Tạ Minh Tuấn không còn là cái tên xa lạ với các bạn trẻ khởi nghiệp. Chàng sinh viên Bách Khoa năm nào giờ đã trở thành Chủ tịch sáng lập, CEO HELP International – Mô hình đi đầu về Mô hình “Bác sĩ riêng – Y tế tại nhà” tại Việt Nam.
Những hoàn cảnh đưa Tạ Minh Tuấn đến với kinh doanh dường như là cái “duyên” trời định để anh đào sâu vào cuộc hành trình khám phá chính mình. Vì câu trả lời cần thiết cho mọi vấn đề đều ở bên trong chính mình.
1.Kĩ sư và kinh tế
Tạ Minh Tuấn sinh ra trong gia đình có truyền thống học tại Đại học Bách Khoa, anh chị ruột học Bách Khoa, ba mẹ anh là giáo viên và cũng hướng anh học ĐH Bách khoa. Khi ấy, anh cũng nghĩ mình thuộc về… Bách Khoa. Tạ Minh Tuấn chia sẻ: “Với tôi, khi ấy từ kỹ sư rất là thiêng liêng và nó khiến tim mình rung động nên tôi tưởng mình thuộc về nó. Sau khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh rất kỹ, tôi tìm thấy ngành Kỹ thuật hệ thống Công nghiệp, trực giác mách bảo đó là nghề nghiệp của mình vì tôi nhận ra mình là người có tư duy hệ thống”.
Tuy nhiên, khi đi học anh nghỉ học rất nhiều để lo nhiều việc bên ngoài. Đến sát kì thi, anh đọc sách cộng với áp dụng kiến thức thực tế để làm bài. Kết quả là anh luôn đạt điểm cao trong lớp, thậm chí có khi cao nhất lớp nên vẫn được bầu làm lớp trưởng. Đạt điểm cao mà không tốn nhiều công sức, trong khi các bạn khác học rất vất vả nhưng điểm không cao, Tuấn nhận thấy khác biệt là do phương pháp và ngành học không hợp. Từ đó, anh rút ra bài học: Nếu có phương pháp phù hợp và chọn lựa môi trường phù hợp, chúng ta có thể áp dụng quy tắc nỗ lực tối thiểu mang đến kết quả tối đa.
Sau đó, anh nghỉ học trên lớp để xin thực tập tại một công ty về xây dựng và khởi nghiệp riêng. Năm 19 tuổi, anh cùng bạn xây dựng mạng xã hội sự kiện nhưng thất bại, sau đó điều chỉnh công ty chuyển hướng sang làm Digital Marketing Agency. Thời gian này, anh phải gặp nhà đầu tư, mời gọi vốn và bận rộn với công việc kinh doanh bên ngoài, nên anh có chút tiếc nuối vì không có đời sinh viên trọn vẹn. Nhưng trái lại, anh được nhìn thế giới rộng lớn hơn, kiểm chứng kiến thức mình đã học với thực tế.
2.Thành công bền vững
Sau nhiều năm khởi nghiệp kinh doanh và trải nghiệm thương trường, Tạ Minh Tuấn đã khám phá và đúc rút về thành công bền vững. Anh chia sẻ: “Chúng ta không có thành công bền vững cho đến khi thấu hiểu bản thân mình. Tuy nhiên, đây là điều có khi mất cả đời mới làm được vì chúng ta luôn phải liên tục hủy diệt cái cũ để có chỗ cho cái mới, liên tục tái tổ hợp các kĩ năng bên trong để sáng tạo con người mới”.
“Tuy nhiên, nếu ở tận cùng con đường, mình để lại một thứ gọi là di sản cho người khác, thì dù hiện tại mình không có thành công bền vững, nhưng đang hướng đến thành công bền vững. Di sản truyền cho người khác để tiếp nối. Không có gì tồn tại mãi mãi, tất cả sinh ra, diệt đi và xuất hiện dưới một hình thức khác ở một không gian, thời gian khác, do người khác thực hiện. Đó là vô thường mà cũng là triết lý của tôi về thành công bền vững.” – Tuấn bộc bạch thêm.
Khi hỏi Tạ Minh Tuấn về có sự đúng, sai trong các lựa chọn của bản thân mỗi người hay không? Anh cho rằng khi chúng ta mở một cánh cửa sai nhưng bằng cách nào đó, ta tiếp tục tin tưởng và dấn thân thì nó sẽ dẫn mình đến một cánh cửa đúng. Nhiều bạn trẻ ngày này thích Marketing nhưng học ngành liên quan đến tài chính. Khi ra trường, các bạn ấy học khóa ngắn hạn và đọc sách về Marketing rồi hệ thống hóa, đúc kết thành những lý luận thực tiễn cộng với chuyên môn tài chính và tái tổ hợp kĩ năng có sẵn cùng các kiến thức mới, các bạn sẽ có được kỹ năng “Marketing định lượng”. Và đó là một thế mạnh vì khi làm Marketing dễ rơi vào sự bay bổng trong khi nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp luôn cần “Lợi nhuận đầu tư”.
Theo Tạ Minh Tuấn: Cho dù mình làm điều gì đó chưa phù hợp, nếu vẫn dấn thân sẽ luôn có đường dẫn mình đến điều phù hợp. Sẽ có lựa chọn đúng hoặc sai nhưng mình phải thử, nếu sai thì sửa sai để trở thành đúng. Tuy nhiên, nếu lựa chọn sai, các bạn sẽ lãng phí thời gian, tưởng tượng một bạn sinh viên lãng phí 4 năm đại học, với 1 triệu bạn sinh viên đều như vậy thì đó là tổn thất khổng lồ của cả xã hội. Tuy nhiên, anh cũng an ủi các bạn sinh viên: “Đời còn dài, lựa chọn còn nhiều, các bạn luôn có cách sửa chữa cuộc đời mình. Đừng nuối tiếc quá khứ mà hãy sống hết mình với hiện tại”.
3.Câu trả lời cần thiết cho mọi việc đều ở bên trong
Khi được hỏi: “Sinh viên ngày nay ra trường nên làm công hay khởi nghiệp?”, Tuấn cho rằng làm gì cũng chẳng quan trọng, quan trọng là làm điều bạn có đam mê, có thế mạnh, phù hợp nhu cầu xã hội, đúng luật pháp, đạo đức, tạo giá trị tối đa từ công việc đó. Từ đó, các bạn sẽ xác định được điều mình muốn làm.
Giới trẻ ngày nay bị khủng hoảng về niềm tin và hệ giá trị. Ngoài thị trường, thực phẩm bẩn, gạo có thể bị tẩy trắng, phở bị ướp hóa chất, trái cây bị tiêm thuốc thúc chín… Nhiều người đang lừa dối lẫn nhau để tạo ra lợi nhuận. Và người chịu đựng chính là giới trẻ – thế hệ tiếp quản đất nước. Nhân gieo không tốt thì quả cũng chẳng lành. Giới trẻ ngày nay bị khủng hoảng hệ giá trị, không định hướng được cuộc đời, không biết mình sống vì điều gì, “không biết đến trái đất để làm gì”, không biết ước mơ, điểm mạnh, mục tiêu cuộc đời là gì.
Thế giới này phân cực rất rõ, một bên là người nghèo, có hơn 1 tỷ người tồn tại mà chỉ được phép tiêu xài không quá 1 đô-la mỗi ngày, đó không phải là công thức cho hòa bình. Và một bên là người giàu, bị thừa mứa vật chất và bị các giá trị vật chất chia cắt khỏi con người thật của mình, rồi mờ mắt trước giá trị ảo. Nhiều bạn trẻ nghĩ vật chất chi phối tất cả mọi thứ. Theo Tạ Minh Tuấn, người trẻ cần tìm kiếm câu trả lời “từ bên trong” nhiều hơn.
Tất cả mọi thành công bền vững đều từ bên trong. Các câu trả lời cần thiết cho mọi vấn đề đều ở bên trong chứ không phải bên ngoài. Tất cả vĩ nhân đều làm tốt một điều là hiểu về chính mình. Đó là cuộc chiến để tiêu diệt sự giả tạo tiềm ẩn bên trong con người. Có nhiều cách để đi vào bên trong, như Thiền, hay tu tập, vì mục tiêu của mọi tôn giáo là khiến con người đoàn kết, giải phóng, yêu thương, có được tự do. “Hãy thực hiện 1 cuộc cách mạng tinh thần, hãy đi sâu, khám phá bên trong tìm điều “nguyên thủy nhất” của con người. Khi chạm đến điều nguyên thủy nhất, chúng ta có thể sáng tạo ra con người khác nhưng mình vẫn là chính mình” – Minh Tuấn tâm sự.
Bài phỏng vấn Đại sứ người Việt trẻ
Phóng viên: Trương Bá Anh Tú