– Chào anh, được biết anh là một trong 30 người Việt trẻ thành đạt dưới tuổi 30 được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Từ lúc đoạt danh hiệu này đến giờ, anh cảm thấy như thế nào?

Khi biết kết quả bình chọn tôi cảm thấy rất vui, và đã “High Five” với tất cả cộng sự trong công ty. Sau khi bình lặng lại một chút, tôi nhận ra cảm xúc thật sự của mình là trân trọng và biết ơn. Tôi đang thực hành lòng biết ơn của mình với cuộc sống, với tất cả những sự kiện đã từng xảy ra trong cuộc đời tôi, những thành công, thất bại, những niềm vui nỗi buồn, những bài học trăn trở, những người thầy đã dìu dắt mình, gia đình, tình yêu, bè bạn.

HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công

– Trong danh sách “30 người dưới 30 tuổi nổi bật nhất 2014” được công bố đều là những người còn rất trẻ. Là một người trong số đó, anh có suy nghĩ gì về khả năng (tài năng, trí tuệ, đam mê) của thế hệ trẻ dưới 30 tuổi ngày nay?

Họ đều là những người còn rất trẻ và đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngày nay, thế giới đã “phẳng” hơn rất nhiều nhờ vào sức mạnh của Internet và công nghệ. Do vậy việc thế giới chào tạm biệt những “thần tượng” cũ, để mở lối cho những “thần tượng” mới xuất hiện, cũng diễn ra nhanh chóng hơn. Thế hệ trẻ bây giờ rất giỏi, cũng có nhiều lợi thế, nên họ cũng có nhiều áp lực để chứng tỏ bản thân, chứng tỏ với các thế hệ đi trước, sớm trưởng thành để gánh vác được trách nhiệm phát triển đất nước. Theo tôi, cái mà những người thuộc thế hệ trẻ dưới 30 tuổi cần là thời gian.

– Theo suy nghĩ của nhiều người: Để đạt được thành công, đều phải trả một cái giá tương xứng. Anh có nghĩ việc mình lọt “top” “30 gương mặt trẻ nổi bật nhất năm 2014” là xứng đáng?

Phần thưởng quý giá nhất dành cho những ai bỏ nhiều công sức đầu tư vào công việc không phải là kết quả họ đạt được mà chính là sự trưởng thành của họ sau hàng loạt những nỗ lực đó.

Nếu như bản thân tôi đã có sự trưởng thành, sự phát triển cá nhân, thì việc mình trở thành “Top 30 Under 30” cũng xem như một cột mốc trong cuộc đời của mình.

Thông thường khi nhìn vào một người đã gặt hái nhiều thành công, chúng ta thường chỉ nhìn vào ánh hào quang của họ, mà quên mất họ đã phải bỏ ra nhiều công sức và nỗ lực như thế nào.

Có một bạn đến nói với tôi rằng: “Em muốn được như anh. Em phải làm sao?”

Tôi trả lời: “Em có sẵn sàng trải qua những gì mà anh đã từng trải qua để được như anh không?”

Bạn ấy im lặng.

HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
Doanh nhân Tạ Minh Tuấn đạt được nhiều giải thưởng kinh doanh uy tín

 

Với tôi thì đến cuối năm 2014, thành quả lớn nhất của tôi là: Vượt qua chính mình.

Đầu óc của chúng ta giống như một khu vườn: thường xuyên nhổ cỏ, gieo hạt giống tốt, chăm sóc nó bằng ánh sáng mặt trời, nước sạch, dinh dưỡng… Đừng để mặc nó cho sự phá hoại sinh sôi, nhân rộng. Điều này đòi hỏi cần có nghị lực, cam kết và tính kỷ luật.

Hầu hết mọi người đều không thực hiện được giấc mơ không phải vì họ thiếu khả năng, mà bởi vì họ không thực hiện được những cam kết đã đề ra. Không bao giờ một người vô kỷ luật lại trở thành một nhà vô địch. Điều đó đúng trong bất cứ lĩnh vực nào.

Nên tôi nghĩ rằng: Nghị lực buộc ta dậy khỏi giường. Cam kết buộc ta phải hành động. Kỷ luật giúp ta hoàn tất mục tiêu.

Những thói quen có ích này được rèn luyện và “mài sắc” thêm trong năm 2014, đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong năm 2015.

– Nếu tổng kết từ năm 2014 đến thời điểm hiện tại năm 2015 của mình trong một câu nói ngắn gọn, anh sẽ nói câu gì?

Buông bỏ đi để nhận được nhiều hơn những giá trị phù hợp hơn.

– Anh có thể bật mí kế hoạch và dự định của mình trong nửa sau năm 2015 là gì?

Tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh doanh của mình hiện nay tại các thị trường mới. Tuy vậy, tôi cũng có kế hoạch “buông xả” – tạm nghỉ ngơi và giao việc điều hành lại cho Team trong một thời gian. Đây sẽ là giai đoạn tôi sử dụng để “tự mình trải nghiệm với chính mình” và tái tạo nguồn năng lượng đến từ bên trong. Nói ra hơi khó hiểu một chút vì tôi không muốn chia sẻ ra quá sớm, nhưng mục đích của việc này là vì tôi muốn tiến gần hơn đến với sự thật về con người mình, nên cần tiếp tục rèn luyện, và đó cũng là cách để tôi có thể trở nên mạnh mẽ hơn.

“Up or Out”. Bạn chỉ có 1 trong 2 lựa chọn đó là tiến lên hoặc là bị loại bỏ. Vì tầm thường là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với một cá nhân hay tổ chức.

– Anh còn rất trẻ nhưng đã khởi nghiệp và kinh doanh từ sớm (khi đang học ĐH). Vậy bằng kinh nghiệm của mình, khi ra một quyết định hoặc giải quyết một vấn đề, anh thường sử dụng lí trí hay sự mách bảo bên trong? Tại sao anh lại lựa chọn điều đó?

Ngày xưa thì tôi thiên nhiều về lý trí và số liệu thực tế. Vì số liệu không biết nói dối chúng ta. Hiện giờ tôi thiên nhiều về trực giác hơn. Tôi nghĩ rằng trực giác là thứ có thể học được. Nếu một người doanh nhân có rất nhiều đam mê và để trọn vẹn cái tâm của mình vào trong lĩnh vực đang làm, cộng với việc theo dõi dữ liệu liên tục và đi sâu đi sát vào diễn biến của thị trường, qua thời gian anh ta sẽ rèn luyện được cho mình một “tiếng nói bên trong” – “sự mách bảo của trực giác” dành cho loại thị trường đó. Đó là kết quả của việc nỗ lực không ngừng. “Trực giác” là một dạng thói quen có thể rèn luyện được.

– Là một doanh nhân trẻ nhưng có nhiều trải nghiệm trong kinh doanh, anh chia sẻ điều gì tâm đắc đối với các bạn trẻ đang khao khát thành công bền vững và tạo ra giá trị cho cộng đồng?

Tôi nghĩ rằng sai lầm lớn nhất của cuộc đời là cố gắng trở thành một ai đó không phải là mình.

Mục đích của con người là trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình. Trên hành trình đó, chúng ta cần phải luôn nhớ là còn có sự hiện diện của những người đồng đội xung quanh.

Dù có mạnh mẽ đến đâu, đừng có bao giờ tự mình gánh vác hết tất cả mọi thứ, bằng không, sẽ cầm chắc thất bại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *