“Sáng tạo” đang là từ khóa “thời thượng” nhất hiện nay trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Rất nhiều công ty Việt Nam đang đầu tư tiền của vào bộ phận R&D, nhưng con đường sáng tạo nào phù hợp với thị trường, con người và tiềm năng của nước ta?

Sáng tạo kiểu Trung Quốc

Người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành công nghiệp ôtô Mỹ, Henry Ford đã từng nói: “Nếu hỏi người tiêu dùng, họ sẽ chỉ muốn một con ngựa chạy nhanh hơn mà thôi!” Ngụ ý của Henry Ford là nếu dựa vào nhu cầu của người dân, chẳng bao giờ các công ty Mỹ đưa ra được sản phẩm đột phá. Đó lá cách tư duy của người Mỹ: dẫn đầu xu hướng, tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới, ví dụ như Microsoft, Apple, Ford, Google, Facebook…

Vậy người Trung Quốc, với tham vọng soán ngôi người Mỹ đang sáng tạo kiểu gì? Jack Ma, ông chủ của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba lớn nhất thế giới, cho rằng: “Trung Quốc là nước đi sau, chúng tôi tốt nhất sáng tạo kiểu “vi mô” (micro-innovation)”. Alibaba, Tencent, và Baidu đều là những ví dụ của cách tư duy này. Tencent với phần mềm tin nhắn WeChat nhái lại Viber và WhatsApp đang đứng đầu toàn thế giới về số người dùng, gần 400 triệu người dùng, vượt gấp đôi WhatsApp và gấp ba lần Viber.

Hiện tại, họ đang chuẩn bị mua lại Dianping.com, một sản phẩm bắt chước Yelp, trang web mạng xã hội về du lịch của Mỹ. Số lượng người dùng hàng tháng của Dianping.com là 130 triệu, tăng 186% so với năm ngoái. Theo Bloomberg, Dianping.com đang chuẩn bị IPO tại Mỹ với giá trị khoảng 1 tỉ USD. Baidu, “Google của Trung Quốc”, là công ty Trung Quốc đầu tiên lọt vào top 100 của NASDAQ, và giành hơn 70% thị trường tìm kiếm trực tuyến tại quốc gia tỉ dân này.

Họ cũng giành hạng 5 toàn cầu trong bảng thống kê các trang web được truy cập nhiều nhất của Alexa vào tháng 5, 2014 vừa qua, chứng tỏ một vị thế vững chắc. Alibaba, “người khổng lồ đầu tiên của Trung Quốc”, là công ty ăn theo eBay của Mỹ. Với giao diện, cách thức giao dịch ban đầu, ý tưởng giống eBay một cách khó hiểu, Alibaba từng vấp phải nhiều lời chỉ trích của thế giới phương Tây.

Nhưng hiện nay, họ là công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với tổng giá trị giao dịch lớn bằng eBay và Amazon.com gộp lại. Quá trình IPO của Alibaba cũng là một trong những thương vụ được mong chờ nhất thế giới, với giá trị ước tính hơn 100 tỉ USD.

Điều quan trọng nhất để các công ty Trung Quốc thành công chính là điều kiện kinh tế xã hội của cường quốc này quá thuận lợi: 1,3 tỉ dân, thu nhập bình quân đầu người đang tăng, sự hỗ trợ, bảo bọc của chính phủ… Chỉ cần chiếm 10% thị phần, các công ty đã có 130 triệu người dùng, con số mơ ước của các công ty Mỹ.

Và sáng tạo kiểu Israel

Israel, một quốc gia nhỏ xíu, ít tài nguyên, nhiều kẻ thù và bị bao vây bởi nhiều áp lực hơn, lại sáng tạo kiểu khác. Công ty tư vấn Sáng tạo – Systematic Innovative Thinking (SIT) của Israel sau hàng thập kỷ nghiên cứu và thay đổi cho phù hợp với môi trường đầy rủi ro của nước mình đã đưa ra một khái niệm mới: Sáng tạo từ những tài nguyên sẵn có. SIT cho rằng chính những rào cản mới thúc đẩy sức sáng tạo.

Sáng tạo đã được Israel biến thành một nét văn hóa của quốc gia: họ đầu tư cho R&D nhiều nhất thế giới, 4,4% chi tiêu quốc gia, so với 2,5% của Mỹ. Năm 2013, tại New York chỉ có 60 dự án khởi nghiệp của Israel đến lập văn phòng để tìm kiếm đầu tư, thì nay con số đó đã là hơn 200.

Qua nhiều năm nghiên cứu các sản phẩm có sẵn trên thị trường, SIT đưa ra hai nguyên tắc chính: “Thế giới đóng”, và “Thứ tự tư duy: hình thái trước, chức năng sau”. “Thế giới đóng” có nghĩa, chúng ta không tự nhiên tạo ra sản phẩm mới, mà trước hết nên dùng các tài nguyên có sẵn quanh ta để thay đổi sản phẩm đang có.

Nguyên tắc “Hình thái trước, chức năng sau” thì lại đề nghị các doanh nghiệp cứ thay đổi hình dạng trước, rồi hãy xác định công dụng mới cho sản phẩm. SIT đưa ra một số công cụ để thực hiện các nguyên tắc này, chủ yếu là thay đổi và sắp xếp thứ tự các thành phần cấu tạo nên sản phẩm.

Các nguyên tắc này rất phù hợp với tình huống của người Israel. Dân tộc Israel bị hạn chế rất nhiều về tài nguyên thiên nhiên (chỉ có gần 8 triệu dân và đất đai thì hơn 50% diện tích là sa mạc), lịch sử phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá. Chính vì thế, người Israel tính toán mọi thứ rất kỹ lưỡng để hạn chế tối đa việc lãng phí, sản phẩm làm ra phải đáp ứng trực tiếp nhu cầu của người dùng để thành công nhanh, tránh rủi ro thay đổi tình hình chính trị xã hội.

Hai thập kỷ nghiên cứu của SIT bao gồm việc phân tích rất nhiều sản phẩm nổi tiếng, so sánh chúng với đối thủ cạnh tranh, phân tích vì sao lại có kẻ thành công và thất bại, đồng thời tìm ra các hướng giải quyết phù hợp nhất với các công ty vừa và nhỏ, hoặc cho các dự án bị hạn chế về nguồn lực. Tính tới năm 2013, Israel đã có hơn 4.800 dự án khởi nghiệp với 70% trong đó đầu tư về công nghệ.

Nhiều ví dụ cho các công cụ và nguyên tắc SIT đang hiện hữu quanh ta và rất phổ biến như: máy ATM (các nhà băng lược giản vai trò của nhân viên ngân hàng, tạo ra một chiếc máy có cùng chức năng, gọn nhẹ và tiết kiệm), hay máy tính bảng (các công ty tối giản và thay đổi cấu trúc của một chiếc máy tính để bàn cùng điện thoại di động để tạo ra một sản phẩm cầm tay mới mẻ và hữu dụng).

Với việc một nửa diện tích là sa mạc, Israel, qua các công cụ này, đã tìm cách nuôi cá và trồng trọt ngay trong sa mạc với hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt và cảm ứng nhiệt để đảm bảo lượng nước tưới và hạn chế lãng phí. Hệ thống này đã giúp Israel tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm và đưa nước này trở thành nhà cung cấp hoa màu lớn cho châu Âu; Hà Lan cũng đang phải mua hoa của Israel.

Gần đây nhất, mạng xã hội của Israel dành cho dân lái xe hơi Waze – chia sẻ thông tin kẹt xe, các quán ăn, các địa điểm nghỉ chân… đã được Google mua lại với giá 1,3 tỉ USD.

Người Israel và Mỹ khi muốn thay đổi sản phẩm đều phải tự trả lời hàng trăm câu hỏi về tính khả thi, khả dụng và lợi ích dành cho công ty, khách hàng và người tiêu dùng. Để tiết kiệm và hạn chế rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam có thể thử cách làm của người Israel, hãy chọn ra một sản phẩm chủ chốt, liệt kê các thành tố của nó, thay đổi thứ tự sắp xếp hay số lượng thành tố, tạo ra sản phẩm mới và xác định công năng mới, các lợi ích. Thực dụng và hiệu quả như người Israel, hãy bắt đầu sáng tạo với những tài nguyên có sẵn quanh ta.

 

Dẫn từ nguồn: http://www.baomoi.com/Sang-tao-kieu-Tau-hay-Israel/76/14342643.epi