Mọi người thường nghĩ kinh doanh ẩm thực có vẻ dễ kiếm tiền, thấy quán cà phê ngoài kia sao đông khách thế, làm thì dễ mà vốn cũng không quá lớn. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng…
Ngày nay, không ít các bạn trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh với ngành ẩm thực, chẳng hạn như mở một tiệm ăn, một quán phở hay quán cà phê. Vì thấy nó vừa gần gũi, mà có vẻ dễ kiếm tiền, thấy quán cà phê ngoài kia sao đông khách thế mà người chủ cũng chẳng có gì hơn mình, vốn mở một tiệm cà phê nhỏ nhỏ cũng không quá lớn.
Tuy nhiên, đó là chỉ phần nổi của tảng băng chìm. Phần chìm kia rất lớn trong tảng băng ấy. Ngành kinh doanh này khó từ lúc khởi nghiệp đến khi trở thành chuỗi.
1001 cái khó trong kinh doanh ẩm thực
Theo doanh nhân Lý Quí Trung, người sáng lập chuỗi Phở 24, phần chìm của tảng băng lúc nào cũng lớn hơn phần nổi. Có nhiều mặt bằng chỉ mới một vài năm mà đã có tới mấy mối nhảy vô nhảy ra như thay áo. Chi phí đầu tư cũng vậy, thực tế thường là lớn hơn những gì dự tính trong đầu hay nghe từ miệng của bạn bè.
Ông Lý Quí Trung, nhà sáng lập Phở 24.
Ngoài ra, còn những việc nhỏ nhỏ, người chủ có thể phải làm việc từ 5-6h sáng đến tận đêm khuya để đếm tiền, kết sổ, chuẩn bị mua đồ cho ngày hôm sau, khác hoàn toàn với việc đi làm công ăn lương. Đó là bức tranh của người chủ nhà hàng lúc khởi nghiệp.
Ngoài ra, một đặc điểm nữa là hợp đồng thuê mặt bằng có thể rất ngắn, giá có thể thay đổi theo thời gian.
“Khởi nghiệp thì lúc nào cũng khó khăn, nhưng có những ngành nghề khó khăn hơn những ngành nghề khác. Và có những thời điểm khó khăn hơn những thời điểm khác”, Lý Quí Trung từng nhận định như vậy. Do đó, ông có lời khuyên cho các bạn khởi nghiệp cần cân nhắc thật cẩn thận trước khi dấn thân vào nó, và nếu có vào thì hãy kiên nhẫn trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để hạn chế bớt rủi ro.
Quản lý chất lượng nhà hàng
Bà Trần Thị Lan Anh, CEO của Chảo Đỏ, công ty đang đầu tư vào nhiều chuỗi nhà hàng, quán ăn, cho rằng ở Việt Nam, các chuỗi chỉ phát triển đến 5 nhà hàng là “đuối”, vì người chủ không thể đến kiểm tra quá nhiều điểm bán trong một ngày. Do đó, sau 5 nhà hàng, ông chủ cần một hệ thống hỗ trợ quản lý.
Và cái khó nhất của việc quản lý chuỗi nhà hàng đó là tạo ra giá trị cốt lõi, văn hóa doanh nghiệp, truyền cảm hứng cho nhân viên cấp thấp nhất để họ có cách hành xử như cửa hàng đó là cửa hàng của mình.
“Đó là cái khó nhất, cái đáng đồng tiền nhất trong quản lý nhà hàng, chuỗi quán”, bà Lan Anh khẳng định.
Làm sao để không phí cả một ngày chăm chút khách hàng?
Nhà sáng lập Phở 24 cho rằng, ở thời điểm cuối ngày khi cửa hàng sắp đóng cửa, nhân viên sắp nghỉ thì nhân viên thường có tâm lý xả hơi sau một thời gian dài làm việc cực nhọc. Họ dễ cười nói, ăn uống không còn giữ kẽ như bình thường, ngay cả khi vẫn còn khách hàng ngồi đó.
Chính vì vậy đây cũng là thời điểm người quản lý hay chủ nhà hàng cần lưu ý để không phá mất công sức của một ngày dài tỉ mỉ chăm chút. Hơn nữa những vị khách cuối cùng là những người càng cần được quý trọng khi họ không chiếm thêm chỗ ngồi vào giờ cao điểm. Họ cũng là những đại sứ quảng bá thương hiệu cho nhà hàng nếu được đối xử trân trọng.
Chính vì vậy Lý Quí Trung đặt ra 2 nguyên tắc với nhân viên quản lý vào phút thứ 90 này bao gồm phải đích thân đến mỗi bàn cuối cùng trong ngày để chào hỏi khách hàng. Nếu có thể sẽ mời họ một món ăn nho nhỏ xem như món quà. Doanh nhân này cũng không quên câu chuyện của một vị khách người Úc đến cửa hàng của ông vào cuối ngày và được tặng một cuốn sổ nhỏ có bìa in hình Nam Phương hoàng hậu. Sau này vị khách trở thành khách hàng thường xuyên đồng thời cũng dẫn gia đình mình sang Việt Nam du lịch.
Nguyên tắc thứ 2 đối với nhân viên quản lý hoặc chủ nhà hàng là phải đích thân tiễn khách ra tận cửa thật đàng hoàng. Theo ông không có gì tệ hơn việc người khách cuối cùng bước ra nhà hàng mà không một lời nào phía chủ nhà như thể mình chưa từng ăn ở đó.
Sưu tầm.
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Khóa học Kích hoạt Năng lượng Thành công
>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp