ của gia đình, bạn bè, cộng đồng. Để mọi người viết ra mục tiêu cuộc đời, có cơ hội chia sẻ, tìm kiếm những người chung chí hướng để tạo động lực cùng hướng đến thành công, cùng thực hiện ước mơ, Minh đã chủ động lập mạng xã hội DeltaViet. Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, mạng đã có trên 100.000 thành viên khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài.
Thành công bước đầu này đã “tiếp lửa” cho Minh mạnh dạn hơn trong việc thực hiện kế hoạch khởi nghiệp của mình. Tốt nghiệp loại ưu, không ít doanh nghiệp sẵn sàng nhận vào làm việc nhưng Minh đã quyết định tự khởi nghiệp với những công việc còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ban đầu với hai bàn tay trắng, sau khi tập hợp được một nhóm bạn cùng chí hướng, Minh đồng sáng lập và làm Giám đốc Công ty DeltaViet. Nhóm của Minh thiết kế một hệ thống đào tạo trực tuyến thông qua website hanhtrinhdelta.edu.vn với rất nhiều khóa học kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn.
Chọn lĩnh vực đào tạo trực tuyến để khởi nghiệp, với Minh là “xuất phát từ chính trải nghiệm của bản thân”. Cho đến khi là sinh viên năm 2, Minh vẫn chưa biết mình thật sự cần gì, muốn gì. Minh bảo học ngành tài chính bởi “đã chọn sai nghề”. “Em giao tiếp rất kém, từng bị một đứa bạn chê là “chưa từng thấy đứa nào giao tiếp kém như mày”. May mắn là sau đó em được tiếp xúc với những khóa đào tạo phù hợp nên em đã có điều kiện để thay đổi”, Minh chia sẻ, và nói thêm: “Em biết rất nhiều bạn trẻ khác, đặc biệt là các bạn ở các tỉnh thành (ngoài TP.HCM và Hà Nội) không có nhiều điều kiện tham gia các khóa học như vậy. Em muốn “bình dân hóa”, “phổ cập hóa” các khóa học (cả kỹ năng mềm lẫn kỹ năng chuyên môn) đến các bạn trẻ từ 18 đến 30 tuổi trong cả nước. Mà để làm được như vậy chỉ có một cách duy nhất là tổ chức đào tạo trực tuyến”.
Minh cho rằng, học trực tuyến (E-learning) sẽ là một xu thế vì tiết kiệm thời gian, chi phí, số lượng khóa học cũng sẽ đa dạng hơn rất nhiều. Thế nhưng khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp của Minh là làm sao thấu hiểu tâm lý khách hàng để đưa ra sản phẩm mà khách hàng “thật sự cần” chứ không phải là đưa ra sản phẩm mà mình thích, mình có.
Cứ đi rồi bạn sẽ đến!
Mới đây, Minh được Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (viết tắt là CSIP, trụ sở ở Hà Nội) vinh danh là doanh nhân xã hội (người sử dụng những phẩm chất, kỹ năng của doanh nhân để gây dựng và quản lý các tổ chức hoặc các doanh nghiệp nhằm giải quyết một vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể) tiêu biểu của năm. Đây là một niềm vui lớn đối với Minh trong những năm tháng đầu khởi nghiệp. Ở Việt Nam, trào lưu doanh nhân xã hội vẫn chưa phát triển nhiều. Vì thế Minh luôn kỳ vọng sẽ có các chính sách cụ thể từ Nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nhân xã hội, doanh nghiệp xã hội.
Minh cho rằng, về mặt bằng chung của tính tự lập, sự sáng tạo, bản lĩnh, ý chí, khát vọng của nhiều bạn trẻ Việt Nam vẫn còn hạn chế so với nhiều nước khác trên thế giới. Minh “xin” nêu một ví dụ nho nhỏ: “Ở Mỹ, thanh niên đến 18 tuổi dọn ra ở riêng và không được bất cứ sự trợ cấp nào từ gia đình là một chuyện bình thường. Trong khi đó, thường thì thanh niên Việt Nam sau khi học đại học xong và đi làm ổn định một vài năm rồi mới hết nhận được sự trợ cấp từ gia đình”. Theo Minh, môi trường sống ở Mỹ thúc đẩy tính tự lập từ nhỏ. Môi trường sống ở Việt Nam thì ít mang tính thúc đẩy sự tự lập hơn nên cần phải quan tâm hơn nữa về vấn đề này.
Tuy vậy, Minh khẳng định giới trẻ Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để dễ dàng trở thành công dân toàn cầu hơn. Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam thuộc hàng nhất nhì châu Á. Những công nghệ mới, tư tưởng mới của thế giới cũng được giới trẻ Việt Nam tiếp thu rất nhanh… “Để trở thành công dân toàn cầu cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là ngoại ngữ và một “tư duy mở” sẵn sàng tiếp thu những cái mới, biết thừa nhận những điểm còn hạn chế của mình, và biết chấp nhận sự khác biệt trong văn hóa, suy nghĩ giữa người với người”, Minh nhìn nhận.
Khá bất ngờ khi Minh cũng rất đam mê viết sách. Cuốn Theo dấu ước mơ (NXB Thanh Niên tái bản lần 2) của Minh và 3 người bạn (đều là các thành viên trong DeltaViet) có thể nói rất cần thiết đối với nhiều bạn trẻ. Sách được viết theo dạng một câu chuyện xuyên suốt, hấp dẫn về những trải nghiệm thực tế của Minh và nhóm bạn trong quãng đời sinh viên, đồng thời lồng ghép nhiều bài học kỹ năng sống. Phong cách của cuốn sách giống như cuốn Ai lấy miếng pho mát của tôi rất nổi tiếng của Spencer Johnson, nhưng bối cảnh Việt Nam 100% nên rất gần gũi.
“Điều tâm huyết nhất của bạn?”, tôi hỏi. Dẫn lời của Steve Jobs (nhà sáng chế người Mỹ và đồng sáng lập Hãng Apple danh tiếng): “Để làm một điều gì đó vĩ đại, trung bình phải mất 5 năm. Trong cuộc đời mỗi chúng ta không có nhiều cơ hội như thế”, và Minh nói thêm: “Nếu bạn thật sự đam mê một điều gì đó, hãy bắt đầu ngay hôm nay khi bạn vẫn còn khỏe mạnh, không nhiều ràng buộc. Bạn có thể bắt đầu bằng những bước đi thật chậm cũng được, miễn là bạn chịu khó bước về phía trước. Cứ đi rồi bạn sẽ đến!”.
(Theo báo Thanh Niên)