Tác giả quyển sách “Quốc gia khởi nghiệp – Câu chuyện thần kỳ về nền kinh tế Israel” cho rằng, cột mốc đánh dấu sự thành công của một công ty hay dự án khởi nghiệp là thời điểm sản phẩm của họ được khách hàng tin tưởng và đón nhận.
Saul Singer
– Từ những quan sát về quá trình phát triển thần kỳ của nền kinh tế Israel, ông nhận định đâu là nhân tố góp phần lớn nhất cho sự thành công này?
Hiếm có startup nào thành công ngay trong dự án khởi nghiệp đầu tiên, mà phải thất bại rồi gây dựng lại rất nhiều lần. Thế nên, tôi cho rằng ngoài chính sách hỗ trợ khởi nghiệp được triển khai từ sớm, nên có những lợi thế nhất định thì doanh nghiệp Israel rất giỏi trong việc xây dựng nhóm cộng sự tốt, có tầm nhìn chung và sự gắn bó chặt chẽ với nhau.
– Rủi ro là điều không thể tránh khi khởi sự kinh doanh, vậy theo ông thì startup cần làm gì để quản trị và hạn chế tối đa điều này?
Startup thường đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính, nhân sự, thị trường biến động… trong thời điểm đầu khởi nghiệp. Hầu như tất cả công ty hay dự án khởi nghiệp thất bại chỉ vì không biết cách quản trị, hoặc quản trị không tốt những vấn đề này. Tôi lấy ví dụ như việc lựa chọn thị trường để tung ra sản phẩm, nếu bạn chọn sai thị trường thì thất bại là điều hiển nhiên. Nhưng có trường hợp đã chọn đúng thị trường mà sai thời điểm, sai phân khúc khách hàng thì cũng không thể thành công.
Doanh nghiệp Israel trong quá trình khởi nghiệp cũng từng đối diện những vấn đề tương tự các bạn hiện tại và như tôi chia sẻ, điểm mấu chốt để họ quản trị rủi ro là tạo lập nhóm thành viên chủ chốt gồm nhiều người, sở hữu thế mạnh riêng ở nhiều lĩnh vực để sẵn sàng hỗ trợ nhau.
– Theo ông, những sai lầm startup thường mắc phải là gì?
Đó là xác định sai điều gì thực sự quan trọng nhất với một startup. Mọi người thường nhầm tưởng rằng chỉ cần một ý tưởng hay hoặc một nền tảng công nghệ tốt thì có thể khởi nghiệp, nhưng thực tế đó mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ.
– Điều gì là thước đo cho sự thành công của một công ty hay dự án khởi nghiệp, thưa ông?
– Mọi người thường nghĩ thành công trong kinh doanh được tính bằng lợi nhuận, nhưng với startup thì không hoàn toàn như vậy. Vì chặng đường rất dài nên những con số về doanh thu và lợi nhuận không có nhiều ý nghĩa với một công ty hay dự án khởi nghiệp. Điều quan trọng là bạn phải làm thế nào để mô hình kinh doanh của mình luôn trong trạng thái tăng trưởng (có thể căn cứ vào số lượng cửa hàng, người dùng…) bởi nó cho thấy mức độ xã hội chấp nhận ý tưởng cũng như sản phẩm của bạn.
– Thời gian gần đây, nhiều startup tại Việt Nam nhận được những khoản tiền rất lớn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng cũng chính từ đó mà phát sinh không ít vấn đề. Ông đánh giá như thế nào về trường hợp này?
– Câu chuyện gọi vốn và sử dụng đồng vốn hợp lý là khó khăn của hầu hết startup trên thế giới, chứ không riêng ở Việt Nam. Theo tôi, startup hãy chú tâm vào việc phát triển đội ngũ nhân sự sản phẩm và công nghệ hoàn thiện trước khi nghĩ đến chuyện gọi vốn. Khi nền tảng vững chắc thì việc gọi vốn chắc chắn đơn giản hơn rất nhiều, thậm chí không cần đi tìm mà chính nhà đầu tư sẽ chủ động đến với bạn.
Đối với những startup đã nhận vốn đầu tư, nếu số tiền càng lớn thì hãy đặt mình trong tâm thế người mang nợ càng nhiều để ý thức chi tiêu đồng tiền vay được chậm và ít nhất có thể.
Sưu tầm
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp