Theo Bloomberg, Pinduoduo – còn gọi là PDD, là sự kết hợp thông minh giữa “Facebook-Groupon”, được cho là làn gió mới trong ngành thương mại điện tử. Nhà sáng lập công ty này, Colin Huang là một trong doanh nhân Trung Quốc khởi nghiệp ở thung lũng Silicon sau đó trở về quê hương lập nghiệp.
Theo nguồn của Bloomberg, PDD mới huy động được hơn 100 triệu USD, giúp nâng giá trị công ty lên 10 tỷ Nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) chỉ sau chưa đầy 2 năm thành lập. Huang, cùng với thế hệ doanh nhân như anh đã giúp Trung Quốc sở hữu lượng start-up tỷ USD ngang ngửa với Mỹ.
PDD cho người dùng trải nghiệm giống như dành cả ngày với bạn bè tại trung tâm thương mại. Bạn có thể chia sẻ những gì mình thích, nhận phản hồi từ những người mình tin tưởng hay thậm chí buôn chuyện với nhau. Điều quan trọng là nếu cùng mua hàng, họ sẽ được giảm giá.
Sự kết hợp thông minh
Ý tưởng thương mại kết hợp mạng xã hội này từng được Twitter và Facebook áp dụng tại Mỹ. Theo đó, hai mạng xã hội này đặt các nút “mua ngay” trên các quảng cáo xuất hiện trên Newsfeed của người dùng. Tuy nhiên, hai ông lớn mạng xã hội này đã không thành công bởi đa số người dùng không muốn bị làm phiền khi đang giải trí trên mạng.
Còn PDD lại làm được điều đó khi khéo léo tích hợp vào ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Trung Quốc WeChat. Anh còn kết hợp cả ứng dụng game để PDD thêm phần hấp dẫn.
Huang nảy ra ý tưởng thành lập PDD một phần nhờ hai hãng internet hàng đầu Trung Quốc: công ty thương mại điện tử Alibaba và Tencent, hãng game khổng lồ cũng là chủ sở hữu của WeChat.
Cả hai đều lớn, tăng trưởng nhanh và thành công nhưng không am hiểu về lĩnh vực kinh doanh của nhau. Nhưng Huang và các cộng sự lại hiểu rõ. Họ có kinh nghiệm trong cả thương mại điện tử và games và nhìn thấy cơ hội nếu kết hợp hai lĩnh vực này với nhau.
Đa số người dùng đều sử dụng PDD khi đang dùng WeChat. Hình ảnh sặc sỡ và cách thức mua hàng giảm giá trên PDD mang lại cảm giác như ở trong một trò chơi hấp dẫn.
Giá chiết khấu xuất hiện bên dưới mỗi hình ảnh và thay đổi tùy vào số lượng người mua. Để được hưởng giảm giá, người dùng cần tìm kiếm bạn bè cùng mua. Vì đang ở sẵn trong ứng dụng WeChat, họ có thể nhanh chóng rủ rê bạn bè.
Huang cho rằng PDD mang lại những trải nghiệm phong phú hơn cho cả người bán lẫn người mua. Khách hàng có thể tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ qua bạn bè. Nhà sản xuất có cơ hội tiếp cận nhóm khách hàng trực tuyến và cải tiến theo hướng chưa từng có trước đây, còn nhà cung cấp giảm chi phí bán lẻ và nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng.
Mô hình đơn giản nhưng hiệu quả này của Huang giúp anh không khó tìm nhà đầu tư. Tháng 5/2015, Huang nhận được đầu tư 8 triệu USD và cho ra mắt ứng dụng PDD vài tháng sau đó.
Năm 2016, lượng người dùng tiếp tục tăng, PDD nhận được thêm khoản đầu tư 100 triệu USD và mở rộng hoạt động. Tổng giá trị hàng bán mỗi tháng trên ứng dụng tăng từ 100 triệu Nhân dân tệ đầu năm 2016 lên 4 tỷ Nhân dân tệ, Huang cho biết.
Theo Bloomberg, với kết quả này, PDD hiện là công ty thương mại điện tử chưa niêm yết lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh số, đối thủ tương lai của Vipshop Holdings Ltd., hãng thương mại điện tử lớn thứ 3 tại nước này, với giá trị thị trường 8 tỷ USD trên sàn chứng khoán New York.
“Chúng tôi sẽ sớm vượt qua họ trong 12 -18 tháng nữa”, Huang cho biết.
Blue Moon, một trong những nhà sản xuất bột giặt lớn nhất Trung Quốc, cho biết doanh số của hãng tăng mạnh kể từ khi hợp tác với PDD từ tháng 9 năm ngoái.
Hiện PDD chiếm 10% doanh số bán hàng trực tuyến của hãng này, tương đương với JD.com và dự báo tăng lên 15% vào cuối năm nay, một quản lý của Blue Moon cho biết.
Từ nhân viên học việc tại Google
Colin Huang, năm nay 37 tuổi, lớn lên tại Hàng Châu, Trung Quốc. Năm 12 tuổi, anh được học bổng Trường ngoại ngữ Hàng Châu và là một trong những học sinh xuất sắc nhất ở đây.
Sau này, anh theo học trường đại học Zhejiang và lấy bằng thạc sĩ máy tính tại trường đại học Wisconsin, Mỹ.
Khi thực tập tại Microsoft Bắc Kinh, anh được trả 6.000 Nhân dân tệ (900 USD) và sau đó thực tập tại trụ sở Microsoft ở Mỹ với mức lương 6.000 USD/tháng.
Năm 2004, khi chuẩn bị tốt nghiệp, Huang chọn về đầu quân cho Google và là một trong những người đầu tiên viết thuật toán cho ngành thương mại điện tử.
Năm 2006, Huang trở về Trung Quốc và cảm thấy mệt mỏi vì thường xuyên phải bay tới trụ sở Google tại California để giải quyết những việc nhỏ nhặt. Anh quyết định ra đi.
Một năm sau, Huang mở trang Ouku.com, chuyên bán thiết bị điện tử. Doanh số tăng trưởng tốt nhưng anh nhận ra rằng trang này chỉ là một trong số hàng nghìn trang web tương tự. Vì vậy, năm 2010, anh quyết định bán trang web này.
Huang thành công hơn với các dự sau đó. Đầu tiên là Leqi, công ty cung cấp dịch vụ tiếp thị trên các website như Taobao hay JD.com. Tiếp đó là ứng dụng game tương tác trên WeChat. Huang sau đó bán cả hai dự án này và ấp ủ cho dự án tiếp theo.
Dù đạt được thành công đáng kể với PDD, Huang cho biết không có ý định dành cả đời mình với ứng dụng này. Anh muốn làm nhiều thứ trong nhiều lĩnh vực khác nhau và gọi đó là “cuộc sống đích thực”
Sưu tầm