Khi nói đến khái niệm xã hội, rất nhiều doanh nghiệp hay nghĩ đến việc làm từ thiện. Nhưng có một doanh nhân rất trẻ đã xác định lấy mục tiêu xã hội làm lẽ sống, triết lý kinh doanh, sự nghiệp và niềm đam mê của chính mình. Đó là doanh nhân xã hội Tạ Minh Tuấn.
Ấn tượng với hai giải thưởng danh giá đều do các tổ chức uy tín bình chọn vốn dành cho doanh nghiệp tầm cỡ, bất cứ ai trao đổi với Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch sáng lập – CEO, HELP International, sáng lập YUP Insitute đều thấy những điều bất ngờ và đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, không chỉ bởi khả năng truyền cảm hứng và đầy năng lượng của một doanh nhân, diễn giả, mà bởi những khái niệm và ý tưởng hoàn toàn mới ẩn chứa trong một khát vọng lớn, khát vọng thay đổi thế giới từ những tư duy tích cực.
Tại sao bạn lại chọn giáo dục và y tế để kinh doanh trong khi những người trẻ khác thường chọn những lĩnh vực thời thượng hơn như thời trang, giải trí hay dễ thấy nhất là mở quán kinh doanh cà phê?
Tôi quan niệm, trước khi làm bất cứ một điều gì cũng cần phải xem xét rằng, điều đó có phù hợp với mục tiêu của mình hay liệu mình có đủ “duyên” với nó hay không và nó sẽ mang lại những tác động xã hội tích cực gì? Vì việc muốn làm thì có cả nghìn việc, ý tưởng rất nhiều, dự án để đó cũng không ít, chỉ thiếu người làm. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, nên chúng ta đều có những tiêu chuẩn của riêng mình để xác định đâu là ưu tiên, đâu là điều quan trọng cần làm? Chặng đường dài phải bắt đầu từ những bước chân nhỏ. Nhưng bước chân nhỏ phải hướng về mục tiêu, chứ cứ bước lang thang thì cũng dễ thua.
Nhiều người nói rằng, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực “siêu lợi nhuận” và cũng đã có không ít đại gia trong lĩnh vực này? Bạn nghĩ sao về điều này?
Thật ra, nhận xét như vậy là chưa toàn diện. Đây là hai lĩnh vực mà khối tư nhân còn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với tôi, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực có “sức ỳ” lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Tôi nghĩ rằng, có những việc người khác đã làm, họ đã làm tốt và có thể làm tốt hơn nữa, vì vậy hãy cứ để cho họ làm và ủng hộ. Còn những việc ít người chịu làm, có thể vì nó khó, có thể vì nó chưa hấp dẫn, nhưng nếu làm được sẽ mang lại nhiều giá trị cho xã hội mà mình lại có duyên với những việc đó, mình có thể làm được thì tại sao lại không làm? Cha mẹ tôi đều là nhà giáo, nên bản thân tôi cũng có sẵn “gen”, vì vậy không sớm thì muộn tôi cũng đi trên con đường giáo dục. Nhất là khi đã tìm ra con đường của riêng mình, tôi muốn tạo ra một lối đi tắt cho những người trẻ tuổi có khát vọng và sự dấn thân.
Vì sao bạn lại có ý tưởng xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà? Bạn có dự báo gì về xu hướng “riêng”, hay cá nhân hóa không chỉ riêng trong lĩnh vực y tế?
Tôi có người thân trong gia đình bị bệnh, từ đó bén duyên với ngành y, mong mỏi sáng lập ra một mô hình y tế dự phòng giúp phòng bệnh cho xã hội. Sứ mệnh của tôi là giúp cho mô hình này phổ biến tại Việt Nam, được sự ủng hộ tích cực của nhà nước, cộng đồng. Cho đến nay, có thể nói tôi đã phần nào hoàn thành sứ mệnh này và đã chuyển tiếp sang một sứ mệnh mới.
Nhìn sang nước Mỹ, chi phí y tế mỗi năm tăng 9%, chiếm 20% GDP của nước này. Ai phải chịu những chi phí này? Người bệnh chăng? Thay vì vậy, chúng ta có thể nghĩ khác. Có cách nào giảm chi phí? Ngày nay trong y tế, người bệnh không còn đứng ngoài, họ tham gia rất chủ động vào việc chữa trị của mình. Việc giúp cho cả người bệnh và bác sĩ riêng được cập nhật những thông tin cá nhân hóa của người bệnh là điều cần thiết để dự báo, ngăn ngừa bệnh tật, từ đó tiết kiệm 20-100 lần chi phí điều trị – cấp cứu.
Xu hướng này không chỉ cần thiết trong lĩnh vực y tế mà gần như mọi lĩnh vực. Nhanh nhất và dễ thấy nhất là những lĩnh vực có liên quan đến Internet (mà ngày nay có lẽ hiếm còn ngành nào không liên quan đến Internet nữa). Khi bạn vào Facebook hay sử dụng công cụ tìm kiếm của Google… những gã khổng lồ luôn có sẵn những thông tin cá nhân hóa của bạn để kịp thời giới thiệu những thông tin mà bạn cần. Điều đó vừa tuyệt vời, nhưng cũng có những mặt trái của nó, giống như một tương lai trong bộ phim “Big brother is watching you” vậy.
Sáu chữ vàng trong khởi nghiệp
Được biết đến là một chuyên gia hàng đầu về “khởi nghiệp thông minh” bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm tối thượng trong khởi nghiệp?
Tôi có 6 nội dung mà bản thân mình đã phát triển thành một công cụ do mình giữ bản quyền, tôi gọi là “Công cụ Khởi nghiệp Thông minh”. Để phân tích kỹ thì sẽ mất nhiều thời gian, nên ở đây tôi tóm tắt thành 6 ý như sau: 1. Dự án kinh doanh này có phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay và trong tương lai hay không? (Market); 2. Bạn có một lợi thế cạnh tranh rõ rệt với dự án kinh doanh này? (Competence); 3. Nó có phải là đam mê của bạn hay không? (Passion); 4. Nó tạo ra tác động xã hội gì, tích cực hay tiêu cực? (Social Impact); 5. Bạn đã nắm rõ những điều kiện pháp lý cần và đủ để kinh doanh trong hiện tại và mở rộng mô hình trong tương lai? (Legal); 6. Mô hình kinh doanh này của bạn có khả năng nhân rộng hay không? (Scalability).
Vậy doanh nhân xã hội thì có gì khác? Họ sẽ định hướng hoạt động cuộc sống và kinh doanh của mình theo những giá trị nào?
Thế giới ngày nay có rất nhiều vấn đề đang chờ đợi chúng ta cùng nhau giải quyết: sự yếu kém của giáo dục, cơ hội chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, bình đẳng giới, giải quyết việc làm cho người khuyết tật, đào tạo kỹ năng sống cho trẻ đường phố, giảm ô nhiễm môi trường… Có rất nhiều “hệ thống” đang được vận hành và thoạt nhìn thì có vẻ như đã đạt đến trạng thái cân bằng, nhưng thực ra lại đang “sản xuất” ra khá nhiều vấn đề cho xã hội.
Ở góc độ kinh doanh, nơi nào có vấn đề, nơi nào có nhu cầu, nơi đó có cơ hội. Nhưng khi doanh nhân xã hội tìm ra sự “trục trặc” của một hệ thống nào đó trên thế giới này, thay vì điều chỉnh bản thân với hiện trạng, họ lại cố gắng tìm cách biến đổi hệ thống sang một trạng thái khác – một trạng thái hoạt động tốt hơn. Những cố gắng của các doanh nhân xã hội đều mang tính biến đổi, không phải là một sự xoa dịu với sức mạnh tạo nên chất xúc tác giúp định hình tương lai.
Những người thành công là những người thích ứng với sự thay đổi, làm chủ sự thay đổi và giúp người khác cùng thay đổi một cách chủ động. Vì vậy tôi cho rằng, trong cuộc sống và trong kinh doanh, các doanh nhân xã hội đều hướng đến giá trị của những thay đổi tích cực – những thay đổi có thể mang đến giải pháp đột phá cho một nan đề đang tồn tại trong xã hội và đôi khi cách mà họ tạo ra những thay đổi đó lại hết sức… phi lý. Nhưng đó lại là sức mạnh của họ. Họ đặt mục tiêu tối thượng là giải quyết các nan đề của xã hội lên cao hơn mục tiêu tiền bạc. Tất nhiên, tiền bạc là một trong những thước đo và giải pháp của họ phải đủ hiệu quả để có thể “tái tạo” lại tiền bạc.
Cùng một lúc bạn nhận được 2 giải thưởng liên quan tới “doanh nhân xã hội” do những tổ chức rất uy tín bình chọn. Những giải thưởng này là “hữu xạ tự nhiên hương” hay là mục tiêu của bạn?
“Doanh nhân xã hội” chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn là khi chúng ta xem đó là hoạt động của công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu mà bản chất của việc này cũng là tối đa hóa lợi nhuận. Thực chất, “doanh nghiệp xã hội” không nằm ở quy mô lớn hay nhỏ mà nằm ở mục tiêu tối thượng mà doanh nghiệp hướng tới: tối đa hóa lợi nhuận hay tối đa hóa tác động xã hội.
Trước đây, người ta hay nhắc đến sự đánh đổi (trade-off), ví như hoặc là lợi nhuận, hoặc là đạo đức. Ngày nay, tôi cho rằng, các doanh nghiệp thành công là các doanh nghiệp mang lại “giá trị kép” (trade-on) hay như trước đây chúng ta nói tới mô hình win-win. Ví dụ, ở Trung Quốc, khi Alibaba thành công, họ cũng giúp cho nông dân bán được rất nhiều sản phẩm trên kênh thương mại điện tử của mình. Viettel khi là một ông lớn, tổng giám đốc của họ tuyên bố là muốn sử dụng sức mạnh của công nghệ để cả nước được tiếp cận với chất lượng giáo dục cao nhất. Đó là những điển hình về những doanh nghiệp càng quan tâm đến xã hội thì càng thành công và ngược lại.
Nhiều năm tới, sẽ không còn sự phân biệt giữa các doanh nghiệp xã hội với hầu hết các công ty lớn ngày nay – đó là điều không thể thiếu cho sự tiến bộ của giới kinh doanh.
Về những ghi nhận của xã hội đối với tôi gần đây, tôi muốn nói rằng, hãy cứ đi trên con đường của mình và trên con đường đó mình sẽ đón nhận những “hoa trái” đến, như là kết quả cho những nỗ lực xứng đáng. Hãy cứ thuận theo tự nhiên thôi!
Xin cảm ơn bạn!
Nguồn: Tạp chí Doanh Nhân
http://doanhnhanonline.com.vn/thuan-theo-tu-nhien/