Chỉ mới làm quen với cà phê, nhưng Trần Nhật Quang (35 tuổi, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy chế biến và xuất khẩu cà phê vào các thị trường khó tính như Nhật, Đức, Mỹ…

ca-phe

Nhà máy chế biến cà phê của Quang ở Đà Lạt

Phải hiểu cà phê

“Để làm ra cà phê ngon thì trước hết mình phải am hiểu tường tận về cà phê, từ trồng, sản xuất, thu hoạch đến chế biến, bảo quản, pha chế và thưởng thức ly cà phê…, nếu không được như vậy thì khó mà phát huy hết giá trị của cây cà phê”, Trần Nhật Quang nói với chúng tôi như vậy khi giới thiệu về sản phẩm cà phê của mình.

Cũng theo Quang, khi xuất khẩu vì biết chất lượng sản phẩm cà phê của mình như thế nào nên tự tin thực hiện, một là chỉ xuất khẩu sang các thị trường khó tính, còn không thì bán ở những thị trường thật dễ tính. Và Quang đã làm được khi chỉ trong 2 năm qua, anh đã xuất hàng chục tấn cà phê nhân sang Mỹ, Đức, Nhật và hiện luôn thiếu hàng cung cấp cho thị trường trong, ngoài nước.

Chỉ mới đây thôi, năm 2013, sau khi công ty Quang “đầu quân” ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) không “sống” được, Quang thuê lại 20 ha cà phê 7 năm tuổi cùng nhà xưởng để làm theo cách của mình. Cùng với đó, Quang còn hợp tác với 21 nông hộ trồng cà phê khác ở TP.Đà Lạt và huyện Lạc Dương chuyển giao kỹ thuật, đầu tư máy móc để họ sản xuất.

Quang tâm sự: “Tổng lực làm như vậy quả thật là mình “liều mạng”, nhưng tất cả đều có cơ sở là sự hiểu biết cả. Bởi năm 2010, sau khi mình nghỉ giảng dạy ở khoa du lịch tại một trường đại học trên địa bàn và đi làm một số nơi, trong đó có làm xây dựng. Cũng may mắn, mình làm xây dựng cho công ty cà phê này rồi làm quản lý ở đây và có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu tường tận về cà phê nên mới có ngày hôm nay”. 

Cũng nhờ vốn tiếng Anh, tiếng Hoa khá tốt, khi làm tại công ty này, Quang tiếp cận được mấy cuốn sách bản tiếng Hoa của tác giả người Nhật Bản, nói về cà phê Việt Nam được sử dụng làm mẫu rang thử và được đánh giá là loại cà phê ngon trên thế giới.

“Đặc biệt hơn, sách còn phác họa một cách chi tiết toàn cảnh bức tranh cà phê trên thế giới; giới thiệu chung về cây cà phê và quy trình sản xuất, phân loại hệ thống các loại cây cà phê, hướng dẫn rang cà phê nhân và sử dụng vận hành máy rang cà phê quy mô nhỏ, rồi cách pha và thưởng thức cà phê… Đồng thời, mình cũng đọc được sách nói chuyên sâu về cà phê đặc sản, dạy cho mình cách thức phân biệt mùi vị, mùi hương, đánh giá chất lượng cà phê như thế nào. Mình hình dung được, mọi thứ rất rõ ràng và suy nghĩ chỉ cần đầu tư bài bản, thực hiện nghiêm túc nên quyết tâm làm”, Quang kể tiếp.

Dựa trên những gì học hỏi được từ sách vở, Quang lang thang đến khắp các vùng trồng cà phê trong tỉnh để tìm hiểu, so sánh, đối chứng và lấy mẫu về thử xem sao. Và Quang phát hiện ra cà phê Arabica ở Đà Lạt có tiềm năng để sản xuất ra cà phê ngon vì đủ các yếu tố về độ cao, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, nhưng do người dân thiếu kỹ thuật canh tác, thu hoạch, cách chế biến, bảo quản nên chất lượng cà phê chưa đạt yêu cầu.

“Mình nghĩ tiềm năng có rồi, chỉ cần đầu tư công sức, kỹ thuật thì sẽ làm được. Hơn nữa, mình phải am hiểu vùng nguyên liệu, vì điều này rất quan trọng, bởi có am hiểu mới đánh giá đúng tiềm năng”, Quang cho biết thêm.

Tự đi xay, pha chế giới thiệu cà phê

Theo lời Quang, ban đầu “vào nghề” gặp muôn vàng khó khăn, vất vả. Chuyện làm ra cà phê ngon, nguyên chất thì Quang đã làm được, nhưng vấn đề thị trường tiêu thụ lại vô cùng gian nan. “Mình gửi hàng đi khắp nơi bán nhưng không ai bán được cả vì lúc ấy công chúng chưa biết nhiều đến loại cà phê này. Do vậy, mới đến tháng 3.2013, mình bị tồn kho đến hơn 20 tấn cà phê nhân, khó càng thêm khó”, Quang cho hay.

Trước tình cảnh ấy, Quang suy nghĩ muốn bán được cà phê này thì phải làm sao để cho cộng đồng biết về nó. “Bắt đầu từ tháng 4.2013, hằng tuần mình gói các mẫu cà phê ngon của Đà Lạt, máy rang mẫu loại nhỏ, máy xay và các dụng cụ pha cà phê đóng vào ba lô trực tiếp mang xuống TP.HCM. Nhờ các quán cà phê của người quen, mình bày hàng và dụng cụ ra rồi ngồi đó trực tiếp xay cà phê, pha chế tại chỗ phục vụ khách hàng uống thử. Bất ngờ, sự việc này thu hút nhiều khách hàng vì họ thấy lạ, họ thấy được quy trình xay và pha chế cà phê tại chỗ rất thú vị nên thử rất nhiều. Dần dần khách thấy quen và bắt đầu tiêu thụ cà phê ngon của mình”, Quang kể.

Cũng theo Quang, năm 2013 anh xuất khẩu chỉ được 6 tấn cà phê nhân, sang năm 2014 xuất đi Nhật, Mỹ, Đức và từ đầu năm đến nay xuất khẩu 18 tấn. Ngoài ra, lượng cà phê anh tiêu thụ trong nước cũng bằng con số xuất khẩu, doanh thu năm 2014 đạt hơn 3 tỉ đồng.

Tháng 8.2013, Trần Nhật Quang thành lập Công ty TNHH Cà phê Là Việt (200 Nguyễn Công Trứ, P.8, TP.Đà Lạt) và đầu tư thêm nhà máy chế biến cà phê Arabica, máy móc thiết bị phục vụ thử, kiểm tra chất lượng cà phê.

Ngay tại vị trí này, Quang mở luôn quán cà phê để giới thiệu cho mọi người biết quy trình sản xuất, chế biến cà phê ngon từ nguyên liệu cà phê Đà Lạt và có thể đối chứng, thử mẫu.

“Mình không có gì giấu bí quyết cả, cà phê ngon này là kết tinh của kiến thức, kỹ thuật và lao động mà có. Cà phê phải phong phú về vị, mùi hương tự nhiên quyến rũ, tinh tế và hậu vị ngọt kéo dài sau khi uống mới là cà phê ngon. Cà phê sau khi xay ra thì pha liền sẽ ngon nhất”, Quang chia sẻ.

Sưu tầm

>> Bài viết hay về Khởi nghiệp

>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh

>> Chương trình Tư vấn Doanh nghiệp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *