Mọi sinh vật mang trong mình một mức độ điên rồ tạo động lực cho nó theo những cách kỳ lạ, đôi khi không lý giải nổi. Sự điên rồ này có thể là yếu tố sống còn, là phần không thể thiếu trong khả năng thích nghi. Không một giống loài nào có thể sống sót mà không có nó.” – Trích tác phẩm Life of Pi Cả sách lẫn phim Life of Pi đều là những minh họa tuyệt vời cho việc hoàn cảnh có thể buộc bạn phải xem xét và thay đổi quan điểm sống, hành động và những lựa chọn của mình.

Những thay đổi này thường rất khó khăn. Một số có thể là những thay đổi to lớn. Kết hôn Sinh con Khởi nghiệp Cải thiện thói quen ăn uống Kết thúc một mối quan hệ Mất đi một người thân yêu Vào đại học Đi du lịch vòng quanh thế giới Chuyển nhà và có một khởi đầu mới.

Nhưng cũng có khi đó lại là những thay đổi nhỏ nhặt và có vẻ không quan trọng. Dù thế nào chăng nữa, khả năng bạn thích nghi với các tình huống ấy và cảm thấy thoải mái trong những hoàn cảnh không ngừng đổi thay trong đời sẽ ảnh hưởng đến niềm vui, sức khỏe, mức độ căng thẳng và hạnh phúc của bạn. Làm thế nào tôi và bạn hiểu được sức mạnh của khả năng thích nghi nhằm sẵn sàng đón nhận bất kỳ thay đổi nào ta gặp phải, dù lớn hay nhỏ?

1. Khả Năng Thích Nghi Là Gì?

Nói vắn tắt, sự thích nghi là khả năng bạn chuyển đổi theo một hướng cụ thể vào bất kỳ thời điểm nào. Điều này ám chỉ về mặt thể chất, tinh thần, tình cảm hay tâm linh.

Thích nghi là tinh thần sẵn sàng học hỏi, phạm sai .

và học hỏi hơn nữa.

Thích nghi là khả năng thu thập đủ lượng phản hồi cần thiết để thực hiện những chỉnh sửa hoặc thay đổi hành vi của bản thân, nhằm tạo ra kết quả tích cực và hiệu quả.

Phần lớn chúng ta tiếp cận tình huống mới với một hệ thống định kiến, gồm những gì ta cho là khả thi. Định kiến này có thể xuất phát từ các trải nghiệm cá nhân, trải nghiệm của người khác, hay đơn giản là từ những niềm tin sai lầm.

Sau đó ta hình thành các quy luật về những gì sẽ xảy ra dựa trên những niềm tin này, và những quy luật đó thường ảnh hưởng đến các lựa chọn và hành động của ta.

Dù là thay đổi chế độ ăn, bắt đầu một mối quan hệ hay nhận công việc mới, ta đều tiếp cận từng hoàn cảnh với một hệ thống những kỳ vọng, đòi hỏi và mong muốn.

Kỳ vọng: điều ta cho là sẽ xảy ra.

Đòi hỏi: điều ta thực sự cần xảy ra.

Mong muốn: điều ta muốn xảy ra Sức mạnh để thích nghi với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống nằm ở việc nắm rõ những kỳ vọng, đòi hỏi và mong muốn của ta thực sự là gì.

Tất cả nằm ở việc thu hẹp khoảng cách giữa nguy cơ ta thấy được khi sự việc đang thay đổi và cơ hội ta muốn nắm bắt từ các nguy cơ ấy.

2. Lý Do Khiến Ta Đôi Khi Thích Nghi Rất Kém

Phải chăng vì thích nghi có vẻ là một việc khó khăn?

Nó thường đòi hỏi bạn phải ngừng bám víu hiện tại và bước ra khỏi vùng thoải mái hoặc phá vỡ những lề thói cũ.

Vùng thoải mái ngọt ngào đó giúp ta giảm stress, lo âu và ngăn không cho ta mạo hiểm. Trên thực tế, điều này không hoàn toàn xấu vì thỉnh thoảng ta cần đến vùng thoải mái của mình (những món ăn quen thuộc như món súp vào một ngày lạnh lẽo chẳng hạn).

Vốn không có gì sai nếu bạn cảm thấy ổn khi sống trong vùng thoải mái cả đời. Nó an toàn, đảm bảo và tôi không thể trách bạn được. Thực chất bạn có thể dừng đọc tại đây nếu muốn. Phần còn lại chắc không mấy hữu ích cho bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn đang có ý định liên tục phát triển, thử thách bản thân và trải nghiệm một chút cảm giác khó chịu thì xin hãy đọc tiếp.

Đối với bất kỳ ai muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, thứ bạn cần là khả năng đón nhận những điều không chắc chắn, vốn xuất hiện khi ta bước ra khỏi vùng thoải mái và tập thích nghi với thay đổi.

3. Làm Thế Nào Để Dễ Thích Nghi Hơn

Bạn đã biết rõ về vùng thoải mái, vốn an toàn, yên ổn, vô lo, quen thuộc, dễ dàng và đáng tin cậy. Trong đó có đầy ắp những món ngon mẹ nấu, chiếc giường ấm áp với cái gối yêu quý của bạn. Xung quanh vùng thoải mái là những nơi như:

Vùng Học Hỏi. Đây là nơi mà những ước mơ, hoài bão và mục tiêu của bạn vui vẻ rong chơi. Nơi đây có sự kích thích, đôi khi một chút nguy hiểm, thử thách, đầy ắp cơ hội và khả năng.

Vùng Hoảng Loạn nằm ngay bên ngoài Vùng Học Hỏi. Đây là nơi sự nản chí, mệt mỏi, lo âu và stress tấn công bạn. Nó giống như khi kẻ xấu tụ tập mà nếu không có việc gì cần thì bạn hoàn toàn không muốn đến.

Vùng Phép Màu nằm ngay bên ngoài Vùng Hoảng Loạn. Đây là một mảnh đất huyền bí mà không ai thực sự biết rõ. Bạn nghe lời đồn đại về sự tuyệt vời của nó nhưng không ai thực sự đã gặp được người từng đặt chân đến đó.

Nhiều người muốn bước sang Vùng Phép Màu, nhưng rồi nhận ra nó đòi hỏi họ phải nỗ lực nhiều đến mức nào và quyết định bỏ cuộc. Ta ngừng cố gắng khi nghĩ về một số trở ngại mình phải đối mặt (nằm trong Vùng Hoảng Loạn) để đến được Vùng Phép Màu.

Nhà đào tạo doanh nghiệp hàng đầu Gary Gagliardi nói rằng để đặt chân lên Vùng Phép Màu, ta phải thích nghi, và việc ấy đòi hỏi lòng dũng cảm, sự bền bỉ và dám thử nghiệm.

Tôn Vũ, tác giả của Binh Pháp Tôn Tử nói rằng để bước sang Vùng Phép Màu, bạn phải chuẩn bị tâm lý đón nhận bất kỳ chuyện gì, đồng thời chấp nhận rằng bạn không thể biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước.

Khoa học thực nghiệm nói rằng ta nên không ngừng tìm cách để bác bỏ chính mình, nhằm tìm ra những nguyên lý, giải pháp, kết quả tốt đẹp và hữu ích hơn.

Trong cuốn sách Everday Survival, tác giả Lawrence Gonzles cho biết ta có thể xem xét khả năng thích nghi với bất kỳ tình huống hay thay đổi nào theo 4 cách:

1. Sẵn sàng tìm kiếm và thấu hiểu: Tìm gặp những con người, văn hóa, tôn giáo và nguyên tắc khác nhau; thoát khỏi những gì bản thân cho là đúng và sẵn sàng thừa nhận mình cũng có lúc sai lầm. Tôi không thể diễn đạt điều đó tốt hơn Vera Nazarian trong tác phẩm Perpetual Calendar of Inspiration: “Sự thật là mọi người đều vô tri, theo cách này hay cách khác. Sự vô tri là bí mật sâu thẳm nhất của chúng ta. Và đó là một trong những thứ đáng sợ nhất trên đời, vì những người vô tri nhất cũng thường là những người không biết hay không muốn thừa nhận điều ấy. Sau đây là một bài kiểm tra nhanh: Nếu bạn chưa bao giờ thay đổi ý kiến về nguyên tắc nền tảng nào đó trong niềm tin của mình, nếu bạn chưa bao giờ đặt nghi vấn về những thứ cơ bản, và nếu bạn không mong muốn làm như vậy, thì có thể bạn là một kẻ vô tri. Trước khi quá muộn, hãy nhảy ra khỏi chiếc ao của mình và tìm gặp ai đó mà bạn nghĩ là có niềm tin, quan niệm hay xem xét sự việc theo một cách rõ ràng và khác biệt với bạn, và hãy trò chuyện với họ thật chân thành. Việc ấy sẽ tốt cho cả hai.”

2. Đôi khi bạn cần bỏ đi kịch bản đã soạn sẵn trong đầu: Kịch bản trong tâm trí là những thói quen tự động giúp cuộc sống dễ dàng hơn, vì bạn không bao giờ thực sự phải nghĩ khi hành động nữa. Nó loại bỏ quá trình suy xét và khiến mọi việc trở nên tự động, giống như việc cột dây giày, con đường đến chỗ làm hay thức ăn mà bạn ăn. Hầu hết những điều này thật thuận tiện cho ta, trừ khi bạn đang cần phải thay đổi. Khi ấy, những thói quen hay lề lối này rất khó bỏ. Và thật không may, cuộc sống lại thường hay đòi hỏi bạn loại bỏ nó.

3. Tự “bắt quả tang”: Bạn đã bao giờ nói chuyện với ai đó và gần như lập tức phủ nhận ý kiến của họ về một chủ đề chỉ vì nó trái ngược với ý kiến của bạn chưa? Bạn phải tự nhìn ra điều này và ý thức được lý do vì sao mình lại “xù lông nhím” như vậy. Tranh luận không phải là cơ hội để chứng minh bản thân đúng, mà là để học hỏi và hiểu được nguồn gốc những quan điểm của đối phương.

4. Tin rằng mình có thể thích nghi: Não bộ của bạn được trang bị sẵn khả năng thích nghi. Thông qua tính co giãn của nơ-ron, các dạng năng lực trí tuệ, trí nhớ và khả năng học hỏi được xác định là có thể cải thiện theo thời gian. Do đó về căn bản, bạn đã được trang bị đầy đủ cho việc thích nghi.

5. “Trăm hay không bằng tay quen”: Đúng vậy, hãy rèn luyện việc thích nghi bằng cách xây dựng thói quen thích nghi. Thực hiện những hành động nhỏ để phá vỡ thói quen cũ mỗi ngày. Chọn con đường khác đến chỗ làm, chuyển sang ăn chay trong một tháng, thử những món ăn mới, khi thay đồ hãy cho chân kia vào ống quần trước, đổi kiểu tập thể dục, ăn trưa với người bạn khác hay thậm chí với một người lạ.

6. Tập thể dục thường xuyên: Thật đó, tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để rèn luyện khả năng thích nghi. Bằng việc thường xuyên luyện tập, bạn đang phá vỡ những thớ cơ của mình để ép nó phải lành lại, phát triển và trở nên dẻo dai hơn, nhằm thích ứng với cường độ vận động gia tăng.

7. Biết dành thời gian để cân nhắc lựa chọn nhưng cũng biết ứng phó thật nhanh: Lập phương pháp ra quyết định nhưng đôi khi cũng hãy hành động theo trực giác. Quan trọng hơn, bạn hãy ghi chú lại và đánh giá xem cách nào hiệu quả với mình hơn.

8. Tạo ra vấn đề thay vì chờ đợi nó xảy ra: Lường trước thất bại nhưng mong đợi thành công. Việc ý thức được những rắc rối có thể xảy ra sẽ giúp bạn chuẩn bị trước. Thay vì phải vò đầu nghĩ cách giải quyết gấp rút, sẽ rất tốt nếu bạn nghĩ về khó khăn mình có thể sẽ đối mặt và lên kế hoạch ứng phó. Những rắc rối nào có thể xuất hiện khi bạn đang cố gắng bắt tay vào tập thể dục? Điều gì có thể cản trở tiến độ của bạn khi đang cố gắng hình thành thói quen ăn uống lành mạnh? Nếu bạn nhận công việc mới này, những thứ gì sẽ phải thay đổi?

9. Nắm rõ các quy tắc là điều quan trọng, nhưng biết khi nào nên phá vỡ nó thì thậm chí còn quan trọng hơn: Trong cuốn sách The Big Picture: Essential Lessons From The Movies, có một ví dụ minh họa về Babe – chú heo chăn cừu. Babe không thành công nhờ hành động theo cách một chú heo vẫn làm, mà thông qua việc phá vỡ quy tắc ấy để hành xử có kiểu cách, lịch sự và mang một cái nhìn tích cực. Babe chính xác là phiên bản đối lập với những gì bạn trông đợi từ một con heo. “… Henry Ford, cha đẻ của ô-tô hiện đại, nhà sáng lập Ford Motor Company và là người đã nghĩ ra cách lắp ráp theo dây chuyền, là nhà lãnh đạo doanh nghiệp cực kỳ độc đáo. Ông đã thách thức thời bấy giờ (và các nhà đầu tư) bằng việc quyết tâm sản xuất ô-tô giá rẻ cho thị trường đại chúng. Ông trả lương nhân viên cao hơn rất nhiều so với mức lương thông thường ở thời điểm ấy, tạo ra thứ ông gọi là “động lực lương bổng”, nhờ đó thu hút và giữ được một lực lượng lao động hùng mạnh. Là người ủng hộ “chủ nghĩa tư bản phúc lợi”, Ford quan tâm về đời sống nhân viên nhiều đến lạ thường, ông đòi hỏi họ phải sống theo quy tắc được “Ban Xã hội học” do ông đề ra, vốn kiểm soát cách nhân viên sử dụng khoảng thời gian rỗi. Chiến lược mạo hiểm của ông sinh lợi, và Ford Motor Company đã giúp phác họa nên bức tranh đô thị thời hiện đại…” – Businesspundit.com

10. Đừng phí năng lượng vào mọi thử thách: Hãy để dành sức cho những điều thực sự lớn lao và quan trọng. Sao lại phải phá vỡ một số chướng ngại trong khi ta chỉ cần đi vòng qua nó? Hãy để dành năng lượng cho chuyện lớn vốn không có đường tắt.

Lời Kết

“Sinh vật sống sót không phải sinh vật khỏe nhất hay thông minh nhất mà sinh vật ứng phó với biến đổi giỏi nhất.” – Charles Darwin.

Mọi tình huống hiếm khi có kết cục hoàn hảo, nhưng bạn có thể tạo ra những trải nghiệm thú vị hơn cho bản thân bằng cách áp dụng sức mạnh từ sự thích nghi.

Chúng ta là sinh vật không ngừng tiến hóa. Đừng chống lại điều đó mà thay vì vậy, hãy đón nhận nhiều thay đổi, trải nghiệm và những bài học mà ta đang học hỏi mỗi ngày.

Hãy giải phóng mọi giới hạn mà bạn đã đặt ra cho chính mình. Có vô vàn tấm gương làm được các việc phi thường và vượt qua các thử thách lớn. Nếu nhìn vào những gì bạn đã trải qua, tôi chắc rằng bạn cũng sẽ tìm thấy một vài chiến tích của riêng mình.

Trong cuốn sách Adaptability: The Art of Winning in an Age of Uncertainty, tác giả Max McKeown đề cập rằng con người có xu hướng cam chịu những hoàn cảnh tệ hại hay tình thuống không vui, đơn giản vì đó là những gì họ vốn luôn biết đến hoặc thật sự đã trở nên thoải mái với nó.

Hãy tạo đột phá bằng cách thích nghi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *